Friday, February 28, 2014

Báo Sài Gòn Tiếp thị ngừng xuất bản


Ngày 28-2, Báo Sài Gòn Tiếp thị (trụ sở tại số 25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã phát hành số báo cuối cùng để bắt đầu sáp nhập với Báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn – cơ quan của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh. 

baosgttBáo Sài Gòn Tiếp thị là tờ báo trực thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh), phát hành số đầu tiên vào năm 1995. Trước khi ngừng xuất bản, Báo Sài Gòn Tiếp thị xuất bản mỗi tuần 3 số vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Tờ báo có khoảng 100 cán bộ, phóng viên và nhân viên. 
 



Hiền Lương (HNM)


Báo Sài Gòn Tiếp thị ngừng xuất bản

Lobby chính sách - Chuyện nhỏ?


Ngày 20/2, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư với quy định hủy bỏ cách tính diện tích sàn chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ được nêu trong Thông tư 16 ban hành năm 2010 đã gây tranh cãi gay gắt trong suốt 2 năm qua. Dư luận cho rằng quy định này làm lợi cho các chủ đầu tư, có những toà nhà “ăn ra” nhiều chục tỷ đồng. Còn người mua nhà phải trả tiền cả những phần diện tích chung như cột, hộp kỹ thuật… mà chủ đầu tư tính vào diện tích căn hộ, phải đóng tiền phí dịch vụ hàng tháng cho diện tích đó.


Đã có nhiều cuộc tranh cãi và cả tranh chấp đã xảy ra. Ai lợi, ai thiệt cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên phải mất đến 2 năm Bộ Xây dựng mới “sửa sai”, nhưng quy định không hồi tố” nên những người đã mua trước đây sẽ phải xót xa chấp nhận nhìn “tiền tuột khỏi túi mình”. Xung quanh vụ việc này, dư luận không khỏi nghi ngờ, đặt dấu hỏi về khả năng có hay việc vận động chính sách (lobby chính sách) có lợi cho một nhóm lợi ích? Bởi dù vấn đề đã gây bức xúc từ lâu, nhưng Bộ Xây dựng vẫn khăng khăng giữ cách tính của mình. Phải đến sau ngày 28/1 vừa qua khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải giải trình thì dường như “lệnh” này mới khiến cho Bộ Xây dựng quyết định “sửa sai” sau khi đã trì hoãn suốt 2 năm qua (?).


Trên thực tế, việc một số văn bản với các nội dung quy định có lợi cho một số ngành, lĩnh vực được ban hành không phải đến bây giờ mới được dư luận đặt ra. Hầu như nhiều người đều đã hiểu rõ đằng sau các chính sách, nhất là với các lĩnh vực “nóng” trên thị trường, hoặc các mặt hàng đặc biệt như bất động sản, ô tô, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… thì đều được các doanh nghiệp, tập đoàn tìm cách “can thiệp mềm” sao cho có lợi nhất cho họ. Việc can thiệp có thể đơn giản bằng truyền thông định hướng dư luận, đến cả việc tham mưu, giành lợi thế về các đặc quyền hoặc ưu đãi, mà có khi chỉ cần điều chỉnh thêm bớt 0,001% cũng đã mang lại cho họ những lợi ích khổng lồ, hoặc có thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thương trường.


Tháng 8 năm ngoái, trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng không ngại ngần đề cập đến hiện tượng “vận động chính sách” của các nhóm lợi ích, làm tổn hại đến lợi ích chung. Tuy ông Cường còn dè dặt “chưa dám kết luận”, nhưng ông thừa nhận tình trạng xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật còn nhiều sơ hở, dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng loạt “thông tư trên trời” hoặc các văn bản khiến người dân bất bình.


Thực ra, việc vận động chính sách không có gì xa lạ trên thế giới. Đặc biệt nó còn được đánh giá rất cao ở Mỹ. Tuy nhiên, do ở ta chưa có luật lobby để điều chỉnh vấn đề này khiến cho nhiều việc trở nên khó kiểm soát. Và nhắc đến “lợi ích nhóm” hay “lobby chính sách” thì hầu như được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Ở mức độ nghiêm trọng thì việc lobby được cho là đã can thiệp vào việc hình thành chính sách có lợi cho một nhóm thiểu số, bất chấp lợi ích chung của cộng đồng. Hiện tượng mà một số người gọi là “tham nhũng chính sách”.


Từ câu chuyện “nhỏ” của một văn bản chính sách đã cho thấy rõ hơn về một vấn đề “không nhỏ” cần sớm có sự điều chỉnh bằng pháp luật. Nếu có chính sách chuẩn mực, áp dụng đúng thì vận động hành lang sẽ không dẫn đến việc lệch lạc của hoạt động lập pháp, và còn có thể là yếu tố phát huy phản biện xã hội. Quan trọng hơn cả là sẽ giảm sự bớt xuất hiện của hàng loạt “quy định trên trời” khiến người dân bất bình như thời gian gần đây…


Nữ Quỳnh



 


Lobby chính sách - Chuyện nhỏ?

Wednesday, February 26, 2014

Việt Văn đoạt giải ba ảnh báo chí tại Anh


 Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Văn với tác phẩm “Hồi ức chiến trận” lại trở thành tác giả VN duy nhất thắng giải trong cuộc thi ảnh lớn nhất hàng năm Pollux Awards lần thứ 6 của tổ chức Liên hoan ảnh toàn cầu ở Anh (Worldwide Gala Photography Awards) mà Ban giám khảo vừa công bố ngày 26/2. 
 


Tác phẩm “Hồi ức cuộc chiến” Tác phẩm “Hồi ức cuộc chiến”


Tác phẩm “Hồi ức cuộc chiến” thắng giải ba (third prize) trong chủ đề báo chí (Editorial and Documentary) là hình ảnh tướng Nguyễn Đức Huy nguyên quyền tư lệnh quân khu 2 ngồi ngắm lại bộ huy chương của ông, cũng là nhớ lại những kỷ niệm, tình đồng đội trong chiến tranh- tại nhà riêng. 


Đây cũng là tác phẩm nằm trong bộ ảnh “Tướng trận thời bình” phần 2 sẽ triển lãm tại Hà Nội năm 2014. Cạnh đó, tác phẩm “Đi và về” chụp hai nhà sư Khmer của Việt Văn cũng lọt vào chung kết (Finalist) chủ đề “Văn hóa và cuộc sống hàng ngày’. Các tác phẩm thắng giải sẽ triển lãm tại bảo tàng Municipal (Tây Ban Nha) tháng 9.2014.


Đến nay,Việt Văn là tác giả VN duy nhất 3 lần đoạt giải Pollux Awards (Anh).



H.H (Hànộimới)


Việt Văn đoạt giải ba ảnh báo chí tại Anh

Tuesday, February 25, 2014

VnExpress sinh nhật tuổi 13

Ngày 26/2/2001, VnExpress ra mắt trên Internet sau gần nửa năm chuẩn bị “từ con số không”: tiến hành tuyển dụng và đào tạo những nhân viên đầu tiên; tự lập trình phần mềm xuất bản; xây dựng trụ sở làm việc…



Thời điểm khi VnExpress xuất hiện, cả nước mới có hơn 50.000 người dùng Internet. Công luận thời kỳ đó phàn nàn nhiều về giá cước cao, băng thông chậm, cấu hình máy tính người dùng thấp và nội dung Internet bằng tiếng Việt còn rất nghèo nàn. Bối cảnh này thật khó có thể hình dung về một tương lai có hàng chục triệu người vào Internet để đọc báo hàng ngày.


Tuy nhiên, nền tảng nội dung đầu tiên cho Internet Việt Nam lại được hình thành nhờ thông tin báo chí, trong đó có sự đóng góp đặc biệt của VnExpress. Đó chính là nét riêng của Internet Việt Nam. Điều này lý giải vì sao trong danh sách các trang web lớn nhất của Việt Nam hơn chục năm qua, phần lớn vẫn là các trang thông tin báo chí, khác với thông thường trên thế giới.


Tòa soạn rộng 960m2 bao gồm các khu vực phóng viên, kỹ thuật, thiết kế. Ở vị trí trung tâm là super desk - nơi làm việc của Ban biên tập. Tòa soạn rộng 960m2 bao gồm các khu vực phóng viên, kỹ thuật, thiết kế. Ở vị trí trung tâm là super desk – nơi làm việc của Ban biên tập.


Kể từ khi VnExpress ra đời, với mong muốn Báo thực sự hữu ích cho người đọc, tập thể Toà soạn luôn tập trung nỗ lực vào mục tiêu: đưa tin chính xác, trung thực, nhanh chóng và phong phú. Cấu trúc trang web cũng hướng tới sự thuận tiện, dễ hiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin hàng ngày của độc giả và sự phát triển không ngừng của các thiết bị công nghệ số.


Lượng độc giả truy cập Báo đang liên tục tăng và trang Google Analyticsthống kê VnExpress hiện có 42 triệu lượt xem (pageviews) trung bình mỗi ngày và 24 triệu độc giả thường xuyên (unique visitor), trong đó 16% từ nước ngoài. Số liệu này tiếp tục khẳng định VnExpress luôn là báo tiếng Việt có nhiều người xem nhất toàn cầu.


Vận hành VnExpress là đội ngũ hơn 180 nhà báo, làm việc tại trụ sở chính ở Hà Nội, văn phòng phóng viên tại TP HCM và một số địa phương khác. Họ có độ tuổi trung bình là 28, luôn yêu nghề và vững vàng trước mọi áp lực để cung cấp thông tin đa chiều, tin cậy, hữu ích cho độc giả. Hệ thống xuất bản hiện đại của Báo được đảm bảo bởi hơn 120 nhân viên nghiên cứu phát triển công nghệ.


Trong bối cảnh những năm gần đây, VnExpress luôn ý thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đang đặt ra cho nghề báo những thách thức chưa từng có. Lớn nhất trong đó là đòi hỏi người làm báo phải hiểu rõ hơn cách thức mọi người sử dụng tin tức trong kỷ nguyên kỹ thuật số.


Trong kỷ nguyên này, truyền thông xã hội bằng phương tiện rộng khắp của Internet đang khiến cho các toà báo không dễ xác định điểm thăng bằng giữa hai tiêu chí chính xác và nhanh. Các toà báo không phải đang cạnh tranh với nhau, mà là đang cạnh tranh với chính độc giả của mình. VnExpress nhận ra cách tốt nhất để cạnh tranh với độc giả chính là hợp tác với họ. Nhiều tin tức giá trị nhất trên VnExpress hiện do độc giả cung cấp thông qua các hình thức tương tác mà Báo luôn tập trung phát triển.


Thói quen của người đọc cũng đang có những thay đổi cơ bản với xu hướng sử dụng các thiết bị di động. Sau nhiều năm được dự báo, cuối cùng việc đọc tin tức qua điện thoại di động không còn là “tương lai”, mà đã là “hiện tại”. Lưu lượng truy cập VnExpress qua mobile đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua và đang chiếm gần 25% tổng lượt xem. Tỷ lệ này dự tính sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Để đáp ứng sự thay đổi này, Toà soạn đang nỗ lực để cung cấp điều kiện thuận tiện nhất cho người đọc.


Trong khi đó, báo chí chỉ có thể phát triển tốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số nếu bản quyền thông tin được bảo vệ. Nếu không, việc đầu tư cho chất lượng nội dung và công nghệ sẽ không còn nhiều động lực. Các quốc gia khác cũng đã lần lượt trải qua quá trình đối mặt và khắc phục nạn xâm phạm bản quyền. Việc đó được thực hiện sớm chừng nào thì báo chí sẽ khởi sắc sớm chừng đó. VnExpress luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của điều này bằng việc chỉ sử dụng các nội dung có bản quyền trên trang.


Những thay đổi cơ bản trong kỷ nguyên kỹ thuật số và thói quen của người đọc nói trên đang thúc đẩy VnExpress không ngừng tìm tòi phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả muốn được tiếp cận thông tin từ mọi miền, nhanh hơn, đa dạng hơn và trên tất cả các thiết bị công nghệ.


Nguồn: VnExpress





VnExpress sinh nhật tuổi 13

Thursday, February 20, 2014

Chống dịch như… chống giặc!


Theo quy định, lực lượng quân đội sẽ chỉ được huy động trong các tình huống phi quân sự khẩn cấp. Thực tế nhiều năm gần đây, ngoài hoạt động cứu hộ, cứu nạn vì thiên tai, hỏa hoạn thì ít có trường hợp khẩn cấp nào liên quan đến lĩnh vực y tế chúng ta phải huy động đến bộ đội. 

Nhưng trước mối đe dọa của dịch cúm gia cầm, ở một số địa phương bộ đội đã chính thức phải vào cuộc. Tỉnh Lạng Sơn, một “cửa ngõ” có thể xâm nhập của virus H7N9, hiện đã lập 24 chốt gác tại các điểm nóng buôn lậu gia cầm với sự tham gia của bộ đội biên phòng. Lạng Sơn cũng lên kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 70-100 giường bệnh, phòng khi có virus H7N9 xuất hiện.

Nói như vậy để thấy mức độ đe dọa của dịch bệnh này đang ở cấp độ nào. Tính đến ngày 20-2, cả nước đã có 16 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người, đồng thời thành lập 15 đoàn kiểm tra, 8 đội ứng phó nhanh để kiểm tra, xử lý khi phát hiện virus cúm. Chống dịch giờ đây có thể coi là một “chiến dịch” thực thụ nhằm ngăn chặn mối nguy hại xâm nhập vào từ bên kia biên giới. 


Nhưng cũng thật đáng ngại khi ở cấp trên đang căng sức chống thì ở nhiều địa phương, nhất là trong dân cư, ý thức về phòng ngừa lại rất kém. Bất chấp thực tế đã có người chết vì cúm H5N1, bất chấp dịch ở nước láng giềng Trung Quốc đang ở mức cao trào, làm chết tới 110 người và hiện đang “rình rập” xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào thì ở nước ta vẫn đang có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Người dân, chính quyền một số nơi tỏ ra rất thờ ơ với việc phòng, chống dịch; hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm thiếu an toàn vẫn diễn ra phổ biến. Vì lợi nhuận, người ta không từ thủ đoạn nào để lén lút nhập lậu gia cầm không có kiểm soát, tiêu thụ gia cầm có xuất xứ ở vùng có dịch…


Trước nay, dịch bệnh vẫn là một trong những mối đe dọa tiềm tàng với con người. Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều loại dịch bệnh khủng khiếp như dịch tả, đậu mùa, sốt xuất huyết… Vào thế kỷ XIV, dân số Châu Âu từng giảm một nửa bởi dịch hạch, còn hồi đầu thế kỷ trước dịch cúm Tây Ban Nha cũng cướp đi sinh mạng khoảng 20 tới 100 triệu người trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, các loại bệnh dịch như SARS hay cúm gia cầm vốn vẫn đe dọa từ nhiều năm qua, song như dân gian vẫn có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nên có lẽ khi người ta còn chưa thấy nó ảnh hưởng tới nhà mình thì còn chưa biết sợ hãi. Thậm chí cả một số cấp quản lý cũng vì “bệnh thành tích” mà sẵn sàng giấu dịch hoặc làm ngơ với hiểm họa dịch bệnh. Vài hôm trước, khi 11 tỉnh, thành đã xuất hiện dịch, nhưng cũng chỉ có 5 địa phương công bố có dịch. Trước nhiều nghi vấn đặt ra về thái độ, trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải lên tiếng nhấn mạnh: Nhân dân có quyền biết đúng sự thật về tình hình dịch bệnh. Chỉ khi nhân dân biết đúng tình hình thì mới có hành động đúng…


Chống dịch, chặn dịch không phải chỉ từ biên giới, mà phải từ ngay trong ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền. Không thờ ơ, nhưng cũng không được qua quýt hoặc thái quá khiến dân hoang mang dẫn đến tẩu tán gia cầm mắc dịch, hoặc người tiêu dùng tẩy chay vô căn cứ. Khi ấy thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở chuyện bệnh tật mà thôi…



Nữ Quỳnh


Chống dịch như… chống giặc!

Tuesday, February 18, 2014

Cựu tổng biên tập báo Ấn Độ cưỡng hiếp đồng nghiệp nữ

Cựu tổng biên tập của một tạp chí tin tức nổi tiếng Ấn Độ vừa bị buộc tội “quấy rối tình dục” và “xúc phạm phẩm hạnh” của một nữ đồng nghiệp.


BBC đưa tin, các công tố viên đã đệ trình bản cáo trạng dài gần 2.700 trang về các tội danh của ông Tarun Tejpal, từng là người đứng đầu của tạp chí lên tòa án ở bang Goa hôm qua.



Hơn 152 nhân chứng, trong đó có nạn nhân, các phóng viên của Tehelka và nhân viên điều tra vụ việc đã được thẩm vấn trước khi cáo trạng được nộp lên tòa.


“Có thể kết luận rằng nạn nhân của vụ tấn công tình dục trong vụ án hiện tại là một phóng viên trẻ. Cô đã bị Tarun Tejpal quấy rối và xúc phạm phẩm hạnh, người mà cô tin tưởng như một bậc cha chú và tôn trọng như một đồng nghiệp mẫu mực”, cáo trạng viết.


Ông Tarun Tejpal (trái), từng là người đứng đầu của tạp chí Tehelka. Ảnh: AFP Ông Tarun Tejpal (trái), từng là người đứng đầu của tạp chí Tehelka. Ảnh: AFP


Các chuyên gia pháp lý cho hay nếu bị kết tội, ông Tejpal có thể phải ngồi tù ít nhất 7 năm.


Trước đó, nữ đồng nghiệp tố cáo ông Tejpal tấn công cô hai lần trong thang máy một khách sạn vào ngày 7 và 8/11 năm ngoái, khi tạp chí Tehelka đang tổ chức một sự kiện lớn thường niên ở bang Goa.


Cuối tháng đó, Tejpal bị bắt giữ để điều tra vụ việc, nhưng ông này bác bỏ các cáo buộc.


Ban đầu, ông Tejpal lên tiếng xin lỗi vì “sự hiểu lầm tai hại” và nói rằng ông “đang tự giải phóng mình khỏi công việc” 6 tháng để “chuộc lỗi cho một sự cố không may”.


Sau đó, ông mô tả chuyện tình dục giữa hai người là “đồng thuận” và tố rằng các cáo buộc này nằm trong một “âm mưu chính trị trước thềm bầu cử”.


Vụ bê bối trên đã trở thành tiêu điểm trên truyền thông Ấn Độ vào thời gian đó. Nhiều nhà phê bình cáo buộc tạp chí Tehelka, một trong những tờ báo điều tra hàng đầu của Ấn Độ và từng lên án sự bất bình đẳng giới, là đạo đức giả.


Vụ việc cũng làm nóng thêm cuộc tranh cãi về tình trạng cưỡng hiếp phụ nữ thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, đặc biệt là sau khi một nữ sinh qua đời vì bị hiếp dâm tập thể hồi tháng 12/2012.


Theo Anh Ngọc (Vnexpress)




Cựu tổng biên tập báo Ấn Độ cưỡng hiếp đồng nghiệp nữ

Monday, February 17, 2014

Ngậm ngùi thương hiệu Việt


Nếu hỏi chuyện gì đình đám trên thương trường Việt Nam những ngày qua thì có lẽ đó là việc McDonald khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Giống như từng xảy ra với thương hiệu cà phê Starbucks khi đặt chân tới Việt Nam, người tiêu dùng đã xếp hàng dài chờ đợi cho lần đầu tiên thưởng thức thứ thực phẩm “danh tiếng” thế giới, cho dù không phải ai cũng đều biết rõ McDonald hay Starbucks ra làm sao. Vậy điều gì đã cuốn hút “thượng đế” Việt đến như thế?

Trước hết, phải khẳng định người Việt bây giờ không còn lạ lẫm với mấy thứ đồ uống hay đồ ăn nhanh (fastfood) kiểu “tây” này. Nhắc đến những cái tên như KFC hay Lotteria thì hầu như dân thành thị đều biết chúng là gì. Và cũng có nhiều người biết đến thương hiệu của “gã khổng lồ về fastfood” là McDonald. Câu chuyện ở đây chính là cách thức để một sản phẩm có thể bước chân vào một thị trường mới.


Ở Việt Nam, chúng ta đã từng có lúc rất tự hào với một số thương hiệu trong nước, điển hình như cà phê Trung Nguyên. Vài năm trước, hầu như ở khắp thành thị và nông thôn đều dễ dàng bắt gặp các biển hiệu có dòng chữ “Cà phê Trung Nguyên”. Và người ta đã nhắc đến Trung Nguyên như một sản phẩm số một về cách thức “làm thương hiệu”. Tuy nhiên, dường như câu chuyện đã nhanh chóng đổi khác. Theo một cuộc bình chọn, được công bố hồi tháng 7-2013 thì Tốp 10 giải thưởng “Nhãn hiệu nổi tiếng – cạnh tranh năm 2013″ nhất Việt Nam lại không có cái tên Trung Nguyên. Tiêu chí nhãn hiệu được lựa chọn phải đáp ứng về quy mô, doanh số bán hàng, mức độ nhận biết của nhãn hiệu…


Trên thực tế, lâu nay chúng ta vẫn tự hào là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất nhì thế giới. Mới đây kênh truyền hình BBC thông tin là cà phê Việt Nam có mức tiêu thụ hàng đầu tại Anh. Tuy nhiên, cũng chính BBC lại đưa thêm thông tin khá “đắng” là hầu hết sản phẩm cà phê Việt được ưa chuộng tại Anh đã được qua bàn tay của các nhà chế biến Brazil, xứ sở cạnh tranh số một với cà phê Việt Nam?


Chưa thể khẳng định thông tin này, cũng như cách nhận định của BBC có chuẩn hay không. Song, bài học nhãn tiền chính là cách thức chúng ta nhìn nhận về chính mình. Cả McDonald, đến Starbucks hay trước đó là KFC và Lotteria, họ bước vào thị trường Việt Nam cũng không có nhiều khuếch trương ồn ào, nhưng có lẽ chính sự bền vững, uy tín của thương hiệu đã tạo nên những “cơn sốt”. Còn chúng ta, dù không thiếu những sản vật quý hiếm, những của ngon vật lạ mà nhiều nhà quản lý mong muốn mang ra thế giới, nhưng đáng buồn là trong số 10 thương hiệu được cho là “tầm vóc” nhất Việt Nam lại không có bất cứ một cái tên nào liên quan đến những sản phẩm, sản vật riêng có. Thay vào đó là những cái tên ở các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí, viễn thông, bất động sản hay bảo hiểm.


Starbucks, rồi McDonald liệu có thành công ở Việt Nam hay không, câu trả lời vẫn còn phải chờ đợi. Bởi chắc chắn rằng với nhiều người tiêu dùng Việt họ cũng chẳng bao giờ muốn xếp hàng cả giờ chờ được uống một ly cà phê hay mua một suất bánh kẹp, cũng như chẳng có nhiều người thích ăn bát “phở chửi, bún mắng” dù nó có ngon đến cỡ nào. Thế nhưng, con số 400 cửa hàng ở Philippines và 150 cơ sở kinh doanh ở Singapore của McDonald có lẽ cũng đủ cho chúng ta thấy hiệu quả thực sự mang lại là từ đâu. Chắc chắn đó không thể là từ những tuyên bố suông hay những niềm tự hào mang đầy sự cảm tính. Đó chính là bài học rất đáng để suy ngẫm. Nếu không, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải ngậm ngùi nhìn các doanh nghiệp nước ngoài giành mất thị trường!



Nữ Quỳnh


Ngậm ngùi thương hiệu Việt

Saturday, February 15, 2014

Đài truyền hình đưa nhầm địa chỉ trang web sex

Đài truyền hình địa phương WGN- TV ở Chicago, Mỹ vừa gặp sự cố đáng tiếc khi họ đưa địa chỉ trang web sex lên bản tin truyền hình.


Đó là bản tin nói về việc ứng dụng công nghệ mới của điện thoại trong việc giúp trẻ vị thành niên thoát được cạm bẫy tội phạm. 


Future of Tribune


Trong khi thực hiện bản tin đó, ống kính truyền hình chĩa vào điện thoại iPhone của người sản xuất chương trình khi người này hướng dẫn mục tìm kiếm trên điện thoại. Ai ngờ, trước đó, người này vừa vào một trang web sex mà quên chưa xóa. 


Vì thế, địa chỉ trang web sex hiện lù lù trên bản tin truyền hình. Trước xu hướng các đài truyền hình sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để làm bản tin đang khá phổ biến, lời khuyên của các chuyên gia là nên tạo thói quen xóa sạch chức năng tìm kiếm.


Với điện thoại iPhone, bạn có thể vào Settings, rồi vào ứng dụng Safari và chọn chức năng: Clear History.


Theo Tiền phong




Đài truyền hình đưa nhầm địa chỉ trang web sex

Nhiếp ảnh gia người Mỹ đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới 2014

Ngày 14/2, tại một cuộc họp báo tổ chức ở Amsterdam, Hà Lan, Ban giám khảo quốc tế Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới lần thứ 57 (World Press Photo) đã công bố lựa chọn tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Mỹ John Stanmeyer, làm việc cho National Geographic, để trao giải thưởng lớn nhất của giải. 

Bức ảnh của John Stanmeyer ghi lại hình ảnh người di cư châu Phi đứng trên bờ biển ở thành phố Djibouti vào ban đêm, họ giơ cao điện thoại trong cố gắng để bắt tín hiệu điện thoại giá rẻ từ Somalia. Djibouti là một điểm dừng chân cho người di cư từ các nước như Somalia, Ethiopia và Eritrea, đi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu và Trung Đông. 


Bức ảnh của John Stanmeyer ghi lại hình ảnh người di cư châu Phi đứng trên bờ biển ở thành phố Djibouti vào ban đêm, họ giơ cao điện thoại trong cố gắng để bắt tín hiệu điện thoại giá rẻ từ Somalia. Djibouti là một điểm dừng chân cho người di cư từ các nước như Somalia, Ethiopia và Eritrea, đi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu và Trung Đông. Bức ảnh của John Stanmeyer 


Bức ảnh cũng giành được Giải nhất trong hạng mục Những vấn đề đương đại.


 

Ban giám khảo đã quyết định giải thưởng trong 9 nhóm chủ đề với các tác phẩm dự thi của 53 nhiếp ảnh gia đến từ 25 quốc gia: Argentina, Australia, Azerbaijan, Bangladesh, Bulgaria, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, El Salvador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iran, Italy, Jordan, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Nga, Serbia, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển , Vương quốc Anh và Mỹ.

Dưới đây là một số tác phẩm đoạt giải hàng đầu khác.


 




 

Tuấn Kiệt


Nhiếp ảnh gia người Mỹ đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới 2014

Nộp phạt tại chỗ: Nghĩ về dân trước


Mấy ngày nay, thông tin về một dự thảo thông tư cho phép các tổ chức, cá nhân bị xử phạt khi vi phạm về giao thông có thể nộp tiền trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.


Có những ý kiến trái chiều nhau, song chủ yếu vẫn là quan điểm lo ngại việc này sẽ làm gia tăng những tiêu cực, tạo cơ hội cho người xử phạt có thể dễ dàng cầm tiền “dấm dúi” của dân vì hành vi cầm tiền có trong quy trình xử phạt. Người ngoài nhìn vào sẽ không thể biết tiền đó là nộp phạt hay tiền tiêu cực.


Băn khoắn ấy có cái lý của người dân. Lâu nay, câu chuyện người vi phạm giao thông “xin xỏ”, “dấm dúi” tiền cho người thực thi công vụ đã trở thành chuyện quá quen thuộc, gây bức xúc. Cũng có người cho rằng nếu dân không hối lộ thì lấy đâu tiêu cực. Nói như vậy cũng đúng, nhưng dù thế nào thì chắc chắn sự gương mẫu phải bắt đầu từ những người thực thi công vụ. Không thể cứ vin cớ ý thức dân kém thì cán bộ cũng phải hư theo. Ngược lại, cũng không thể vì sự “hư” của cán bộ mà đặt ra những quy định rườm rà gây phiền hà cho dân. Mọi cán bộ thực thi công vụ đều đã có các quy phạm pháp luật quy định, điều chỉnh hành vi của họ được làm gì và không được làm gì. Nếu họ làm sai sẽ bị pháp luật xử lý theo mức độ vi phạm.


Thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực nói trên cũng chính là sự bất tiện, rườm rà của quy trình nộp phạt. Vì nhiều lý do, hầu như chẳng ai muốn phải lóc cóc đến kho bạc nộp tiền, vừa mất thời gian, vừa phiền phức bởi không phải ở đâu cũng tiện có kho bạc. Người đi xe máy vi phạm có khi còn “nhẹ” chứ những xe tải, xe khách mỗi lần trót vi phạm rồi có lo xong thủ tục nộp phạt thì các mất mát về thời gian làm ảnh hưởng đến hàng hoá, hợp đồng khiến họ thiệt mười, thiệt trăm. Vậy là để né những phiền toái đó, rất nhiều người dân đã lựa chọn giải pháp “xử lý tại chỗ” theo kiểu đôi bên (người dân và người xử phạt) đều có lợi. Chỉ có nhà nước là thiệt.


Như vậy, vấn đề chính ở đây là phải tìm cách giảm bớt những thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân. Tức là cần đặt lợi ích của người dân lên trước, giải quyết những vấn đề của dân trước các “khó khăn” của lực lượng chức năng. Thay vì lo người có thẩm quyền xử phạt sẽ dễ nhận hối lộ hơn thì hãy lo làm sao để người dân thuận tiện trong nộp tiền phạt hơn. Điều thấy rõ là việc nộp trực tiếp sẽ giúp cho người dân và cả nhà nước tiết kiệm thời gian, thủ tục. Khi không bị phiền hà nữa thì người dân cũng sẽ bớt đi hành vi “dấm dúi”.


Còn đối với chuyện tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, vấn đề quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát như thế nào. Đó là trách nhiệm của ngành chủ quản. Nếu tư cách, đạo đức và trách nhiệm của cán bộ không tốt thì dù có thu tiền tại chỗ hay ở kho bạc thì họ vẫn có thể nhận tiền hối lộ của dân được. Hay nói cách khác là muốn trị bệnh “cầm nhầm tiền” của lực lượng chức năng xử phạt vi phạm chắc chắn cần một “toa thuốc” khác.


Tuấn Kiệt



 


Nộp phạt tại chỗ: Nghĩ về dân trước

Thursday, February 13, 2014

Comcast chi 45 tỷ USD mua Time Warner Cable

Comcast đã trả 158 USD mỗi cổ phiếu Time Warner Cable (TWC), CNN trích lời theo một nguồn tin thân cận. Con số này cao hơn 18% giá đóng cửa phiên trước của TWC. Sau tin tức trên, cổ phiếu TWC tăng 16% trong phiên giao dịch tại châu Âu, trong khi Comcast giảm 2,8%.


Hai công ty đang kỳ vọng Chính phủ Mỹ chấp thuận thương vụ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ có lẽ sẽ phải cân nhắc kỹ ảnh hưởng của việc này lên người tiêu dùng. Do sau khi sáp nhập, cả hai sẽ thống trị thị trường truyền hình và dịch vụ Internet tại Mỹ với hơn 30% thị phần.


Time Warner Cable đã về tay Comcast với giá 45 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg Time Warner Cable đã về tay Comcast với giá 45 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg


Thương vụ này chấm dứt nhiều tháng ròng rã  Time Warner Cable bị các đối thủ nhòm ngó, giành giật. Họ hiện là hãng truyền hình cáp lớn thứ 2 tại Mỹ với 12 triệu thuê bao tại các thành phố lớn như New York hay Los Angeles. Tháng trước, Charter Communications – hãng truyền hình cáp lớn thứ 4 Mỹ cũng đề nghị mua TWC với giá 132,5 USD mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị cả cổ đông và ban lãnh đạo TWC từ chối do “giá trị thực đến tay cổ đông TWC không lớn”.


Bằng việc thâu tóm Time Warner, Comcast đã nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp dịch vụ điện thoại, Internet băng thông rộng và truyền hình đầy tai tiếng của Mỹ. Họ hiện có 23 triệu thuê bao trên cả nước.


Bên cạnh đó, hàng triệu thuê bao của TWC cũng sẽ giúp Comcast có lợi thế đàm phán với chủ sở hữu các kênh truyền hình cáp như The Walt Disney Company và Time Warner. TWC được tách ra từ Time Warner năm 2009.


Theo Hà Thu (Vnexpress)



Comcast chi 45 tỷ USD mua Time Warner Cable

Wednesday, February 12, 2014

Báo chí phải nhập thế tích cực và có trách nhiệm

Báo chí gắn liền với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ thế kỷ 17. Trong xã hội tư bản, sản phẩm báo chí được xem như hàng hóa và các cơ quan báo chí thường là các doanh nghiệp. Điều này khác với thực tế ở các nước XHCN, nơi báo chí không lấy kinh doanh làm cứu cánh; hoạt động quảng cáo, bán các sản phẩm báo chí nếu có đều nhằm bù chi, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đầu tư vào bản thân sự nghiệp báo chí.


Sang thế kỷ 19, truyền thông đại chúng bắt đầu nở rộ ở phương Tây. Nguồn thu chính chuyển từ bán báo sang quảng cáo. Để có doanh thu quảng cáo cao, các tờ báo (sau này có thêm các đài truyền hình) đã đặt ra chuẩn mực ‘khách quan báo chí’ nhằm thu hút tối đa lượng độc giả vì giá quảng cáo phụ thuộc vào tia-ra. Các chủ bút khuyến khích phóng viên, biên tập viên trình bày vấn đề ở mọi góc cạnh, tránh đưa tin quá mạnh, cốt làm hài lòng tất cả các bên và không gây mếch lòng “khách hàng tiềm năng”.


Một nguyên nhân khác đằng sau tính khách quan báo chí phương Tây là sự ra đời các hãng thông tấn – họ bán tin đồng thời cho nhiều tờ báo và tổ chức truyền thông, và do vậy buộc phải sản xuất tin theo lối “dung hòa” mới đáp ứng được các tờ báo với phong cách và định hướng chính trị khác nhau. 


Chẳng hạn, hãng thông tấn AP (Associated Press) của Mỹ ra đời năm 1846 như một tổ chức hợp tác của các báo ở New York, có nhiệm vụ trao đổi và cung cấp tin bài cho các báo đó. Sau này khi AP mở rộng, có thêm sự tham gia của các đài phát thanh, truyền hình trên đất Mỹ, không chỉ cung cấp tin cho nội bộ truyền thông Mỹ mà còn bán tin cho các khách hàng nước ngoài thì tiêu chuẩn “trung lập” càng cao hơn nữa.


Saed, học giả Palestine: “Không có khách quan tuyệt đối” (ảnh: Hiếu/VOV) Saed, học giả Palestine: “Không có khách quan tuyệt đối” (ảnh: Hiếu/VOV)


Như vậy, có thể thấy sự khách quan của báo chí phương Tây bắt nguồn trước hết từ lợi nhuận.


Nhưng liệu truyền thông phương Tây có khách quan hoàn toàn như chính phủ nước họ nhiều khi tự miêu tả?


Thực tế có vẻ không hẳn như vậy. Lợi nhuận một mặt tạo ra sự khách quan nói trên (và cả chuyên nghiệp nữa – nhiều nhà báo phương Tây sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh hoặc mạo hiểm đến những nơi gian khó khác – vừa được tôn vinh, vừa có thu nhập, lại được bảo hiểm rất cao), một mặt khiến báo chí nhạt nhòa hời hợt, đưa tin chỉ xuất phát từ lợi ích của nhóm thiểu số giàu có. Điều này đã được chính nhà báo Mỹ Bagkidian ghi nhận trong cuốn Độc quyền Truyền thông. Theo ông, các tờ báo và hãng phát thanh-truyền hình (Mỹ) muốn có được tất cả các khách hàng giàu có bất chấp lợi ích chính trị của các nhóm khác. Hệ quả là các báo né tránh đưa tin về dân cư nghèo và các vấn đề của họ. “Những vấn đề tác động lên các cộng đồng thu nhập thấp, nhìn chung không trở thành tin tức cho tới khi chúng bùng nổ và làm ảnh hưởng đến nhóm khách hàng khá giả.”


Xét về nghiệp vụ, “khách quan thực thụ” dường như là điều không thể trong thực tiễn. Vì rằng các báo tất yếu phải lựa chọn 1 quan điểm khi họ quyết định vấn đề nào sẽ được phản ánh hoặc bị bỏ qua, cái nào sẽ lên trang nhất, và các nguồn tin nào sẽ được trích dẫn. Riêng Bagkidian còn nêu bản chất chủ quan không tránh khỏi của nghề báo. Ông phân tích: mỗi bước cơ bản trong thao tác báo chí đều gắn liền với 1 quyết định chất đầy giá trị, từ lựa chọn sự kiện (trong vô số sự kiện về 1 đề tài), đến lựa chọn chi tiết để ghi chép và lựa chọn chi tiết để đưa vào tin bài, cũng như cách trình bày các chi tiết… Không có thứ nào trong số này, ông khẳng định, là thực sự khách quan cả. Dẫu vậy, Bagkidian viết, các kỹ thuật nghiêm ngặt của “khách quan” lại tạo ra cái vẻ giả tạo khoa học.


Phương Tây còn nói đến cân bằng khi đưa tin, nghĩa là các bên trong sự kiện đều được nhắc đến và có cơ hội cất lên tiếng nói của mình, coi đây như một biểu hiện của khách quan. Tuy nhiên, khách quan kiểu trung lập hoặc phi đảng tính đã bị các nhà báo theo trường phái cổ xúy chỉ trích là không phục vụ gì cho công chúng, thậm chí có hại, do không phản ánh đúng chân lý.


David Mindich, một giáo sư và nhà phê bình truyền thông người Mỹ, đã nêu 1 ví dụ điển hình về tác hại của cách đưa tin cân bằng nói trên. Trong cuốnJust the Facts, ông đã phân tích về cách các tờ báo Mỹ, đặc biệt là New York Times, đưa tin về việc hàng ngàn người Mỹ da đen bị người da trắng hành hình theo kiểu lin-sơ vào cuối thế kỷ 19. Tin tức thời đó đã lạnh lùng mô tả các đám đông da trắng treo cổ, thiêu sống, hoặc tùng xẻo người Mỹ gốc Phi ra sao. (Nguyễn Ái Quốc trong một bài báo tiếng Pháp năm 1924 cũng nhận xét: báo chí Mỹ những năm trước và sau 1920 đã tường thuật cảnh băm vằm một cách thản nhiên “không một lời trách móc hướng vào bọn giết người, không một lời thương xót với nạn nhân, không một lời bình luận”.) Với lý do khách quan, các nhà báo đã cân bằng các mô tả trên bằng cách nêu ra những cáo buộc về việc các nạn nhân đã vi phạm pháp luật – nguyên nhân cho cơn thịnh nộ của đám đông da trắng. Mindich lập luận rằng cách làm này dẫn đến hiệu ứng bình thường hóa hành vi giết người kiểu lin-sơ (man rợ, bất công, không cần xét xử).


Năm 2008, Ken Silverstein, một nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ, cũng tuyên bố: “Cân bằng” không phải là công bằng, đó chỉ là cách để người ta dễ dàng trốn tránh việc đưa tin thực sự… và lẩn tránh trách nhiệm thông tin cho độc giả. 


Saed Abu Hijileh, một học giả-diễn giả người Palestine tham dự Hội nghị Báo chí châu Á (AMS) 2011 vừa tổ chức tại Hà Nội, cũng chỉ trích gay gắt tính khách quan kiểu phương Tây. Trao đổi với phóng viên VOV bên lề hội nghị, ông cho rằng không có khách quan tuyệt đối và người làm báo không thể chỉ dừng lại ở chỗ miêu tả tình hình – anh ta phải chỉ ra vì sao nó tệ và giải pháp cho nó. “Khi nhìn nhận bất cứ hiện tượng nào anh cũng phải tìm cho ra gốc rễ của vấn đề… Khách quan trước hết là phải đào sâu để xác định bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội. Trình bày vấn đề thoát ly bối cảnh của nó tức là nông cạn và đánh lừa mọi người.”


Về truyền thông phương Tây trong đó có Mỹ, Saed nói thẳng: họ “thân chủ nghĩa tư bản, thân tập đoàn to, thân Israel… và chống lại Iran và người Ả-rập”. Theo Saed, sự khách quan phương Tây chỉ là hình thức, câu chữ mà thôi. “Tất cả họ đều tuyên bố cổ vũ dân chủ, nhưng dân chủ ở đâu? Dân chủ cho người giàu á? Thế những gì đã xảy đến với những tiếng nói bị gạt sang bên lề ở Mỹ, châu Âu và châu Phi?”


Ngoài việc làm sáng tỏ hiện tượng, Saed nói, còn phải cổ xúy hành động chống lại áp bức bất công cũng như tham nhũng, vì tiến bộ xã hội. Trong bài phát biểu hôm khai mạc hội nghị AMS, ông đã đề cập đến khái niệm nhà báo-nhà hoạt động và nhà hoạt động-nhà báo, thể hiện sự xâm nhập lẫn nhau giữa người làm truyền thông và nhà hoạt động. Nếu nhà hoạt động tích cực dùng truyền thông làm phương tiện để đạt mục đích của mình thì nhà báo cũng không nên “dửng dưng” trước nhân tình thế thái.


Liên quan đến truyền thông xã hội đang nổi lên, Saed cũng cảnh báo phải cảnh giác với khả năng các chế độ “xấu” lợi dụng chính các mạng xã hội để xúi bẩy các phần tử bất đồng chính kiến chống lại các chế độ “tốt”.


Trong khi đó, những người mác-xít khẳng định trong xã hội phân chia giai cấp, báo chí bao giờ cũng mang tính khuynh hướng, tức là luôn đứng về 1 giai cấp hoặc 1 nhóm xã hội nào đó. Thực tế đã chứng minh, dù báo chí các nước tư bản phương Tây có tuyên bố trung lập khách quan đến đâu chăng nữa thì các nước này vẫn có các đạo luật chặt chẽ để điều chỉnh báo chí đi “đúng lề”, không được xâm phạm quyền lợi của giai cấp tư sản. Quy chế báo chí của chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam Việt Nam, ra tháng 12/1969, cũng quy định rõ báo chí không được đăng tin bài đề cao cộng sản hay trung lập thân cộng và các chủ bút, quản lý không được là những người có xu hướng cộng sản.


Báo chí vô sản tất nhiên cũng mang tính khuynh hướng chính trị, biểu hiện ở cấp độ cao là tính Đảng. Do tính Đảng thống nhất với tính khoa học nên báo chí cách mạng Việt Nam công khai bản chất giai cấp của mình, cũng giống như những người cộng sản không che giấu bản chất của Đảng mình (đảng cộng sản), không như các đảng phái tư sản xưa nay không dám tự xưng là tư bản mà phải núp dưới những danh xưng chung chung hoặc những cái tên mang hơi hướng cánh tả như xã hội, dân chủ, thậm chí là lao động hoặc công nhân.


Hô hào tư nhân hóa báo chí ở Việt Nam là không hiểu, cố tình không hiểu những sự thực khách quan trên, hoặc tệ hơn, là cố tình thổi phồng “khách quan” một cách chung chung để phi chính trị hóa nền báo chí cách mạng Việt Nam, tương tự như ai đó trong nước và bên trời Tây đòi tách quân đội và công an nhân dân khỏi sự lãnh đạo của Đảng, từ đó giúp vô hiệu hóa Đảng, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nhà báo Việt Nam càng phải quán triệt làm báo là hoạt động chính trị. Chính trị ở đây không chỉ là viết về chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh chống quan điểm sai trái và diễn biến hòa bình… mà còn bao gồm thực hiện nghĩa vụ xã hội, cổ vũ nhân tố mới, phê phán tiêu cực xã hội, nâng cao dân trí, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển bền vững… Nói cách khác, nhà báo không thể đứng giữa, họ phải nhập thế, một cách tích cực và có trách nhiệm./.


Trung Hiếu/VOV online



Báo chí phải nhập thế tích cực và có trách nhiệm

Nữ nhà báo phát thanh đối diện bạo lực và quấy rối tình dục

Tổ chức UNESCO đã tích cực thúc đẩy sự an toàn cho những người làm báo và tin rằng họ có quyền được làm việc mà không bị đe dọa bạo lực, đồng thời có quyền bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho tất thảy mọi người. 


Trong 10 năm qua, có trên 600 nhà báo và nhân viên truyền thông bị sát hại – đa số trong số họ không phải là phóng viên chiến trường. Các vụ tấn công người làm truyền thông thường diễn ra trong bối cảnh phi xung đột và do các nhóm tội phạm có tổ chức, dân quân, nhân viên an ninh và thậm chí cả cảnh sát địa phương thực hiện, khiến cho các nhà báo địa phương ở vào thế khó chống đỡ. Các cuộc tấn công này bao gồm giết người, bắt cóc, quấy rối, hăm dọa, và bắt giữ bất hợp pháp.


Đa số các vụ lạm dụng đối với nhân viên truyền thông vẫn chưa được điều tra và trừng phạt. Thực tế này kéo dài mãi vòng xoáy bao lực nhằm vào các nhà báo, bao gồm cả nhà báo công dân. Kết quả là, nhiều nhà báo phải “tự kiểm duyệt” (cho “an toàn” hơn), dẫn tới chỗ xã hội mất đi nhiều cơ hội được thông tin, còn nền tự do báo chí thì bị xâm phạm. 


Chủ đề Ngày Phát thanh năm nay (2014) là về phụ nữ làm việc trong ngành này (ảnh: UNESCO) Chủ đề Ngày Phát thanh năm nay (2014) là về phụ nữ làm việc trong ngành này (ảnh: UNESCO)


Như đã nói ở trên, an toàn của phụ nữ trong ngành truyền thông là vấn đề liên quan tới không chỉ hoàn cảnh xung đột hay thảm họa mà còn cả thời bình nữa. Hơn 64% nhân viên nữ bị đẹ dọa, đối diện với các mối nguy hiểm và sự lạm dụng trong quá trình họ tác nghiệp. Các hiện tượng tiêu cực này xuất phát từ cả các đồng nghiệp, các quan chức chính phủ và cả cảnh sát.


 Trong khi đó, việc thu thập dữ liệu về các vụ việc liên quan đến các nhà báo nữ thường là không đầy đủ và không tính đến các hăm dọa, đe dọa, sự lạm dụng, và bạo lực tình dục cũng như bạo lực giới.


 Nghiên cứu cho thấy những hình thức quấy rối tình dục phổ biến nhất bao gồm các bình luận (không được phụ nữ mong muốn) về y phục và ngoại hình của họ (67%), đưa ra các nhận xét và âm thanh có tính “mời gọi” (60%), hay đưa ra những lời bông đùa mang bản chất tính dục (57%). 


Đa số nạn nhân nữ không báo cáo nạn quấy rối xảy đến với mình lên “sếp”, với cảnh sát hay bất cứ giới chức nào. 


Hiện chưa có sự đào tạo hay phân bổ nguồn lực nào cho khía cạnh an ninh trên mạng hoặc ngoại tuyến của những phụ nữ làm trong ngành truyền thông. Có 22% trong số họ từng bị nghe lén, bị “hack”, hoặc theo dõi trực tuyến.


Số nữ nhà báo phát thanh bị giết là cao nhất vào năm 2013 so với các nạn nhân nữ trong ngành báo in và truyền hình.


 Kể từ năm 1997, Tổng Giám đốc UNESCO đã lên án các vụ sát hại nhà báo, theo nghị quyết 29 của Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 29. Kể từ năm 2008, Tổng Giám đốc UNESCO đã trình báo cáo 2 năm một lần về An toàn của các Nhà báo và Mối Nguy hiểm của việc tội phạm thoát tội lên Hội đồng Chương trình Phát triển Truyền thông Quốc tế (IPDC). 


Theo đó, các con số thật đáng báo động. Riêng năm 2012, có 121 nhà báo bị giết, tăng gần gấp đôi so với các năm trước đó. 


UNESCO đã cổ vũ cho Kế hoạch Hành động của Liên Hợp Quốc về An toàn Nhà báo và Vấn đề Tội phạm không bị trừng phạt – Kế hoạch này đã được ban lãnh đạo Liên Hợp Quốc phê chuẩn vào ngày 13/4/2012. Kế hoạch cung cấp cho Liên Hợp Quốc khung xử lý vấn đề này với các đối tác như giới chức quốc gia, các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế, các cơ quan truyền thống và giới học thuật. 


Gần đây Ban điều hành UNESCO đã thông qua Kế hoạch Hành động của UNESCO về An toàn Nhà báo và Vấn nạn tội phạm không bị trừng trị vào tháng 4/2013./.


Trung Hiếu/VOV online 
(theo UNESCO)



Nữ nhà báo phát thanh đối diện bạo lực và quấy rối tình dục

UNESCO bảo vệ phụ nữ trong giới truyền thông như thế nào?

Nhằm bảo vệ chị em làm truyền thông, tổ chức UNESCO đã đưa ra Bộ chỉ số Nhạy cảm Giới tính (GSIM). Đây là bộ khung các chỉ số dùng để “đo” mức độ nhạy cảm giới trong các hoạt động và nội dung truyền thông.

Mục đích của GSIM là vận dụng mọi phương tiện công nghệ trong tầm tay, hỗ trợ bình đẳng giới và tăng quyền hạn dưới mọi hình thức cho phái nữ trong ngành truyền thông cũng như thông qua chính hoạt động truyền thông. Bộ công cụ này xử lý các chủ đề liên quan đến chính sách và chiến lược của nội bộ cơ quan truyền thông, cũng như xây dựng năng lực.


Bộ công cụ có tính linh hoạt cao, các tổ chức truyền thông có thể dùng nó để: (1) đánh giá mức độ “nhạy cảm” giới của họ, (2) xây dựng các chính sách và chiến lược cần thiết nhằm “trám” các lỗ hổng được phát hiện ra, (3) đặt ra các mục tiêu có thể “đo đạc” được, và (4) theo dõi tiến bộ trong việc đạt các mục tiêu mong muốn.


Một nữ nhà báo tác nghiệp tại Afghanistan (ảnh: rawa) Một nữ nhà báo tác nghiệp tại Afghanistan (ảnh: rawa)


Công cụ GSIM, do UNESCO phối hợp với Liên hiệp Các nhà báo Quốc tế và một số đối tác khác phát triển, cũng chỉ ra các nhu cầu đào tạo bởi nó chứa đựng tất cả các yếu tố quan trọng nhất về giới và truyền thông.


Công cụ này là bộ chỉ số “phi chuẩn tắc”, được thiết kế nhằm thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của các cơ quan truyền thông dưới mọi hình thức. Nó cũng phù hợp và hữu ích cho các nhóm truyền thông công dân cổ vũ cho bình đẳng giới, các hiệp hội truyền thông, các công đoàn và câu lạc báo của giới nhà báo, các thực thể tự điều tiết của truyền thông, các thể chế chính phủ, cũng như các cơ sở học thuật và trung tâm nghiên cứu.


Bộ GSIM chia làm hai mảng có liên hệ chặt chẽ với nhau, mỗi mảng hướng vào giải quyết các trục chính của giới và truyền thông:


- Nhóm A: Các hành động nuôi dưỡng bình đẳng giới bên trong các tổ chức truyền thông (nhóm này lại chia thành 5 tiểu mục)


- Nhóm B: Khắc họa yếu tố giới trong nội dung truyền thông (gồm 2 tiểu mục).


Mỗi mảng lớn trên đều được tổ chức theo 5 chiều, đó là Nhóm người dùng, Khu vực quan tâm hệ trọng, Mục tiêu chiến lược, Các chỉ số, và Phương tiện kiểm chứng.


Đính kèm với công cụ GSIM là một bộ các nghiên cứu trường hợp điển hình do các hiệp hội/công đoàn ngành phát thanh-truyền hình tiến hành./.


Trung Hiếu/VOV online 
(theo ITU)



UNESCO bảo vệ phụ nữ trong giới truyền thông như thế nào?

Tuesday, February 11, 2014

Trung tâm tin tức VTV24 thông báo tuyển dụng

Trung tâm tin tức VTV24 – Đài THVN thông báo tuyển dụng các chức danh với số lượng và yêu cầu trình độ như sau: 


1. Chuyên viên (4 người): Tốt nghiệp đại học, ngành quản trị nhân lực, các ngành kinh tế khác.


2. Kế toán viên (3 người): Tốt nghiệp đại học, chuyên ngành tài chính kế toán.


3. Biên tập viên (21 người): Tốt nghiệp đại học các chuyên ngành. Ưu tiên ứng viên tốt nghiệp đại học trở lên tại các trường Ngoại giao, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân.


4. Phóng viên (42 người): Tốt nghiệp đại học, ngành Báo chí hoặc ngành Công nghệ Điện ảnh – Truyền hình.


- Phóng viên (hiện trường): 20 người


- Phóng viên (quay phim): 15 người


- Phóng viên (điều tra): 4 người


- Phóng viên (quay phim điều tra): 3 người


VTV1 I.    Điều kiện tham gia dự thi tuyển:



 1.    Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;


 2.    Tuổi đời tham gia dự tuyển từ 18 tuổi trở lên;


3.    Có lý lịch rõ ràng;


 4.    Tốt nghiệp đúng chuyên ngành theo yêu cầu;


 5.    Có chứng chỉ Ngoại ngữ (hoặc ngoại ngữ thứ 2 đối với thí sinh dự tuyển chức danh chuyên viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh) trình độ B trở lên; chứng chỉ Tin học và các văn bằng, chứng chỉ liên quan khác (nếu có);


 6.    Có đủ sức khỏe theo yêu cầu công việc. Không sử dụng chất gây nghiện nằm trong danh mục cấm mà pháp luật quy định;


 7.    Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trong thời gian cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định liên quan đến công việc cần tuyển dụng.


 (Ưu tiên các ứng viên có xếp loại tốt nghiệp từ khá trở lên) 


 II.    Hồ sơ dự tuyển gồm:   


1.    Đơn xin dự tuyển (theo mẫu đính kèm); Tải tại đây


 2.    Sơ yếu lý lịch có dán ảnh 4×6, có xác nhận của địa phương hoặc cơ quan nơi thí sinh đang công tác;


3.    Bản sao giấy khai sinh;


 4.    Bản chụp bằng tốt nghiệp, có bảng điểm cuối khoá của trường;


 5.    Bản chụp các chứng chỉ: Ngoại ngữ, Tin học;


6.    Giấy khám sức khoẻ tại cơ quan y tế cấp Quận, Huyện trở lên (có giá trị trong thời gian 6 tháng);


 7.    Các giấy tờ xác nhận ưu tiên nếu có;


8.    Hai phong bì dán tem ghi rõ tên, địa chỉ người nhận và hai ảnh cỡ 4×6;


 9.    Một ảnh chân dung ( 9×12);


10.    Hồ sơ đựng trong phong bì cỡ 25 x 32cm, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại liên lạc;


 11.     Phí nộp hồ sơ dự thi: 150.000 đồng.


Ghi chú: 


-    Không hoàn trả hồ sơ

-    Các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ có liên quan khác trong hồ sơ dự tuyển không cần công chứng hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhưng thí sinh đăng ký dự tuyển phải cam kết trên bản chụp là được chụp từ bản chính, do người dự tuyển ký tên và chịu trách nhiệm trước pháp luật.


 


III.    Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ

- Phòng Hành chính Tổng hợp, Trung tâm tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam (Địa chỉ: Trung tâm tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam : 43 Nguyễn Chí Thanh – Ba Đình – Hà Nội).


 Liên hệ bà: Trần Bạch Yến – Di động: 0983660448 


- Thời gian: từ ngày thông báo đến hết ngày 15/3/2014 (trong giờ hành chính)

Mọi thông tin chi tiết liên hệ: Phòng Hành chính – Tổng hợp, Trung tâm tin tức – Đài Truyền hình Việt Nam, điện thoại: 04.62634100, số máy lẻ 3031 và 3033. 



VTV 24



Trung tâm tin tức VTV24 thông báo tuyển dụng

Sunday, February 9, 2014

Báo Hànộimới có thêm Phó tổng biên tập mới


Sáng nay 10-2, tại Báo Hànộimới, thừa ủy quyền của Thường trực Thành ủy Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đã trao quyết định bổ nhiệm Phó tổng biên tập Báo Hànộimới.

Ngày 27-1-2014, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã ký Quyết định số 4096-QĐ/TU bổ nhiệm đồng chí Lê Hoàng Anh, Trưởng Ban Nội chính-Xây dựng Đảng làm Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm. 

 


Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Lê Hoàng Anh. Ảnh: Viết Thành Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Lê Hoàng Anh. Ảnh: Viết Thành


Thừa ủy quyền của Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Lê Hoàng Anh. 


Trong lời phát biểu của mình, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng  đánh giá cao đóng góp của Báo Hànộimới trong thành tích chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đồng chí tin tưởng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo được kiện toàn, tập thể Báo Hànộimới sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, xứng đáng với vai trò, vị trí là kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.


Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Thường trực Thành ủy, các ban đảng Thành ủy đối với Báo Hànộimới trong những năm qua. Đồng chí khẳng định, tập thể lãnh đạo Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hànộimới sẽ không ngừng phấn đấu cùng cán bộ, công nhân viên cơ quan đoàn kết, nhất trí, thi đua hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là cơ quan của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.



 

Hiền Lương


Báo Hànộimới có thêm Phó tổng biên tập mới

Saturday, February 8, 2014

Việt Nam thời chiến tranh qua ống kính người Đức

Đến Việt Nam những năm 1960-1970, nhiếp ảnh gia Thomas Bill Hardt đã ghi lại cảnh tàn khốc của chiến tranh. Thomas Bill Hardt, 77 tuổi, nhà báo, nhiếp ảnh gia người Đức nổi tiếng với các bức ảnh chân thực về chiến tranh ở Việt Nam, Palestine và Nicaragua…


Từ năm 1962 đến 1985, ông 12 lần đến Việt Nam, chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Thomas phát biểu: ”Bản chất của nhiếp ảnh không chỉ ghi lại hình ảnh cuối cùng, mà còn tập trung vào hoàn cảnh của vụ nổ súng”.


Chính vì vậy, ông có một kho ảnh vô giá về Việt Nam thời chiến. Ảnh được phân thành các chủ đề như chiến tranh năm 1972, chiến tranh biên giới 1979, phi công Mỹ, miền Nam Việt Nam… Năm 1999, ông từng mở triển lãm về chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội.


vietnam_war2Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia gây xúc động người xem. Trong ảnh, sau những trận càn của địch, nhà cửa, làng mạc tan hoang, đổ nát… Trên tất cả, Thomas Bill Hardt tập trung vào con người – dân lành Việt Nam – tan xương nát thịt dưới đạn bom.


Thomas từng nói: “Tôi đã chứng kiến cả niềm vui chiến thắng cũng như đau thương mất mát của người dân trên khắp đất nước Việt Nam”.


Từ những năm 1960, các bức ảnh về Việt Nam đã đưa tên tuổi Thomas Bill Hardt nổi tiếng thế giới và mang về cho ông những giải thưởng danh giá. Tên tuổi của Thomas xuất hiện trên nhiều tạp chí nổi tiếng thế giới. 



 



Việt Nam thời chiến tranh qua ống kính người Đức