Friday, January 3, 2014

Viết lời dẫn tin cho radio

Phóng viên truyền thanh Neil Churchman nói người dẫn chương trình nên viết lời dẫn tin sao cho đơn giản, dễ hiểu nhưng cuốn hút để thính giả nghe, hiểu và chú ý tới câu chuyện được tường thuật.


 Cách mào đầu


Theo lời khuyên của phóng viên truyền thanh Neil Churchman, làm gì thì làm, nhưng đừng khiến cho thính giả của mình chán và rối trí. Có nhiều chuyện đơn giản nhưng hay. Cũng có nhiều chuyện khác tẻ hơn và rắc rối. Việc của bạn là làm cho thính giả nghe, hiểu và chú ý tới câu chuyện. Nói ví von thì lời dẫn tin giống như cửa sổ bán hàng, và chúng ta đang chào mời dẫn khách vào cửa hàng vậy.


radioNội dung lời dẫn tin


Hãy xem bất cứ một câu chuyện trên báo nào – đầu tiên là tít, rồi mở bài, và thân bài. Lời dẫn tin của bạn nên làm 2 phần việc đầu, việc sau cùng là của phóng viên. Sau đây là một ví dụ:


Tít: ‘Trộm cắp và cướp giật nhiều hơn trong thời khủng hoảng’.


Và mở bài: ‘Các vụ dùng dao cướp bóc, trộm cắp gia tăng khiến có thêm cảnh báo về làn sóng tội phạm từ cuộc khủng hoảng tín dụng’.


Đây là những thông tin mà lời dẫn tin của bạn phải có.


Lời dẫn tin hay


Lời dẫn tin thu hút sự chú ý ngay lập tức và có thể dùng nó vào đề luôn, nếu được. Đây là một ví dụ hay từ phần tóm tắt của BBC Radio 4:


“Các nhà ngoại giao phương Tây đã đứng dậy bỏ ra khỏi cuộc họp chống phân biệt chủng tộc của Liên hiệp quốc tại Geneva giữa lúc Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang có bài diễn văn. Ông bị phản đối vì nói Israel là chế độ phân biệt sắc tộc độc ác nhất. Từ Geneva, Imogen Foulkes tường thuật.”


Ở đây, chúng ta vào đề ngay. Câu 1 cung cấp thông tin về chuyện gì, ai, ở đâu. Câu 2 cung cấp lý do tại sao. Đây là mô hình tiết kiệm từ. Hơn thế nữa, nó còn làm bạn muốn nghe phần tiếp theo của câu chuyện.


Thêm yếu tố nhân văn


Một lời trích dẫn hay của nhân vật chính hoặc một vài chi tiết nhân văn đôi khi có thể làm lời dẫn tin nổi bật lên và thu hút sự chú ý. Ví dụ, chúng ta đã có thể viết lời dẫn tin như thế này:


“Cựu dân biểu đảng Lao Động Alice Mahon đã ra khỏi đảng trước việc ông Gordon Brown điều hành nền kinh tế và xử lý vụ xì căng đan email ở Phố Downing. Bà cho biết danh tiếng của Đảng đã bị phương hại.”


Thay vì viết như thế thì ta có thể viết như thế này:


“Cựu dân biểu đảng Lao động Alice Mahon đã ra khỏi đảng sau 50 năm hoạt động, và cho biết bà phát ốm trước cách điều hành của Đảng hiện nay. Trong lá thư gửi cử tri ở Halifax, bà nói bà cảm thấy bị ông Gordon Brown phản bội vì cách ông điều hành kinh tế và để rò rỉ vụ xì căng đan email.”


Có thể thấy rõ ví dụ thứ hai hay hơn, với nhiều chi tiết nhân văn trong đó, ngôn ngữ tượng hình, như từ ‘phát ốm’, ‘phản bội’. Người nghe cảm thấy câu chuyện thú vị hơn.


Hợp tác


Lời dẫn tin hãy luôn là thành quả hợp tác giữa bạn và phóng viên. Mục tiêu bạn nên đề ra là một bài phát thanh trơn tru, trong đó bạn không nói vấp những gì phóng viên viết. Do đó, nếu có thể nói chuyện trao đổi càng sớm, càng thường xuyên thì càng tốt.


Am hiểu tin mình đưa


Nhiều chi tiết quan trọng có thể thay đổi vào phút chót, hoặc trục trặc kỹ thuật có thể làm cho phóng viên của bạn không đưa tin kịp một khía cạnh quan trọng của chuyện. Do đó, bạn cần biết cặn kẽ câu chuyện của mình. Hãy đọc các nguồn tin, xem các nơi khác đang đưa tin như thế nào, và luôn sẵn sàng viết lại vào phút chót.


Đơn giản hóa


Người nghe chỉ có một cơ hội để thẩm thấu điều bạn nói, do đó hãy dùng ngôn ngữ đơn giản, lôi cuốn và dễ hiểu. Tránh dùng một ma trận các cụm từ bổ nghĩa. Khi có câu dài quá thì hãy ngắt nó ra và đọc lớn lời dẫn tin lên cho chính mình nghe – như vậy có thể thấy trước được những từ lặp hoặc làm trẹo lưỡi. Nếu bạn thấy những người làm chương trình đọc lầm rầm một mình thì đó là dấu hiệu tốt đấy, không phải là họ bị bệnh tâm thần đâu!


Tránh sự cố


Dĩ nhiên có nhiều điều có thể làm hỏng lời dẫn tin đã được cắt tỉa gọn ghẽ của bạn. Và hầu hết sự cố đều do mình mà ra. Luôn lắng nghe kỹ xem cái gì sẽ đến sau lời dẫn của bạn. Bạn không muốn lời dẫn và phần tin có nhiều từ, câu, hoặc vế câu giống y nhau. Nghe kỳ cục lắm.


Dẫn nhập vào tiếng động thực tế            


Cần lưu ý viết dẫn nhập cho các đoạn tin bắt đầu với tiếng động thực tế. Khi bạn nghe giới thiệu: ‘Sau đây là tường thuật của Justin Webb…’ thì bạn sẽ chờ đợi nghe giọng nói của phóng viên trước – chứ không phải là tiếng cá voi đang hát, tiếng súng nổ, hay tiếng kèn túi. Những lời dẫn tin biết để ý đến thính giả còn giúp người nghe chuẩn bị đón nghe một chút tiếng động thực tế trước khi nghe giọng phóng viên Justin Webb.


Đừng quá rườm rà


Dùng ít chi tiết thôi, nhưng không tới mức làm khó hiểu. Quá nhiều con số thường làm hỏng lời dẫn tin, nhưng nhiều khi lại không tránh được điều đó  – và đừng mong người nghe sẽ hiểu hết những từ viết tắt. Dù hay dù dở thế nào thì không phải ai cũng hiểu NICE là viết tắt của National Institute of Health and Clinic Excellence (Viện Y tế và Lâm sàng Quốc Gia).


Sửa lời dẫn cho phù hợp


Khi soạn lời dẫn tin, bạn phải luôn nghĩ đến nhóm khán thính giả bạn đang nhắm tới. Mỗi kênh đài dùng từ vựng và thông lệ riêng của họ tùy theo khán thính giả. Chẳng hạn trên kênh âm nhạc Radio 2, chúng ta sẽ không bao giờ dùng cụm từ ‘ca sĩ Michael Jackson’ khi bắt đầu một câu chuyện cả, bởi vì chúng ta hiểu người nghe đã biết Michael Jackson là ai: một ca sĩ nhạc pop. Tương tự như vậy, trên kênh Radio 5, chúng ta không bao giờ dùng từ: ‘cầu thủ bóng đá David Beckham’  bởi vì chúng ta biết các fan thể thao nghe đài này biết chính xác David Beckham là ai.


Hãy học hỏi từ người khác


BBC News có nhiều người viết lời dẫn tin rất hay. Hãy nhìn ra xung quanh mình và học hỏi từ người khác. Nếu bạn nghe một lời dẫn tin hay, hãy thử tìm hiểu xem nó công hiệu như thế nào. Nếu bạn vẫn bí thì hãy thử một cách đơn giản là tự hỏi làm sao để kể câu chuyện đó chỉ bằng một câu. Thường thì chính câu đó sẽ là nền tảng để viết lời dẫn hay tuyệt. 


Nguồn: BBC Vietnamese



Viết lời dẫn tin cho radio

No comments: