Monday, December 16, 2013

Thương quá “thượng đế” ơi !

Mấy ngày qua, dư luận lại sôi lên chuyện bán hàng của Honda Việt Nam (HVN). Báo chí gọi là hiện tượng “loạn giá” khi người tiêu dùng (NTD) phải mua những chiếc xe của “thương hiệu lớn” HVN với giá chênh lên nhiều triệu đồng so với giá đề xuất.


Chỉ trong 1 ngày một đêm, tính từ 7h sáng 9-3-2009, một tờ báo điện tử đã nhận được hơn 9.200 thư và phản hồi của bạn đọc – NTD từ khắp mọi miền đất nước. Con s ố này cho thấy rõ sự quan tâm của NTD đến quyền lợi của mình. Song, họ được đáp ứng đến đâu?


Cách đây chừng gần năm, chính người viết cũng có ý định mua một chiếc Honda Air Blade sau khi được biết giá bán là 28 tri ệu đồng, nhưng đến cửa hàng thì được thông báo giá lên tới 34 triệu đồng, đành phải “ngậm ngùi” chọn hãng khác. Còn mới đây, anh bạn ở tận Quảng Ninh cũng phàn nàn khi phải mua chiếc xe này với giá hơn 33 triệu đồng. Th ế mới thấy chuyện này không phải đến bây giờ mới xảy ra. Dù vậy, từ phía HVN cho đến hôm nay vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng. Trong khi NTD đang chờ một sự giải đáp sòng phẳng thì ngược lại, câu trả lời tiếp tục là… im lặng, cả từ phía HVN và các cơ quan chức năng.


Tờ báo điện tử vừa nêu trên đã tổ chức cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện “dở khóc, dở cười” này, nhưng chỉ có 1 trong 5 khách mời là đại diện cho cơ quan hữu quan có mặt. HVN, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) là những “khách mời” vốn được NTD hỏi nhiều nhất, đều không đến với những lý do khác nhau. Khách mời duy nhất có mặt cũng chỉ có thể đưa ra lời khuyên với NTD rằng: Thông minh nhất là “giữ chặt túi tiền”, sử dụng quyền chọn lựa loại hàng hóa không bị nâng giá quá mức.


Câu chuyện của HVN thực ra chỉ là một “chuyện nhỏ” trong thị trường mở hiện nay. Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ việc gây sốc với NTD. Điển hình như vụ sữa nhiễm mê-la-min, rượu gây ngộ độc chết người, những vụ gian lận đo lường xăng dầu và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan đang đặt ra trách nhiệm phải làm thế nào để có thể hạn chế tình trạng vi phạm quyền lợi NTD, bảo vệ NTD một cách an toàn hơn? Pháp luật xác định trách nhiệm bảo vệ NTD của doanh nghiệp là phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, bảo đảm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trách nhiệm bảo hành, bảo đảm an toàn và giải quyết khiếu nại cho NTD. Thậm chí Bộ luật Hình sự cũng có những điều luật dành cho lĩnh vực này như “tội sản xuất hàng giả”, tội “lừa dối khách hàng”, tội “quảng cáo gian dối”… Nhưng tiếc là lâu nay vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD dường như chưa được quan tâm đúng mức, NTD chưa được bảo vệ như pháp luật quy định, những hành vi vi phạm quyền lợi của NTD đang ngày càng gia tăng trên diện rộng và đa dạng về hình thức… Thực tế có những vụ việc xâm hại quyền lợi rõ “mười mươi” như vụ gian lận xăng dầu, sữa “nghèo đạm”… đến nay vẫn chưa có người tiêu dùng nào được bồi thường. Ngay như vụ việc hiện tại của HVN, ngày 12-2-2009, Hội Tiêu chuẩn – Bảo vệ người tiêu dùng có công văn gửi HVN xoay quanh các ý kiến liên quan đến việc kinh doanh của mạng lưới Head với việc tăng giá. Hơn chục ngày sau (25-2) HVN có công văn trả lời và theo TS. Hồ Tất Thắng, Chủ tịch Hội, thì DN thể hiện sự vô trách nhiệm bằng việc đổ lỗi cho các đại lý (Head). Sự vô trách nhiệm đó lại càng đáng phê phán khi nó xuất phát từ một doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm ở Việt Nam, luôn đề cao khẩu hiệu “Tôi yêu Việt Nam”.


Hiện dự luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được hoàn chỉnh, dự kiến có những chế tài hết sức nghiêm khắc và mang tính đặc thù để xử lý DN trong trường hợp họ không thực hiện các trách nhiệm với NTD. Tuy nhiên cho tới hiện tại thì dự thảo vẫn là dự thảo. Như vậy trước mắt là NTD vẫn cứ phải tiếp tục chấp nhận thua thiệt, ngậm bồ hòn làm ngọt…


Nữ Quỳnh



Thương quá “thượng đế” ơi !

No comments: