Friday, January 31, 2014

"Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin"

Năm 2013, báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng báo chí thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng. Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện đầu năm cùng báo Nhà báo và Công luận.


Báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình


+ Trên cương vị là “tư lệnh tối cao” của ngành truyền thông, ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam trong năm 2013?


Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son: - Hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 92 báo, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 179 kênh, với 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá. Mặc dù báo chí đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân.


Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son


Trong năm 2013, bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, cần phải khẳng định rằng, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội ở trong nước và quốc tế; kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực xã hội khác, tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua diễn đàn báo chí; phát huy tinh chủ động, sáng tạo, tich cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.


Có thể nói, những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản và sự nỗ lực của các cơ quan báo chí và hàng vạn nhà báo, báo chí nước ta đã khẳng định vai trò, sứ mệnh hết sức cao cả là thông tin, tuyên truyền, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động mọi sức mạnh của toàn xã hội vượt qua khó khăn thử thách đưa đất nước tiếp tục đi lên.


Quy hoạch báo chí: khó nhưng không thể không làm


+ Tại kỳ họp thứ 6 QH Khóa XIII, Bộ trưởng có đề cập tới vấn đề quy hoạch báo chí Việt Nam. Bộ trưởng có thể vui lòng cho biết khái quát về việc quy hoạch này và tại sao lại đặt ra vấn đề quy hoạch báo chí trong thời điểm này, thưa ông?


- Quy hoạch báo chí được đặt ra trên cơ sở đòi hỏi khách quan từ thực tiễn phát triển của hệ thống báo chí. Đó là vẫn còn sự chênh lệch lớn về sự hưởng thụ thông tin báo chí giữa các khu vực, địa bàn, vùng, miền. Mặc dù, chúng ta có nhiều báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ, dẫn đến việc báo chí khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng; vai trò quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí được phát huy nhưng hiệu lực quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của các loại hình báo chí trong tình hình mới. Ngoài ra, chúng ta chưa nghiên cứu, phân loại, xác định tinh chất, nhiệm vụ của báo chí để có cơ chế, chính sách phù hợp.


Mục tiêu phát triển trong lĩnh vực báo chí hiện nay là xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Do vậy, chúng ta sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, từ đó xây dựng cơ chế tài chính, chính sách tài trợ đặt hàng đối với các ấn phẩm báo chí, các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu; đồng thời phát triển mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện trên cơ sở thí điểm xây dựng một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Quy hoạch chính là để quản lý, để phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu của xã hội đối với báo chí.


+ Quy hoạch báo chí là cần thiết nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một “cuộc cách mạng lớn”, rất khó để thực hiện một cách triệt để, rốt ráo, Bộ trưởng có đồng ý với quan điểm này?


- Hiện nay, hiện trạng phát triển của hệ thống báo chí với những bất cập của nó đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn trong công tác quy hoạch cần được thống nhất từ nhiều phía. Mục tiêu của quy hoạch là làm cho nền báo chí của chúng ta ngày càng lớn mạnh, do đó, công tác quy hoạch có thể còn nhiều việc phải làm nhưng chúng ta phải kiên trì, thực hiện từng bước, vướng mắc ở khâu nào thì thống nhất để tháo gỡ, có như vậy mới đạt kết quả mà mục tiêu quy hoạch đề ra.


Có thể nói quy hoạch báo chí là một việc khó, nhất là trong tình hình hiện nay, song là một việc không thể không làm vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đối với báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí hiện hành. Quy hoạch chính là cơ sở để quản lý báo chí, để góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà chuyên nghiệp, hiện đại, đủ, hợp lý về số lượng, cao về chất lượng, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.


 Quan tâm đầu tư nhiều hơn đến báo điện tử


+ Nói về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng báo điện tử để sẽ đưa báo điện tử trở thành loại hình truyền thông chủ lực, hiện đại với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên dành quá nhiều sự ưu ái cho các trang thông tin mạng, báo điện tử khi chính loại hình truyền thông này là thủ phạm chính gây ra cái gọi là “khuynh hướng” báo lá cải, thông tin sai lệch, thiếu định hướng trong làng truyền thông Việt Nam hiện nay?


- Đúng là trong thời gian vừa qua, nhiều thông tin được đăng trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử có nội dung sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Về những vi phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xử lý nghiêm khắc, đồng thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tốt lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế thì báo điện tử đang và sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong thông tin, tuyên truyền. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội hiện nay, nâng cao chất lượng báo điện tử chính là nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền nhằm phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông tin chính thống càng nhanh bao nhiêu, những thông tin xấu trên mạng và trong dư luận xã hội càng bị hạn chế bấy nhiêu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để báo chí của chúng ta làm chủ về thông tin. Báo điện tử nếu được quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính và cơ chế chính sách sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ mà mục tiêu quy hoạch đề ra.


Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí


+ Người xưa có câu “ lúa tốt thì không còn cỏ dại”. Rõ ràng bên cạnh những mặt tích cực, báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí sẽ làm như thế nào để chúng ta có nền báo chí truyền thông vận hành thực sự hiệu quả, nề nếp và lành mạnh?


- Báo chí không chỉ đưa tin, cung cấp thông tin, mà còn chính là phải thực hiện tốt nhất chức năng tuyên truyền để xây dựng lòng tin. Muốn báo chí làm tốt nhiệm vụ xây dựng lòng tin, hạn chế việc phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội thì cần phải xây dựng một xã hội tốt. Việc làm này đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, mặt ưu điểm của báo chí sẽ là chủ đạo, những hạn chế, yếu kém sẽ được khắc phục. Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, cụ thể là trong năm 2014, việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ tiếp tục triển khai để trình Quốc hội vào năm 2015. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí tiếp tục được chú trọng, đặc biệt, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong quản lý cơ quan báo chí thuộc quyền. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan báo chí và hàng vạn phóng viên, biên tập viên; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, chúng ta tin tưởng rằng năm 2014 sẽ là năm báo chí gặt hai được những thành công, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước dành cho giới báo chí nước nhà.


(Theo HỒNG SÂM- NGỌC LÀNH/Nhà báo & Công luận)



"Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin"

Monday, January 27, 2014

TQ yêu cầu phóng viên Mỹ về nước do phạm luật thị thực

Theo Reuters, ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định phóng viên Mỹ của tờ New York Times thường trú tại Trung Quốc – Austin Ramzy, đã vi phạm luật thị thực cư trú và sẽ phải rời khỏi Trung Quốc vào cuối tuần này.


Vụ việc này có thể khiến quan hệ Trung Quốc-Mỹ xấu đi.


Vấn đề tự do báo chí đối với phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc đã thu hút mối quan tâm cao độ từ phía Mỹ, đặc biệt là những quan ngại liên quan tới việc Bắc Kinh từ chối cấp thị thực cho các tổ chức đưa thông tin tiêu cực về Trung Quốc.


Trụ sở Báo The New York Times Trụ sở Báo The New York Times


Hồi tháng trước, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc hạn chế hoạt động của cơ quan báo chí nước ngoài.


Hơn một năm qua, cả Công ty truyền thông New York Times và Hãng tin Bloomberg News đều không được cấp thị thực nhà báo mới sau khi họ công bố tin tức về sự giàu có của thân nhân cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch nước đương nhiệm Tập Cận Bình./.


Theo Vietnam+



TQ yêu cầu phóng viên Mỹ về nước do phạm luật thị thực

Friday, January 24, 2014

Nhà siêu mỏng cần ”trách nhiệm dày”


Ngay trước khi con phố mới Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu được chính thức thông xe, Báo Hànộimới đã phản ánh về tình trạng những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở đây. Nhiều tờ báo khác cũng đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này.

Tuy nhiên, đến nay tình hình chưa có chuyển biến tích cực. Nguy cơ về việc tồn tại các ngôi nhà “kỳ quái” đang càng rõ nét. Thông tin báo chí cho biết, đoạn đường chỉ dài hơn 500m này có tới 65 trường hợp cần phải xử lý. 


Đáng nói, đây không phải là chuyện mới. Trước đó, khi TP Hà Nội hoàn thành đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa chỉ dài chừng cây số và cũng đã nảy sinh nhiều bức xúc liên quan đến việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Dù đây là tình trạng chung diễn ra ở nhiều tuyến phố khác, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực, thậm chí vấn đề đã nhiều lần làm “nóng” nghị trường các kỳ họp HĐND thành phố, nhưng dường như chưa có kinh nghiệm nào được rút ra để có thể xử lý dứt điểm.


Tháng 7-2013, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Yêu cầu với những thửa đất không đủ điều kiện để xây dựng, nếu chủ sử dụng không thực hiện hợp thửa, hợp khối, UBND quận, huyện lập, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng đất vào mục đích công cộng; ban hành quyết định thu hồi đất với hộ gia đình. Trường hợp quận, huyện khó khăn nguồn vốn, khẩn trương xác định tổng mức đầu tư, báo cáo thành phố trong tháng 7-2013, đồng thời lập, phê duyệt phương án xử lý, hoàn thành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý III-2013 và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tiến độ, kết quả thực hiện. 


Thế nhưng, việc xử lý có vẻ như vẫn bế tắc. Và hệ lụy là một lần nữa các cơ quan quản lý sẽ lại phải đau đầu “chạy theo” giải quyết hậu quả trên tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu. Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận Đống Đa và Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị khi thu hồi đất để làm đường thì phải thu hồi đồng thời các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng hai bên. Tuy nhiên, thực tế thì các mảnh đất nhỏ không đủ điều kiện xây dựng này vẫn chưa được thu hồi, tạo điều kiện cho những căn nhà kỳ dị xuất hiện và tồn tại như một thách thức với cơ quan quản lý.


Thực tế có thể thấy, các quy định của thành phố Hà Nội đã rất rõ ràng, ngay chính các cơ quan tham mưu như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường… cũng đã đưa ra nhiều giải pháp được coi là “khả thi”. Song đến nay, vẫn chưa có tuyến phố nào được “thực thi” các cơ chế đó. Như vậy là vấn đề có thể nằm ở chính thái độ có quyết liệt thực thi hay không từ các cơ quan hữu quan cũng như chính quyền các quận, huyện. Có vẻ như câu chuyện về trách nhiệm trong việc xử lý còn chưa rõ ràng, nên đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền quận và chủ đầu tư.


Một vấn đề không mới và luôn tạo những bức xúc trong dư luận, nhưng lại chưa được giải quyết rốt ráo. Trong khi hành lang pháp lý cho việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã có mà tình trạng ngày càng trầm trọng hơn thì xem ra vấn đề thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hiệu quả xử lý đến mức nào phụ thuộc vào mức độ “dày, mỏng” về trách nhiệm của những nhà quản lý!



Nữ Quỳnh


Nhà siêu mỏng cần ”trách nhiệm dày”

Hãng AP chấm dứt cộng tác với nhà báo tự do vì sửa ảnh quá đà

Theo NEW YORK (AP) – AP đã cắt đứt mối cộng tác với một nhiếp ảnh gia tự do vì đã vi phạm chuẩn mực đạo đức khi chỉnh sửa quá tay một bức ảnh chụp được trong cuộc chiến ở Syria vào năm 2013.


Hãng thông tấn này cho biết vào thứ Tư vừa rồi, rằng ông Narciso Contreras mới đây đã thổ lộ cho các biên tập viên của mình biết rằng ông đã thay đổi (alter) một bức ảnh số về một chiến binh nổi dậy ở Syria chụp hồi tháng Chín năm ngoái. Ông này đã dùng phần mềm để tẩy bỏ chiếc máy quay phim của một đồng nghiệp ở góc dưới bên trái của khung hình. Điều này đã khiến AP xem xét lại tất cả các gần 500 bức ảnh Contreras đã nộp kể từ khi ông bắt đầu làm việc cho hãng này trong năm 2012, tuy nhiên không phát hiện thêm trường hợp chỉnh sửa quá nào – ông Santiago Lyon, phó chủ tịch AP và giám đốc hình ảnh cho biết .


Contreras là một thành viên trong những nhóm nhiếp ảnh gia làm việc cho AP, là người đã đồng nhận giải Pulitzer năm ngoái cho những hình ảnh của cuộc chiến tranh Syria. Không có ảnh nào trong số những ảnh có giải bị ảnh hưởng – theo AP .


Contreras chỉnh sửa quá tay một bức ảnh chụp được trong cuộc chiến ở Syria vào năm 2013. Contreras chỉnh sửa quá tay một bức ảnh chụp được trong cuộc chiến ở Syria vào năm 2013.


AP cho biết họ đã cắt đứt mối quan hệ với Contreras và sẽ loại bỏ tất cả các hình ảnh của ông này trong kho lưu trữ ảnh công khai. Việc thay đổi nói trên đã vi phạm yêu cầu của AP về sự thật và chính xác ngay cả khi sự thay đổi chỉ là một phần nhỏ ở một góc của hình ảnh với tầm quan trọng không nhiều, Lyon cho biết .


“Danh tiếng của AP là tối quan trọng và chúng tôi sẽ hành động quyết liệt và mạnh mẽ nếu nó bị hoen ố bởi những hành động vi phạm những điều khoản đạo đức của chúng tôi ” Lyon nói. ” Cố ý loại bỏ các chi tiết ảnh là hoàn toàn không thể chấp nhận . “


Contreras cho biết ông nghĩ rằng có chiếc máy quay video trong khung hình có thể gây phân tâm cho người xem, nhưng ông đã nhận ra rằng đó là một quyết định thật hối tiếc .


“Tôi đã quyết định sai lầm khi tôi loại bỏ chiếc máy quay … Tôi cảm thấy xấu hổ về điều đó,” ông nói. “Bạn có thể coi tất cả hình của tôi và bạn sẽ thấy rằng đây là một trường hợp duy nhất đã xảy ra, vào thời điểm tôi rất căng thẳng, ở một tình huống rất khó khăn, nhưng ôi, nó đã xảy ra với tôi, vì vậy tôi phải chấp nhận hậu quả. “


Contreras, một công dân Mexico cũng là phóng viên tự do cho các hãng thông tấn khác của Hoa Kỳ, đã chụp hình này trong lần tới Syria mùa thu năm ngoái với một tay máy video cũng hành nghề tự do cho các dịch vụ thông tấn. Vào ngày 29, hai ông này ghi lại hình ảnh của các chiến binh nổi dậy trong một cuộc đấu súng với lực lượng chính phủ tại làng Telata .


Trong bức ảnh một chiến binh đang cúi người ẩn nấp, chiếc máy quay video của nhà báo đồng nghiệp lúc đầu nằm ngay ở mặt đất góc dưới trái khung hình. Nhưng Contreras mới đây đã nói với biên tập viên rằng ông đã “thay đổi hình ảnh” bằng cách ” nhân bản ” một phần khác của đất nền và dán chúng đè lên máy quay, trước khi gửi hình ảnh về AP.


Điều này khiến các biên tập viên đã phải kiểm tra tất cả 494 bức ảnh của Contreras gửi tới AP trong thời gian vừa qua, so sánh với hình gốc chụp bởi nhiếp ảnh gia này.


Contreras là một trong năm nhà báo AP cùng nhận chung giải Pulitzer được trao tháng Tư năm ngoái về ảnh tin tức sốt dẻo (breaking news), với lời bình của giám khảo về “ghi lại được những bức ảnh đáng nhớ trong những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm” và được Lyon tuyên dương về kỹ năng và sự dũng cảm.


Thứ tư vừa qua, ông này cũng giải thích rõ ràng rằng tuy AP và các hãng thông tấn khác cho phép nhiếp ảnh gia “sử dụng phần mềm để làm sáng hoặc tối để tái tạo đúng bối cảnh mà phóng viên thực sự chứng kiến”, các hãng thông tấn không thể dung thứ việc Contreras chỉnh sửa không đúng với thực tế.


Với AP quan trọng nhất là phải hoàn toàn minh bạch và trong sáng với những vấn, ông nói.


Theo Tinh tế



Hãng AP chấm dứt cộng tác với nhà báo tự do vì sửa ảnh quá đà

Thursday, January 23, 2014

Phó ban Tuyên giáo làm Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trương Minh Tuấn vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.



Theo quyết định ký ngày 22/1 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Minh Tuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kể từ ngày ký.


Trước khi được bổ nhiệm, ông Trương Minh Tuấn đã trải qua các chức Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.


Với quyết định này, ông Tuấn (sinh năm 1960) là Thứ trưởng thứ 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông.


 


Ông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN. Ông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN.


Ngoài ông Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông có 4 Thứ trưởng là các ông Lê Nam Thắng, Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng và Nguyễn Thành Hưng. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đương nhiệm, Nguyễn Bắc Son, trước đó cũng từng đảm nhiệm vị trí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.


Một người ở vị trí Phó trưởng ban Tuyên giáo cũng vừa được phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua là ông Nguyễn Văn Nên, hiện là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.


Trước đó ít ngày, Thủ tướng đã bổ nhiệm hai ông Cao Quốc Hưng (sinh năm 1961, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng) và ông Đỗ Thắng Hải (sinh 1963, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại) giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.


Hiện, cơ cấu lãnh đạo Bộ Công Thương gồm Bộ trưởng là ông Vũ Huy Hoàng, cùng 7 Thứ trưởng là các ông Lê Dương Quang, Nguyễn Cẩm Tú, Trần Tuấn Anh, Trần Quốc Khánh, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Đỗ Thắng Hải và ông Cao Quốc Hưng.


Theo Nguyễn Hưng (Vnexpress)




Phó ban Tuyên giáo làm Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông

Tuesday, January 21, 2014

Hà Nội ra Chỉ thị về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí

Ngày 21-1-2014, Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 25-CT/TU Về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí. 

Thời gian qua, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội và Trung ương đã tăng cường thông tin mọi hoạt động của thành phố. Cơ bản, báo chí đã phản ánh kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát hiện, cổ vũ, động viên các nhân tố tích cực, người tốt, việc tốt; vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.


Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ


Bên cạnh những tin, bài phản ánh những cố gắng, tiến bộ, thành tựu đạt được, một số cơ quan báo chí thường dành phần lớn lượng tin, bài tập trung phản ánh các vụ việc, vấn đề tiêu cực và những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố. Những phát hiện, phản ánh của báo chí, nhìn chung, đã có tác dụng tích cực, giúp lãnh đạo các địa phương, đơn vị kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết vụ việc, khắc phục những hạn chế, yếu kém xảy ra tại địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành của thành phố, nâng cao niềm tin và sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân Thủ đô. 


Tuy nhiên, bên cạnh những tin, bài phản ánh đúng nội dung, bản chất vấn đề, vụ việc xảy ra, biểu dương hoặc phê bình mang tính xây dựng, còn có không ít tin, bài phản ánh chưa đúng bản chất vấn đề, vụ việc; đăng tải những thông tin chưa được thẩm tra xác minh; thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây dư luận bức xúc, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây khó khăn cho triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. 


Sở dĩ có tình hình như vậy, ngoài trách nhiệm của một số cơ quan báo chí, còn có nguyên nhân quan trọng là do nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác động của báo chí, chưa quan tâm đúng mức việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.


Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường thực hiện Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí), góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố phối hợp thực hiện tốt những nội dung sau:


1. UBND thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành và các vấn đề liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; nội dung thông tin cung cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan theo quy định. Coi việc cung cấp thông tin về hoạt động của địa phương, đơn vị cho các cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. 


Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội ở địa phương, đơn vị; cấp ủy, chính quyền cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đánh giá khả năng tác động đến tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội…; đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí, nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả hoặc phương hướng xử lý, giải quyết. Cùng với việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, phải kịp thời có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của thành phố (Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông) để thành phố kịp thời định hướng thông tin, hạn chế, khắc phục tình trạng báo chí thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây bức xúc dư luận.


2. UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc phải phân công cán bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. Khi cần thiết, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.


3. Các địa phương, đơn vị cần nắm bắt và trả lời kịp thời những thông tin được phản ánh trên báo chí, nhất là những thông tin gây bức xúc dư luận (nắm trực tiếp trên báo chí hoặc qua báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, của Sở Thông tin và Truyền thông). Đối với những thông tin trên báo chí phản ánh không chính xác, thiếu khách quan, không đúng bản chất sự việc, các địa phương, đơn vị cần kịp thời có văn bản cung cấp thông tin chính thống và yêu cầu cơ quan báo chí cải chính, đồng thời báo cáo lãnh đạo thành phố qua Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.


Khi có yêu cầu của Ban Tuyên giáo Thành ủy, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cử cán bộ, cung cấp tài liệu, phục vụ tốt việc chủ động thông tin cho báo chí.


4. Các báo: Hànộimới, Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí của thành phố cần bám sát các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình triển khai các nhiệm vụ của thành phố; tăng cường hơn nữa việc thông tin phản ánh những thành tựu, cố gắng, kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Phân công phóng viên tham dự đầy đủ, thông tin kịp thời những nội dung được định hướng tại các hội nghị, các buổi giao ban thông tin báo chí do thành phố tổ chức. Việc phản ánh những hạn chế, yếu kém trên báo chí, phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, không phiến diện một chiều và phải có tính xây dựng; những thông tin nhạy cảm, phức tạp khi đăng tải có thể tạo nên những phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội cần được lãnh đạo, ban biên tập các cơ quan báo chí cân nhắc thận trọng, nếu cần thiết, phải chủ động báo cáo, trao đổi với lãnh đạo thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trước khi đăng. 


Khi có những tin, bài đăng không đúng sự thật gây bức xúc dư luận, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm người dân, các cơ quan báo chí cần đề cao trách nhiệm, chủ động cử cán bộ, phóng viên xác minh vụ việc và kịp thời có tin, bài cải chính theo quy định của Luật Báo chí. 


5. Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tham mưu trên lĩnh vực tư tưởng, thông tin; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, duy trì thường xuyên và chú trọng tăng cường chất lượng, hiệu quả các buổi giao ban thông tin báo chí hằng tuần; thường xuyên chủ động báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, xử lý những thông tin báo chí có liên quan đến địa bàn thành phố. 


6. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, ban hành “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hà Nội” để cụ thể hóa và thống nhất triển khai, thực hiện “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” được ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ. 


Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai, thực hiện chỉ thị.


Chỉ thị này được quán triệt rộng rãi tới các cơ quan lãnh đạo, tham mưu về công tác tư tưởng, thông tin, báo chí; tới toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên các cơ quan báo chí thành phố và phổ biến đến các chi bộ.


Theo HNM



Hà Nội ra Chỉ thị về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí

Monday, January 20, 2014

Sau chuyện chiếc vé tàu ế


“Cháy” vé tàu tết, chuyện ấy đã quen đến mức nhiều năm qua ai cũng thấy nó… bình thường.


Nhưng, dường như cái thời hàng nghìn người thức trắng đêm chờ mua vé tàu tết đang sắp qua đi. Rồi cũng sẽ không còn cái cảnh chầu chực “canh mạng” để đặt chỗ. Rồi nhiều người sẽ chẳng còn phải ngay ngáy lo cách nào để có được tấm vé tàu tết…  Tết Giáp Ngọ này, đã có hơn chục nghìn chiếc vé từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội không có người sở hữu. Hay nói dân dã là “ế”. Trước đó, chương trình bán vé theo kiểu “phục vụ tận nơi” cũng không được những “khách hàng truyền thống” của ngành đường sắt là sinh viên các trường đại học giành giật như xưa.


Tiếc là, hệ quả ấy không phải xuất phát từ chuyện “cung vượt cầu”. Đằng sau chuyện lạ ấy có quá nhiều điều đáng nói.


Nhiều năm trước, để mua được tấm vé tàu tết thì hành khách phải trầy trật, vật lộn. Ngành đường sắt cũng phải thực hiện nhiều hình thức như bán vé tại các ga, tại đại lý, bán qua tin nhắn, qua điện thoại, internet, bán vé cho tập thể… Nhưng năm nào cũng vậy, vẫn quá tải, vẫn rối tung rối mù. Vẫn nhiều người thất vọng vì không thể mua được vé.


Vậy vì sao bây giờ khách hàng lại quay lưng?


Hẳn ai đó từng một lần bước chân lên những chuyến tàu đi dọc đất nước cũng sẽ có những “cảm giác lạ”. Lạ từ khi đi mua vé cho đến khi rời tàu xuống sân ga. Không chỉ tết mà cả ngày thường hành khách cũng phải cắn răng trước nhiều phiền toái, từ chuyện cò vé chèo giật, từ chuyện thái độ chưa “vừa lòng khách đi” của nhân viên nhà tàu, đến chuyện phải chịu đựng những cảnh tượng xô bồ của chốn đông người, chịu đựng cái mùi tàu khách “đặc trưng” chẳng thể thích nghi được trong suốt cả hành trình dài. Thậm chí, những người “sạch sẽ” còn phải chịu đựng cả những việc rất “riêng tư” vì không dám bước chân vào toa lét trên tàu… Xuống sân ga cũng chưa chắc “thoát nợ” khi còn phải đối mặt với tình trạng o ép, chặt chém của “cửu vạn”, taxi…


Đó chính là sự tụt hậu của nhà tàu. Vận tải đường sắt vốn là phương thức có nhiều lợi thế nhất trong các loại hình vận tải. Nhưng giờ đây, trong một bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển, tốc độ cao, thì ngành đường sắt vẫn chậm rãi lăn trên những bánh sắt nặng nề. Giá cước đắt, chất lượng dịch vụ không được cải thiện, thời gian lưu chuyển không được rút ngắn. Trong lúc, tàu bay, xe khách đang cạnh tranh từng tí một, bằng cả giá vé và chất lượng, thì đường sắt vẫn cứ giữ nguyên cung cách phục vụ một chiều theo kiểu bao cấp của mình. Bảo sao không làm khách hàng thất vọng.


Hồi đầu tháng, tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổng công ty Đường sắt, chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã phải thốt lên “vé đi tàu quá đắt”, và ông lấy ví dụ vé giường nằm từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh là 1,9 triệu đồng, còn vé máy bay giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Đi máy bay chỉ mất khoảng 3-4 giờ, nhưng ngồi tàu mất đến 30 giờ. Cuối cùng, ông Thăng kết luận: Vé tàu đắt thì người dân sẽ rời xa đường sắt.


Thiết nghĩ, nhận xét của người đứng đầu ngành giao thông đã rất rõ ràng. Và từ câu chuyện này cho thấy, nhu cầu về một hệ thống đường sắt cao tốc và chất lượng cao, ít nhất cũng là tuyến bắc nam, đang là rất cần thiết. Nếu chúng ta cứ chần chừ, cấn cá chỉ vì định suất đầu tư chắc chắn ngành đường sắt sẽ còn tiếp tục tụt hậu, thiệt thòi sẽ không chỉ là hành khách mà còn cả nhiều lợi ích kinh tế, xã hội khác nữa của đất nước.


Nhưng trước hết, ngành đường sắt đang rất cần một sự thay đổi trong cung cách phục vụ!


Nữ Quỳnh




Sau chuyện chiếc vé tàu ế

Sunday, January 19, 2014

Khai mạc Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014


Sáng nay (20-1), Hội Nhà báo TP Hà Nội phối hợp với Ban thi đua khen thưởng TP, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông tổ chức khai Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014.

 

Ông Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội nhấn mạnh, đến với Hội báo xuân 2014, bạn đọc và công chúng báo chí Thủ đô sẽ thấy được sự đổi mới mạnh mẽ của báo chí cả nước hội tụ trên địa bàn Thủ đô.

28 gian trưng bày của các cơ quan báo chí Thủ đô, báo chí Trung ương và các ngành với hàng trăm ấn phẩm được trình bày một cách sinh động, hấp dẫn, đầy màu sắc, tạo sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc.


Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014 khai mạc sáng 20-1 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014 khai mạc sáng 20-1 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội


Cùng với những cảm nhận đổi mới về hình thức, bạn đọc sẽ nhận thấy nét mới trong cách thể hiện nội dung từng tờ báo. Mỗi số báo xuân là tinh hoa, đặc thù của từng tờ báo, làm cho bức tranh báo chí Thủ đô và báo chí cả nước thêm rực rỡ. Trong năm 2013, một số cơ quan báo chí đã gặp không ít khó khăn như số lượng phát hành tụt giảm, lợi nhuận quảng cáo thấp… Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ – thông tin và các loại hình báo chí điện tử, trang mạng xã hội, facebook… đã tác động ít nhiều đến công tác phát triển của các loại hình báo chí truyền thống.


 

Mặc dù vậy, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí Thủ đô đã hoàn thành tốt các mục tiêu hoạt động, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời là diễn đàn thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân, cổ vũ nhân dân thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước.

Cũng nhân dịp này, thay mặt Hội nhà báo Hà Nội, cụm thi đua Hội nhà báo các tỉnh dọc QL 6, ông Trần Gia Thái phát động cuộc thi viết về kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm giải phóng Thủ đô trong các liên chi hội, chi hội các cơ quan báo chí cụm thi đua Hội nhà báo các tỉnh, TP: Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và các cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong cụm. 


 

Ngay sau phát biểu khai mạc đã diễn ra lễ trao giải thưởng Giải báo chí Ngô Tất Tố Hà Nội năm 2013. Lựa chọn từ 64 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng giám khảo quyết định trao giải thưởng cho 29 tác phẩm xuất sắc, gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 20 giải Khuyến khích.

2 giải Nhất thuộc về tác phẩm: Trường Sa – biển đảo quê hương của tác giả Bảo Nga, Thanh Thủy, Ngọc Tiến, Anh Tuấn, Ngọc Thanh, Dương Hiệp (Báo Hànộimới). Tác phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt – Bước đột phá của ngành dâu tằm Việt Nam của tác giả Đặng Huyền (Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội).


Các  tác giả báo Hà Nội mới còn nhận được một giải Nhì, một giải Ba và 6 giải Khuyến khích.



 

Theo Ngân Hạ (HNM)


Khai mạc Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014

Friday, January 17, 2014

Một chuyện đáng suy ngẫm

Một bức ảnh kèm một câu chuyện được cho là có thật diễn ra tại quán cơm Thiên Phước (62 Nguyễn Chí Thanh, phường 16 , quận 11, TP Hồ Chí Minh – quán cơm 5000 đồng/suất phục vụ người nghèo) trưa 13/1 đang được lan truyền khá nhanh trên các mạng xã hội:


Một phụ nữ làm nghề ve chai, vốn là khách hàng thường xuyên của quán, chị vừa khóc vừa kể, “Năm nay làm ăn khó khăn quá, với chúng tôi những người lao động xa quê lên thành phố tìm một công việc đã khó và còn khó hơn khi vật giá leo thang, thu nhập thì thấp. Nhưng tôi đã vào quán này ăn từ ngày khai trương đến nay, đối với chúng tôi đây thật sự là điểm đến buổi trưa ấm lòng, tiết kiệm được chút ít chi phí cho bữa ăn hàng ngày….”. Nói rồi chị ra xe đẩy ve chai của mình ôm vào một bao gạo 10kg và 1 chai dầu ăn 1 lít xin quán hãy nhận ở chị tấm lòng, để chia sẻ với nhau…


Đọc mẩu chuyện mà thấy cay cay nơi sống mũi. Trong cuộc sống bộn bề, với bao nhiêu câu chuyện đến rồi lại vụt đi nhanh chóng, với nhiều sự việc khiến bao người còn thảng thốt về sự vô tình, vô cảm trong xã hội. Một cái tết nữa đang đến thật gần, gần như có thể đã chạm tay tới, và ở khắp nơi mọi người đều tất bật lo sao cho có cái tết đầm ấm, đủ đầy. Song, chẳng phải ai muốn là cũng làm được. Trong lúc đây đó thông tin có người nhận thưởng tết hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì còn hàng triệu người nghèo sẽ chẳng dám mơ “cơm ngon và áo đẹp”, hàng nghìn công nhân không thể về quê đón tết vì muốn tiết kiệm tiền đi lại, hàng triệu thày giáo, cô giáo nghèo chưa biết tết này sẽ ra sao, dù năm nào cũng vậy đều có những lời kêu gọi chăm lo tết cho giáo viên nghèo.


Nói vậy cũng không phải là người nghèo, người có thu nhập thấp đang bị bỏ rơi. Thực tế, Đảng và nhà nước đã rất quan tâm chăm lo cho các đối tượng này. Mỗi dịp tết đến, xuân về, các ngành, các cấp lại tất bật lo quà, lo thăm hỏi tới từng đối tượng còn khó khăn. Thế nhưng, đâu thể chuyện gì cũng dễ dàng trọn vẹn được. Điều muốn nói qua câu chuyện trên chính là sự sẻ chia. Dân gian ta có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chút chia sẻ đúng lúc sẽ nhân lên ý nghĩa lớn. Thật vui khi trong cuộc sống đang ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện, và rất rất nhiều cá nhân vẫn âm thầm làm những việc thiện ý nghĩa. Họ mang hơi ấm đến với người nghèo mỗi khi đông tới. Họ mang sách, bút cho con trẻ vùng cao mỗi dịp khai trường. Họ mang tình yêu thương, sự chia ngọt sẻ bùi đến với những đồng bào của mình mà chẳng cần phô trương, chẳng cần ai biết đến…


Sự chia sẻ cũng không chỉ là những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống, mà cả những thứ lớn hơn, những việc làm ý nghĩa hơn. Chỉ mấy ngày trước, dư luận đã nghe về những báo cáo lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Quả thật, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, kinh doanh mà lãi lớn thật sự rất đáng mừng. Nhưng câu chuyện này cũng để lại những băn khoăn trong dư luận. Đó là việc trong lúc kinh tế khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp hoặc đã phá sản hoặc đã phải ngừng hoạt động, thì các doanh nghiệp lớn vẫn có được trong tay những khoản lãi khổng lồ. Và lãi lớn, nhưng những xăng, những điện, viễn thông vẫn cứ đều đặn đòi tăng giá để làm đầy thêm khoản lãi. Giá như, trong lúc đất nước còn khó khăn, người dân còn phải đối mặt với chi phí cuộc sống tăng cao, những doanh nghiệp này biết quan tâm, chia sẻ một chút lợi ích, cân nhắc trước mỗi quyết định tăng giá thì sẽ tốt biết bao!


Tết đang đến rất gần. Hy vọng chúng ta sẽ còn được nghe nhiều nhiều hơn nữa những hành động quan tâm chia sẻ của cộng đồng, để tết có thể đến gần hơn với những người nghèo…


Nữ Quỳnh



Một chuyện đáng suy ngẫm

Tuesday, January 14, 2014

Sẽ xử lý nghiêm thông tin "giật gân, câu khách"

Ngoài khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách, thời gian tới sẽ xử lý nghiêm những cơ quan, sản phẩm báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.

 

Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho biết như trên tại Hội nghị báo chí toàn quốc chiều 14/1 tại Hà Nội, với sự tham dự của 600 lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. 

Theo ông Đinh Thế Huynh, năm 2013, công tác báo chí được triển khai với những thuận lợi từ những thành tựu to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên báo chí cũng phải đối mặt với nhiều thách thức có phần gay gắt hơn dự báo. Thêm vào đó các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng mặt trái của các phương tiện truyền thông trên internet chống phá quyết liệt về tư tưởng, lý luận, văn hóa.


Trưởng Ban tuyên giáo Đinh Thế Huynh. (Ảnh: Nguyễn Dũng) Trưởng Ban tuyên giáo Đinh Thế Huynh. (Ảnh: Nguyễn Dũng)


Trưởng Ban tuyên giáo nhấn mạnh: Trong năm qua báo chí đã tuyên truyền các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ… Báo chí cũng nhận thức rõ ý nghĩa trọng đại của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai sửa đổi, sớm xây dựng kế hoạch tuyên truyền.


Bên cạnh đó, báo chí cũng tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước và chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đã tiếp tục nêu cao bản lĩnh, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu… góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước, niềm tin của nhân dân đối với chế độ và sự nghiệp đổi mới… 


Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của báo chí trong năm qua. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thiên về khai thác mặt trái, giật gân, hình ảnh phản cảm nhằm câu khách vì mục đích kinh tế gia tăng đáng báo động ở một số đơn vị báo chí, nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình truyền hình giải trí…


Ngoài ra vẫn còn một số cơ quan báo chí buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống, thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức nghiêm trọng, không thể khắc phục hậu quả…


“Những hạn chế thiếu sót đó đã tác động tiêu cực đến việc xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ” – ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.


Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban tuyên giáo đề nghị đội ngũ báo chí cần nhận thức sâu sắc những nét mới của đời sống truyền thống hiện đại để đổi mới tư duy theo hướng thích ứng với môi trường thông tin mở.


Năm 2014 phải quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Đồng thời xử lý nghiêm những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hạ thấp chất lượng văn hóa của báo chí, chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm với xã hội…


Trưởng Ban tuyên giáo cũng lưu ý tới việc quan tâm, chăm lo toàn diện đội ngũ cán bộ báo chí thực sự vững về chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có biện pháp giải quyết những vướng mắc, trăn trở, khó khăn của người làm báo.


Theo Nguyễn Dũng (Infonet.vn)



Sẽ xử lý nghiêm thông tin "giật gân, câu khách"

Saturday, January 11, 2014

Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Khi dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì tên người, địa danh có phiên âm không? Nếu phiên âm thì như thế nào? Không phiên âm thì lấy theo gốc nào? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa thống nhất và thực trạng đã trở nên rất tệ.


Xin minh hoạ thực trạng này bằng bảng tổng hợp dưới đây từ cuốn tiểu thuyết “Jenny Ghechac” của nhà văn Mỹ Theodore Dreiser (tên sách “Jenny Ghechac” và tên nhà văn “Theodore Dreiser” viết như trên bìa sách của Nhà xuất bản Văn học năm 2011, Nguyễn Tâm dịch).


Ngay từ bìa sách đã có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán: tên nhà văn “Theodore Dreiser” được giữ nguyên như tên tiếng Anh, nhưng tên tiểu thuyết (cũng là tên nhân vật chính) lại được phiên âm từ “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac”. Chưa nói tới việc phiên âm “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac” đã đúng chưa, việc trên một bìa sách mà tên này viết theo nguyên gốc tiếng Anh, tên kia phiên âm ra tiếng Việt, đã thể hiện một sự cẩu thả rồi.


Có một số tên tiếng Việt trong bảng này có thể suy đoán được gốc tiếng Anh, nhưng cách phiên âm quả thực rất “khó đỡ” như “Lănđơn” (London), Xên Luiz (Saint Louis), Jơjơ (George).


Người dịch sử dụng nhiều chữ cái không phải của tiếng Việt cho các tên được phiên âm: chữ “j” trong “Jenny”, “Jơjơ”, “Jerôn”, “Jec”, “Mitjơly”, chữ “f” trong “Fin”,  chữ “z” trong “Luiz”…).


Người dịch cũng không nề hà việc cho các phụ âm “đ”, “x”, “g” đứng cuối từ (“Mađriđ”, “Pâyx”, “Đâyvix”, “Crêg”), điều không bao giờ có trong tiếng Việt.


Một số tên phiên âm của người dịch không thể hiểu nổi: “Gran Poxifix” (“Grand Pacific”), “Kepitơn” (“Capital”).


Tiếng Việt đơn âm tiết (trong một từ chỉ có một nguyên âm đơn hoặc kép), nhưng người dịch lại viết các tên tiếng Việt liền tù tì như trong tiếng Anh đa âm tiết, không dùng dấu nối “-”.


Tuy nhiên, khi không có một quy định chuẩn phiên âm nào cả thì cũng không thể nào nói phiên âm một tên người, địa danh như thế nào là đúng.


Phiên âm hay không phiên âm?


Mọi tên người, địa danh đều để nhận biết qua hai hình thức phổ biến: phát âm (để nghe) và viết (để đọc). Chúng ta phát âm hay viết ra một cái tên đều để cho người khác nhận biết đó là ai hoặc địa danh nào. Lý tưởng nhất là khi cả việc phát âm và viết tên đều dễ dàng để người khác nhận ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.


Trong nhiều ngôn ngữ hệ La-tinh, do sự tồn tại của các từ đồng âm khác cách viết và khác nghĩa, việc nhận biết trong nhiều trường hợp cần dùng đến việc đánh vần (spelling) để người nghe hình dung được cách viết của từ. Đánh vần cũng được áp dụng cho các chữ phức tạp. Về bản chất, đánh vần là “viết bằng miệng”. Như vậy, việc nhận biết một từ (kể cả tên) có khi đòi hỏi người nói phải kết hợp đồng thời hai cách nhận biết là phát âm và viết.


Đối với tên người, địa danh nước ngoài, cái khó đầu tiên là phát âm chúng. Đây là lý do ra đời phương pháp phiên âm. Tuy nhiên, dù sát đến mấy thì các tên được phiên âm sang tiếng nước ngoài cũng chỉ “lơ lớ”, không giống hoàn toàn với phát âm trong tiếng mẹ đẻ.


Điểm bất lợi lớn của phương pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh sang tiếng Việt là, trong khi về mặt phát âm cũng chỉ đạt được mức “lơ lớ”, nó làm mất đi tên gốc ở chữ viết. Việc căn cứ vào tên phiên âm tiếng Việt để tìm tên gốc đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất khó, đặc biệt là khi mỗi người tự phiên âm một kiểu, thậm chí cùng một người, phiên âm cùng một tên, nhưng mỗi lúc mỗi kiểu.


Trong thế giới ngày nay, nhu cầu tìm tên gốc của người và địa danh rất lớn. Khi đọc một bài báo hay tài liệu, thấy ông cựu tổng thống Mỹ Cờ-lin-tơn, người đọc thường có nhu cầu biết tên tiếng Anh của ông Cờ-lin-tơn viết như thế nào để tìm thêm thông tin trên mạng, hay để trao đổi với bạn bè quốc tế về ông.


Với người nổi tiếng như ông Cờ-lin-tơn hay thủ đô Oa-sinh-tơn, việc tìm ra tên gốc Clinton, Washington DC có thể không khó. Nhưng với những tên ít nổi tiếng, việc này không dễ, đặc biệt khi được phiên âm kiểu lạ lùng như “Gran Poxifix”, “Kepitơn” được dẫn chiếu ở trên.


Nếu coi ngôn ngữ là công cụ (để truyền thông), giải pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh ra tiếng Việt rõ ràng không hiệu quả so với việc để nguyên tên gốc của nó, hoặc so với việc dùng tên La-tinh trong một tiếng nước ngoài phổ biến khác (ví dụ tiếng Anh).


Nếu gọi tên một nước là “Ba Lan”, không phải ai cũng dễ dàng biết đó là nước “Polska” bằng tiếng Ba Lan và nước “Poland” bằng tiếng Anh. Nếu ta gọi tên nước đó là “Poland” (như tiếng Anh), việc phát âm không khó hơn là mấy, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt. Kể cả những tên phức tạp như “Shakespeare”, người Việt không biết tiếng Anh vẫn có thể phát âm “lơ lớ”, nếu cần thì đánh vần cho người nghe.


Nếu theo lô-gíc hiệu quả, các tên người, địa danh có gốc không phải La-tinh (như các ngôn ngữ hệ Sla-vơ, hệ Ả-rập…), khi chuyển sang tiếng Việt mà dùng tên La-tinh của một ngôn ngữ phổ biến thì sẽ hiệu quả hơn so với việc phiên âm. Thủ đô “Москва” của nước Nga nếu gọi là “Moscow” như tiếng Anh hiệu quả hơn so với việc phiên âm thành “Mát-xcơ-va”.


Ghi chú: Các tên phiên âm chưa tìm được gốc tiếng Anh: Đotjơ, Onđrit, Âubraiơn, Naitơ, Mancơm Jerôn, Letty Jerôn, Jec, Mitjơly, Râuxitơ, Mơfri, Ratx, Jecxơn Đuy Boa, Ođitơriơm, Jimmy Xevorơn, Molaimơ, Bolinhgơ, Uylixtơn Bâykơ, Gout, Uynkơ… Ghi chú: Các tên phiên âm chưa tìm được gốc tiếng Anh: Đotjơ, Onđrit, Âubraiơn, Naitơ, Mancơm Jerôn, Letty Jerôn, Jec, Mitjơly, Râuxitơ, Mơfri, Ratx, Jecxơn Đuy Boa, Ođitơriơm, Jimmy Xevorơn, Molaimơ, Bolinhgơ, Uylixtơn Bâykơ, Gout, Uynkơ…


Có nên dịch nghĩa các tên người, địa danh nước ngoài?


Do ảnh hưởng của chữ Hán – Việt, nhiều tên người và địa danh nước ngoài được chuyển sang tiếng Việt theo nghĩa của tên gọi. Ví dụ, các thành phố Trung Quốc  được gọi là “Bắc Kinh” (“kinh thành phía Bắc”), “Thượng Hải” (“[thành phố] trên biển”).


Chúng ta cũng gọi cố Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là “Đặng Tiểu Bình”. Khi chúng ta viết hoặc phát âm tên “Đặng Tiểu Bình”, người Trung Quốc và người các nước khác không thể biết ông ấy là ai, còn người Việt lại không biết là cả người Trung Quốc và người nước ngoài đều gọi ông ấy là “Deng Xiao Ping” (phát âm hơi khác nhau). Khi chúng ta muốn tìm thông tin thêm về ông Đặng Tiểu Bình từ các nguồn nước ngoài, việc đầu tiên là phải biết cụm từ “Deng Xiao Ping” thì “ông Google” mới có thể giúp được.


Chúng ta gọi một nước là “Nam Phi” bằng cách dịch nghĩa tên “South Africa”. Chỉ có người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt biết nó là nước nào, còn người nước ngoài nghe hoặc nhìn vào chữ “Nam Phi” thì không thể biết được. Đồng thời, không phải người Việt Nam nào cũng biết được “Nam Phi” tiếng Việt và “South Africa” tiếng Anh là cùng một nước.


Tên người, tên địa danh là để gọi, không nhất thiết phải có nghĩa. Có nhiều tên người, địa danh không có nghĩa (hoặc đã bị mất nghĩa), vì vậy, việc dịch nghĩa tên là không cần thiết. Nếu chúng ta dịch nghĩa tên nước ngoài, hãy thử hình dung tình hình sẽ thế nào nếu người nước ngoài cũng dịch nghĩa các tên người, địa danh Việt Nam. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyên khôi hài!


Cần xem xét ngôn ngữ là công cụ và mọi công cụ đều phải được thường xuyên hoàn thiện để hiệu quả hơn trong tình hình mới. Chắc chắn cách chúng ta nói và viết tiếng Việt hiện nay đã khác cách cha ông, tổ tiên chúng ta nói và viết tiếng Việt trong thế kỷ 19 hoặc hàng trăm năm trước.


Vì vậy, không có gì bất bình thường nếu chúng ta thay đổi cách nói và viết tên người, địa danh nước ngoài trong tiếng Việt trong điều kiện toàn cầu hoá ở mức độ cao như hiện nay. Nhưng sẽ bất bình thường nếu chúng ta không chịu thay đổi hoặc chậm thay đổi ngôn ngữ như một công cụ rất quan trọng của cuộc sống cho phù hợp hơn với thời đại.


Người viết bài này có niềm tin rằng sự hoàn thiện và chặt chẽ của ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước. Khó mà hình dung được một nền công nghiệp phát triển (đòi hỏi sự chuẩn hoá và kỷ luật cao) khi con người sử dụng ngôn ngữ một cách tuỳ tiện, thiếu sự chuẩn hoá tối thiểu như trong vấn đề ngôn ngữ này. Sự tuỳ tiện trong ngôn ngữ có thể gây ra sự tuỳ tiện trong suy nghĩ và trong hành động.


Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học, mà chỉ là người sử dụng ngôn ngữ. Vấn đề này đã được các cơ quan, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nhận diện từ lâu rồi. Thiết nghĩ, nếu có đủ sự quan tâm và quyết tâm, nó sẽ không trở thành một vấn đề bị “treo” vĩnh viễn và gây sự hoài nghi về năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra của chúng ta.


Tiến sĩ Lương Hoài Nam (nguồn: Vnexpress)



Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Friday, January 10, 2014

“Đừng đối xử với báo chí như địch họa, thiên tai”

Việc nhiều đơn vị có quyền “phạt báo chí” khiến các nhà báo có lo ngại báo chí đang bị “phòng ngừa” như thiên tai, địch họa. 

 

Cùng góp tiếng nói về vấn đề này, nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PV Infonet.


Là người tâm huyết với việc đào tạo, bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, ông có suy nghĩ gì khi “ai cũng có quyền xử phạt báo chí” với hàng loạt nghị định xử phạt hành chính ra đời?


Tôi rất bất ngờ bởi vì báo chí được coi là công cụ, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng nhưng cách thức trao quyền xử lý báo chí cho quá nhiều ngành, quá nhiều cá nhân ở rất nhiều cấp như đại diện Bộ Tư pháp nói “ai phát hiện trước phạt trước” thì không thể hiểu nổi. Cách thức “huy động cả hệ thống vào cuộc” như thế thể hiện tư duy coi sai sót của báo chí không khác gì thiên tai, địch họa, cần phải sự ra tay của nhiều cấp nhiều ngành.


Trong khi đó, sự đóng góp của báo chí được các nhà lãnh đạo nói rất nhiều, thậm chí còn được trao tặng những danh hiệu cao quý. Đặc biệt với nhân dân, họ rất cảm ơn báo chí, minh chứng ở nhiều nghiên cứu khảo sát của chúng tôi.


Nhà báo Mai Phan Lợi tại Hội thảo về "Nâng cao mức độ giải trình các CQNN với phê bình khiếu nại" Nhà báo Mai Phan Lợi tại Hội thảo về “Nâng cao mức độ giải trình các CQNN với phê bình khiếu nại”


Ông có lý giải gì về câu chuyện này?


Từ câu chuyện trao quá nhiều quyền cho các cá nhân, các ngành xử phạt báo chí, theo tôi cần mổ xẻ xem có đúng về mặt đạo đức và pháp lý hay không.


Về mặt pháp lý, chúng tôi xác nhận rằng quyền quản lý Nhà nước là thuộc về Chính phủ theo Luật Báo chí. Chính phủ thống nhất quản lý và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan được trao quyền quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí. Điều đấy được ghi nhận trong luật: Luật Báo chí, Luật Tổ chức Chính phủ, các nghị định… về tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT cũng như các đơn vị chức năng. Vậy quyền quản lý Nhà nước là gì? Đó là 3 việc chính: ban hành chính sách; kiểm tra việc thực thi chính sách và xử lý các hành vi vi phạm chính sách.


Theo điều đó, việc quản lý trong lĩnh vực báo chí là Bộ TT&TT. Bộ này là cơ quan xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí bao gồm toàn bộ các khâu hoạt động báo chí: thu thập, xử lý và công bố thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Chính vì thế, việc Bộ kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm Luật Báo chí thông qua các công cụ như Nghị định 02/2011/NĐ-CP và từ ngày 1/1/2014 là Nghị định 159/2013/NĐ-CP là cần thiết, đúng thẩm quyền. Bản thân giới báo chí cũng thấy điều đấy là phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ ngành TT&TT.


Tuy nhiên, nếu nói rằng do Chính phủ thực hiện quyền quản lý Nhà nước nên có thể phân công cho các cơ quan, bộ ngành khác thực thi quyền xử phạt báo chí thì đúng về nguyên tắc. Thế nhưng thử hỏi những cơ quan không tự mình hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hành lang pháp lý liên quan đến tác nghiệp của nhà báo thì làm sao đủ khả năng đứng ra xác định nhà báo vượt khỏi ranh giới tác nghiệp? Không đủ năng lực mà lại có quyền ra quyết định xử phạt sẽ dẫn tới một nguy cơ nguy hiểm là sự tùy tiện, nhất là với trình độ năng lực của những cán bộ cấp xã, cấp huyện, cấp cục… những cán bộ vốn không được đào tạo, không có hiểu biết về báo chí.


Khía cạnh thứ 2 về mặt pháp lý, trình độ năng lực của các cán bộ này còn thể hiện ở việc ban hành mức phạt. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về Nghị định 31/2001/NĐ-CP, Nghị định  56/2006/NĐ-CP, Nghị định 02/2011/NĐ-CP, Nghị định 159/2013/NĐ-CP thấy rằng các đơn vị soạn thảo là Bộ TT&TT đưa ra mức phạt đối với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, ít nghiêm trọng cho thấy sự suy xét đánh giá khá kỹ và toàn diện trên tất cả các mặt đời sống xã hội và nó được áp dụng chung cho tin tức, cho tác nghiệp báo chí ở tất cả các mảng. Nhưng điều lạ là đánh giá về hành thông tin sai sự thật của báo chí mỗi ngành lại đưa ra một mức phạt khác nhau: có ngành đưa ra mức phạt đến 100 triệu đồng, có ngành đưa ra mức phạt chỉ có 3 triệu đồng.


Sự chênh lệch về mức phạt không chỉ gây khó khăn cho người trực tiếp thực thi pháp luật, tức là áp dụng mức phạt nào, mà còn tạo kẽ hở cho tiêu cực khi đối tượng bị xử phạt có thể “mặc cả” với lực lượng chức năng. Hơn thế, việc đưa ra các mức quá chênh lệch nhau cho một hành vi còn thể hiện sự chênh lệch rất lớn về trình độ nhận thức của những người soạn thảo. 


Ví dụ đưa thông tin sai về thi cử chỉ bị phạt 3 triệu đồng còn về giá lại lên tới 100 triệu đồng, vậy có căn cứ nào để khẳng định rằng thông tin sai trong lĩnh vực giá cả nguy hiểm hơn thông tin sai trong lĩnh vực thi cử? Thi cử là vấn đề rất thiết thân với mỗi người dân, với tương lai của nhiều con người… cả xã hội có thể náo động về chuyện lộ đề, ném phao thi. Người ta sẵn sàng đổ ra hàng trăm triệu đồng để con em được học hành thi cử, chả lẽ không quan trọng bằng thông tin tăng giá xăng? Ngoài ra, còn những lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn, thống kê… thì tiêu chí nào để xác định ngành nào quan trọng hơn ngành nào?


Mặt khác, việc ngành ngành phạt báo chí, người người phạt báo chí còn có biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Các ngành đã dẫn ở trên thực tế đều là đối tượng bị báo chí phản ánh. Vì vậy việc trao quyền cho đối tượng bị phản ánh cũng chính là trao quyền “trọng tài” xử phạt báo chí cho những “cầu thủ”, khó tách bạch để có vị trí độc lập khách quan với sự việc được báo chí nêu.


Những điều nói trên đã dấy lên những lo ngại. Nhưng giới báo chí lo một, những người cung cấp thông tin cho báo chí, những người thông qua diễn đàn của nhân dân, để phản biện xã hội sẽ lo mười. Khả năng công cụ sắc bén thực thi quyền hiến định của công dân là báo chí có thể bị ảnh hưởng, bị vô hiệu hóa một phần khi nhiều cá nhân, nhiều ngành được quyền quyết định đúng sai, quyết định mức phạt đối với nhà báo.


Theo ông, phải chăng về mặt pháp lý có 2 điểm bất hợp lý nổi bật: vấn đề mức phạt không thống nhất và vấn đề độc lập xử lý hành chính?


Đúng thế, đây là 2 điểm bất ổn trong  câu chuyện có quá nhiều ngành được quyền xử phạt báo chí.


Thế còn mặt đạo đức có vấn đề gì ở đây không?


Về mặt đạo lý, một trong 6 chức năng, nhiệm vụ của báo chí là diễn đàn của nhân dân và phản biện xã hội. Đăng các ý kiến về phản biện xã hội, đấu tranh với hiện tượng tiêu cực tham nhũng thì cả Luật Báo chí, Luật Phòng chống Tham nhũng và rất nhiều luật khác đã trao quyền cho báo chí. Văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra tham nhũng, tiêu cực trong bộ phận không nhỏ Đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy. Điều này dẫn đến một vấn đề, chính những người, ngành được giao thẩm quyền xử phạt báo chí cũng là những người có chức vụ, quyền hạn, tức là hoàn toàn có thể trở thành đối tượng bị báo chí phanh phui, phản ánh về các quyết định quản lý Nhà nước của họ. Ví dụ, quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, quản lý thi cử, xác lập con số thống kê…


Đối với xã hội, việc phản biện các quyết định đó trên báo chí lâu nay là rất cần thiết nhằm minh bạch hóa thông tin, vạch trần hành vi tham nhũng, tiêu cực. Như vậy nếu những ngành, đơn vị là đối tượng phản ánh của báo chí lại có thể trở thành trọng tài, thậm chí thành quan tòa, ra hình phạt đối với nhà báo thì rất “có vấn đề” về mặt đạo đức, đạo lý xã hội. Không thể chấp nhận được, người bị phản biện trở thành quan tòa xử lý người phản biện.


Nếu tình trạng ngành ngành được phạt báo chí như hiện nay, hệ lụy cho báo chí là gì?


Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu thấy rằng chưa đến 10% các khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí phản ánh được các cơ quan nhà nước trả lời một cách tử tế. Nay với các quy định mới biến bộ ngành, địa phương thành các boongke, một mặt lờ đi nghĩa vụ trả lời thông tin báo nêu, một mặt lại trao thêm nhiều vũ khí “tấn công” nhà báo, rất có thể tình hình sẽ khác.


Lúc đó, các nhà báo sẽ không có tiếng nói phản biện. Những vụ việc có biểu hiện tiêu cực sẽ không được làm rõ vì nhà báo không dám nêu. Vì, nguy cơ bị chính nơi nhà báo phản biện “phán quyết” mình sai và án xử phạt treo lơ lửng trên đầu. Ví dụ, vụ thi cử Đồi Ngô, lúc đầu các cơ quan phủ nhận về tiêu cực thi cử ở đây. Chỉ khi, báo chí công bố bằng chứng họ mới buộc phải thừa nhận. Vì trước đây, họ phủ nhận nhưng họ không có quyền phạt, báo chí mới tiếp tục đấu tranh, điều tra tìm hiểu. Nhưng những ngành, địa phương đó có quyền xử phạt trong tay thì họ sẽ phủ nhận đồng thời sẽ xử phạt báo chí và cũng có quyền chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Như vậy, khả năng hình sự hóa không thể nói không có.


Đã có cơ quan bị nêu về quản lý ngành, thay vì cơ quan này giải trình trước công luận, họ lại gửi đơn sang Công an yêu cầu điều tra. Hiện tượng lạm quyền sẽ diễn ra.


Một hậu quả có thể nhìn thấy được, khi báo chí bị tước đi chức năng phản biện của mình, sẽ không còn ai đọc báo. Mà sự thật như vậy, báo chí không đăng thì mạng xã hội, blogger họ đăng. Báo chí chính thống sẽ dần dần sa sút, mất trận địa về thông tin.


Xin cảm ơn ông!



Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)



“Đừng đối xử với báo chí như địch họa, thiên tai”

Myanmar: Nhà báo biểu tình đòi thả đồng nghiệp

Hàng chục nhà báo đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Rangoon, thành phố lớn nhất của Myanmar, đòi trả tự do cho một phóng viên bị kết án tù khi đang điều tra một vụ tham nhũng.

Những nhà báo này đã mặc áo thun đen hô vang khẩu hiệu: “Chúng tôi không muốn tự do báo chí bị đe dọa” và mang những biểu ngữ như: “Quyền được thông tin là sức sống của nền dân chủ”.


Họ tuần hành xuống một tuyến phố sầm uất của Rangoon, phản đối việc phóng viên Ma Khine của báo Daily Eleven bị kết án 3 tháng tù giam.


Theo Wai Phyo, Tổng biên tập của Daily Eleven, Ma Khine bị một luật sư kiện sau khi đến nhà luật sư này thực hiện một cuộc phỏng vấn về tham nhũng. Vị luật sư này tỏ ra tức giận với những câu hỏi của Ma Khine và sau đó đã khởi kiện cô.


Hàng chục nhà báo Myanmar đã biểu tình đòi thả đồng nghiệp của họ bị kết án 3 tháng tù giam. Hàng chục nhà báo Myanmar đã biểu tình đòi thả đồng nghiệp của họ bị kết án 3 tháng tù giam.


Một tòa án ở bang Kayah, miền đông Myanmar đã kết án Ma Khine tội xâm phạm, sử dụng ngôn ngữ lăng mạ và phỉ báng.


Myint Kyaw, Tổng thư ký Báo chí của Myanmar, người hỗ trợ tổ chức các cuộc biểu tình này cho biết: “Chúng tôi không muốn việc bỏ tù một nhà báo trở thành một tiền lệ”.


Các phương tiện truyền thông địa phương và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Báo chí Thế giới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và Phóng viên Không biên giới cũng phản đối mạnh mẽ án tù đối với Ma Khine.


Các nhà báo Myanmar đã có được nhiều quyền tự do hơn khi chính phủ cải cách của Tổng thống Thein Sein bãi bỏ kiểm duyệt và cho phép phát hành các ấn phẩm của các báo tư nhân hàng ngày lầu tiên trong gần 5 thập kỷ qua.


Trước đây, các phóng viên của nước này phải làm việc với những quy định rất hạn chế, được cho là chặt chẽ nhất trên thế giới, bị giám sát thường xuyên, bị kiểm soát các cuộc gọi và tất cả các ấn phẩm đều bị kiểm duyệt.


Tuy nhiên, ngay cả khi đã có cải cách, một số ấn phẩm vẫn bị kiện tội phỉ báng. Ma Khine là nhà báo đầu tiên bị kết án tù dưới thời của Tổng thống Thein Sein.


Theo Phạm Khánh (Infonet.vn)



Myanmar: Nhà báo biểu tình đòi thả đồng nghiệp

Đạo đức báo chí: Ngẫm từ người trong cuộc

Các nhà báo cho rằng tình trạng vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, vi phạm đạo đức báo chí trong làng báo đã đến hồi trầm trọng. Những nhà báo nghiêm túc đã bắt đầu lo lắng xã hội tẩy chay báo chí.

Những nội dung này được bộc bạch tại buổi hội thảo về vấn đề đạo đức nhà báo, do Trung tâm Truyền thông và Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP.HCM hôm nay, 9/1. 


“Nhà báo nghiêm túc thấy xấu hổ”


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự lo ngại với cách làm việc, đưa tin của một số tờ báo, website hiện nay. Ông dùng từ “bất chấp” khi nói về cách làm việc của một số tờ báo. Vụ trưởng đơn cử một số “sự kiện” trong làng báo vừa qua như các bài báo kiều nữ  hiếp dâm tài xế taxi, con gái giữ mẹ cho cậu cưa chân…, và cho rằng báo chí đã sa vào những vấn đề nghiêm trọng trong viêc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 


ảnh minh hoạ (Dân trí) ảnh minh hoạ (Dân trí)


“Nếu cơ quan quản lý Nhà nước làm việc nghiêm túc, xử lý đúng quy định, thì nhiều tờ báo phải sạt nghiệp”, ông nói.  


Vụ trưởng cho rằng ông tâm đắc với từ “kền kền” mà các nhà báo đã dành cho những tác giả, những bài báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm xấu hình ảnh báo chí.


 “Trước đây khi phê phán đạo đức báo chí là từ phía xã hội, chẳng hạn người dân, doanh nghiệp lên tiếng. Còn hiện nay lại chính các nhà báo lên tiếng phản ứng mạnh mẽ với tình trạng này”, trong lời dẫn tọa đàm của mình, nhà báo Vĩnh Quyên, Phó Giám đốc kênh truyền hình VOV TV, Đài Tiếng nói Việt Nam, đặt vấn đề. Và nhà báo này đưa câu hỏi cho ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM: “Ông nghĩ gì về hiện tượng này?”.


Nhà báo lão thành Nam Đồng công nhận điều này là có thực. Ông cho rằng, trước kia việc phê phán nhắc nhở đạo đức báo chí cũng có nhưng mật độ thưa thớt, còn thời gian sau này, tình trạng các nhà báo vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp càng nhiều, mà bằng chứng là đã có nhiều nhà báo đã bị bắt, vào tù vì những việc làm mang động cơ lợi ích cá nhân.


“Nếu không nói là dồn dập, thì cũng phải thừa nhận rằng thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo đã sa vòng pháp luật, lao lý”, ông Nam Đồng nói. Ông có ý tiếc rằng trước đây hình ảnh nhà báo trong xã hội là một cái gì rất cao đẹp, nhưng nay đã bị nhìn khác đi. Cứ nói đến báo chí là người dân cho rằng đó là những người chuyên bịa đặt, nói dối, có động cơ vụ lợi… “Tình trạng này khiến những nhà báo nghiêm túc thấy xấu hổ”. 


“Phải tự giữ mình”


Các nhà báo và kể cả cán bộ các cơ quan Nhà nước, tại hội thảo đã cùng nhau phân tích mổ xẻ và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Nhà báo Dương Thủy, phóng viên tạp chí Travel Life cho rằng, điều đáng ngại là các nhà báo ta hiện nay quá ảo tưởng và lạm dụng vị trí, công việc của mình, dẫn đến có những hành động vụ lợi là có thực. 


Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM, thừa nhận có ý kiến cho rằng một số nhà báo đã bị biến thành công cụ có ý thức bởi những ý đồ các nhân, các cán bộ quan chức, các doanh nghiệp đấu đá tranh giành triệt hạ nhau. “Từ chuyện công tác ở cơ quan đến chuyện gia đình, chuyện riêng tư, bằng cấp, sinh hoạt… của các đối tượng đều bị moi móc, bị phanh phui ra hết. Hoặc doanh nghiệp thì mượn nhà báo để nói xấu đối thủ”. 


Nhà báo lão làng Nam Đồng lý giải nhiều nguyên nhân, trong đó ông cho rằng một phần có lý do thời điểm sau này khi báo chí phát triển, nhiều tờ báo, website thuộc dòng “giải trí” ra đời đã lấy việc tăng lượng phát hành, lượng truy cập làm mục đích nên chạy theo cách làm đã bỏ qua các nguyên tắc nghề nghiệp. Chính điều này đã dẫn đến nhiều sai sót đáng tiếc khiến bạn đọc thấy hình ảnh báo chí ngày càng xấu đi.


Chưa khi nào các nhà báo trong nước lại lên tiếng nói phản ứng mạnh mẽ với tình hình đạo đức báo chí như hiện nay. Tuy nhiên theo ông Văn Thành Nhất, cán bộ Cục Hải quan, điều cốt yếu là giới báo chí phải có giải pháp để giảm đi tình trạng này, chứ không chỉ phê phán, lên án là sẽ giảm! 


Ông Nam Đồng đưa ra ý kiến, các nước có nền báo chí lâu đời đều có bộ quy chuẩn về đạo đức nghề. Ở Việt Nam cũng có một số tờ báo đã xây dựng được bộ quy chuẩn, và ông đặt vấn đề: “Các tờ báo trong nước cũng nên xây dựng bộ quy chuẩn cho tờ báo của mình”. 


Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, dù có ban hành quy chuẩn nhưng liệu cơ quan tòa soạn có kiểm soát được hành vi của phóng viên tác nghiệp?  Thậm chí có ý kiến của đại biểu cho rằng, nhiều khi cách làm việc, tác nghiệp, viết bài của phóng viên còn do lãnh đạo của tờ báo đó. Khi lãnh đạo yêu cầu viết giật gân, câu view thì phóng viên phải làm!


Chính vì lẽ đó mà trả lời câu hỏi của người điều khiển chương trình rằng “Là tờ báo điện tử, áp lực tăng view là rất lớn, Infonet có nghĩ rằng việc xây dựng các quy chuẩn đạo đức có là vấn đề cần thiết?”, nhà báo Phan Lê Quang Tuyến, Trưởng Văn phòng đại diện Infonet phía Nam, cho rằng việc quan trọng nhất là chính các nhà báo phải tự biết giữ mình. 


“Ngay từ đầu xây dựng tờ báo điện tử Infonet, Ban biên tập đã xây dựng một hướng đi khác, không nặng về khuynh hướng câu view mà bất chấp tất cả”, ông nói. “Đương nhiên đó là bài toán khó, thậm chí đau đầu, nhưng định hướng đó đã được tòa soạn kiên định”.


Theo Vỹ Đặng (Infonet.vn)



Đạo đức báo chí: Ngẫm từ người trong cuộc

Hà Nội: Cấp 4300 giấy phép về báo chí xuất bản

Tính đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông Tp Hà Nội đã cấp phép cho hơn 4300 giấy phép cho lĩnh vực báo chí xuất bản, trong đó có hơn 2000 hồ sơ trực tuyến.

 

Công tác quản lý, đăng ký, cấp phép trong lĩnh vực báo chí xuất bản của Sở TT&TT Hà Nội thời gian qua đã thực hiện hiệu quả. Số hồ sơ trực tuyến cấp phép tăng lên khoảng 100% (hơn 1000 hồ sơ cấp phép hồ sơ trực tuyến) so với năm 2012. Đặc biệt, đã xử lý 20 trang tin điện tử vi phạm các quy định của pháp luật. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ Nhà báo cho 50 cán bộ phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội…

Vấn đề cung cấp nguồn tin một lần nữa được Bộ Công an xới lại trong văn bản trả lời cử tri. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.


Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đổi mới và tăng cường. Xây dựng 40 kế hoạch hướng dẫn tuyên truyền, tổ chức 4 hội nghị cung cấp thông tin về công tác cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giá cả một số mặt hàng thiết yếu, 3 hội nghị về công tác phòng chống tội phạm buôn bán người…


Ngoài ra, có nhiều sự kiện lớn được tuyên truyền thành công như “5 năm mở rộng Thủ đô Hà Nội”, Triển lãm Bản đồ và trưng bày tài liệu về “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”, tuyên truyền Luật Thủ đô…


Phát biểu đánh giá kết quả hoạt động của Sở TT&TT Tp Hà Nội thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng: Sở TT&TT Tp Hà Nội đã chủ động tham mưu trình UBND Tp Hà Nội ban hành quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin- truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Công tác quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại đã được đặc biệt chú trọng và đi vào nề nếp, đóng góp tích cực đạt hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền và xây dựng lòng tin tạo sự đồng thuận của nhân dân Thủ đô với chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố”.


Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)



Hà Nội: Cấp 4300 giấy phép về báo chí xuất bản

Không thể “trói” báo chí bằng việc xử phạt

Xung quanh quy định cho phép nhiều cơ quan cùng được xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) đã có bài phân tích về vấn đề này.


 

Trước hết, không thể dùng việc xử phạt để “trói” báo chí mà phải nhìn nhận vấn đề qua các góc độ xã hội và pháp lý để hiểu sâu sắc hơn bản chất của nó.

Báo chí là diễn đàn của nhân dân

Ở góc độ xã hội, ngay tại điều 1 Luật Báo chí đã nêu rõ vai trò, chức năng của báo chí: “Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, diễn đàn của nhân dân”.

phatbaochiĐiều ấy cũng có nghĩa báo chí phản ánh trung thực những mặt khách quan hiện thực của đời sống xã hội, giúp xã hội ngày một trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, báo chí còn có chức năng quan trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp pháp luật đi vào đời sống nhân dân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Như vậy, với chức năng, vai trò của mình, báo chí đã tác động một cách tích cực hầu như bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để báo chí thực hiện tốt chức năng và thể hiện đúng vai trò của mình, nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ.

Pháp luật phải thống nhất, toàn diện

Xét ở góc độ pháp lý, thuộc tính của pháp luật là thống nhất, toàn diện, phổ biến để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tính hiệu lực của pháp luật được xác định theo thứ tự giá trị của văn bản pháp luật, thời điểm ban hành pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật phải có trách nhiệm rà soát tính hiệu lực của các văn bản đã ban hành trước đó để tránh chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.

Một điều cốt yếu nữa là tại khoản 1, điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”.

Đơn cử trường hợp Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung thông tin như thông tin sai sự thật bị phạt 5 triệu đồng (điểm a, khoản 2, điều 7), gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt 30 triệu đồng. Trong khi cũng hành vi tương tự, tại Nghị định 79/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê, chỉ cần đưa tin sai sự thật về số liệu thống kê, không cần hậu quả cũng đã bị phạt đến 30 triệu đồng…

Chính từ việc ban hành các nghị định về xử phạt này đã làm cho các văn bản pháp luật mâu thuẫn nhau, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.

Một hành vi vi phạm chỉ xử phạt 1 lần

Trong Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP, Nghị định 02/2011/NĐ-CP, Nghị định 159/2012/NĐ-CP đã có đầy đủ hành lang pháp lý quy định quyền, trách nhiệm, chế tài xử phạt cụ thể cho từng hành vi tác nghiệp của phóng viên cũng như tờ báo quản lý phóng viên đó, nếu có vi phạm. Quy định của Luật Báo chí trao cho nhà báo nhiều quyền để hoạt động. Việc cho phép nhiều ngành ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí hiện nay vô tình đã tạo nên một sự “hỗn loạn” trong việc thực thi pháp luật; đồng thời gia tăng sự lạm quyền, gây trở ngại đến tác nghiệp của nhà báo.

Ngoài ra, nhiều cơ quan tự cho mình thẩm quyền được xử phạt đã làm hạn chế tiếng nói phản biện của báo chí, tính thông tin đa chiều trên báo cũng sẽ giảm… Điều này đi ngược xu thế chung của thế giới và phá vỡ tính thống nhất quản lý ngành cũng như nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ xử phạt 1 lần.

Vì vậy, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi những quy định chồng chéo, rối rắm nói trên và ban hành những quy định phù hợp Luật Báo chí. 

Theo tạp chí Nghề báo



Không thể “trói” báo chí bằng việc xử phạt

Lãi lớn vẫn tăng giá, ai hưởng lợi?

(HNM) – Ba tập đoàn nhà nước là EVN, Viettel và VNPT vừa công bố đạt lợi nhuận lớn, lần lượt là 4.404 tỷ đồng, 35.086 tỷ đồng và 9.265 tỷ đồng… Những con số đó là niềm mơ ước với bao doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này. Dường như các tập đoàn này đang khẳng định được vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế. Đây có thể coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm qua, là tín hiệu đáng mừng cho năm tới.

Và, sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như không có những chuyện “bên lề”. 


Năm 2013, việc các “nhà mạng” đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G đã được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam xếp là “điểm nóng làng công nghệ”. Và ngay khi vừa bước sang năm mới ít ngày thì EVN lại “bắn” tín hiệu về chủ trương tăng giá điện trong năm 2014. Ngành điện lấy lý do kinh doanh không có lãi nên không có vốn đầu tư, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia, vì thế phải tăng giá điện. EVN cũng lại một lần nữa cho rằng việc tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội đã làm tăng lỗ của tập đoàn… 


Vậy thì thực hư chuyện lỗ, lãi ra sao? Vì sao đã lãi lớn mà EVN vẫn đòi tăng giá điện? Trong khi kinh tế khó khăn, chi phí tiêu dùng tăng cao khiến đời sống người dân chật vật, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá? Khác với viễn thông, điện là thứ hàng hóa thiết yếu, có thể nắm vai trò điều tiết với nền kinh tế. Giá điện tăng hay giảm sẽ có tác động lập tức đến đời sống, đến giá của nhiều hàng hóa khác. Vậy vì sao ngành điện lại không giữ ổn định giá để thực hiện tốt nhất trọng trách mặt hàng “đầu vào” quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ khó khăn hiện tại với đất nước? Trước đây, EVN đã nhiều lần than lỗ, nhưng theo thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng nguồn vốn và tài sản tại EVN được công bố hôm 9-1 thì đơn vị này đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ trên 45 nghìn tỷ đồng, chưa nộp về quỹ bảo vệ và phát triển rừng, chi phí dịch vụ môi trường rừng số tiền trên 533 tỷ đồng, có đơn vị thành viên còn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi trên 7 tỷ đồng, hàng chục dự án điện chậm tiến độ dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án…


Tương tự, các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone cũng than vãn bị lỗ và cần tăng giá cước 3G. Và thực tế họ đã gây ra cú sốc trong dư luận khi quyết định tăng cước mặc dù không lý giải được lỗ vì đâu và sẽ có giải pháp nào khắc phục ngoài việc tăng giá. Giờ đây, với con số lãi công bố lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, phải chăng có những dịch vụ họ đang lãi khủng khiếp, mà vẫn không chịu chia sẻ gánh nặng với người dân và nền kinh tế?


Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, gần 61 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, hàng chục nghìn doanh nghiệp khác đang điêu đứng, làm ăn lay lắt do chi phí đầu vào liên tục tăng cao, thì việc một số tập đoàn “đầu tàu” hưởng lãi “khủng” và liên tục đòi tăng giá là điều bất hợp lý, thể hiện sự mâu thuẫn trong công tác quản lý, vậy mà hầu hết những lần họ đưa “yêu sách” tăng giá đều được cơ quan quản lý chấp thuận.


Cuối cùng, xin được nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong hội nghị tổng kết của EVN vừa diễn ra cách đây mấy ngày: Giá điện ở Việt Nam hiện nay không còn được coi là rẻ nữa. Đã đến lúc toàn ngành cần quán triệt, bên cạnh việc định hướng tất yếu theo giá thị trường, cần tập trung cho việc tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp theo hướng tối ưu, mục tiêu bao trùm là hướng tới khách hàng, khách hàng cần phải được hưởng những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch. 


Thiết nghĩ, chỉ đạo này của Phó Thủ tướng đã quá rõ ràng rồi!


Nữ Quỳnh



Lãi lớn vẫn tăng giá, ai hưởng lợi?

Trang tin điện tử tổng hợp không được lấy nguồn từ Facebook

Theo đó, Facebook không phải là nguồn tin các trang tin điện tử tổng hợp được phép lấy để trích dẫn làm nguồn cho mình, mà phải theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP.


Trước thắc mắc hiện nay rất nhiều trang tin tổng hợp “lách luật” để tự sản xuất bài bằng cách đưa lên Facebook sau đó dẫn về trang của mình ở dưới bài để tổng hợp “theo Facebook”, đại diện Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết, đây là một việc làm hoàn toàn sai luật. Theo đó, tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định, trang tin điện tử tổng hợp chỉ được phép trích dẫn nguồn tin từ các cơ quan báo chí, các website của cơ quan Nhà nước và các trang tin điện tử tổng hợp phải thực hiện đúng quy định này.


facebook


Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cũng giải thích về các quy định trong dự thảo thông tư quy định quản lý hoạt động trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội. Về việc trích dẫn nguồn tin của trang tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử tổng hợp muốn trích dẫn nguồn tin phải xin phép cơ quan báo chí và được sự đồng ý của họ. Cơ quan báo chí cho phép trích dẫn trong phạm vi nào phải tuân thủ đúng phạm vi đó.


Riêng trường hợp, hiện đang xảy ra tình trạng một số trang tin điện tử tổng hợp, hợp tác với báo chí theo kiểu “lách luật” bằng cách tự sản xuất tin bài, gửi lên cơ quan báo chí, sau đó trích dẫn về lại trang của mình. Về việc này đại diện Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử chia sẻ, cơ quan chức năng cũng nắm được việc làm này và sẽ cố gắng tìm một cơ chế tốt nhất quy định về vấn đề trên.


Vị đại diện này cho biết thêm, về nguyên tắc việc này gần giống với việc các cơ quan báo chí đang sử dụng các cộng tác viên viết bài cho báo, các cộng tác viên này làm những việc giống phóng viên báo chí đang làm.  Tuy nhiên, khi đăng bài của các cộng tác viên, người chịu trách nhiệm nội dung là cơ quan báo chí và nếu nội dung đó vi phạm pháp luật cơ quan chức năng sẽ xử lý cơ quan báo chí. Bởi trong trường hợp này, cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm nội dung của mình đưa lên, cơ quan chức năng không cần biết cộng tác viên kia là ai cả, nếu cơ quan báo chí không kiểm soát được nội dung của mình sẽ bị xử lí theo luật định.


Theo Lê Mỹ (ICT News)



Trang tin điện tử tổng hợp không được lấy nguồn từ Facebook

Thursday, January 9, 2014

Nâng cao đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố

Nâng cao đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố là chủ đề chính của buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) ngày 9/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh. 


Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà báo và đại diện các cơ quan quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Sở Thông tin Truyền thông, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện nhiều cơ quan ban, ngành ở một số tỉnh Đông Nam Bộ. 


Các phát biểu tại buổi tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận, bàn về vấn đề tác nghiệp phóng viên, công tác tòa soạn trong việc xử lý đơn thư khiếu tố của bạn đọc. 


Nhà báo Nam Đồng tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Quốc Ấn/Vietnam+) Nhà báo Nam Đồng tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Quốc Ấn/Vietnam+)


Thông qua công tác này, vai trò của báo chí trong việc định hướng công luận ngày càng được khẳng định. 


Nhiều bài báo đã có những tác động tích cực, góp phần giúp các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân. 


Tuy nhiên, việc xử lý thông tin từ đơn thư khiếu tố cũng còn những bất cập, đôi khi có tình trạng vi phạm đạo đức báo chí do việc trục lợi từ các thông tin trong các đơn thư khiếu tố. 


Các đại biểu cũng đã cảnh báo một số trường hợp phóng viên và thậm chí là tòa soạn đã xử lý thiếu trung thực các thông tin khiếu tố, hoặc dùng các tin bài từ đơn thư khiếu tố để kiếm lợi bất chính. 


Ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các phóng viên và tòa soạn phải kiểm tra, xác minh thông tin thật kỹ trước khi đăng, đồng thời phải nâng cao đạo đức báo chí khi xử lý vụ việc, không vì những tác động tiêu cực hoặc vì sự can thiệp của “ai đó” ở cấp trên. 


Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí và nhận định rằng trong khi có rất nhiều nhà báo đã giữ vững và phát huy được đạo đức báo chí khi tác nghiệp thì cũng có một số nhà báo tác nghiệp hời hợt, với “cái tâm” không trong sáng….


Bên cạnh đó, cũng có những tờ báo thông tin sai sự thật với mục đích câu khách khiến bạn đọc gọi là “báo lá cải.” Điều này xuất phát từ nhận thức của nhà báo, tờ báo có trong sáng, vì độc giả hay không…/. 


MAI QUỐC ẤN (TTXVN) 



Nâng cao đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố

Monday, January 6, 2014

Bắt nhà văn trẻ có tiếng trên mạng, lừa hàng loạt người

Kẻ bị công an quận Bình Thạnh, TP.HCM bắt giữ lừa đảo hàng loạt người là nhà văn trẻ có tiếng trên mạng Internet, tác giả cuốn sách bán chạy có tiêu đề “Chị ơi! Anh yêu em”.


Theo thông tin của VietNamNet, ngày 6/1 cơ quan CSĐT công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM đang tạm giữ hình sự nghi can Đoàn Mạnh Quang (SN 1989, quê Lâm Đồng) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của hàng loạt người.Nguồn thông tin này xác nhận, Quang chính là nhà văn trẻ có tiếng tăm trên mạng internet, tác giả ký tên Cusiu của cuốn sách bán chạy trên mạng có tựa đề “chị ơi! Anh yêu em”, phát hành những năm gần đây.


Được biết, Đoàn Mạnh Quang còn sử dụng nhiều giấy CMND với các tên khác như: Huỳnh Nguyễn Đăng Danh, Nguyễn Ngọc Cảnh…nghi làm giả nên công an quận Bình Thạnh đang mở rộng điều tra về nghi can này.


Theo thông tin ban đầu, trên các trang mạng trực tuyến mua ban, Quang thành lập nhiều mục rao bán các loại hàng như:máy tính xách tay, ĐTDĐ hiệu Iphone 5, máy ảnh kỹ thuật số… mà Quang giới thiệu với các nạn nhân là có người thân ở Mỹ mua giúp chuyển về Việt Nam và hàng hóa Quang bán ra được bảo hành 12 tháng.


Chân dung của đối tượng Đoàn Mạnh Quang Chân dung của đối tượng Đoàn Mạnh Quang


Chính vì tin tưởng Quang là nhà văn có tiếng, nhiều người đặt mua hàng trực tuyến và chuyển 30% giá trị món hàng cần mua vào tài khoản mà Quang yêu cầu. Tuy nhiên sau đó Quang không giao hàng mà chiếm đoạt tiền cọc của nạn nhân rồi biến mất.


Theo cộng đồng mạng, số lượng nạn nhân của Quang có thể lên đến hàng trăm người, ở khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, với số tiền bị Quang chiếm đoạt được chưa thể thống kê.


Trưa 5/1 Quang hẹn một số người đến 1 địa điểm tại đường Phạn Văn Trị, Q.Gò Vấp để giao dịch mua bán máy tính xách tay thì bị khoảng 50 người, là nạn nhân trước đó của Quang phục kích bắt giữ và chuyển giao cho công an P.25, Q.Bình Thạnh xử lý.


Đáng nói khi hay tin Quang bị bắt giữ, từ chiều 5/1 đến trưa 6/1 có hàng trăm người tìm đến cơ quan công an để tố cáo kèm theo các chứng cứ về hành vi lừa đảo của nhà văn này.


Theo Đàm Đệ (Vietnamnet)



Bắt nhà văn trẻ có tiếng trên mạng, lừa hàng loạt người

Bắt quả tang phóng viên truyền hình "đâm thuê chém mướn"!


Trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ phóng viên lợi dụng nghề nghiệp đi viết bài theo kiểu “đâm thuê chém mướn” hoặc tống tiền doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngày 4/1/2014, cơ quan an ninh lại bắt được một vụ…  



Ngày 4/1/2014, tại Nhà máy Kính nổi Chu Lai (Quảng Nam), cơ quan an ninh đã bắt quả tang Bùi Xuân Hiệu, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình cùng Phan Bùi Khang (ở Hà Nội) và Dương Kiều Trang – vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp, “đâm thuê chém mướn” theo đặt hàng của kẻ khác và làm giả con dấu, giấy tờ của các cơ quan nhà nước.


Qua lời khai ban đầu, Bùi Xuân Hiệu đã được một doanh nghiệp tại Ninh Bình thuê với giá tiền 500 triệu đồng để làm nhiều đơn vu cáo Nhà máy Kính nổi Chu Lai về cái gọi là “ô nhiễm môi trường” lên nhiều cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đồng thời mang tiền vào Quảng Nam – nơi Nhà máy Kính nổi Chu Lai đặt trụ sở – thuê mướn nhân dân đi khiếu kiện. Mặc dù, Nhà máy Kính nổi Chu Lai từ lâu nay đã được các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá là doanh nghiệp có công tác bảo vệ môi trường tốt nhất khu vực.


Hình ảnh Bùi Xuân Hiệu nhận tiền của doanh nghiệp Hình ảnh Bùi Xuân Hiệu nhận tiền của doanh nghiệp


Bùi Xuân Hiệu đã làm giả giấy giới thiệu là phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam và đến nhà máy Kính nổi Chu Lai đặt vấn đề làm phim, đồng thời đòi phải nộp cho gã 3.000 đô la. Phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường của “nhóm” phóng viên này, Ban giám đốc Nhà máy Kính nổi Chu Lai đã báo cáo cơ quan công an.


Khi “nhóm” phóng viên này đến “tác nghiệp”, cơ quan an ninh đã phục kích và bắt quả tang Bùi Xuân Hiệu cùng Khang và Trang về hành vi tống tiền doanh nghiệp.


Khám xét ô tô của Hiệu, cơ quan công an đã thu được hàng chục con dấu giả mạo các cơ quan Trung ương, cùng nhiều giấy giới thiệu các loại, trong đó có cả 3 thẻ nhà báo giả.


Đây thực sự là một cú sốc đối với báo giới, bởi lẽ việc làm của những kẻ này không những đã vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng quy ước đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Năm hết, Tết đến, đúng là có nhiều báo đang rất đói nên phải tung phóng viên đi “chạy”, “xin” quảng cáo. Và không ít phóng viên đã có lối dọa dẫm doanh nghiệp. Mặc dù tại các cuộc họp giao ban Tổng biên tập các báo vào thứ Ba hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam luôn yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí phải quản lý thật chặt phóng viên và cộng tác viên khi đi tác nghiệp.


Tuy nhiên, qua sự việc này, rất mong các cơ quan thông tấn báo chí hãy siết lại kỷ luật ở đơn vị mình, đừng để làm hoen ố hình ảnh những nhà báo chân chính.


 


Nguồn: Petrotimes



Bắt quả tang phóng viên truyền hình "đâm thuê chém mướn"!