Thursday, February 28, 2013

VTV dần thâu tóm hết thị trường

Thị trường truyền hình trả tiền (THTT) không còn yên ả như thời điểm từ năm 2009 trở về trước.  Năm 2010 sau khi K+ chính thức đi vào hoạt động thì thị trường sôi động hơn. Và trong bối cảnh đó, VTV dần thâu tóm thị trường.    


Thị trường truyền hình trả tiền (THTT) năm 2012 đã rộ lên một số vụ mua bán sáp nhập (M&A) mà trong đó những “đứa con” của VTV trở thành bên thâu tóm.

paytv
Từ sáp nhập, hợp tác…

Thương vụ gây chú ý nhất là Cty điện tử và truyền hình cáp Việt Nam (CEC) có vốn đầu tư của VTC, đã phải bán lại 51% vốn cho VCTV để lấy tiền trả nợ ngân hàng, cùng với đó là khoảng 20.000 thuê bao của CEC cũng chảy về VCTV. VTC với VTV vốn chưa bao giờ bằng lòng với nhau, song phải đành đoạn bán lại CEC, cho thấy trên thị trường hiện chỉ có những “đứa con” nhà VTV mới đủ lực thực hiện M&A.


Bên cạnh thâu tóm, VTV cũng “tiên hạ thủ vi cường” khi ký kết hợp tác với EVN để được hưởng ưu đãi trong việc thuê cột điện, việc mà các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT Telecom không những chưa làm được mà còn đang phải è cổ thuê cột điện với giá cắt cổ. VTV đã lấy uy thế chính trị và tiếng nói có trọng lượng của một đài truyền hình quốc gia để tạo các ưu thế cạnh tranh trong kinh doanh cho các DN “con” của mình. 


Không dừng lại ở miền Bắc mà VTV còn tiến vào miền Trung. Cũng cuối năm 2012, VTV đã ký kết hợp tác với Cty CP truyền hình cáp (THC) Sông Thu (Đà Nẵng), theo đó sẽ được Sông Thu chia sẻ hạ tầng mạng truyền dẫn và hơn 100.000 thuê bao đang sử dụng dịch vụ; ngược lại Sông Thu sẽ được cung cấp các gói kênh của VCTV, K+… Cứ sử dụng chiêu thức “bánh ít đi bánh quy lại”, VTV đã tạo tầm ảnh hưởng khắp chốn. Ở miền Nam, trong khi Truyền hình cáp Đài Truyền hình TPHCM (HTVC) sa sút rớt từ trên 700.000 thuê bao xuống còn trên dưới 300.000 thuê bao như hiện nay, thì SCTV không chỉ mạnh lên mà còn đang bành trướng ra các tỉnh. Theo số liệu của Sở TTTT TPHCM, SCTV hiện có khoảng 1,2 triệu thuê bao trên địa bàn. Tuy nhiên, tổng số thuê bao nhà đài này đang sở hữu đã lên đến trên 1,5 triệu nhờ quá trình thâu tóm Cty THC ở các tỉnh. 


Như vậy tính tới nay, VTV có ba “đứa con” là VCTV với hơn 1 triệu thuê bao (miền Bắc), SCTV hơn 1,5 triệu thuê bao (miền Nam) và K+ với hơn 400.000 thuê bao (số vệ tinh) thống lĩnh cả phân khúc mặt đất và vùng trời, trên toàn lãnh thổ. Những “đứa con” của VTV đang chiếm trên dưới 80% thị phần, tính thống trị ở đây còn hơn cả trường hợp VNPT bên thị trường thông tin di động.


Đến ngăn cản và… hệ lụy


Nửa cuối năm 2012, Hiệp hội THTT và hai “đứa con” của VTV là VCTV và SCTV đã cùng đồng lòng kiến nghị với các cơ quan Đảng, chính quyền không cấp phép thêm cho dịch vụ THC. Như chúng tôi đã nói, thực sự Hiệp hội THTT đang nằm trong tay của VTV với các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch. Vì thế, bước ngăn cản những VNPT, Viettel, FPT bước vào thị trường THC thông qua tiếng nói của hiệp hội thực chất là một chiêu lấy danh nghĩa để gây áp lực. Đây là một động thái không lành mạnh nhằm hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nhằm duy trì thế thống lĩnh cho những “đứa con” của VTV. 


Bởi chúng ta đang thấy quá rõ, HTVC thì rớt thuê bao thê thảm. Còn HCTV của Đài Truyền hình Hà Nội thì yếu ớt, AVG thì èo uột. Không đối thủ nào chống nổi những “đứa con” của VTV trong lúc này. Nếu việc ngăn bước Viettel, VNPT, FPT vào thị trường THC tiếp tục được duy trì, thì VTV không khó để thôn tính thị phần còn lại. 


Chính vì những “đứa con” của VTV đang thống lĩnh thị trường THTT tại VN, vì thế họ thoải mái tự tung tự tác, cụ thể là việc liên tục tăng giá cước. Từ năm 2009 trở lại đây, mức cước của SCTV và VCTV liên tục tăng nhiều lần - từ mức 44.000 đồng/tháng lên 66.000 đồng, 88.000 đồng và nay là 110.000 đồng/tháng. Dù người tiêu dùng rất bức xúc, nhưng cũng không thể làm gì khác được. Và hệ lụy này sẽ còn đáng lo hơn nữa trong tương lai.



VTV dần thâu tóm hết thị trường

Tin tặc tấn công Tập đoàn truyền thông Australia ABC

Trang web của một trong số các chương trình truyền hình của Tập đoàn truyền thông Australia ABC vừa bị tin tặc tấn công, gây ảnh hưởng tới hàng chục nghìn khách hàng.

 

hackerThông báo trên tài khoản Twitter, nhóm tin tặc, với cái tên “PhrO enMyst,” đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhằm vào ABC.

Vụ tấn công này nhằm phản đối việc ABC đăng tải một video phỏng vấn chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders – người bày tỏ quan điểm chống nhập cư và chống Hồi giáo.


Tập đoàn truyền thông ABC cho biết đã đóng cửa trang web ngay sau khi phát hiện thông tin bị rò rỉ. Ước tính, “PhrO enMyst” đã làm rò rỉ hơn 40.000 thông tin cá nhân của các khách hàng ABC, gồm e-mail, tên, giới tính, chức vụ, mật khẩu, địa chỉ IP, mã bưu điện và thông tin liên lạc.


 


Theo Vietnam+



Tin tặc tấn công Tập đoàn truyền thông Australia ABC

Truyền thông Iran "ngứa mắt" với váy áo bà Obama trong lễ Oscar

Bất cứ ai theo dõi buổi lễ trao giải Oscar đêm 24.2 vừa qua đều thấy đệ nhất phu nhân Michelle Obama mặc một chiếc váy bạc lấp lánh tay trần. Thế nhưng Hãng thông tấn Iran đã “hào phóng” vẽ thêm “phần vải còn thiếu” cho bà Obama.


 Xuất hiện trong đầu cầu truyền hình trực tiếp khi công bố bộ phim Argo đoạt giải phim hay nhất tại Oscar 2013, đệ nhất phu nhân Obama mặc chiếc váy màu bạc lấp lánh sát nách, hở cổ và tay. Bà cũng thường đùa về quyền “được để tay trần”. Tuy nhiên, Hãng thông tấn Iran Fars lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác khi đăng tải hình ảnh bà Obama mặc chiếc váy có tay kín đáo hơn. Sự biến hóa này rõ ràng là do chủ ý dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop để phù hợp với những quy tắc nghiêm ngặt mà truyền thông Iran phải tuân thủ.


Iran trước đó đã có “truyền thống” sửa ảnh. Năm 2011, một số tờ báo Iran đã chỉnh sửa lại bức ảnh của Trưởng ban Chính sách đối ngoại Châu Âu- bà Baroness Ashton- trong đó phần cổ áo của bà được kéo lên cao hơn so với ảnh gốc. Một số giáo sĩ Hồi giáo tại Iran thậm chí còn phản đối đăng tải các bức ảnh chụp phụ nữ hở đầu và cổ.

Bộ váy của bà Obama không phải là lý do duy nhất làm “khó chịu” truyền thông Iran. Hãng tin Fars chỉ trích chiến thắng của bộ phim Argo và lên án đây là “bộ phim chống lại Iran” của những người “Do Thái” ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Bộ phim kể về câu chuyện giải cứu nhóm 6 con tin là các nhà ngoại giao Mỹ khỏi Tehran sau cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Trước đó, bộ phim này đã bị giới truyền thông và quan chức Chính phủ Iran phản đối. Đài Truyền hình quốc gia Iran lên án Oscar lần thứ 85 là “Oscar mang tính chính trị nhất từ trước đến nay” và cáo buộc đạo diễn Ben Affleck “thổi phồng thái quá, đẩy các sự việc đi quá giới hạn và tạo nên những cảnh phim sai sự thật”.


Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các cáo buộc nói trên của Iran. Tuy nhiên, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói rằng “tất cả mọi người đều phấn khích khi Argo đoạt giải”.


Ngay trước lễ trao giải, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry viết trên trang Twitter cá nhân rằng “Chúc may mắn @BenAffleck và #Argo”, và rằng “thật vui được thấy Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Phục vụ ngoại giao của chúng ta trên màn ảnh rộng”.


 


Theo Lao động/Telegraph, AFP



Truyền thông Iran "ngứa mắt" với váy áo bà Obama trong lễ Oscar

Wednesday, February 27, 2013

Để các sạp báo 'cháy hàng'

Hệ số rủi ro, đi trên dây… đó là những cụm từ được nhắc trong cuộc thảo luận mổ xẻ vai trò báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân cho các dự thảo chính sách.

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) – Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 27/2 tại Hà Nội.

Bao-inPhó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, báo chí là một trong các cách thức quan trọng nhất để lấy ý kiến nhân dân và cộng đồng DN. Báo chí với tư cách kênh thảo luận nhiều chiều, sẽ mổ xẻ các chính sách từ các góc độ khác nhau, với kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, giúp cơ quan hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin hơn. 

Từ kinh nghiệm của VCCI, bà Trang ghi nhận báo chí là đầu mối lý tưởng để phát hiện các bất cập thực tiễn, từ đó đề xuất sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách. Đây cũng là diễn đàn trao đổi nhiều chiều, huy động trí tuệ xã hội vào quá trình lập pháp và là công cụ hữu ích để tạo dư luận và sức ép hợp lý cho các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của cộng đồng.

Trong khi đó, việc lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng chính sách chính là quá trình “học kiến thức và tập dân chủ”, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Hữu Vinh nhận xét. Chưa bao giờ báo chí truyền thông lại đóng góp tích cực như những năm qua. Qua các cuộc lấy ý kiến nhân dân, “chính quyền phải lắng nghe, phải học hỏi, rồi điều chỉnh chính sách”.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định vội vàng từ các cấp đã phải hủy bỏ, sửa đổi sau khi tiếp nhận phản biện xã hội. 

Thế nhưng, một loạt sự kiện lập pháp mà ở đấy, văn bản pháp lý vừa ra đời đã sớm chết yểu và bị nhân dân phản đối – như nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu (rượu dán tem) và thông tư 30 của Bộ Y tế về “điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” – cũng cho thấy khâu lấy ý kiến nhân dân có vấn đề. 

“Việc lấy ý kiến đối tượng bị tác động trực tiếp đang gần như bị cho qua. Người dân chỉ có quyền có ý kiến thông qua báo chí khi các văn bản quy phạm có hiệu lực”, nhà báo Đào Tuấn nói.

Nhà báo Đào Tuấn cho rằng, khi viết và công bố những góp ý, phản biện với các chủ trương, chính sách, nhà báo phải đối mặt với hệ số rủi ro nhất định. 

Để việc lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, nhà báo phải thấy an toàn khi thảo luận về những vấn đề như vậy. “Thiếu thông tin, thiếu thủ tục minh bạch, thiếu tranh luận thì việc lấy ý kiến của dân đều không hiệu quả”, TS Nguyễn Quang A lưu ý. 

TS Lê Hồng Hạnh, Viện Khoa học Pháp lý của QH cho rằng, cơ quan công quyền và báo chí cần phải ngồi lại, đối thoại để nhìn rõ các điểm nghẽn cũng như những rủi ro của báo chí trong việc trở thành diễn đàn của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng pháp luật chính sách, Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho rằng, bản thân cơ quan báo chí vẫn chưa chủ động. Mỗi dự thảo chính sách là cơ hội cho các cây bút đưa tin, phân tích, phản biện thế nhưng báo chí không coi dự thảo chính sách là đề tài khai thác thường xuyên, có kế hoạch dài hạn, ông Hiếu nhận xét. 

Ông đơn cử, từ đầu năm 2012 đến nay, trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy pháp pháp luật thì chỉ có 19 văn bản có ý kiến đóng góp, 37 văn bản không có ý kiến nào, kể cả dự thảo liên quan nhiều đến hoạt động báo chí như Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

TS Đỗ Thịnh lưu ý, trong việc lấy ý kiến phải hướng trước hết vào dân chứ không phải vào số ít người được gọi là “tinh hoa”, và quan chức như thói quen mặc định. 

Dân là số lớn. Tập hợp ý kiến của số lớn không dễ, tốn kém cả về công sức, thời gian, tài chính, nên khoa học thống kê đã cung cấp công cụ lấy “mẫu đại diện”, bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy cho phép, theo đó cần được tôn trọng, TS Thịnh nói.

Ông gợi ý, điều tra xã hội học là một cách thức hiệu quả để lấy ý kiến nhân dân cho các chính sách lớn. Giống như những thông số “ý kiến nhân dân” đánh giá uy tín của mỗi công ty, mỗi mặt hàng, mỗi trường đại học, những chính sách lớn về tái cấu trúc, xử lý nợ xấu… cũng cần có những thông tin điều tra xã hội trên báo chí. Đó là cách để báo chí “đắt khách” hơn, với hình ảnh “cháy hàng” trên mỗi sạp báo.

Phương Loan (Vietnamnet)


Để các sạp báo 'cháy hàng'

Tuesday, February 26, 2013

Tập huấn quy trình xử lý các hành vi cản trở báo chí

Ngày 26/2, lớp tập huấn “Quy trình xử lý hành chính hành vi cản trở các hoạt động báo chí” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra ở thành phố Cần Thơ.

Lớp tập huấn do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức.

avatarHơn 100 nhà báo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, cán bộ quản lý thuộc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự. 

Tại lớp tập huấn, các đại biểu được giới thiệu khung pháp lý về quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; thẩm quyền, trách nhiệm, quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí hướng tới xây dựng mối quan hệ tốt giữa tập thể, người phát ngôn với báo chí, tạo không khí cởi mở, đồng cảm, giúp cho báo chí thông tin trung thực và nhanh chóng. 

Đại diện RED báo cáo thực trạng cản trở báo chí tác nghiệp, hành vi cản trở tác nghiệp báo chí phổ biến hiện nay đã xảy ra ở nhiều nơi; giới thiệu các biện pháp và qui trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí; nhận diện các hành vi cản trở và các biện pháp xử lý; những kỹ năng, kiến thức cần có để tham gia hiệu quả vào các bước của qui trình xử lý vụ việc. 

Cũng tại lớp tập huấn, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và thực tập bài tập phân tích các trường hợp phát sinh từ thực tế một số vụ việc nghiêm trọng, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực, bổ ích liên quan đến nhiệm vụ thực thi các điều khoản của luật báo chí. 

Để tiện cho việc nắm bắt những quy định pháp luật về hành vi cản trở báo chí, các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí để mọi người, mọi tầng lớp xã hội hiểu rõ trong đó có quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí phù hợp với tình hình hiện nay, cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí hợp pháp. 

Đối với các vụ cản trở, đe dọa, hành hung chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, các đại biểu đề nghị cần xem xét xử phạt vi phạm hành chính và công khai kết quả xử lý trước công luận. 

các đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa lên mạng của bộ quy trình và sổ tay hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí để mọi người theo dõi, nắm bắt và thực thi. 

Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của Truyền thông trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.” 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ tác nghiệp báo chí” cùng do RED tài trợ./ 

Trần Khánh Linh (TTXVN)

Tập huấn quy trình xử lý các hành vi cản trở báo chí

Nhà báo Lại Văn Sâm: “Tôi không thích làm lãnh đạo”

Dường như có quá nhiều nỗi niềm anh muốn trải lòng mình về công việc, về sự cạnh tranh giữa các chương trình giải trí…

lai van sam 4- Các chương trình giải trí xã hội hóa đang mọc lên như nấm khiến chương trình do Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế tự sản xuất mất dần đi sức hút, cho dù êkíp thực hiện luôn cố gắng đổi mới. Anh nghĩ sao về điều này? 

- Mất sức hút là một lẽ, thứ hai đó là một sự cạnh tranh không lành mạnh. Tôi đã đề xuất với Tổng Giám đốc Đài THVN cho chúng tôi cơ chế hoạt động, coi chúng tôi như những công ty truyền thông bên ngoài, đầu tư cho họ bao nhiêu thì cho chúng tôi bấy nhiêu và dĩ nhiên, họ cam kết thế nào chúng tôi cam kết như thế. Tổng Giám đốc đã đồng ý chủ trương, nhưng toàn bộ chương trình tôi muốn mua họ đã mua hết rồi. Trong tay các công ty truyền thông đã có tất cả các chương trình ”khủng” nhất. Còn lại những cái lởm khởm, nếu chúng tôi mua sẽ chết bởi vì nó không “hot”. Thế nên, bây giờ chúng tôi phải cố gắng “đẻ” ra những cái không “hot” bằng nhưng đi vào lĩnh vực khác, có giá trị khác và nếu chỉ đo bằng tiền thì không thể nào đọ được với những format đó. 

Tôi đang cố gắng để “Càphê sáng với VTV3” sẽ khai thác vùng đất mới, khung giờ mới và tạo dựng thành thương hiệu của VTV3. Năm 2014, kỳ vọng nó thành một morning show lớn như các đài lớn trên thế giới đã có, sẽ kéo dài tối thiểu 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và là một TV show chứ không phải là một bản tin hay một tạp chí. 

- Sự cạnh tranh không lành mạnh ấy có khiến anh em trong Ban nản chí? 

- Đúng là có nhiều cái nản. Bởi vì ý tưởng đưa ra, nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn về kinh phí. Tôi ví dụ, khi được giao làm chương trình “Đón tết cùng VTV” phát sóng đêm giao thừa, trong đầu tôi nghĩ ngay đến việc tận dụng sân khấu của The Voice. Vì sân khấu rất sang trọng, đẹp, kinh phí tới 1,8 tỉ. Bản thân tôi cũng không muốn bỏ ra 1,8 tỉ để làm mà có thể tận dụng, thuê và làm mới sân khấu theo ý mình. Nản nữa là chúng tôi làm có khi tốt hơn nhưng không được làm trong điều kiện như người ta. Một chương trình chúng tôi làm chi phí không quá 200 triệu. Trong khi đó, các công ty bên ngoài làm quy mô lớn, sẵn sàng chi hơn một tỉ cho sân khấu một chương trình. Họ sẵn sàng chi 10 – 15 triệu để mời một ”ngôi sao”, trong khi chúng tôi chỉ loay hoay khoảng từ 3 – 5 triệu thì làm sao mời được. 

Qua rồi cái thời được lên tivi đã là quý lắm, giờ các ”ngôi sao” không quan trọng chuyện đó, bởi chưa cần truyền hình họ đã có lượng fan của mình. Bây giờ là thời nhờ uy tín của chương trình, nhưng uy tín được tạo dựng bởi ý tưởng và sự thực hiện được ý tưởng ấy; mà không có tiền thì không thực hiện nổi ý tưởng. Rồi tiền trả công cho êkíp làm cũng chênh lệch lớn. Định mức quay phim cho ban chỉ có mấy trăm nghìn, trong khi quay phim cho bên ngoài được hơn 1 triệu một chương trình. Sự cạnh tranh không lành mạnh ấy chắc chắn ảnh hưởng đến anh em, làm họ tủi thân. 

Rõ ràng, để có “cuộc cách mạng” làm bật các chương trình tự sản xuất trên kênh VTV3 là điều không hề đơn giản? 

- Đúng vậy. Nói gì thì nói, mình không nên ngộ nhận có thể làm được mọi thứ. Tài năng cũng chỉ có hạn thôi, trong lĩnh vực truyền hình mình còn kém lắm. Tư duy của người Việt vẫn bị nhiều cái trói buộc, từ việc cơm áo gạo tiền đến những trói buộc trong phát huy tính sáng tạo. Thế giới có những tác phẩm điện ảnh kinh điển, còn Việt Nam làm sao có được. Format truyền hình cũng vậy, đôi khi xem xong tôi nghĩ: “Ơ, cái này mình có thể làm được, tại sao mình không làm?”. Cái chính là mình không nghĩ ra. 

The Voice thực ra là một cuộc thi ca nhạc, nhưng tại sao họ nghĩ ra vòng giấu mặt mà mình lại không, cứ phải tiêu chí này, tiêu chí kia, hội đồng nghệ thuật này, hội đồng nghệ thuật kia. Vẫn biết là các chương trình truyền hình có nguyên tắc nhất định như 7 nốt nhạc: Đồ rê mi pha son la si, nhưng sáng tác thế nào ra bản nhạc hay lại là chuyện khác. Tất cả những điều đó tưởng đơn giản, nhưng nếu như anh không có tài năng, trí tuệ thì không bao giờ nghĩ ra được. 

Tôi đã cố gắng loay hoay, có thời cũng tự ái nghĩ tại sao họ làm được mà mình không làm được, để cuối cùng đến giờ, tôi phải chấp nhận mình chưa có đủ tài để làm như người ta. Mình vẫn cố gắng, nhưng những cái mình hài lòng chỉ nằm trong một cái ao làng. 

Từ khi xuất hiện các cuộc thi liên quan đến việc bình chọn qua tin nhắn, khán giả luôn thắc mắc về sự minh bạch. Điều này có khiến anh mệt mỏi và khó giải thích? 

- Tôi mệt mỏi vì thấy người Việt Nam đa nghi quá. Động cái gì cũng nghi dàn xếp hay cố tình thế này, thế kia. Hình như dưới con mắt của người Việt Nam, con người không được phép mắc lỗi. Tôi không thích thái độ một số người viết báo như họ được quyền phán xét. Họ không trong sáng trong suy nghĩ. Tại sao không tin sự cố ấy diễn ra ngoài ý muốn và đó là tai nạn? Thực ra mọi cuộc thi đều là mở, chúng ta tạo điều kiện và cơ hội cho những người có tài năng. Nếu họ chưa có tài năng thực sự thì đó cũng là thực tế, làm sao có thể ép được. Đó chỉ là chương trình truyền hình giải trí, để khán giả vui, khuây khỏa, không phải là cuộc thi mang tính hàn lâm, cấp nhà nước. Nếu như cảm thấy xem chương trình ấy ức chế thì có thể xem kênh khác, chứ không nên miễn cưỡng ngồi để rồi đưa ra những nhận xét không mang tính xây dựng. 

- “Ai là triệu phú” đã lên sóng được 8 năm. Là người dẫn chương trình từ đầu đến cuối, có lúc nào anh muốn thay đổi? 

- Khi “Ai là triệu phú” được 3 năm, tôi đã đề nghị thay đổi MC và cam kết mọi việc vẫn ổn, nhưng phía đối tác không đồng ý. Năm ngoái, tôi định thay nhưng lại chuẩn bị thay nhãn tài trợ mới. Họ nói tôi không làm thì không thể kêu tài trợ được, nên tôi vẫn phải theo. Nhưng thực tế, tôi nghĩ, đến lúc phải thay người dẫn và cả tần suất của chương trình. Tôi muốn một năm chỉ chơi một mùa, sang năm chơi lại thì thú vị hơn. Trong gameshow, người chơi có vai trò quyết định. Người chơi thú vị thì chương trình sẽ rất hay. 

- Ít trưởng ban nào lại có duyên làm MC như anh. Anh thấy làm nghề và làm quản lý, cái nào khó hơn? 

- Tôi không thích làm lãnh đạo mà thích làm nghề hơn. Không phải vì khó mà công việc quản lý tẻ lắm. Họp hành, ký tá rồi những công việc mình bị trói buộc. Đấy không phải sở trường của tôi. Cái gì không phải sở trường thì mình cảm thấy khó. Đối với công việc quản lý, tôi không thể làm trái nguyên tắc được. Còn đối với làm nghề, tôi có thể thay đổi liên tục được. 

Dẫn chương trình cũng là một thứ gia vị thú vị bổ sung cho công việc quản lý tẻ nhạt của anh? 

- Có 2 giá trị khi tôi làm quản lý mà vẫn tiếp tục làm nghề. Đó là cuộc sống đỡ tẻ, đỡ bị trói xung quanh 4 bức tường, tôi được đi ra hiện trường, đi công tác. Thứ hai, nó phục vụ cho công việc quản lý của tôi. Tôi có thể tự tin nói rằng tôi là người hiểu nhân viên của mình kỹ nhất, biết năng lực của họ tốt nhất, bởi vì tôi trực tiếp làm với họ chứ không chỉ nghe qua người này, người kia. Bởi thực tế đến hiện trường rất khác so với ngồi một chỗ để nghe. 

Nhưng đôi lúc gia vị ấy cũng đắng lắm, khiến anh từng có lần gặp hạn. Tại sao anh vẫn kiên trì? 

- Người nào càng làm nhiều thì càng mắc lỗi nhiều. Tôi nói thật, chỉ có bức tượng mới không mắc lỗi nhưng vẫn chưa hoàn hảo được, vẫn có chỗ này xấu, chỗ kia đẹp. Tôi không nghĩ là có ai đó- bằng cách này cách khác- có thể tránh được hạn chế về lỗi. Đã là cuộc sống, con người nên biết cười và biết khóc. Phải có lúc vui lúc buồn, như trời có lúc mưa lúc nắng vậy. Chứ lúc nào cũng se se thì chán lắm. Cũng phải có lúc đang đi mưa ập xuống đầu không tránh kịp, ướt hết cả người mới thú vị. 

Con người nên biết cười biết khóc. Vậy lúc bị dư luận “quan tâm” theo chiều hướng tiêu cực, anh có… khóc không? 

- Chưa bao giờ dư luận làm tôi khóc cả. Tôi tiếp nhận nó một cách bình tĩnh. Tôi xác định đó là cuộc sống, đừng hy vọng có một ai đó được tất cả mọi người yêu quý hay bị tất cả mọi người ghét. Mọi cái đều có lý do của nó. Miễn sao mình được làm những cái mình thích và cần phải làm. Còn việc mình làm có thể gây cho người nào đó khó chịu hay người kia sự chán ghét, đó là việc của người ta. Nếu vừa làm vừa nghe ngóng xem người ta thích thì làm, không thích thì thôi thì chả làm được cái gì cả. 

Anh có tự ái khi nghe người ta phàn nàn rằng MC Lại Văn Sâm nói nhiều quá, nói hết phần của nhân vật và khách mời? 

- Nói thế là oan cho tôi. Tôi là người tôn trọng nhân vật và khách mời nhất. Tôi chỉ nói khi người ta không nói được, cố gắng gợi mở cho người ta nói. Trong “Khách của VTV3”, đấy là chương trình tôi giao lưu nhiều nhưng chủ yếu là khách nói. Tôi chỉ đồng tình hay không đồng tình quan điểm với họ, có một chút trao đổi qua lại, nhưng chủ yếu vẫn là gợi mở cho người ta, tôi nghĩ mình không phải là người nói nhiều. 

Năm 1996, tôi được mệnh danh là người đàn ông nói nhiều nhất trong năm là bởi vì tôi xuất hiện và làm nhiều chương trình. Hồi đấy, tôi làm cả “Trò chơi liên tỉnh”, lúc nào cũng gào thét động viên, bình luận, giải thích luật chơi, theo sát như một bình luận viên bóng đá. SV ’96 chẳng hạn, tôi phải kiêm tất cả vị trí từ đạo diễn đến dẫn chương trình, biên tập… Còn trong mỗi chương trình, nếu xem một cách công tâm thì sẽ thấy tôi không phải là người nói nhiều. 

Trong cuộc sống, tôi có lúc nói rất nhiều. Ai đó động đến đề tài tôi tâm huyết hay cảm thấy thích thú thì tôi có thể nói liên tục được. Nhưng thực tế, nhiều người gặp tôi ở ngoài còn bảo sao chả thấy tôi nói gì. Trên máy bay chẳng hạn, thấy người ta chào mình tôi chào lại, song người ta thắc mắc sao trên truyền hình anh nói nhiều thế mà giờ chẳng nói gì. Tôi bảo, bây giờ tôi biết nói gì? Tôi không phải là người hay chuyện, nhưng khi nói về nghề, tôi có thể nói chuyện hàng tiếng đồng hồ, còn lại tôi chả nói gì cả. 

 

Theo VTV


Nhà báo Lại Văn Sâm: “Tôi không thích làm lãnh đạo”

VnExpress tròn 12 tuổi

Trong 12 năm qua kể từ khi ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, VnExpress luôn là báo điện tử tiếng Việt được yêu thích với số lượng truy cập không ngừng tăng và hiện đạt 38 triệu lượt truy cập trung bình mỗi ngày.

 VnExpress là báo điện tử thuần túy đầu tiên ở Việt Nam được cấp giấy phép chuyên hoạt động trên Internet vào năm 2002. Sau cột mốc này, một số báo điện tử khác ở Việt Nam cũng được cấp phép và VnExpress luôn giữ vị trí dẫn đầu về số lượng độc giả. 

VnExpress tổ chức theo hình thức tòa soạn hội tụ. Ảnh: Hoàng Hà.

VnExpress tổ chức theo hình thức tòa soạn hội tụ. Ảnh: Hoàng Hà.

Lượng độc giả truy cập VnExpress liên tục tăng mạnh qua các năm và đạt những kỷ lục mới. Theo Google Analytics, VnExpress hiện có 20 triệu độc giả thường xuyên (unique visitors) với 38 triệu lượt truy cập (pageviews) trung bình mỗi ngày.Độc giả trong nước chiếm hơn 80%, số còn lại có 6% ở Mỹ và các nước khác trên khắp các châu lục.

Trung bình mỗi ngày báo cập nhật hơn 200 đầu tin bài trên tất cả các lĩnh vực với 14 trang nội dung chuyên đề, trong đó các trang Xã hội, Giải trí, Pháp luật, Thế giới, Thể thao… có lượng bạn đọc lớn hơn cả. Cùng với báo VnExpress, tòa soạn còn có các chuyên trang phục vụ độc giả trên các lĩnh vực và độ tuổi chuyên biệt như: Ngôi sao, iOne, Game thủ và Ebank.

Vận hành hệ thống nội dung nói trên là đội ngũ hơn 150 nhà báo, những người tốt nghiệp ít nhất một trường đại học. Họ có độ tuổi trung bình là 28, luôn làm việc với tinh thần yêu nghề, vững vàng trước mọi áp lực, khát khao cung cấp thông tin tin cậy, đa chiều và hữu ích cho độc giả. Hệ thống xuất bản hiện đại của báo vận hành trôi chảy nhờ hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật với 110 nhân viên nghiên cứu và phát triển công nghệ.

12 năm là chặng đường không dài trong lịch sử báo chí nhưng là thời gian hình thành và phát triển của loại hình báo điện tử ở Việt Nam. Song hành với thời gian này, VnExpress kể từ khi thành lập năm 2001 luôn trung thành với tiêu chí đưa tin khách quan, trung thực, nhanh chóng và phong phú. Tập thể phóng viên, biên tập viên của báo không ngừng tìm tòi để nội dung được hay hơn, nhanh hơn và đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin phát triển từng ngày của độc giả.

VnExpress cũng đang tập trung tới tính tương tác với người đọc và ngày càng nhiều nội dung tin bài, ảnh và video là do độc giả cung cấp. Không ít tuyến bài của báo có tác động lớn đến đời sống xã hội khởi phát từ nguồn tin độc giả. Bên cạnh đó,VnExpress cũng có sự hội tụ nhiều tên tuổi của các chính khách, học giả, chuyên gia, các nhà phân tích. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu được tiếp cận thêm những phân tích, góc nhìn chuyên sâu, giàu hàm lượng chất xám mà độc giả đặt ra cho Ban Biên tập.

Ngoài những tin bài bám sát nhịp thời sự hàng ngày, VnExpress còn có các sản phẩm thông tin độc quyền nhận được sự quan tâm của xã hội. Cùng với danh sách thường niên “Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán” do báo khởi xướng từ năm 2006, VnExpress còn tổ chức cuộc bình chọn “Top 50 Người Tiên phong” tạo được nhiều tiếng vang. Chương trình này nhằm tôn vinh những cá nhân trong và ngoài nước có nhiều sáng tạo và thành tựu đột phá trong các lĩnh vực, góp phần đổi mới và vinh danh Việt Nam.

Để phản ánh kịp thời nhịp thời sự trên mặt báo, tổ chức tòa soạn VnExpress cũng không ngừng thay đổi theo hướng hiện đại và hiệu quả. Ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, báo đã phát triển văn phòng đại diện ở TP HCM và đội ngũ phóng viên thường trú tại nhiều vùng miền cùng các cộng tác viên trên khắp thế giới. Tòa soạn chính tại Hà Nội được thiết kế theo không gian mở, với trung tâm là khu vực Super Desk (Ban Biên tập) và xung quanh là các ban chuyên môn bố trí theo từng khối.

Những thay đổi cơ bản trong thói quen của người đọc đã trở thành thách thức quan trọng đối với báo chí thế giới. Sự phát triển của công nghệ thúc đẩy nhu cầu của độc giả muốn được tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Số độc giả báo trực tuyến trên toàn thế giới tiếp tục tăng nhanh trong năm qua và đạt hơn 600 triệu người. Mặc dù số phát hành báo in ở nhiều nước có xu hướng giảm, tổng số người đọc báo nói chung trên toàn cầu vẫn rất lớn và giữ ở mức 2,5 tỷ (theo công bố của Hiệp hội Báo chí Thế giới – WAN). Những con số này cho thấy báo chí tiếp tục là bộ phận cấu thành quan trọng của xã hội và là một trong những ngành công nghiệp bền vững nhất của loài người.

Đi cùng với xu thế phát triển của báo chí thế giới, VnExpress đang không ngừng có những cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh hơn và đa dạng hơn của độc giả. Các kế hoạch của báo đang triển khai nhằm mục tiêu mang đến nội dung khách quan, đa chiều, kịp thời và có thể tiếp cận trên mọi thiết bị công nghệ với tính tương tác cao, nhiều tiện ích và thuận tiện với người đọc.

VnExpress


VnExpress tròn 12 tuổi

Monday, February 25, 2013

VTV có bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Trong mấy ngày cuối tuần vừa qua, quanh việc Canal Plus mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh (EPL) đã có thêm một số thông tin mới.

Gần như chắc chắn K+ sẽ phát sóng giải EPL ba mùa tới.

Gần như chắc chắn K+ sẽ phát sóng giải EPL ba mùa tới.

Thứ nhất, bài “Phản hồi của VTV về việc K+ được kinh doanh bản quyền EPL 2013 -2016” đăng trên website VTV dẫn lại thông tin từ ông Nguyễn Thành Lương – Phó TGĐ VTV – xác nhận: Canal Plus đã mua được gói bản quyền EPL. Thứ hai, trong cuộc họp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền, ông Lương tỏ ý muốn rút khỏi vai trò đứng đầu Ban điều hành đàm phán mua bản quyền EPL được lập theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”?

Gần nửa tháng qua, thông tin Canal Plus bỏ ra 40 triệu USD để mua gói bản quyền EPL 2013-2016 dường như rơi vào tình huống “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”. Từ VTV, K+ đều cho rằng chưa biết gì và không biết gì, trong khi đó phía IMG và Canal Plus thì không công bố thông tin. Nhưng giờ thì đã rõ, khi VTV bị ép về trách nhiệm, bị ngờ về khả năng để “con” mình đánh lẻ, bị gán cho tội là cố tình che giấu thông tin…, thì cuối cùng ông Nguyễn Thành Lương cũng phải đưa ra thông tin xác nhận. 

Chắc chắn không có chuyện “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”! Cho dù không phải Canal Plus mà là K+ trực tiếp mua gói bản quyền đi nữa, thì cũng chẳng thể cấm và họ cũng không làm gì sai luật. Khả năng thứ nhất, VTV biết kế sách đẩy cho Canal Plus mua rồi chuyển lại cho K+ khai thác và ngầm đồng thuận. Khả năng thứ hai, VTV không hề hay biết và có thể xem như bị qua mặt. Bây giờ khi câu chuyện đã khá rõ, việc ông Lương tỏ ý muốn rút lui khỏi vai trò dẫn đầu ban điều hành cũng không nằm ngoài vấn đề này. 

VTV có bảo vệ người tiêu dùng không?

Giờ mà cứ đi nói tiếp việc Canal Plus mua bản quyền và chuyển lại cho K+ thì chẳng khác nào lải nhải chuyện đã rồi. Canal Plus sẽ chuyển giao cho K+ là chuyện đương nhiên và K+ sẽ nhận khai thác cũng là chuyện đương nhiên. Suy nghĩ cho rằng VTV có thể lấy quyền cổ phần chi phối hay các quy định luật để ngăn K+ khai thác gói bản quyền của Canal Plus chuyển giao là điên rồ, bởi như thế cả hai phía cùng sa lầy. Hơn nữa, thực sự người xem VN cũng rất muốn được xem EPL trong ba mùa tới, một giải bóng đá quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh. 

Bây giờ, vấn đề mà người tiêu dùng trông chờ được VTV bảo vệ chính là quyền lợi của họ. Vậy, VTV với vai trò nắm 51% cổ phần tại VSTV (sở hữu thương hiệu K+) sẽ có tiếng nói như thế nào trong thời gian tới để bảo đảm người tiêu dùng không phải móc hầu bao ra nhiều hơn cho gói bản quyền EPL 2013-2016?

 
(Theo Lao động)

VTV có bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Friday, February 22, 2013

”Nhảm” và không ”nhảm”

Vừa rồi, ngay khi những ngày Tết còn chưa chấm dứt, một loạt thông tin về tình trạng đốt pháo xảy ra ở một số địa phương làm nóng ran dư luận. Thực ra chuyện đây đó người dân còn đốt pháo không phải là mới. Nhưng điều khiến dư luận “bùng nổ” là thái độ của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, nơi được phản ánh đốt pháo diễn ra phổ biến, nhưng lãnh đạo tỉnh này lại báo cáo Thủ tướng là “không có tình trạng đốt pháo”. 

Một câu chuyện khác cũng đang khiến dư luận xôn xao. Đó là thông tin “người Trung Quốc thuê đất trồng lúa lạ” ở tỉnh Long An. Sau một hồi râm ran trên mặt báo, đến ngày 21-2, các ngành chức năng của huyện Thoại Sơn (Long An) mới lên tiếng phản bác, cho rằng chỉ là… tin đồn nhảm nhằm gây hoang mang dư luận. Phủ nhận thông tin nhưng đến nay Long An cũng chưa đưa ra kết luận chính thức nào về vụ “lúa lai” này.

Hai chuyện trên có điểm chung là xuất phát từ phản ánh của báo chí, cho thấy những quan liêu, tắc trách trong quản lý của chính quyền cơ sở.

Chuyện đốt pháo ở Hải Dương, các lãnh đạo tỉnh này đã “đề nghị” báo chí phải “tin vào lãnh đạo tỉnh” vì họ đã kiểm tra và không thấy hiện tượng đốt pháo (!?). Song rút cuộc, khi bị “truy” gay gắt với những hình ảnh trực quan, cuối cùng Hải Dương thừa nhận “có đốt pháo, nhưng là lẻ tẻ”.

Cái sự tiền hậu bất nhất ấy cho thấy, hoặc là cán bộ quan liêu, không nắm được thực tế, lúc kiểm tra thì “trống giong cờ mở” theo kiểu phong trào nên đi đến đâu là tiếng pháo im đến đó. Ở khía cạnh khác có thể hiểu là cán bộ biết mười mươi có xảy ra đốt pháo nhưng lại cố tình che giấu, để báo cáo thành tích. Chỉ đến khi bị “tố” quá mới gật đầu “thừa nhận cho xong chuyện”.

Chuyện “người Trung Quốc trồng lúa” cũng vậy. Cả một hệ thống quản lý cơ sở đã không biết được điều gì đang diễn ra, ai đến cư trú hay làm gì ở địa phương mình, dù chắc chắn trong các báo cáo sẽ vẫn được ghi nhận “thường xuyên kiểm tra”.

Vấn đề ở chỗ, sau những chuyện này, dù rùm beng dư luận thế, dù thừa nhận sai sót đấy, nhưng có lẽ cũng chẳng có ai bị sao cả, vì không có chế tài và những chuyện ấy cũng… “lẻ tẻ” như chuyện đốt pháo. Dân tự ý đốt pháo, hay tự ý cho người nước ngoài thuê đất trồng khoai, trồng lúa, thậm chí là trồng cỏ lạ… thì cùng lắm cán bộ cũng chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm” là xong. Vô hình trung, sự vô cảm, vô trách nhiệm của cán bộ đã biến các nguyên tắc quản lý, quy định của pháp luật thành trò đùa.

Ở khía cạnh khác, nếu lãnh đạo các địa phương “không nói dối”, tức là thông tin báo chí phản ánh là “tin đồn nhảm”. Mà đưa tin “nhảm” thì phải xử lý báo chí, tại sao lại “đưa tin thất thiệt” để làm hoang mang dư luận.

Sự thật là “nhảm” ở đâu, đến mức nào thì có lẽ dư luận biết, người dân biết, chỉ có những nhà quản lý là không biết…

 
Tuấn Kiệt

”Nhảm” và không ”nhảm”

Thursday, February 21, 2013

Trung Quốc bắt nhà báo Mỹ quay phim cơ sở quân sự

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lại tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết, tại Thượng Hải, một phóng viên người Mỹ đã bị bắt giữ hôm 19/2 vì quay phim trái phép một cơ sở quân sự.
 
Đơn vị quân đội trên đã được nhắc tới trong báo cáo của Mandiant, một cơ quan về an ninh mạng của Mỹ, như một trung tâm gián điệp không gian mạng chống Washington.
 
Không có thông tin gì thêm về số phận phóng viên. 

Tuy nhiên, theo như đoạn băng xuất hiện trên trang BBC, nhà báo phương Tây này có thể đã được tha và nhận lại toàn bộ thiết bị hành nghề./.

(Vietnam+)

Trung Quốc bắt nhà báo Mỹ quay phim cơ sở quân sự

Tuesday, February 19, 2013

Báo chí cách mạng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ

Sáng 19/2, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Tỵ. 

Tham dự sự kiện đã trở thành truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội… cùng đông đảo các nhà báo lão thành.

Bao-inÔng Đinh Thế Huynh hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu đạt được trong năm qua của báo chí cả nước; chúc các nhà báo lão thành, những người làm báo trong cả nước năm mới sức khỏe, hạnh phúc, sáng tạo, đạt nhiều thành công mới.

Nói về nhiệm vụ của báo chí trong năm mới 2013, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh năm 2013 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2011-2020) với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. 

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân mong những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng; không ngừng học tập, tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, vượt qua khó khăn, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để thông tin tuyên truyền một cách toàn diện, sâu sắc, trung thực, kịp thời công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước mắt, các cơ quan báo chí cần triển khai tích cực hơn nữa việc tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết Trung uơng 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền, vận động, phản ánh ý kiến góp ý của nhân dân vào bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gắn với tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu rõ năm 2012, với việc ban hành và quyết tâm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng đã thể hiện bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính; khẳng định những thành tựu đạt được đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của mình và đưa ra giải pháp đồng bộ để khắc phục, sửa chữa. 

Những kết quả bước đầu rất quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tác động tích cực lên đời sống chính trị, xã hội của đất nước, thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, nhất là nhiệm vụ xây dựng Đảng. Trong thành công chung đó có đóng góp không nhỏ của những người làm báo trên cả nước.

Công tác báo chí năm qua đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, trong đó, nổi bật nhất là công tác thông tin, tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;” tuyên tuyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (giải pháp kìm chế lạm phảt, duy trì tăng trưởng hợp lý, cơ cấu lại nền kinh tế…); tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Năm 2012, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mới, trong đó, đáng ghi nhận là sự phong phú, đa dạng của thông tin và các sản phẩm thông tin truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí tích cực đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ người làm báo. Trong điều kiện có nhiều khó khăn (phát triển báo in, thu hút quảng cáo…), nhiều cơ quan báo chí đã chủ động tháo gỡ khó khăn, động viên, phát huy nhân lực, tâm huyết, lòng yêu nghề của người làm báo để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng đã có nhiều cố gắng phối hợp với các cơ quan báo chí, các bộ, ban, hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao./.

 

Mỹ Bình (TTXVN)

Báo chí cách mạng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ

Monday, February 18, 2013

Ngừng xuất bản Newsweek tổn thất 7 triệu USD

IAC vừa thông báo doanh thu quý IV của mình. IAC có trụ sở tại New York, là công ty truyền thông và Internet hàng đầu có hơn 150 thương hiệu và sở hữu những trang web đình đám Ask.com, Match.com, About.com, HomeAdvisor.com và Vimeo.com. Công ty này tập trung vào các lĩnh vực tìm kiếm, thông tin địa phương và truyền thông.

Newsweek đã chính thức ngừng xuất bản

Newsweek đã chính thức ngừng xuất bản

Mạng lưới trang web của IAC là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người truy cập hàng tháng ở hơn 30 nước. 

IAC cũng là một công ty chi phối trong Newsweek Daily Beast, một công ty xuất bản đã thực hiện xuất bản Newsweek và một trang tin tức trực tuyến. 

Năm ngoái, Daily Beast đóng cửa ấn phẩm in Newsweek, và tờ báo này chỉ xuất hiện hàng tuần trên một phiên bản máy tính bảng. 

Việc ngừng xuất bản này theo các quan chức IAC cho biết là mất tới 7 triệu USD. 

Thông tin này cũng một phóng viên Sarah Frier của hãng tin Bloomberg đưa tin và được thông báo qua Twitter.

 

Mai Anh (ICT News)


Ngừng xuất bản Newsweek tổn thất 7 triệu USD

Khóa học “Nâng cao kỹ năng truyền thông bằng hình ảnh”

Ngày 17/12/2012, lớp học “Nâng cao kỹ năng truyền thông bằng hình ảnh” đã được khai giảng tại văn phòng Hội nhà báo Việt Nam. Đây là lớp học được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí – Hội nhà báo Việt Nam và Hội Báo chí Thế giới và Xuất bản tin tức (WAN-IFRA). 

show_thumb_picGiảng dạy là ông Soren Ostergaard Sorensen – chuyên gia tư vấn truyền thông người Đan Mạch có nhiều năm kinh nghiệm là nhà báo, nhà quản lý và tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn báo chí trên thế giới. 

Nội dung của khóa học xoay quanh các vấn đề về sử dụng ảnh báo chí, biểu đồ, đồ họa và thiết kế trình bày tờ báo với các yếu tố thị giác mạnh. Khóa học này sẽ cung cấp cho các học viên những kiến thức và kỹ năng về sử dụng hình ảnh để giúp họ chủ động hơn khi xử lý ảnh báo chí và tận dụng tối đa khả năng kể chuyện bằng hình ảnh ở trong các loại hình báo chí. 

Gần 40 học viên tham gia khóa học này là những nhà quản lý, những phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí ở Hà Nội. Khóa học này sẽ kéo dài trong 3 ngày từ 17/12 đến 19/12/2012 tại trụ sở Hội nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

 

(Theo VJA)


Khóa học “Nâng cao kỹ năng truyền thông bằng hình ảnh”

Nhà báo Phan Quang ra tác phẩm mới về “nghề làm báo”

Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.

Cuốn sách nhan đề “Tầm nhìn” do NXB Lao Động ấn hành, nộp lưu chiểu quý 1-2013, mỏng hơn hai trăm trang, khổ 12×20,5 như chứa cả sức nặng của cuộc đời làm báo hơn 60 năm của tác giả. Không biết có phải là chủ ý hay không mà ông chọn NXB Lao Động để in tập sách, theo tôi, là khá  đầy đặn về nghề làm báo. Bởi thế, tuy tên sách là “Tầm nhìn” – một tên sách với ý tưởng rất cụ thể nhưng tôi vẫn muốn đặt tên cho bài viết của mình về cuốn sách là “Nghề làm báo”. Một cuốn sách cần cho người làm báo hôm nay.

17 bài báo ngắn được viết trong những khoảng thời gian khác nhau nhưng đều toát lên lao động của một người làm báo cần mẫn, tưởng như rất thong thả, nhưng chứa đựng những suy nghĩ mang tính tổng kết về nhà báo Việt Nam, về nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 17 bài báo ấy, có 3 bài nói về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Phan Quang (ảnh: NB&CL)

Nhà báo Phan Quang (ảnh: NB&CL)

“Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh” là một bài báo khái quát, cô đọng về nhà báo Hồ Chí Minh và cũng là “cẩm nang” làm báo của các nhà báo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Lược lại cuộc đời làm báo tại châu Âu đầu thế kỷ XX của Bác Hồ, tác giả nhận xét: Bác Hồ không viết sách dạy lý luận báo chí, song những phát biểu của Người là một hệ thống quan điểm mang tính kinh điển về báo chí cách mạng. Đó là báo chí phải “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức quần chúng”. Đó là “báo chí phải hướng về đại đa số dân chúng”, tính chất của báo chí, trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Người cổ vũ “tự do tư tưởng” đối với người làm báo nhưng tự do gắn với trách nhiệm, tự do tư tưởng đi đôi với tinh thần phục thiện: “Khi mọi  người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Nói về phong cách báo chí, Bác Hồ mong muốn báo chí ta phải luôn luôn “gần gũi quần chúng”. Nhà báo suốt đời cần tâm niệm: “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát…”

Nêu bật tấm gương đạo đức của người làm báo Hồ Chí Minh, Phan Quang nhấn mạnh: Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chi Minh, chúng ta cần tâm niệm: Những thành công tuyệt vời của chúng ta từ trước tới nay có mẫu sô chung là tính nhân văn của báo chí cách mạng và trách nhiệm xã hội của người cầm bút đối với đất nước, với nhân dân mà nhà báo Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình đã thể hiện sâu sắc, nhuần nhụy, tài tình.

Là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam hai nhiêm kỳ, nay tuy đã nghỉ hưu nhưng Phan Quang đã dành không ít tâm sức của mình cho việc xây dựng đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam. Ở chỗ này, chỗ khác, khi có dịp phát biểu, tâm sự về nghề làm báo, ông đều nói lên chính kiến của mình một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng, khúc triết.

Và khi những bài viết này, được tập hợp trong cuốn sách mỏng nhan đề “Tầm nhìn” thì đã rõ đây là cả một hệ thống những quan điểm, định hướng về một nền báo chí thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ cần lược qua những tên gọi các bài báo có thể thấy những trăn trở, suy tư của tác giả: “Báo chí và văn hóa”, “Định hướng và sáng tạo”, “Bùn được số hóa, bùn càng bẩn hơn”, “Văn học, nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống ngày thường”, “Sĩ phu thời nay có vơi đi khí phách?”, “Bản sắc báo chí Việt Nam thời hội nhập”, “Về quyền thông tin của báo chí”…

Năm nay, nhà báo Phan Quang đã ngoài tám mươi xuân. Cầm tinh con Rồng, năm Nhâm Thìn, ông có một tập sách mang cái tên thật hay “Xuân bao nhiêu tuổi”. Người Xuân ấy vẫn còn trẻ lắm khi trả lời phỏng vấn một tờ báo và bài trả lời ấy được in trong cuốn sách mới nhất này. Ông khuyên những nhà báo trẻ chớ nên dại nấp bóng những “cây đa cây đề”… Đọc tâp sách mới của ông, là người “nhà Đài”, chúng tôi tâm đắc với những tình cảm tha thiết của ông với ngôi nhà 58 Quán Sứ  “Một địa chỉ vàng”, thời kỳ mà ông cố gắng vận dụng tư duy mới để xử lý nhiều vấn đề mới mẻ, là thời điểm Đài Tiếng nói Việt Nam khởi sắc và vươn lên giai đoạn mới.

Là người đọc nhiều, đi nhiều, nhà báo Phan Quang là người có tư duy báo chí rất hiên đại. Nhưng cũng chính vì vậy, điều mà ông muốn nói với các nhà báo trẻ hôm nay lại là vấn đề quay về và tôn trọng bản sắc của văn hóa Việt Nam, bản sắc của báo chí cách mạng Việt Nam.

Ông viết: “Báo chí hiện đại, báo chí thời toàn cầu hóa, cho dù ở nước nào cũng có bản sắc và truyền thống riêng của mình… Không có mô hình duy nhất cho toàn thế giới…Bản sắc của báo chí Việt Nam là bản sắc của một nền báo chí cách mạng tiên tiến, đậm đà truyền thống dân tộc. Báo chí Việt Nam là phương tiện văn hóa – tư tưởng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta…Nguyên tắc cần tuân thủ khi giao lưu, hội nhập quốc tế, theo tôi, ít nhất có hai: Một là: Cởi mở…Hai là: Giữ vững bản sắc và bản lĩnh Việt Nam trong báo chí, cũng giống như chúng ta chăm lo giữ gìn bản sắc dân tộc vả bản lĩnh con người Việt Nam vậy…”    

Trong thời kỳ công nghệ thông tin tiến như vũ bão, với các trang mạng xã hội, viết báo đã không còn là “độc quyền” của những người làm báo, và có những kẻ mưu toan “nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”, nhà báo Phan Quang một lần nữa lại nhắc các nhà báo trẻ hôm nay rằng  khi cầm bút, hãy đặt câu hỏi: Viết cho ai? Vì mục đích gì?…/.

 

Thanh Vũ (VOV)


Nhà báo Phan Quang ra tác phẩm mới về “nghề làm báo”

Tạp chí Reader's Digest của Mỹ phá sản

Tờ tạp chí có tuổi đời 91 năm đang mang một số nợ trị giá 1 tỷ USD. Vụ phá sản này nối dài thêm danh sách những tờ báo in và tạp chí lớn của Mỹ lâm khủng hoảng.

Công ty RDA Holdings, nhà xuất bản của tờ tạp chí 91 năm tuổi Reader’s Digest, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ với hy vọng “cắt đuôi” khoản nợ 465 triệu USD. Động thái này của RDA nối dài thêm danh sách những tờ báo in và tạp chí lớn của Mỹ lâm khủng hoảng khi độc giả chuyển sang đọc báo điện tử ngày càng nhiều.
Được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990.

Được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990.


Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990. Vào năm 2007, tờ tạp chí này được một nhóm nhà đầu tư do công ty Ripplewood Holdings dẫn đầu mua lại với giá 1,6 tỷ USD kèm theo khoản nợ khoảng 800 triệu USD. Tháng 8/2009, tạp chí này đã phá sản một lần vì doanh thu quảng cáo giảm và gánh nặng nợ nần liên quan tới vụ thâu tóm trước đó.

Theo đơn xin bảo hộ phá sản mà RDA vừa nộp lên tòa ở New York, công ty này hiện sở hữu giá trị tài sản khoảng 1 tỷ USD và mang một số nợ trị giá tương tự. Theo một thỏa thuận tái cơ cấu nợ do ngân hàng Wells Fargo bảo lãnh, số nợ 465 triệu USD nằm trong số trái phiếu có thứ hạng ưu tiên cao do RDA phát hành sẽ được chuyển đổi thành cổ phần.

Dự kiến, sau khi hoàn tất quá trình phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ, RDA sẽ còn số nợ khoảng 100 triệu USD, giảm khoảng 80% so với trước khi phá sản. Ngoài ra, sau khi phá sản, RDA sẽ tập trung hoạt động tại thị trường Bắc Mỹ, thay vì phát hành trên toàn cầu như hiện nay.

“Chúng tôi đang trải qua một quá trình nhằm tinh giản hoạt động bằng cách cấp phép xuất bản cho các bên thứ ba, các nhà xuất bản khác, các nhà đầu tư khác. Đây là một phần lớn trong nỗ lực nhằm đưa công ty trở nên gọn nhẹ và giảm nợ”, ông Robert Guth, Giám đốc điều hành của Reader’s Digest, phát biểu.

Theo website của Reader’s Digest, ấn bản in chính của tạp chí này phục vụ hơn 25 triệu độc giả. Công ty này phát hành 75 tạp chí trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 49 ấn bản của các tờ Reader’s Digest, Taste of Home, the Family Handyman và Birds & Blooms. Ông Guth cho biết, trong tháng 12 năm ngoái, Reader’s Digest bán được nhiều bản điện tử hơn là bản in.

Vụ phá sản của RDA được xem là vụ mới nhất trong chuỗi những vụ phá sản của các doanh nghiệp mang tính biểu tượng, sau vụ phá sản của hãng bánh mỳ nổi tiếng Hostess Brands Inc. vào năm 2009 và nhà sản xuất máy ảnh Kodak vào năm 2012.

Hàng loạt tờ báo in ở Mỹ đang chật vật vì doanh thu quảng cáo giảm. Mới đây nhất, tờ báo hàng đầu của Mỹ Washington Post đã tính đến khả năng phải bán trụ sở để có tiền trang trải chi phí. Theo hãng tin AFP, doanh thu báo in tại Mỹ đã sụt giảm mạnh do nhiều người chuyển sang sử dụng những loại hình truyền thông trực tuyến.

Washington Post không phải là tờ báo đầu tiên phải tính bán tài sản để trang trải chi phí. Công ty chủ quản của các tờ báo lớn ở Mỹ như Philadelphia Inquirer và Daily News gần đây cũng mới bán đi trụ sở của mình. Nhiều tờ báo cũng đang phải tìm đủ mọi cách nhằm tiết kiệm chi tiêu và đối phó với tình trạng doanh thu sụt giảm mạnh.

 
 
Theo VnEconomy

Tạp chí Reader's Digest của Mỹ phá sản

Vì sao ảnh đồng tính của Maika đoạt giải World Press Photo?

“Bộ ảnh thể hiện sự công phu, chuyên nghiệp của một người chụp ảnh. Nó khác hẳn với những bức ảnh của các tác giả Việt Nam đã từng đoạt nhiều giải quốc tế”, nhà báo Lưu Quang Phổ nhận xét về bộ ảnh The Pink Choice đoạt giải World Press Photo. 

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh nói về Maika và lý giải vì sao bộ ảnh The Pink Choice (Yêu là yêu) của cô đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới – World Press Photo.

Bộ ảnh "Yêu là Yêu" trong triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội.

Bộ ảnh “Yêu là Yêu” trong triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội.

Maika ‘choáng’ khi ảnh đồng giới đoạt giải báo chí

Nhiếp ảnh gia-Nhà báo Lưu Quang Phổ: Không lạ khi bộ ảnh “Yêu là Yêu” đoạt giải World Press Photo

 Tôi biết Maika từ khi bạn ấy tham dự một lớp ảnh báo chí của Quỹ Đông Dương tổ chức tại Hà Nội. Lúc đó Maika đã có rất nhiều những bức ảnh chụp ở Ấn Độ ấn tượng với góc nhìn rất báo chí. Tôi không lấy làm lạ khi bộ ảnh “Yêu là Yêu” đoạt giải World Press Photo 2013. 

Bộ ảnh thể hiện sự công phu, chuyên nghiệp của một người chụp ảnh. Nó khác hẳn với những bức ảnh của các tác giả Việt Nam đã từng đoạt nhiều giải quốc tế. Điều khác biệt ở chỗ nó được triển khai ở một phạm vi rộng, trong một thời gian dài, với đối tượng hết sức nhạy cảm và khó khăn để tiếp cận cũng như là ghi lại hình ảnh của họ cả về mặt quan hệ lẫn điều kiện làm việc. 

Nhìn vào những bức ảnh đó thấy Maika có lẽ phải thâm nhập vào nhà người ta, phải ăn, phải uống, phải nói, phải đứng, phải ngồi bởi những bức ảnh được World Press Photo đưa lên, chúng ta thấy tất cả những sinh hoạt kể cả là nhạy cảm nhất đó là việc “làm tình” giữa hai người đàn ông thì Maika là người chứng kiến. Để những nhân vật trong bức ảnh vượt qua những mặc cảm và để ghi lại tên tuổi mình trên công luận thì chúng ta phải hiểu rằng Maika- cô gái 27 tuổi này đã phải làm việc vất vả và nhẫn nại như thế nào mới thuyết phục được họ. 

Maika chưa hề là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội cũng không. Tôi không được tác nghiệp và tiếp cận với Maika nhiều lắm nhưng chỉ thông qua bộ ảnh này thôi tôi cũng biết cô ấy là người miệt mài, say mê và đầu tư rất lớn cho nó. Tôi nghĩ rằng những người chụp ảnh Việt Nam đều nên noi gương này. Người Việt Nam ta bây giờ quan niệm bức ảnh đẹp là có một ít ý tưởng, dàn dựng, photoshop này kia nhưng để làm một dự án có chiều sâu và lại là những vấn đề đương đại của xã hội thì tôi nghĩ rằng có ít người làm được đến nơi đến chốn như Maika. 

Maika chụp ảnh mà như không, nhìn những bức ảnh như là hai cô ngồi với nhau, đang tắm cho nhau, đứng nhìn ra ban công, chúng ta nhìn vào cảm thấy người chụp như là một con mèo ,con thỏ đi lại trong nhà chứ không phải là một người cầm chiếc máy ảnh lăm lăm nhòm ngó. Cảm giác không gian, cách thể hiện cuộc sống của những người đồng tính trong bộ ảnh đó nó cứ mồn một như ta trông thấy mỗi ngày, trông thấy những người thân của mình trong nhà chứ không phải những người bị xã hội kì thị như vậy. Bố cục góc ảnh không quá dữ dội, khốc liệt nhưng cái mà ta quan tâm là cái lao động âm thầm, sự đầu tư trong quá trình thực hiện những bức ảnh đấy. 

Nhiếp ảnh gia- Nhà báo Duy Anh: Maika đã thâm nhập vào một đề tài nhạy cảm

Trước hết rất khen ngợi một cô gái trẻ như Maika đã thâm nhập vào một đề tài nhạy cảm. Giới này thường họ rất hay giấu thân phận, chụp ảnh đôi khi ảnh hưởng đến gia đình, công việc, đôi khi họ có cái nhìn không hay… Vì vậy khả năng thuyết phục của Maika cũng phải nói rằng đáng khen. 

Ảnh báo chí nhiều người nghĩ rằng đó phải là những khoảnh khắc. Tôi cũng là người hay chụp ảnh báo chí thì thấy rằng bộ ảnh của Maika có tính dàn dựng, sắp xếp của tác giả. Tính báo chí ở đây không phải là những khoảnh khắc chộp bắt được như một số người nhận định mà báo chí ở đây chính là con người thật, tình yêu thật. 

Maika tại buổi khai mạc triển lãm Yêu là Yêu tại Hà Nội cuối tháng 11/2012.

Maika tại buổi khai mạc triển lãm Yêu là Yêu tại Hà Nội cuối tháng 11/2012.

Về bố cục, Maika có nghề, chụp tốt và có ý tưởng như hai cái lưng sau bức màn – bởi có những người họ muốn giấu mặt thì cô ấy muốn thông qua đôi chân, qua cái lưng. Hoặc ảnh một anh đang ngồi trông bạn thì cô ấy thiết kế bố cục rất hay. Nếu nói là tình cờ chụp thì tôi nghĩ không thể tình cờ được. Có thể trong quá trình quan sát cô ấy đã tái hiện lại những hình ảnh đã có trong những đôi đó.

 Tôi đã từng dự một lễ hội đồng tính ở San Fransisco năm 2008 có sự tham gia của hàng triệu người đồng tính trên khắp thế giới. Để chụp lại những khoảnh khắc họ thể hiện tình cảm với sự chăm sóc nhau rất là khó. Đại đa số họ chỉ ăn diện màu sắc, hoa hoét hoặc có những cái ngược đời thôi. Và để chụp như Maika, tuy có sự sắp xếp chút xíu cũng không đơn giản chút nào. Maika phải gần như sống chung, tiếp cận với họ mới có thể chụp như thế tuy một số động tác có sự sắp xếp hợp lí nhưng tôi nghĩ điều đó thể hiện tính báo chí, sự tiếp cận của nhà nhiếp ảnh đến gần với con người, đến với những đôi đồng tính này. 

Tại sao lại được giải ảnh báo chí? Mới nhìn có vẻ như một sự sắp xếp chứ không phải chộp bắt khoảnh khắc nhưng tính báo chí ở đây là sự kiện thật, con người thật… Thoạt nhìn bộ ảnh người ta có thể nghĩ rằng cô này muốn tìm sự nổi tiếng, nhưng về mặt sâu lắng nào đó thì tình yêu đôi lứa này có thật. 

Tôi đã từng chụp 7 cặp chú rể là người đồng tính nhưng vẫn lấy vợ bình thường và sau đó họ đều chia tay và khi tôi hỏi những người đó thì họ chia sẻ định lấy vợ để hi vọng sống cuộc sống bình thường nhưng cuối cùng họ cũng phải chia tay vì không yêu những người khác giới. Và tôi cũng rất hay theo dõi những sự kiện liên quan đến người đồng tính, có những người bạn, học trò là người đồng tính nên tôi rất chia sẻ. Điểm dễ nhận thấy của những người đồng tính là rất thích chụp hình nhưng khi chụp về họ cũng yêu nhau thì sự thật là không đơn giản. 

Hơn nữa, những người đồng tính là những người nghèo (Maika chủ yếu đến những nhà trọ chụp ảnh) thì khó hơn nhiều còn những người họ giàu thì gia đình họ không cho vô. Do đó cách sống của những nhân vật trong bức ảnh cho thấy Maika đã vượt qua những ngại ngần và có tố chất của một nhà báo – biết cách thuyết phục. Ánh sáng bố cục có thể chưa đạt đến đình cao, chụp những nhân vật này làm sao có thể thiết kế ánh sáng một cách tốt nhất nhưng khi đã đoạt giải ảnh báo chí quốc tế cũng đáng khen ngợi.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãmcho biết mặc dù chưa trực tiếp xem bộ ảnh của Maika mà chỉ xem trên mạng nhưng với ông việc Maika đoạt giải là chuyện bình thường không có gì đặc biệt.

Theo ông Thành, ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí có những tiêu chí riêng mà người làm nghệ thuật như ông khó có thể nhận xét khách quan được.

“Bộ ảnh đoạt, thứ nhất, có thể là Maika đã nhằm trúng vấn đề thế giới, đặc biệt là Việt Nam trong giai đoạn này rất quan tâm. Hơn nữa, có thể nó cũng là vấn đề mà ban giám khảo cũng rất quan tâm. Maika đã đánh trúng vào vấn đề thời sự nên theo tôi cô ấy đoạt giải là chuyện bình thường không có gì đặc biệt.

Thêm vào đó, bộ ảnh cho thấy Maika đã đầu tư thời gian, lăn lộn với thế giới của những người đồng tính. Cô đã đầu tư tâm sức tìm tòi sáng tạo nhất định nên việc đoạt giải cũng xứng đáng”, ông Thành cho biết.

 

Sơn Hà - Thúy Tình (Vietnamnet)

 

 


Vì sao ảnh đồng tính của Maika đoạt giải World Press Photo?

Sunday, February 17, 2013

Phóng viên BBC biểu tình phản đối giảm biên chế

Sáng 18/2, dịch vụ phát thanh và truyền hình của tập đoàn truyền thông BBC của Anh đã rối loạn do phóng viên bắt đầu cuộc đình công kéo dài 24 giờ phản đối kế hoạch tinh giản biên chế tại tập đoàn này.
George Entwistle

George Entwistle



Tổng Thư ký Liên đoàn phóng viên quốc gia (NUJ) giải thích các thành viên liên đoàn làm việc cho BBC tức giận và thất vọng vì quyết định tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc làm và giảm chất lượng các bản tin và chương trình của tập đoàn này.

Theo NUS, 7.000 người đã mất việc làm tại BBC kể từ năm 2004 và liên đoàn này đang đòi tạm ngừng đợt tinh giản mới./.

(TTXVN)

Phóng viên BBC biểu tình phản đối giảm biên chế

Cô gái mở toang cánh cửa khép hờ ảnh báo chí Việt Nam ra thế giới

Người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên ghi danh tại WPP là cô gái nhỏ bé Nguyễn Thanh Hải (biệt danh Maika Elan). Maika đã thể hiện xuất sắc bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh báo chí hiện đại đề tài cuộc sống của những cặp đôi đồng tính tại Việt Nam.

Sau nhiều thập kỷ, kể từ khi phóng viên chiến trường kỳ cựu người Mỹ gốc Việt Nick Út được vinh danh với bức ảnh của năm “Em bé Napalm” tại giải Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo – WPP) từ năm 1972, thì người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên ghi danh tại WPP là cô gái nhỏ bé Nguyễn Thanh Hải (biệt danh Maika Elan – ảnh), với giải nhất tại hạng mục ảnh Vấn đề đương đại cho bộ ảnh “Yêu là yêu”. 

Cô gái mảnh mai sinh năm 1986 mang tên đặc nam giới lại vô cùng nữ tính với mái tóc tỉa thẳng giống nhân vật chính trong phim “Maika, cô bé từ trên trời rơi xuống”. Kẻ mang đôi mắt to tròn luôn long lanh song hành nụ cười trẻ trung trên môi đã làm được một việc “thiên nan vạn nan” khi trọn vẹn mang về cho đất nước một ngôi sao giải thưởng lấp lánh trong thế giới ảnh báo chí rộng lớn, là mơ ước của hàng vạn tay máy chuyên nghiệp. WPP được coi là giải ảnh báo chí lớn nhất, danh giá, uy tín nhất hiện nay với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia khắp thế giới. 

Cách đây 6 năm, trên nhiều tờ báo, tạp chí xuất hiện cái tên Maika với góc nhìn hoàn toàn mới lạ, vô cùng hiện đại, trẻ trung mang những trạng thái màu sắc rực lửa và đặc biệt thần thái, khoảnh khắc của “đối tượng ảnh” được nắm bắt vô cùng sắc bén, đắt giá. Sự rẽ ngang nghề nghiệp như một định mệnh cuộc đời khi Thanh Hải từ một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học trở thành một tay máy tự do cộng tác với một số tờ báo và nhiều tạp chí trong nước. 

Thay vì sử dụng máy ảnh số hiện đại như sự lựa chọn mặc định của nghề ảnh báo chí thời nay, Maika luôn khoe với bạn bè những thứ máy ảnh bằng nhựa rẻ tiền chụp phim âm bản. Thời điểm đó, chiếc máy xịn nhất gắn liền với tên tuổi cô, có hệ thống đo sáng và tự lên phim trị giá không quá vài triệu đồng là chiếc Canon Eos Elan, như ai đó trêu đùa nói rằng đó là một dạng “đồng nát của kỷ nguyên kỹ thuật số”. 

Ảnh phim Maika chụp đẹp và “ảo” một cách ma quái trên nhiều tạp chí màu, chủ đề từ thời trang theo đặt hàng cho đến những khoảnh khắc cuộc sống đời thường, du lịch… đặc trưng rực rỡ với những “tông” màu cơ bản nổi trội mang màu thời gian của phim âm bản mang lại. Mỗi bức ảnh đều lẩn khuất, ẩn kín dưới đó sự thân quen tình cảm đầy nữ tính đắm đuối, mông lung suy nghĩ, khiến người xem như ngấm sâu vào cơ thể từng cơn gắt ký ức ùa về. 

Phải chăng sự khắt khe với bản thân khi bước vào nghề với máy ảnh phim đầy bất trắc đã tôi luyện cho Thanh Hải một sự cẩn trọng trong từng cú bấm máy, chậm rãi, nhưng đầy chắc chắn? 

Với sự thành công ban đầu khi có thu nhập từ việc cộng tác viên, trên trang Facebook cá nhân Maika thoắt ẩn thoắt hiện khắp các vùng đất trên thế giới, đôi khi cheo leo vách núi Tây Tạng, rồi lại lũn cũn trên lưng lạc đà đâu đó tại Ấn Độ… với nụ cười lanh lảnh trên môi. 

Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội).

Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội).

Dự án chụp “Yêu là yêu” (The Pink Choice) ghi lại hình ảnh gần 50 cặp đôi đồng tính Việt của Maika mang tiếng vang lớn trong giới ảnh báo chí Việt. Đẹp, tình cảm và hoàn hảo tuyệt đối về cái gọi là nghệ thuật ánh sáng. Một thứ ảnh báo chí hiện đại, hơi kỳ dị, nhưng lại soi sáng một chủ đề khá nhạy cảm và đầy góc khuất. Tôi đã được xem trước một số bức ảnh từ lúc Maika mới bắt tay vào những khuôn hình đầu tiên. 

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện – đều thể hiện tình yêu rất con người dù quan niệm theo lý thuyết tạo hoá là lệch lạc. Một số nhân vật là bạn tôi, duy nhất có một người thì tôi biết từ nhỏ và đầy ám ảnh, tôi được nhìn lại ông sau gần 30 năm trong ảnh Maika dễ thương và đáng yêu đến lạ kỳ đã xoá sạch tất cả ký ức của tôi để đọng lại đó là một con người tuổi lục tuần tràn trề tình yêu thương. 

Tại Việt Nam, ảnh báo chí lâu nay vốn vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mực. Có thể nói sau giải thưởng uy tín WPP, Maika Thanh Hải đã thôi thúc những người đắm đuối với nhiếp ảnh nói chung, giới làm nghề báo chí nói chung một sức mạnh mới để tích cóp năng lượng, tiếp tục mở toang cánh cửa khép hờ ảnh báo chí Việt Nam ra thế giới. 

* “Giải thưởng quá lớn với tôi. Khi tham gia, tôi chỉ nghĩ là “gửi cho vui”, còn giờ đây tôi thật sự hạnh phúc. Giải thưởng sẽ cho tôi được gặp nhiều nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực ảnh báo chí và sẽ được học hỏi rất nhiều. Với các nhân vật của mình, tôi vô cùng biết ơn sự chia sẻ của họ. 

Nhiều cặp đôi vẫn yêu nhau, hoặc đã chia tay trước hay sau triển lãm “Yêu là yêu” tổ chức tháng 10.2012 tại Hà Nội, nhưng phần lớn họ có được sự thông cảm hơn từ gia đình. Tôi đã gọi điện cho một vài cặp đôi về giải thưởng, và họ cũng chia vui với tôi”. 

* “Những người bạn đồng tính tôi gặp, tôi thấy họ quá yêu đời và cởi mở, rất nhiều người tài năng, vui vẻ, hòa đồng, khác hẳn những thông tin thường có về họ. Khi chụp họ, tôi xúc động vì sự yêu thương, chia sẻ tình cảm của họ. Ở đâu tôi cũng thấy họ muốn xây dựng một tổ ấm cùng nhau”. Maika Elan

 

Minh Trí (Báo Lao Động)


Cô gái mở toang cánh cửa khép hờ ảnh báo chí Việt Nam ra thế giới

Chuyến trở về của 1 người Việt làm báo trên đất Mỹ

Cuộc gặp với Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tờ báo Viet Weekly dành cho cộng đồng người Việt ở Mỹ gieo vào lòng tôi nhiều suy tư trong một chiều nắng hiếm hoi của mùa đông Hà Nội những ngày giáp Tết….

“Người Việt trầm lặng” ở Mỹ

Người đàn ông có mái tóc dài cột sau lưng, hàng ria tỉa tót gọn ghẽ, gương mặt mang nét phong trần nhưng lại mềm mại chứ không thô ráp. Trong suốt cuộc trò chuyện, thi thoảng tôi bắt gặp vài thoáng đỏ mặt của anh, khi vô tình “chạm” phải những điều sâu kín nào đó.

Bên tháp Rùa lộng gió, câu chuyện giữa tôi và Etcetera Nguyễn (tên tiếng Việt là Nguyễn Quang Trường) cứ thế tràn từ chuyện nghề báo ở một đất nước tự do như Mỹ, chuyện hội họa, đến chuyện nghệ sỹ ở Tây ở ta, sự tự do, chuyện thói quen, sở thích… rồi thậm chí Etcetera thổ lộ với tôi cả những ước mơ.

Etcetera Nguyễn (bên trái) với người lính ở đảo Trường Sa (Ảnh nhân vật cung cấp)

Etcetera Nguyễn (bên trái) với người lính ở đảo Trường Sa (Ảnh nhân vật cung cấp)


Bản thân Etcetera cũng ngạc nhiên vì không hiểu sao có thể nói nhiều đến thế, có đôi lúc thậm chí còn hơi rưng rưng khi được bày tỏ những điều mà thường ngày không nói. Vì không thích nói, không có cơ hội nói hay vì không có người nào để chia sẻ… là những lý do mà người đàn ông ấy bao biện cho sự “trầm lặng” của mình.

Trước đó, khi mới ngồi xuống bàn, thấy anh “dàn trận” nào là quyển sổ vẽ, sổ tay, rồi hí hoáy gọt chì rất ghê (ngoài làm báo Etcetera còn là họa sỹ). Mãi sau Etcetera mới thổ lộ, nếu cuộc gặp “nhạt” quá anh sẽ có cớ ngồi ký họa khung cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Etcetera bảo, anh sang Mỹ từ năm 1988, vài năm đầu anh vẽ hí họa cho mấy tờ báo bên đó và cái tên Etcetera cũng có từ hồi này. “Etcetera theo tiếng Latinh có nghĩa là còn nữa, còn mãi, gắn với một phần định mệnh của tôi là còn tiếp tục những chuyến đi dài, đi gặp gỡ bao con người, cuộc đời để thu về những giá trị cho mình chiêm nghiệm…”

Etcetera thích sách và thích chơi cùng những người bạn già-những người bạn mà sau khi mất đi đều để lại cho anh cả gia tài sách của họ. Giờ anh sống giữa ngồn ngộn “tri thức.” Gần 30.000 quyển sách ngập trong garage, đầy cả gầm giường và mọi ngóc ngách nào có thể. 

Người đàn ông ấy vẽ bằng tay trái, viết bằng tay trái và hay nghĩ ngược (theo ý Etcetera tức là hay phản biện). Người đàn ông sở hữu sự tự do tuyệt đối trong tâm hồn và cuộc sống, và tìm vui trong chính những mảng màu mà anh quan sát, những thanh âm mà anh thâu tóm và những cuộc gặp gỡ vô tình hãy hữu ý của anh trong đời…

Ẩn sau lớp quần áo bụi phủi là một trái tim đàn ông dễ xúc động, khao khát sự đồng cảm nhưng lại luôn giữ chặt mọi cảm xúc cho riêng mình để tự ngắm nghía, trau truốt và chiêm nghiệm về cuộc sống. Người đàn ông cô độc vẫy vùng trong khoảng trời tự do của chính mình!

Bức chân dung Etcetera sẽ đầy đặn hơn nếu thêm nét “vẽ” về người chẳng bao giờ thích bị ràng buộc, không vồ vập, không đi theo những khuôn mẫu hay những chuẩn mực thông thường, tự vỗ về mình hãy để cho mọi thứ thuận tự nhiên nhất có thể. “Tôi tin rằng tất cả những gì tôi gieo ra đều có giá trị của sự trở về, sự hoàn lại,” Etcetera bộc bạch.

Làm báo “chân-thiện-mỹ”

Viet Weekly ra đời năm 2002 nhằm tạo diễn đàn cho cộng đồng người Việt ở California, Mỹ có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình. Vì thế những người sáng lập tòa báo chọn tiêu chí “sự thật và diễn đàn” làm kim chỉ nam hoạt động. Thời kỳ đầu báo có lượng phát hành lên tới 45.000 bản mỗi số.

Đang làm họa sỹ bỗng dưng bạn “rủ” đi làm báo, Etcetera đến với Viet Weekly để rồi chặng đường gắn bó với nghề của anh cũng đã được chục năm với nhiều những thăng trầm, biến cố và bao kỷ niệm khó quên.

Người đàn ông 6X có khuôn miệng tươi ấy chia sẻ: “Tôi thấy công việc báo chí của tôi có khả năng giúp tạo ra những cây cầu cảm thông để bắc qua những sự khác biệt, vì quyền lợi của dân tộc, của quê hương mình.”

Nhờ công việc làm báo Etcetera có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, từ các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Việt Nam tới các chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí cả những người ăn xin… 

“Lắng nghe và như thế tôi giàu có về thông tin. Lại có thêm niềm yêu thích với hội họa nên tôi thấy đời sống tinh thần của mình thật phong phú. Khi nào viết mệt mỏi quá thì tôi vẽ, chán vẽ lại quay sang viết,” Etcetera nói.

Quan điểm làm báo của một nghệ sỹ như Etcetera xuất phát từ chân-thiện-mỹ. Anh bảo, anh chân thành với con người, đời sống của anh, tìm ra cái thiện của nó rồi đi tới cuối cùng cao nhất là cái đẹp và thậm chí ngay trong cái xấu cũng ẩn chứa mầm mống của những cái đẹp.

Ấn tượng ngày trở về

Khi được hỏi điều gì làm anh ấn tượng khi trở về quê hương Việt Nam sau gần hai thập kỷ xa cách? Etcetera bảo, là lần gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2007 trong chuyến đi xuyên Việt và Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Etcetera thấy thật sự ấn tượng với sự thành thật, khiêm tốn của một vị lãnh đạo xuất sắc như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nhờ công việc của một nhà báo mà Etcetera đã có nhiều cuộc tiếp xúc đều trở thành những kinh nghiệm quý mà không dễ gì những người bình thường có thể có.

Vài năm sau, Etcetera về Việt Nam và có thêm chuyến đi “nhớ đời” nữa khi được thăm Trường Sa hồi tháng 4/2012. Không chỉ vì vấn đề biển đảo đang nóng bỏng mà có vài yếu tố khiến anh xúc động.

“Tôi đi với cương vị nhà báo, có trách nhiệm phải đưa đầy đủ và chính xác mọi thông tin về Trường Sa tới bà con mình bên đó. Trước, bên hải ngoại họ không biết, cứ nghĩ Trường Sa, Hoàng Sa không còn là của Việt Nam, có người nghĩ rằng đó chỉ là một hòn đảo hoang sơ,” Etcetera chia sẻ.

Sau đó về anh có làm một cuộc triển lãm ảnh nhỏ về Trường Sa cùng chân dung những người lính đảo ở tòa soạn Viet Weekly, tạo cơ hội cho những người Việt ở hải ngoại hiểu hơn về tình hình Việt Nam.

Những hình ảnh sinh động về đời sống của các chiến sỹ đảo cùng cơ sở hạ tầng khang trang ở Trường Sa mà Etcetera đem ra chưng bày thực sự đã khiến nhiều bà con kiều bào không khỏi ngỡ ngàng.

Chuyến đi đó của Etcetera cũng làm anh xúc động đến mất ngủ giống như lần đầu trở lại quê nhà. Anh đã có dịp “la cà” cùng những người lính nơi đảo xa nhưng có những khát khao tuổi trẻ và tự nguyện cống hiến cho tổ quốc. Cuộc gặp gỡ những con người đáng quý trọng ấy cùng sự chia sẻ và đồng cảm với tuổi trẻ của họ đã khiến Etcetera cảm thấy có sợi dây nối kết hơn với đất nước.

Và Etcetera thổ lộ, ước mơ của anh khi về hưu là có thể mua một căn nhà ở ngoại ô Hà Nội, rồi hàng ngày đạp xe vào nội thành ngồi vẽ phong cảnh hay ký họa chân dung của những người sống quanh anh./.

ChiLê (Vietnam+)

Chuyến trở về của 1 người Việt làm báo trên đất Mỹ

Friday, February 15, 2013

Phải có người chịu trách nhiệm

Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết dài đang bắt đầu qua. Đến lúc này có thể nói người dân cả nước đã đón một cái Tết cơ bản là an toàn, yên vui. Tuy nhiên, niềm vui ấy chắc chắn sẽ trọn vẹn hơn nếu như chúng ta không phải nghe những thông tin buồn dưới đây. 

Theo báo cáo, trong 6 ngày Tết (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) cả nước có trên 25.000 người bị TNGT vào khám và cấp cứu tại các bệnh viện (tăng trên 3.000 người so với Tết Nhâm Thìn 2012). Trong số đó 234 người đã thiệt mạng và 284 người bị thương. Ngoài ra, có trên 27.000 người vào bệnh viện do các tai nạn khác, trong đó có trên 8.900 người bị tai nạn sinh hoạt (tăng hơn Tết Nhâm Thìn trên 2.000 người); 83 người vào viện do pháo nổ (gần gấp 3 lần so với Tết Nhâm Thìn). Bộ Y tế cũng cho biết số ca tử vong tại các bệnh viện nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái… 

Mới ngần ấy con số đã khiến người nghe ù tai, chóng mặt. Vấn đề tai nạn trong dịp Tết, đặc biệt là TNGT, dường như năm nào cũng được cảnh báo, nhắc nhở nhưng kết quả thì năm sau con số thống kê đưa ra lại khủng khiếp hơn năm trước. Năm nay, trước Tết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2013, Thủ tướng đã chỉ đạo phải bảo đảm ATGT, giảm cả ba chỉ tiêu về ATGT so với Tết năm trước. 

Thế nhưng, khi Tết mới đi được nửa thời gian, tai nạn đã gia tăng đáng báo động. Ngày 12-2 (tức mùng 4 Tết), Thủ tướng lại phải có công điện nhắc nhở về bảo đảm TTATGT những ngày sau Tết và trong mùa lễ hội năm 2013. 

Tai nạn là ngoài ý chí chủ quan, tức là không ai muốn nó xảy ra. Ngược lại, việc thực hiện các biện pháp giảm tai nạn là ý chí chủ quan, nó được quyết định bởi chính yếu tố con người, vậy nhưng lại ít người có ý thức thực hiện. Trong đó có cả trách nhiệm của công tác quản lý. Năm 2012 được Chính phủ phát động là Năm ATGT nhằm thiết lập về kỷ cương trong quản lý TTATGT. Kết quả đạt được cũng rất đáng khích lệ. Nhưng dường như cái “cố tật” làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi” vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó là thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt cũng cần phải được chấn chỉnh khẩn cấp. 

Một trong số nhiều giải pháp được ngành giao thông đưa ra để đạt mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong năm 2012 là “lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về số vụ TNGT”. Nhưng thử hỏi, đến lúc này, khi TNGT lại gia tăng đột biến, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ở mỗi địa phương đều có Ủy ban ATGT, có người đứng đầu ủy ban ấy. Mỗi tỉnh, thành đều có những lực lượng chuyên trách như CSGT, Thanh tra giao thông…, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (là Chủ tịch Ủy ban ATGT). Vậy nhưng đã có ai “chịu trách nhiệm”?… 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới TNGT, tuy nhiên thực tế cho thấy ở địa phương nào có sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thì tình hình TTATGT tốt. Chuyện đốt pháo cũng vậy. Giao thừa vừa rồi, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… pháo nổ râm ran, xác giấy đỏ đường. Thế nhưng, ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Thái Bình tịnh không nghe thấy một tiếng pháo mà thành quả ấy có được là do chính quyền cơ sở quyết liệt, nghiêm túc. 

Giờ đây khi tiếng chuông báo động lại vang lên, trách nhiệm hành động đầu tiên nên chăng hãy bắt đầu từ các cấp lãnh đạo. Đã đến lúc chúng ta phải xác định được những địa chỉ trách nhiệm cụ thể, chứ không thể cứ mãi chung chung, không thể chỉ là dừng ở “phê bình, yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Nữ Quỳnh


Phải có người chịu trách nhiệm

Báo Tết: đặc sản Việt Nam

Gần như có thể kết luận rằng: Giai phẩm Xuân (số riêng biệt cho ngày Tết) là “đặc sản” của nền báo chí Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, vì chưa thấy nước nào có. Hơn nữa, từ tinh thần “mới mẻ ngày Tết”, trong gần một thế kỷ qua, giai phẩm Xuân đã nêu ra nhiều vấn đề gay cấn, hoặc mang tính tiên phong, ví dụ như văn hóa và phản văn hóa, nghệ thuật và phản nghệ thuật, mà đến các viện chuyên ngành cũng hiếm khi đề cập trực tiếp.

 

Bánh chưng và báo Tết

“Về ngữ nghĩa, giai phẩm tức là ấn phẩm hay và đẹp. Thể loại này thường được giới làm báo người Việt thích cùng nhau soạn và cho ra mắt độc giả vào mùa Xuân, vào dịp Tết âm lịch. Đó cũng là cách người cầm bút Việt thể hiện tâm lý đón Tết đón Xuân của dân tộc mình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn nhận xét. Với tâm lý “trang hoàng đón Tết”, báo Tết đầu tiên là một cuộc “cách mạng báo” về hình thức. Nhiều chục năm trước, khi những số báo thường được in đơn giản, thậm chí chỉ hai màu đen – trắng, thì báo Tết luôn nổi bật nhờ in màu, với màu sắc rực rỡ hơn hẳn bình thường – âu đó cũng là một tâm lý truyền thống của người Việt vất vả quanh năm đến ngày Tết thích se sua.

Nhưng khi các số báo thường cũng được in màu, ít nhất là ở cái bìa, thì vẻ rực rỡ không còn là một tín hiệu của báo Tết nữa. Khi đó, như quan sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tuấn, báo Tết dừng sự cách tân của mình lại ở yếu tố truyền thống. Điều ấy thể hiện qua hình ảnh in trên các bìa báo Tết thường khá giống nhau: hoặc hình thiếu nữ hoặc hình ông, bà cụ già với cháu nhỏ trong y phục cổ truyền, hoặc hình một vật gì đó gắn liền với ngày Tết: hoa, cây nêu, pháo, bánh chưng… Rất ít có sự thay đổi, mà theo ông Tuấn thì hình như người ta (người làm báo cũng như người đọc báo Tết) cũng ngại thay đổi. Tết đồng nghĩa với truyền thống. Bánh chưng vuông, bánh dày tròn vẫn luôn là hình ảnh gắn với Tết. Thì báo Tết cũng vậy. 

Song, tính tiên phong, đổi mới và cách mạng vẫn được xem là luôn gắn với báo Tết, hơn bất cứ một số báo bình thường nào. “Tại Sài Gòn thời 1920 là của Nguyễn An Ninh và các đồng chí của ông. Tại Hà Nội thời 1930 là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trong giai đoạn 1954 – 1975, những tờ báo như Tự do, Bách khoa, Đối diện…, cùng những họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Phạm Tăng… đã gửi những thông điệp đấu tranh rất rõ ràng vào những tranh bìa báo Xuân”, Nguyễn Tiến Văn khẳng định.

Riêng học giả Phạm Quỳnh, chủ bút Nam phong tạp chí, ngay từ năm 1918, ông đã nhìn báo Xuân nói chung theo khuynh hướng vui vẻ. “Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui: vui ngày Tết là cái vui dễ “truyền nhiễm” vậy”. Cũng xin nhắc lại, Nam phong tạp chí ra đời giữa năm 1917 (Đinh Tỵ), chỉ một năm sau là Phạm Quỳnh đã tổ chức làm số Xuân, một ấn phẩm giải trí hướng đến cái đẹp hay và phổ quát.

Giai phẩm Đời nay, số Xuân, xuất bản năm 1943

 

Ai làm báo Tết đầu tiên?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tuấn thì Tết năm 1918, Nam phong tạp chí cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ giai phẩm Xuân. Cụ Vương Hồng Sển cho rằng có thể xem đó là “thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, NXB Mỹ thuật, TP.HCM). Trong thập niên 1920, một số báo ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng có ra báo Xuân. Tuy nhiên, hình thức báo Xuân hay báo Tết này chỉ thực sự phổ biến từ thập niên 1930 trở đi, vẫn theo Nguyễn Ngọc Tuấn. 

Cũng có vài nghiên cứu cho rằng tòa soạn làm báo Xuân đầu tiên là tờ Công luận ở Sài Gòn những năm 1920. Lại có ý kiến cho tờ Ðông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois), ra số Xuân năm Mậu Thìn – 1928, mới là đầu tiên. Vài tờ báo khác làm số Xuân khá sớm như Thần chung (Kỷ Tỵ – 1929, Phụ nữ tân văn (Canh Ngọ – 1930),Công luận (Tân Mùi – 1931)…

Giai phẩm xưa nhất từng ghi hai chữ “giai phẩm” có lẽ thuộc về tờ Đời nay, từ đầu thập niên 1940. Ngoài ra ngày trước còn loại ấn phẩm gọi là “sách chơi Xuân” (hay sách chơi Tết). Loại này để mọi người đọc giải trí vào dịp Tết, thường đăng thơ, truyện… liên quan đến Xuân. “Loại sách chơi Xuân xưa nhất mà tôi biết xuất bản vào thập niên 1930, do nhà Nam Ký, Mai Lĩnh đảm trách”, nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ cho biết.

Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác về gốc tích của báo Xuân, nhưng có thể nói, nó là sản phẩm “nằm gọn” trong thế kỷ 20, dù báo tiếng Việt thì đã có từ hơn nửa thế kỷ trước đó – tờ Gia Định báo ra đời từ 15/4/1865 tại Sài Gòn. 

Nhà cách mạng văn hóa?

Quan hệ giữa văn hóa nói chung và văn hóa báo Tết quả có nhiều gắn bó mật thiết. Có không ít nét văn hóa là “sản phẩm độc quyền” của các số báo đặc biệt, trong đó có giai phẩm Xuân. 

Ví dụ, nếu không có tờ Phong hóa thì áo dài chưa chắc đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam như hiện nay. Hay cả như nghệ thuật cải lương, ra đời tại Mỹ Tho từ thập niên 1910, nếu không có sự xiển dương của nhiều tờ báo ở Nam bộ thời bấy giờ, đặc biệt là các giai phẩm Xuân những thập niên năm sau đó, khi họ dành ra những vị trí đặc biệt để nhìn lại, định giá, cải lương còn lâu (?) mới đạt đến sự phổ biến như vậy.

“Đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hóa nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài”, Nguyễn Ngọc Tuấn.

Chính vì khả năng “nhìn lại” và “hướng đến”, nên nhiều vấn đề vốn trừu tượng đã được các giai phẩm Xuân cụ thể và điển hình hóa cho dễ nhận biết. Cách mà nhiều bài báo viết về phở hay áo dài (hai sản phẩm của đầu thế kỷ 20), đặc biệt là các hình vẽ áo dài trên bìa giai phẩm Xuân, không chỉ giúp quảng cáo, mà còn tạo nên xu hướng ăn/mặc cho phụ nữ noi theo. Chính vì vậy, đôi khi nhìn lại cũng là kiểu của làm “cách mạng”, vì các sự kiện và vấn đề vẫn luôn diễn ra, nếu không có sự nhìn lại kịp thời thì mọi người ít để ý. Ví dụ, sở dĩ mạng Internet được xem là cuộc cách mạng, thực chất, cũng là vì các cuộc nhìn lại này. Nếu các báo và tạp chí không đề cập đúng lúc, thì còn lâu khái niệm cách mạng mới xuất hiện. 

Còn nhà báo Lam Điền từng nhận xét: “Với những người quan tâm đến lịch sử ngành in ấn của Việt Nam, lần giở lại các trang báo Xuân ngày trước mới thấy đội ngũ làm báo bấy giờ thật sự nỗ lực để sáng tạo những maquette báo đặc sắc, hình ảnh đẹp và thật đáng quý là hầu hết đều hướng đến nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ðó là bức tranh vẽ chú chích chòe đậu trên cành đào của tờ báo Mai số Xuân năm 1937, rất sinh động, là hình ảnh hai phụ nữ Nam bộ trong trang phục áo dài và cành mai vàng trên bìa tờ Ðiển tín số Xuân Kỷ Mão 1939, là hình ảnh cô gái miền Bắc in trên trang đầu tờ Mai, kèm theo bốn câu thơ mừng Xuân của Phan Bội Châu”, dẫn theo nhà báo Lam Điền. Nhìn lại các giai phẩm Xuân cũ, vì thế, cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu về lịch sử báo chí sau nàym

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Báo Tết: đặc sản Việt Nam

Báo Xuân xưa

Tờ báo xuân đã thành cái món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi độ Tết đến với nhiều người, như thưởng trà hay ăn miếng mứt, hóng khí xuân đang dịp nô nức. Nét văn hóa ngày Tết Việt Nam này cũng đã được gần trăm năm tuổi, từ thưở báo chí vẫn còn là thứ hàng xa xỉ.

Giai phẩm Xuân năm 1951

Giai phẩm Xuân năm 1951

Tờ báo xuân đầu tiên còn chưa thể xác minh

Trong lịch sử, tờ báo đầu tiên của nước ta là tờ Gia Định, phát hành lần đầu ngày 15-4-1865 ở Sài Gòn. Nhưng cho đến khi ngưng xuất bản năm 1910, chưa một lần báo Gia Định có số Tết bởi… nghỉ Tết từ 25 Tết đến mồng 7 như các công sở thời phong kiến khác.

Theo Sơn Nam (Báo xuân năm Mậu Thân 1908 – Văn Nghệ TP.HCM ra ngày 17-1-1986), “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30-1-1908” có thể là số báo xuân đầu tiên của báo chí Việt.

“Số Tết” này của Lục Tỉnh Tân Văn cũng không có gì khác so với những số thường ở trình bày, nội dung chỉ đặc biệt có thêm một bài dài “khuyên ăn Tết” lành mạnh, bớt ăn chơi, bớt hủ tục noi gương xứ Âu và bài Kinh hạ tân niên:

Sắc núi sông như cựu
Tượng trời đất duy tân
Chúc lục châu quan sĩ quân dân
Năm ngoái bởi mưa nhiều ướt át
Thường những người động tác vô công
Chắc năm nay thuận võ điều phong
Như non của chất, đầy đồng lúa vun
Ước giàu dân đặng thung dung
Non sông tấn bộ sánh cùng cõi Âu
No say chung cả một bầu
Lợi quyền bình đẳng đọc câu ấy hoài
Danh vinh, phận quí lâu dài
Tân Văn nhựt báo kính bài mừng chung
Cung hỉ cung hỉ, phát tài phát tài…
Ba ngày xuân xin kiếu, xin nghỉ một kỳ nhựt trình.
Bổn quán đốn thủ”.

Gần đây, tờ Nam Phong “số 1918 in tại Đông Kinh ấn quán 14-16 Rue du Coton-Hanoi” được phát hiện. Nhiều người nhận định đây có thể là tờ báo xuân xưa nhất của làng báo nước ta “còn nguyên vẹn”.

Số báo không đánh thứ tự, bìa màu cam nhạt, in hình hai ông Hành khiển phán quan. Ông áo đen được in sáng với tay cầm nhánh đào trụi bông đeo chữ Đinh Tỵ chuyền ấn cho ông áo vàng in mờ tay cầm nhánh đào đầy bông đeo chữ Mậu Ngọ.

Bài phông của số Tết Nam Phong là “Kính chúc hoàng thượng và quan toàn quyền” của Nam Phong có nhiều đoạn tung hô “rất chói tai”, điển hình như “Hoàng thượng cùng với quan toàn quyền đồng tâm hiệp lực ta mưu những việc ích quốc lợi dân, nước ta dân ta thực có thể trông mong sắp đến ngày tái tạo”… 

Số Tết của tờ Nam Phong không có ghi giá, và mục đích in ra cũng được thể hiện trong bài “Số Tết của báo Nam Phong” của Phạm Quỳnh: “Bản cáo muốn cho khúc đàn riêng của mình… bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường… sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu từ đầu năm đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu văn thơ ca ngợi: “sách vàng những người An Nam giúp việc chiến tranh bên mẫu quốc”, có công với nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Giá báo bằng một giạ lúa

Lục Tỉnh Tân Văn chỉ ra số Tết 1908 cho tới khi đóng cửa năm 1934 . Có thể đây là số báo “kỷ niệm” năm đầu làm báo chứ chưa hẳn là làm báo xuân như ngày nay.

Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan có nhận định: “Phụ Nữ Tân Văn mở đầu về khuôn mẫu của tờ báo xuân với kỹ thuật trình bày tiên tiến. Nếu bạn có đọc qua Phụ Nữ Tân Văn xuân 1930 bạn sẽ thấy rõ” (Phụ Nữ Tân Văn phân son tô điểm hơn hà – NXB Văn Hóa Sài Gòn và Công ty sách Thời Đại, 2010).

Thế nhưng người ta chỉ còn tìm thấy bìa báo xuân 1930 của tờ Phụ Nữ Tân Văn, và tàn thư xuân 1932 và 1933. Trong bài “Những bước đường phụ nữ trải qua năm 1932” tại số xuân Phụ Nữ Tân Văn 1933 có viết “Phụ nữ từ khi xuất thế, thấm thoát đã trải qua bốn lần xuân rồi, mà số báo đặc biệt thường niên đến kỳ nầy nữa mới có là ba số…” Bài thơ của Lan Anh tặng tòa soạn cũng trong số này mở đầu với 2 câu “Vui với đồng báo bốn độ xuân. “Số xuân” này nữa mới ba lần”. Vậy có lẽ số xuân đầu của Phụ Nữ Tân Văn ra đời năm 1930, sau đó đình bản năm 1931 rồi 2 năm sau đó mới tiếp tục phát hành.

Hiện vẫn tìm thấy số xuân đầu của Phụ Nữ Tân Văn 1930 nên hình thức và nội dung vẫn là điều bí ẩn. Số xuân năm 1932 có khổ lớn hơn giấy A4 ngày nay một chút, bìa và ruột in bằng giấy thường như nhau, giấy mỏng ngà vàng. Măngsét vẽ tay màu đỏ và đóng khung nội dung “Số mùa xuân 1932, xuất bản ngày 4 feriver 1932”. Bài thơ Chúc xuân của tòa soạn in đậm bằng chữ màu xám và in thêm, bên cạnh một thiếu nữ đầu bới tóc đứng cạnh cây liễu. Giá bán của tờ báo không được đề rõ nên chỉ được phỏng đoán rơi vào từ 15 – 25 xu như các tờ bác khác thời đó. Vào thời ấy một giạ lúa có giá là 30 xu (ba cắc). Một tờ báo tốn từ nửa giạ đến một giạ lúa nên chẳng phải ai cũng mua được.

Những tờ báo xuân tiếp theo

Sau Phụ Nữ Tân Văn, tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu ở Hà Nội cũng ra “Tập văn mùa xuân” năm 1932, dày 30 trang, in tại nhà in Tân Dân, số 93 Hàng Bông, Hà Nội, có giá bán 20 xu.

Đông Tây do Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn thành lập sau khi học nghề báo ở Pháp về, ra đời khoảng năm 1931 và được coi là “có nhiều cải cách về văn chương và hình thức tờ báo”.

Tinh thần chính của Đông Tây được thể hiện rõ trong bài “Tuổi xuân ta mừng xuân – Đông Tây” :”… Thanh niên là tuổi mà hết thảy chúng ta đều muốn mãi, vì là cái tuổi nó mới luôn. Mới tư tưởng, mới nghề nghiệp: ở buổi đời mới, không mới thể, hỏi mới sao được quyền lợi của xã hội, cá nhân.

Trải qua mấy xuân rồi, xuân nay cũng như xuân trước, Đông Tây hằng lo đổi mới. Tự nhận là cơ quan bạn trẻ, Đông Tây vẫn giữ được cái thái độ ngang nhiên, tự chủ, ôn hòa mà không lún, mạnh bạo nhưng chẳng cuồng”.

Với ý muốn đổi mới làng báo Việt thời ấy và đi theo con đường “nói thẳng nói thật” của Đông Pháp, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn… vốn rất được độc giả cả nước ưa chuộng nên Đông Tây lao vào phê phán bất công, trái tai gai mắt của xã hội. Thế nên tờ báo “chết” sau đó không lâu những như tờ Thân Chung năm 1930 và tờ Phụ Nữ Tân Văn năm 1935.

Sau này, phong trào làm báo xuân nổi lên như một phần không thể thiếu trong báo chí nước ta, như tờ Phong Hóa (Hà Nội 1934, 1935, 1936), Loa (Hà Nội 1935), Chơi Xuân (Hà Nội 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn 1936), Quà Tết (Sài Gòn 1937), Sách Xuân (Sa Đéc 1937), Khoa học Phổ Thông (Sài Gòn 1938)…

Rồi hằng năm, người đọc thì chờ còn người làm báo bận rộn từ khi mùa xuân đang còn ở xa.

“Hắn làm nhặng xị lên từ tháng một. Gặp ai gọi là “viết được” hắn cũng vỗ vai thân mật: Này cho xin một bài vào “số Tết” nhé! Rồi hắn chạy đông, chạy tây, chạy nam, chạy bắc, chạy đi khắm cả mọi nơi, mọi chỗ để: “Ống lấy giùm cho cả một trang, chả bao nhiêu…”. Ấy là “cái sự” lấy quảng cáo vào “số Tết”. Bạn tôi bảo: Ấy là cái dịch ra “số Tết”. Báo hàng tuần đã vậy rồi, đến báo hàng ngày cũng nhộn lên, nào thi, nào cử, rồi cũng ra một tập báo có đủ các món và đủ các màu sặc sỡ, mà người ta gọi là mỹ thuật và văn chương. Thế mà bán đắt như tôm tươi đấy,

Vì thế, mấy anh khác “hoảng” cũng sô nhau ra số Tết, tuy suốt năm chẳng anh nào cầm cán bút viết một câu văn. Và tuy suốt năm chẳng biết trong nước và ngoài nước đã xảy ra sự gì, họ cũng… “kết toán niên để” vấn đề quốc tế”./.

(Tuổi trẻ)


Báo Xuân xưa

Nguyễn Thanh Hải đoạt giải ảnh báo chí thế giới 2013

Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội), đoạt giải nhất hạng mục “Vấn đề đương đại” tại cuộc thi Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) 2013. 

Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1986, tốt nghiệp ngành Xã Hội học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Tác phẩm mang lại vinh dự cho cô tại cuộc thi World Press Photo là bộ ảnh “The pink choice”, giới thiệu cuộc sống riêng tư của người đồng tính tại Việt Nam. 

Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội).

Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội).

Bộ ảnh từng ra mắt công chúng trong cuộc triển lãm ở Hà Nội vào tháng 11/2012. Bộ ảnh “The pink choice” từng được nhiều tạp chí, báo in và báo mạng của các nước Mỹ, Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc… đăng tải. 

Năm 2010, Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương từng trao giải “phóng sự ảnh xuất sắc nhất” cho bộ ảnh “The pink choice”. Bộ ảnh này cũng giúp Thanh Hải vào vòng chung kết cuộc thi Nữ nhiếp ảnh gia châu Á năm 2012. 

Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển – Paul Hansen được trao giải Ảnh báo chí thế giới cho tấm ảnh hai em bé người Palestine thiệt mạng trong cuộc không kích ở Gaza. 

Tấm ảnh của anh Hansen, làm việc tại báo Dagens Nyheter, chụp tại Gaza vào ngày 20/11/2012 cho thấy một nhóm người Palestine ẵm trên tay thi thể của hai trẻ em thiệt mạng trong một góc phố chật hẹp ở Gaza. 

Nạn nhân được xác định là hai anh em, bé gái Suhaib Hijazi (2 tuổi) và anh trai của bé là Muhammad (3 tuổi). Hai bé mất mạng khi nhà của các em bị tên lửa Israel bắn trúng trong đợt không kích dữ dội ở Gaza hồi tháng 11/2012. Cha của các em, ông Fouad, cũng thiệt mạng trong vụ tấn công, còn người mẹ tuy sống sót nhưng phải được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện địa phương. 

Bức ảnh thắng giải cao nhất được lựa chọn từ hơn 100.000 tấm ảnh do 5.666 nhiếp ảnh gia trên 124 quốc gia gửi về. 

Thành viên hội đồng giám khảo Mayu Mohanna (người Peru) cho biết, sức mạnh của tấm ảnh “nằm ở cách nó phản ánh sự giận dữ và nỗi đau của người lớn trước cái chết của những trẻ em vô tội”. 

Giải Ảnh báo chí thế giới lần thứ 56, một trong các giải thưởng dành cho ảnh báo chí danh giá nhất, ngày 15/2 công bố các giải thưởng ở 9 hạng mục dành cho 54 nhiếp ảnh gia đến từ 32 nước. Các ảnh dự thi và đoạt giải đều chụp trong năm 2012./.

 

Đức Toàn (TTO)


Nguyễn Thanh Hải đoạt giải ảnh báo chí thế giới 2013