Vậy là danh sách những con tàu, những chiếc ụ nổi do Vinashin mua trước đây bị bỏ hoang đang ngày càng dài thêm. Những cái tên như ụ nổi Venture dock 2, No83M, tàu Hoa Sen, Green Sea, Diamond Way, Sea Eagles… bị để mục nát hoặc bị bỏ hoang ở nước ngoài đã từng khiến dư luận bức xúc. Giờ đây nhìn chiếc tàu New Sun lừng lững, cô đơn trong hoang phế giữa biển lại càng thêm xót xa về một lãng phí ghê gớm và sự vô trách nhiệm đến tàn ác đối với tài sản quốc gia, cũng là tài sản của nhân dân.
Quả thật có nằm mơ thì nhiều người cũng không thể hình dung nổi, những con tàu giá trị hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mà người ta vứt như vứt rác. Nghe thật xót xa. Những khối tài sản khổng lồ được mua từ tiền của nhân dân, nhưng buồn thay là nhiều chiếc tàu ngay từ khi mua về đã chỉ như một đống phế liệu. Khi vụ việc thua lỗ của Vinashin được phát giác, những tưởng những khối tài sản ấy sẽ được cứu vớt. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng như chết lần thứ hai khi bị bỏ mặc, trôi lênh đênh trên sông trên biển mà không một “ngừoi có trách nhiệm” nào thương xót.
Những người có trách nhiệm của Tập đoàn Vinashin đã đặt bút ký các hợp đồng mang về hàng chục con tàu và ụ nổi mục nát. Đó là những quyết định hại dân hại nước, chỉ có thể giải thích được bằng lòng tham vô đáy của một số cán bộ, biểu hiện bành trướng của tham nhũng lãng phí. Trong lúc cả nước đang vận động thực hành tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ, tắt từng cái bóng điện nơi công sở những lúc không dùng; trong lúc cả nước đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để xoá đói giảm nghèo, xoá trường học tranh tre; trong lúc Quốc hội, Chính phủ còn đang cân nhắc từng đồng một để làm sao tăng được lương cho người lao động; trong khi biết bao ngư dân cùng biển chỉ ước ao có được một con tàu nhỏ để ra khơi, bám biển mà chưa được thì một số người được giao trọng trách lại vô cảm ném hàng nghìn tỉ đồng xuống biển.
Giờ đây những người được giao trọng trách tiếp quản quản lý những khối tài sản kia cất trách nhiệm của mình ở đâu? Chẳng lẽ không có ai chịu trách nhiệm? Tại sao con tàu New Sun bị sóng đánh trôi dạt và bị cạn, Cảng vụ Hải Phòng đã nhiều lần gửi công văn, tổ chức các cuộc làm việc yêu cầu đưa tàu vào khu neo đậu an toàn, lại không được Vinalines thực hiện? Tại sao người ta bỏ hàng trăm tỉ đồng mua về được nhưng lại “than khóc” không có kinh phí chỉ để kéo con tàu vào bờ? Cứ quản lý tài sản của nhà nước, tiêu tiền của dân thế này bảo sao dân không nghèo, không khó. Cũng chẳng phải là cực đoan khi có người cho rằng kéo tàu về rồi bán sắt vụn cũng đỡ lãng phí hơn, số tiền bán được ấy vẫn có thể giúp ích cho nhiều người nghèo.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cấp trên của Vinalines phải lên tiếng, xử lý. Những người đứng đầu các hạng mục, dù đã về hưu, đã chuyển công tác hay đương chức, nếu làm sai, thất thoát và lãng phí các công trình, tài sản của nhân dân cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật. Đảng ta, Quốc hội nước ta đều đã chỉ rõ rằng tham nhũng lãng phí là quốc nạn, là hoạ lớn của đất nước nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn. Mà muốn đấu tranh hiệu quả, xin hãy bắt đầu bằng việc chặn ngay những biểu hiện lãng phí và vô trách nhiệm này. Chúng đang không chỉ là sự nhức nhối trong xã hội mà là một nỗi đau, một tội ác với nhân dân. Xảy ra vụ việc Vinashin chúng ta đã đau xót một lần. Đừng nên để phải chịu thêm một lần đau nữa!
Nữ Quỳnh
Đừng để thêm một lần đau!
No comments:
Post a Comment