Saturday, March 29, 2014

Ra mắt Câu lạc bộ báo chí điều tra chống tham nhũng

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC.


Câu lạc bộ Báo chí điều tra (Investigative journalism club – IJC) thuộc Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” của Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện để dự thi Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013, do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức.


Thông qua một số kết quả nghiên cứu, nhất là kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới công bố năm 2012.


ảnh minh hoạ (sưu tầm từ internet) ảnh minh hoạ (sưu tầm từ internet)


Kết quả cho thấy, 80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện và hơn 8% cho rằng áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng.”


Điều này khẳng định cần phải xây dựng minh bạch thật sự, trao quyền cho báo chí để giúp lĩnh vực này áp dụng kỹ năng điều tra, phát hiện trường hợp tham nhũng.


Tại lễ ra mắt, chủ nhiệm Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng,” phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Báo chí-Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: Mục tiêu của dự án Báo chí điều tra là hướng tới sinh viên báo chí, đào tạo kiến thức và kỹ năng điều tra ngay từ gốc, nỗ lực đưa điều tra phòng chống tham nhũng vào chương trình đào tạo cử nhân báo chí chính quy dưới hình thức lồng ghép vào các môn học.


Trên cơ sở thiết kế hoạt động của Câu lạc bộ Báo chí điều tra, sinh viên báo chí được đào tạo cả về kiến thức và thực hành kỹ năng nghề nghiệp, với nguồn lực tổng hợp từ các phía: giảng viên báo chí – sinh viên báo chí – nhà báo điều tra – chuyên gia lĩnh vực điều tra phòng, chống tham nhũng.


Theo kế hoạch, Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong phòng chống tham nhũng” sẽ diễn ra trong 2 năm (2013 và 2014) với hy vọng có khoảng 10.000 sinh viên biết đến; 100 % sinh viên các lớp được thử nghiệm giảng dạy lồng ghép và tham gia Câu lạc bộ FOJ hiểu được vai trò của báo chí và nhà báo điều tra trong phòng chống tham nhũng.


Bên cạnh đó, sẽ có 80 đến 100 nhà báo điều tra và các cơ quan báo chí biết đến Đề án, chia sẻ ý kiến, tham gia hỗ trợ cho dự án trong công tác đào tạo, biên soạn tài liệu, hội đồng tuyển chọn thành viên Câu lạc bộ và bộ sưu tập.


Câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng môi trường đào tạo và rèn luyện nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng thực hành thể loại điều tra cho những “nhà báo” trẻ; đồng thời đưa sinh viên tiếp cận với môi trường báo chí sớm hơn, nhanh hơn và đảm bảo sự gắn kế giữa nhà trường với thực tiễn lao động báo chí. Mặt khác, sẽ giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ và tác nghiệp được ngay sau khi ra trường.


Đặc biệt, thực hiện tốt được mô hình này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của khoa Báo chí, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi của thể loại điều tra nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung.


Nhân dịp này, website www.cjc.edu.vn của Chi hội nhà báo Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức ra mắt bạn đọc./.


NGUYỄN CƯỜNG (TTXVN/VIETNAM+) 



Ra mắt Câu lạc bộ báo chí điều tra chống tham nhũng

Friday, March 28, 2014

"Văn minh" từ tư duy quản lý

Sau 3 tháng đầu triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Hà Nội đã rà soát thống kê được 209 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, đã giải tỏa dứt điểm 97 tụ điểm; thống kê 7.000 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định, ngừng cung cấp dịch vụ đối với 315 thuê bao vi phạm; xử lý trên 91.000 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ hơn 2.800 phương tiện…


Đó là những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ, khu vực thành thị liên tục mở rộng hơn ra vùng ngoại ô, cộng với xu hướng di cư vào Thủ đô đang gia tăng, cũng đòi hỏi giai đoạn chuyển đổi trong nếp sống người dân. Trong đó sự thích nghi về văn hoá, ứng xử cũng sẽ có những thay đổi. Nhưng sự thay đổi ấy có tích cực hay không còn là vấn đề thời gian, và quan trọng hơn là phương pháp điều tiết, cùng với tư duy quản lý của chính quyền nhằm định hướng cho người dân. Việc Hà Nội triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị” cho thấy mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đặt ra là khá rõ ràng nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, ngành và của từng người dân, tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.


Thực tế thời gian qua sau khi có sự quyết liệt của thành phố thì diện mạo phố phường đã khá hơn, nhưng nhìn về tổng thể thì ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa có sự đột phá cơ bản. Cách thức chấp hành pháp luật của người dân còn mang hơi hướm đối phó. Một bộ phận dân cư đô thị vẫn giữ lối sống, cách ứng xử tuỳ hứng, nặng về lợi ích cá nhân. Mặt khác, do hạ tầng đô thị còn chưa theo kịp, thậm chí là tụt hậu so với tốc độ đô thị hoá khiến cho người dân khi tham gia vào các hoạt động công cộng như giao thông, kinh doanh, văn hoá… thường phải tự “ứng xử linh hoạt” theo điều kiện thực tế. Và chính cái sự “linh hoạt” ấy (như đi xe trên vỉa hè khi bị tắc đường) lại dẫn đến những hậu quả xấu, vi phạm pháp luật, khiến cho việc xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật trong cư dân đô thị càng ngày càng khó khăn hơn.


Theo ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì “chỉ cần 5-10% người dân không chấp hành luật lệ giao thông, đổ rác không đúng nơi quy định, xây dựng không đúng phép thì mục tiêu đặt ra trong “Năm trật tự và văn minh đô thị” khó thực hiện được”.


Quả sẽ thật khó nếu như người dân hình thành thói quen sống theo “lệ” hơn là theo “luật”. Vì thế, muốn thay đổi ý thức người dân thì chính thái độ và giải pháp ứng xử của những “đầu tầu”, tức là các nhà hoạch định và thực thi chính sách phải công minh và nghiêm túc. Chính quyền cần phải tránh cách hành xử “cảm tính” dễ tạo cho người dân ý thức chấp hành cũng theo kiểu “cảm tính”. Hẳn những người sống ở các đô thị lớn đều đã quen với hình ảnh những cán bộ phường cùng với lực lượng dân phòng “quản lý trật tự đô thị” bằng cách giành giật từng gánh hàng, nhặt từng cái ghế, cái biển hiệu của người vi phạm mà quăng tất lên xe tải. Cái cách thức tưởng như rất quyết liệt ấy thực chất lại rất “phản cảm”, tạo thêm cơ hội cho thái độ đối phó, nhờn nhã của người vi phạm. Vì thế mà chỉ cần chiếc xe của chính quyền đi khỏi là vi phạm sẽ trở lại như nó vốn có.


Nói vậy để thấy, có chính sách đúng, nhưng cũng cần cách thực thi đúng. Phải có chiến lược lâu dài và bền bỉ, tránh lối thực thi kiểu “đánh trống bỏ dùi”, ban đầu thì “trống giong cờ mở” nhưng sau lại nhanh chóng bỏ bê, thiếu đôn đốc giám sát. Thói quen, lối sống của người dân không phải là thứ bất biến, nhưng để thay đổi nó cũng cần phải có thời gian đủ dài, phù hợp với sự nhu cầu phát triển. Và đặc biệt muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân thì trước hết phải từ các nhà quản lý, lãnh đạo. 


Nữ Quỳnh



"Văn minh" từ tư duy quản lý

Tuesday, March 25, 2014

Không thể suy diễn chủ quan về tự do báo chí ở Việt Nam

Mới đây, Báo Sài Gòn tiếp thị (SGTT) thuộc cơ quan chủ quản là Trung tâm Xúc tiến – Thương mại – Đầu tư TP Hồ Chí Minh, chính thức bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép hoạt động do thua lỗ, nợ đọng quá nhiều trong thời gian kéo dài, không đủ điều kiện về tài chính. Điều này ai cũng biết. Ấy vậy mà, một số báo, đài nước ngoài (RFA, BBC, VOA…) và nhiều trang blog lại cố tình tung tin sai sự thật rằng Báo SGTT bị “bức tử” do có nhiều bài viết đụng chạm đến vấn đề “nhạy cảm”, đồng thời cho rằng, vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam đang bị xâm phạm và đây là sự mở đầu cho chiến dịch thu hẹp hệ thống báo chí Việt Nam đến năm 2020 theo đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất.


Phải nói ngay rằng, Báo SGTT bị thu hồi giấy phép hoạt động là do đề nghị của chính cơ quan chủ quản khi báo này thua lỗ, chứ hoàn toàn không vì bất cứ lý do “nhạy cảm” nào khác. Cho đến thời điểm trước khi bị thu hồi giấy phép, với khoản nợ đọng về tài chính lên tới 50 tỷ đồng, doanh thu hằng tháng của Báo SGTT vẫn không đủ để trả lãi suất ngân hàng. Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước ngoài, tờ báo nào không đủ sức cạnh tranh, không đủ khả năng về tài chính thì hiển nhiên phải chấp nhận đình bản. Điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Không có ai “bức tử” tờ báo này cả. Nói tờ báo bị “bức tử” là suy diễn chủ quan, vô căn cứ !


Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Ảnh minh họa: Tuổi trẻ


Ở Việt Nam, mỗi tờ báo có công chúng, mục tiêu riêng, hoạt động trong những lĩnh vực mà mình đăng ký. Báo SGTT cũng như tất cả các cơ quan báo chí khác đều phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy cấp phép. Đi ngược lại tôn chỉ, mục đích là trái pháp luật. Không thể vì sự cạnh tranh thông tin hay thứ “danh tiếng” mơ hồ nào đó mà đưa tin, bài trái với đường lối, quan điểm của Đảng, làm phương hại tới an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc… Đó là điều mà mọi tờ báo đều phải hiểu và tuân thủ.


Mặt khác, trước thông tin về Đề án quy hoạch hệ thống báo chí toàn quốc đến năm 2020, một số người đã vội vàng suy diễn chủ quan về tự do báo chí ở Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở. Thực tế phát triển báo chí thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu quan trọng và đóng góp to lớn của báo chí đối với công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, báo chí cũng bộc lộ một số bất cập. Không ít các trang điện tử và báo, tạp chí in giảm sút cả về chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học và chất lượng nghiệp vụ của thông tin. Nhiều tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, có khuynh hướng thông tin giật gân, câu khách, nội dung thông tin các báo na ná nhau, dẫn đến nhàm chán và lãng phí tiền của. Hệ thống báo chí Việt Nam có bước phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ… Bởi thế, việc điều chỉnh, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí là một đòi hỏi cấp thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, bảo đảm cho báo chí hoạt động tốt hơn, đúng tôn chỉ, mục đích, trong khuôn khổ pháp luật. Đây là việc làm cần thiết, nhằm hướng tới sự hợp lý về số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm báo chí, nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả và của toàn xã hội. Ít mà tinh, gọn mà hiệu quả, quy hoạch, sắp xếp gọn lại để báo chí có điều kiện đầu tư, phát triển theo chiều sâu, phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ là việc làm hữu ích được xã hội đồng thuận, báo giới tán thành. Bởi vậy, nói tự do báo chí ở Việt Nam bị kìm hãm hoàn toàn là sự suy diễn, áp đặt chủ quan. 


Sự việc của Báo SGTT càng chứng tỏ các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội có thể lợi dụng bất cứ vấn đề gì, hiện tượng gì trong đời sống xã hội của đất nước để xuyên tạc tình hình, kích động dư luận, đả phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Tuy nhiên, sự thật luôn là sự thật, không thể ai “đổi trắng thành đen”. Có điều, bất cứ ai khi tiếp nhận những thông tin suy diễn kiểu này, cần rất tỉnh táo và cảnh giác.


Theo YẾN LONG (QĐND)



Không thể suy diễn chủ quan về tự do báo chí ở Việt Nam

Một phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp

Khoảng 11h30 ngày 24/3, khi đang xác minh thông tin phản ánh của bạn đọc tại P123 nhà C12 KTT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, phóng viên Đào Thị Nga, đang công tác tại Ban Phóng sự – Điều tra (Báo Hà nội mới) đã vô cớ bị một số người lao ra ngăn cản tác nghiệp.


Không những dùng những lời lẽ lăng mạ, nhóm người trên còn có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng là đòi xóa ảnh trong máy ảnh và thu giữ chìa khóa xe máy của phóng viên. Sau một thời gian đôi co to tiếng, CA phường Kim Liên đã có mặt mời các bên về trụ sở giải quyết.


 


Biên bản được lập tại CA phường Kim Liên. Biên bản được lập tại CA phường Kim Liên.


Trong biên bản lập tại CA phường có nêu rõ, phóng viên Đào Thị Nga xuống hiện trường tác nghiệp để làm rõ 2 công trình xây dựng trái phép nhà ông Hoàng Văn Phúc (SN 1954) ở địa chỉ P123 nhà C12 KTT Kim Liên và nhà hàng xóm.


Trong quá trình tác nghiệp, chị Nga có đầy đủ giấy giới thiệu làm việc với UBND phường Kim Liên về vấn đề trên, có thẻ nhà báo và chứng minh thư nhân dân theo đúng yêu cầu của pháp luật. Chị Nga cũng đã thực hiện đúng theo Luật báo chí tiếp cận chụp ảnh hiện trường và có giới thiệu về nhân thân.
 
Về nguyên nhân cản trở phóng viên pháp luật, ông Hoàng Văn Phúc vẫn lớn tiếng cho rằng quá trình tác nghiệp của phóng viên là vi phạm quyền công dân và yêu cầu không sử dụng ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. 


Ông Phúc lớn tiếng phản đối mà không viện dẫn được bất cứ văn bản pháp luật nào quy định rõ về việc phóng viên tác nghiệp. Dù ngụy biện bằng lời lẽ nào thì việc gia đình ông Phúc lăng mạ và đòi giữ chìa khóa xe máy phóng viên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 


Biên bản làm việc có cả sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố. Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi coi thường kỷ cương phép nước trên.


Theo Chu Dũng (HNM)


 



Một phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp

Văn nghệ trẻ - Báo giấy thành báo điện tử

Văn nghệ Trẻ, tờ báo văn chương duy nhất dành cho những cây bút trẻ ở Việt Nam hiện nay tới đây sẽ chấm dứt vai trò báo giấy để chuyển sang hoạt động báo điện tử. Có rất nhiều cung bậc cảm xúc cũng như chia sẻ, mong muốn… của các tác giả từng gắn bó với Văn nghệ trẻ được bộc lộ trong cuộc phỏng do báo điện tử Tổ Quốc thực hiện.


Các cây bút Tống Ngọc Hân, Vũ Thị Huyền Trang, Đoàn Văn Mật, Lê Vi Thủy Các cây bút Tống Ngọc Hân, Vũ Thị Huyền Trang, Đoàn Văn Mật, Lê Vi Thủy


PV: Vậy là chẳng còn bao lâu nữa báo Văn nghệ trẻ – phụ trương của tuần báo Văn nghệ sẽ chấm dứt vai trò báo giấy truyền thống để chuyển mình thành báo điện tử. Là một nhà văn trẻ, anh (chị) chia sẻ suy nghĩ của bản thân?


Tống Ngọc Hân (Lào Cai): Tôi biết tin Văn nghệ trẻ chấm dứt vai trò báo giấy từ cuối năm 2013. Ngay lúc đó trong đầu tôi hiện hữu câu hỏi “Tại sao lại như vậy?”. Tôi không trả lời câu hỏi này với tư cách độc giả hay người viết văn mà với tư cách một người kinh doanh. Chỉ những khó khăn về kinh tế mới có thể khiến Báo Văn nghệ trẻ phải dừng lại hình thức phát hành này. Lượng báo phát hành ít vì độc giả văn chương ít, giá báo lại rẻ (giá của báo chí và các sản phẩm văn chương ở nước ta đều rẻ) trong khi chi phí in ấn, phát hành thì không ngừng tăng cao. Từ trước tới giờ, các “Mạnh Thường Quân” bỏ ra bạc tỷ, bạc triệu để tài trợ cho các đội bóng, các câu lạc bộ người mẫu hay các cuộc thi hoa hậu, người đẹp… chứ chẳng ai bỏ ra xu nào để tài trợ cho một tờ báo văn nghệ. Vì có quảng bá, quảng cáo được gì cho tên tuổi, thương hiệu của họ đâu? Nhà nước có thể trích ngân sách để cứu công ty này, công ty kia thoát khỏi phá sản nhưng chẳng nhẽ lại đem tiền để cứu một tờ báo văn chương? Thôi thì những người làm báo tự xoay sở, tự cứu mình và cái nghiệp văn của mình vậy. Việc phải chuyển từ báo giấy sang báo điện tử là một lối thoát danh dự cho Văn nghệ trẻ. Phải nói thật là tôi rất buồn. Nỗi buồn của một độc giả, một tác giả từng gắn bó và yêu mến Văn nghệ trẻ.


Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội): Tôi khá bất ngờ trước thông tin này. Tôi nghĩ đó là một hướng đi bắt kịp với xu thế chung của báo chí và văn chương trẻ hiện nay. Văn nghệ trẻ là nơi đăng tải các hoạt động văn chương cũng như các sáng tác của nhiều cây bút trẻ. Nên việc đưa báo Văn nghệ trẻ thành báo điện tử là một tín hiệu đáng mừng đối với người viết trẻ vì tác phẩm của họ sẽ được phổ biến rộng rãi với tốc độ lan truyền của internet, chắc chắc sẽ hơn hẳn báo giấy.


Đoàn Văn Mật (Hà Nội): Tôi nghĩ một tờ báo giấy chuyển mình sang thành báo điện tử là câu chuyện đã và đang xảy ra ở không ít quốc gia trên thế giới. Sự thay đổi ấy vốn được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó có thể là sự chuyển mình theo quy luật tự nhiên khi mà mạng internet đang ngày càng phát triển và nhiều độc giả sẽ được hưởng lợi nó trong việc tiếp cận nguồn thông tin trên báo online ở mọi lúc mọi nơi, có thể là do sự suy sụt về số lượng in ấn mà những người đứng đầu cơ quan ấy phải chuyển sang báo điện tử làm giảm bớt những chi phí cần thiết để tờ báo tồn tại được. Nhưng ở một nước mà số lượng bạn đọc yêu thích báo giấy vẫn còn khá đông đảo thì việc báo Văn nghệ trẻ – phụ trương của tuần báo Văn nghệ chuyển thành báo điện tử sẽ là một tổn thất không nhỏ tới nhu cầu thưởng thức món ăn tinh thần của độc giả.


Lê Vi Thuỷ (Gia Lai): Tôi thấy nuối tiếc khi phải chia tay với tuần báo Văn nghệ trẻ, bởi tuần báo này đã gắn bó với chúng tôi quá lâu, từ khi chúng tôi bắt đầu viết đến nay, còn là một động lực để chúng tôi có nhiều tác phẩm mới hơn trên tuần báo này.


Mặc dù tuần báo chuyển đổi hình thức, nhưng tôi nghĩ về nội dung và chất lượng của tuần báo sẽ không thay đổi. Hiện tại chúng tôi đang hồi hộp đón chờ báo Văn nghệ Trẻ online.


PV: Việc một tờ báo giấy song hành cùng báo điện tử là cách tồn tại chúng ta đã và đang chứng kiến ở nhiều tờ báo. Nhưng với Văn nghệ trẻ thì sẽ chấm dứt hoàn toàn vai trò báo giấy mà chuyển sang báo điện tử. Anh (chị) có cảm thấy “hẫng” không?


Tống Ngọc Hân: Không chỉ là hẫng hụt. Tôi còn cảm thấy lo ngại. Báo điện tử và báo giấy có không gian và sắc màu nghệ thuật hoàn toàn khác nhau cho dù cùng truyền tải một thông điệp. Tôi thường tìm thấy những thứ không có trong báo giấy nhưng lại có trong báo điện tử và ngược lại có những thứ không có trên báo điện tử lại có trong báo giấy. Vậy khi không còn báo giấy, tôi biết tìm những thiếu vắng ấy ở đâu? Tuy nhiên việc thay thế này cũng phần nào an ủi độc giả văn chương và có thể “dỗ dành” họ rằng Văn nghệ trẻ vẫn còn đấy, chỉ có điều nó chỉ chuyển đổi hình thức thể hiện mà thôi. Hi vọng Văn nghệ trẻ điện tử sẽ tròn sứ mạng.


Vũ Thị Huyền Trang: Bản thân tôi thì vẫn mong muốn tồn tại báo giấy song hành cùng báo điện tử. Vì vẫn có một lượng độc giả lớn tiếp cận thông tin qua báo giấy, có thể là là vì điều kiện cũng có thể là do thói quen. Mỗi lần cầm báo biếu của Văn nghệ trẻ trên tay tôi đều thấy rất vui. Có lẽ vì vậy mà không tránh khỏi chút tiếc nuối khi Văn nghệ trẻ chấm dứt hoàn toàn báo giấy.


Đoàn Văn Mật: Không hụt hẫng và buồn sao được khi đã nhiều năm nay Văn nghệ Trẻ luôn là sân chơi truyền thống cho những người yêu mến văn chương và thường trân trọng gửi gắm những sáng tác của mình trên tờ báo này. Khi tuần báo Văn nghệ trẻ chuyển thành báo điện tử đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ mất đi một sân chơi truyền thống đầy bổ ích.


Lê Vi Thuỷ: Với bản thân tôi, tôi thấy “hẫng” vì giống như mình vừa đánh mất đi một điều gì đó quá trân trọng và thân thuộc. Trước một sự đổi mới thì luôn khiến người khác bị hẫng, phải bần thần một thời gian rồi mới lấy lại tinh thần được và mới có thể quen được những thay đổi đó.


PV: Lâu nay, việc tác phẩm xuất hiện trên internet dưới nhiều hình thức từ báo điện tử các trang cá nhân, mạng xã hội… nhưng dường như tâm lý nhiều độc giả vẫn thích đến một thời điểm nào đó, tác phẩm phải từ Internet hiện diện trên sách báo, để cầm, để nhìn, để lưu giữ kỷ niệm và nhiều lý do khác nữa. Còn quan niệm của anh (chị) thế nào?


Tống Ngọc Hân: Thực ra với nhiều quốc gia trên thế giới, độc giả và tác giả đều đã thích nghi với sách điện tử, báo điện tử và thư viện điện tử. Còn ở Việt Nam, khi mà nhiều vùng sâu, xa của Tổ quốc, ngành giáo dục còn đang chật vật với công tác xóa mù, chống tái mù và phổ cập trung học thì đó là những khái niệm hạn hẹp. Kỉ niệm, hoài niệm là những trạng thái cảm xúc đặc thù của người Việt ta vốn được thể hiện qua cách mua sách tặng nhau, in sách tặng nhau và mua tờ báo giấy có dấu ấn bản thân mình để tặng nhau. Phần để giữ lại cho mình, phần để tặng bạn ấy, sau này, chính tôi cũng chưa biết cách “đối phó” thế nào? Sâu sa tôi vẫn nghĩ, có một sự “bất đắc dĩ” nào đó thôi, chứ không phải Văn nghệ trẻ muốn cải cách hay làm mới mình. Độc giả nên cảm thông và chia sẻ tích cực bằng cách tiếp tục cộng tác.


Vũ Thị Huyền Trang: Tôi nghĩ đó không chỉ là tâm lý của nhiều độc giả mà còn là tâm lý chung của hầu hết những người viết. Tôi cũng vậy, không gì vui hơn khi cầm trên tay một tập sách hay một tờ báo có bài viết của mình. Nó giống như một sản phẩm được đầu tư chau chuốt để có thể lưu giữ hoặc thành một tặng phẩm đầy trân trọng đến với độc giả và những người thân quý. Đấy là chưa kể từ trước đến giờ các diễn đàn hay trang web văn chương có thể trả nhuận bút cho người sáng tác. Nếu có thì cũng rất ít khó có thể bằng báo giấy.


Đoàn Văn Mật: Cái quan niệm mà chị vừa dẫn ra khá hợp “gu” với kiểu người như tôi. Bởi thường ngày tôi vẫn đọc những tác phẩm trên sách báo và những sáng tác trên mạng điện tử nhưng mỗi khi đọc tác phẩm được in trên sách báo luôn mang lại cho tôi nhiều điều thú vị, gấp sách lại mà vẫn như bắt gặp được tâm tư tình cảm còn nóng hổi của tác giả vừa phả vào trang giấy và sự xao xuyến ấy như còn được lưu lại mãi.


Lê Vi Thuỷ: Thời đại hiện nay là thời đại công nghệ, cho nên mọi thứ đều được công nghệ hóa, sách báo cũng công nghệ hóa là điều đương nhiên. Như tôi nói ở trên, điều gì mới lạ thì cũng cần có thời gian để thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống khi mà những tờ báo, những tạp chí đã gần như ăn sâu vào tâm thức của mỗi người viết đó là được cầm, được đọc và được cất làm kỷ niệm. Bản thân tôi cũng vậy, mỗi khi nhận được một tờ báo hay một tạp chí có bài của mình thì rất vui, cứ lật tới lật lui xem những bài viết trong đó rồi xếp ngay ngắn trên một kệ sách để làm kỷ niệm. Ưu điểm của việc phát hành online là phát hành bất kỳ lúc nào không phải theo định kỳ; thời lượng bài vở cũng như số lượng trang cũng không hạn chế như trước kia. Phạm vi phát hành cũng rộng rãi, đến bất kỳ nơi nào trên thế giới có kết nối internet. Thời cuộc thay đổi, thì mình cũng nên dần thích ứng với những đổi thay đó.


PV: Theo anh (chị), trong những năm qua, Văn nghệ trẻ đã có tác động như thế nào đối với đời sống văn học trong nước cũng như đối với bản thân anh (chị) là người cầm bút?


Tống Ngọc Hân: Đối với đời sống văn học trong nước, Văn nghệ trẻ có tác động thế nào thì tôi không thể chủ quan phát biểu liều được. Nhưng với cá nhân tôi, Văn nghệ trẻ thật sự là một người bạn. Đó không phải là cửa ải khắt khe đối với những người chập chững vào nghề, nhưng không phải vì thế mà chất lượng của Văn nghệ trẻ thấp. Tôi đã làm quen với độc giả qua Văn nghệ trẻ, những người đọc báo chính là độc giả của những tác giả trẻ. Vì thế tác động của báo với những người viết trẻ chúng tôi rõ rệt lắm. Chỉ mong, dưới một hình hài mới, Văn nghệ trẻ vẫn sẽ hấp dẫn.


Vũ Thị Huyền Trang: Tôi biết đến báo Văn nghệ trẻ từ những ngày đầu bước chân vào trường Viết văn Nguyễn Du. Lúc đó Văn nghệ trẻ không chỉ mang đến cho chúng tôi nhiều tác phẩm hay, nhiều thông tin về các hoạt động văn chương trẻ. Mà còn là động lực thúc đẩy tôi lao động chữ nghĩa để làm sao có những bài thơ, những truyện ngắn hay với mong muốn sẽ được xuất hiện trên Văn nghệ trẻ. Nơi đây giống như là cái nôi đã chăm chút, nuôi dưỡng nhiều cây bút trẻ. Cũng là một địa chỉ tin cậy để gửi gắm các biên tập, các nhà văn có tên tuổi đọc và thẩm định tác phẩm. Hơn hết nó là nơi hội tụ và là một sân chơi chữ nghĩa nghiêm túc và đầy thú vị.


Đoàn Văn Mật: Tôi cho rằng Văn nghệ trẻ với tư cách là “bà đỡ” cho những sáng tác của người viết trẻ từ lâu đã trở thành một diễn dàn Văn chương có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn học trong nước. Nó có thể là điểm khởi đầu cho sự ló rạng một năng khiếu văn chương và nó cũng là chỗ để khẳng định một tài năng văn chương. Điều đó đã và đang được chứng minh ở những cây bút từng xuất hiện trên Văn nghệ trẻ. Gần mười lăm năm vừa là độc giả vừa là cộng tác viên của báo, tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đã có những tác động tích cực tới con đường văn chương mà mình đã lựa chọn.


Lê Vi Thuỷ: Văn nghệ Trẻ như là một cầu nối văn chương đối với những người viết trẻ như chúng tôi và là một động lực để chúng tôi viết. Khi được đăng trên tuần báo Văn nghệ trẻ, chúng tôi thật sự cảm thấy rất tự hào bởi như bản thân mình được khẳng định. Và đến bây giờ cũng vậy, để được đăng trên tuần báo Văn nghệ trẻ thì đòi hỏi người cầm bút phải thực sự lao động một cách nghiêm túc nhất, trước khi cho ra đời một tác phẩm văn học. Khi đăng trên Văn nghệ thì tác phẩm đó gần như là được khẳng định có chất lượng, mang tính văn học và nhân văn cao.


PV: Nếu như trước đây, các cây bút trưởng thành từ Văn nghệ trẻ chắc rằng trong suy nghĩ của nhiều người thì đó là một sự trưởng thành từ báo giấy. Nhưng giả sử, tới đây, Văn nghệ trẻ dù có chuyển từ hình thức “giấy” thành “online” mà tiêu chí lựa chọn tác phẩm đăng không khác nhau. Vậy tương lai những tác giả trưởng thành của Văn nghệ trẻ điện tử có dễ khiến độc giả (hoặc ngay cả anh (chị)) coi đó là tác giả của văn học mạng không?


Tống Ngọc Hân: Theo tôi khái niệm “văn học mạng” không có nghĩa là tác phẩm văn học xuất hiện trên mạng điện tử. Hiện nay việc in ấn đang rất “rộng cửa”. Cứ có tiền là in được. Anh viết hay mà anh chưa có điều kiện để in thì thì tác phẩm của anh vẫn chỉ nằm trên mạng. Còn anh viết tàm tạm, thậm chí hời hợt, dở hơi nhưng vẫn có thể xuất bản như thường. “Văn học mạng” là khái niệm để chỉ dòng văn học với những tác phẩm giàu chất giải trí, nhất thời thỏa mãn thị hiếu của một lớp người hoặc một số đối tượng mà thiếu chú trọng đến hình thức văn chương và các giá trị khác của văn học. “Văn học mạng” cũng có độc giả đấy chứ, đông là khác. Đọc nghiến ngấu, thưởng thức nhanh, quảng bá rộng, tưng bừng… để rồi “cả thèm chóng chán”. Chạy theo và nuông chiều những thị hiếu ấy là một số tác giả vốn quan niệm “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Để tác giả trưởng thành từ Văn nghệ trẻ điện tử không bị coi là tác giả của văn học mạng chính là nhiệm vụ của Văn nghệ trẻ điện tử và cách làm việc nghiêm túc của chính tác giả.


Vũ Thị Huyền Trang: Tôi nghĩ trước khi Văn nghệ trẻ thành báo điện tử thì nó đã có một quá trình hình thành và phát triển để lại chỗ đứng trong lòng những độc giả yêu văn chương. Ngay cả khi tiêu chí lựa chọn tác phẩm có một vài đổi khác đi nữa thì tôi vẫn tin rằng chất lượng của báo sẽ góp phần quan trọng tạo nên tên tuổi và vị thế cho tác giả.


Đoàn Văn Mật: Nếu tiêu chí lựa chọn tác phẩm đăng không khác nhau mà chỉ khác nhau về mặt hình thức thì cũng khó để có thể đánh giá tác giả đó là của văn học mạng. Văn học mạng và tác giả văn học mạng vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải bàn tới khi định nghĩa chính xác về nó. Tôi nghĩ văn học mạng không chỉ lệ thuộc vào hình thức mà đôi khi còn phải tính cả phần nội dung được thể hiện trong đó nữa.


Lê Vi Thuỷ: Theo tôi nghĩ, dù tác giả trưởng thành từ báo giấy hay báo online thì đó đều là những nỗ lực không ngừng của người viết, có tâm với nghề viết và luôn tự hoàn thiện hơn cho mỗi tác phẩm của mình. Nếu người viết không có sự chắt lọc, tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo trong tác phẩm của mình thì dù cho là báo giấy hay báo mạng thì cũng không phát triển được.


PV: Báo điện tử và tuần báo là hai hình thức rất khác nhau. Là người từng biết đến một vài tờ báo văn nghệ hiện nay, cũng như không còn xa lạ với việc tiếp cận tác phẩm online, vậy anh (chị) mong muốn một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương sẽ có những gì?


Tống Ngọc Hân: Một tờ báo thuộc lĩnh vực văn chương dù là điện tử hay báo giấy, dứt khoát phải đậm chất văn chương. Còn những mảng, những phần khác nếu có cũng nên ít thôi, nếu không độc giả sẽ thất vọng ngay. Vì chỉ những người yêu thích hoặc quan tâm đến văn học nghệ thuật thì mới dành thời gian để “lặn lội” trên báo điện tử văn học. Tôi chưa biết số Văn nghệ trẻ điện tử đầu tiên sẽ như thế nào. Nhưng theo tôi Văn nghệ trẻ điện tử cần có một hộp thư góp ý ngay ở một vị trí sáng sủa để trưng cầu ý kiến của độc giả. Báo phải làm tốt công tác cộng tác viên. Hãy lấy chính bài học của báo giấy Văn nghệ trẻ làm bài học cho Văn nghệ trẻ điện tử.


Vũ Thị Huyền Trang: Một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương thì trước hết phải có những sáng tác hay. Sau đó là cập nhật các tin tức về đời sống văn chương. Do không bị bó hẹp giống như khuôn khổ một tờ báo nên tôi cũng mong Văn nghệ trẻ onilne sẽ giới thiệu đến độc giả được nhiều khuôn mặt mới. Đồng thời cũng hy vọng báo sẽ mở ra một diễn đàn giao lưu giữa người viết và người đọc.


Đoàn Văn Mật: Tôi mong muốn được thấy một tờ báo điện tử thuộc lĩnh vực văn chương luôn có sự đa dạng phong phú về bài vở và trên hết là phải có những điều hay.


Lê Vi Thuỷ: Dù là tờ báo online thì mục đích của nó cũng không khác một tờ báo giấy. Đều phải đa dạng các mục, bài viết phải có chất lượng, mang tính văn chương cao. Và bài được đăng thì cần phải qua sự sàng lọc, không thể đánh đồng mọi thứ với nhau. Nên ưu tiên những cây bút trẻ mới xuất hiện. Để tạo được động lực cho người viết trẻ cũng như nguồn lực mới cho nền văn học nước nhà.


* Cảm ơn các nhà văn, nhà thơ trẻ!



Văn nghệ trẻ - Báo giấy thành báo điện tử

Friday, March 21, 2014

Đừng biến dân thành… con kiến

Trong đời thường, một đứa trẻ cũng biết con kiến chỉ bé tí xíu, còn với người lớn thì nhắc đến “phận cái kiến” tức là nhỏ bé lắm, mong manh và dễ bị tác động. Những con kiến nhỏ thường chỉ cặm cụi với công việc của mình, đi trên con đường của mình. Bất giác có gặp một chướng ngại thì chúng tránh qua, nhưng rồi cũng sẽ trở lại đúng hàng lối của mình, đúng quy luật của loài kiến…


Xin mượn hình ảnh loài kiến để nói về sự phiền phức mà người dân, xã hội đang gặp phải khi phải thực thi một số quy định, chính sách thời gian qua, với mật độ ngày càng dày hơn. Không thấy phiền phức sao được khi mà cả cộng đồng xã hội vốn đang trong guồng hoạt động tốt bỗng dưng bị “ném đá” bằng một văn bản (quy định) “trên trời”. Gọi là “trên trời” bởi đó là những văn bản, quy định “trái khoáy”, “vô cảm”, “bên lề cuộc sống”… Tháng trước, sau khi báo chí phản ảnh tình trạng lộn xộn dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu “tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non…”. Vậy nhưng đúng một tháng sau, ngày 18/3 vừa qua bộ này lại cho ra đời một văn bản với nội dung ngược lại: “Các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện…”. Cũng chính Bộ GD-ĐT trước đó đã thu hút dư luận bằng quyết định “chấn động” dừng tuyển sinh của 207 ngành đào tạo ĐH, CĐ, nhưng rồi trước sự phản ứng của dư luận, khi quyết định tươi rói kia còn chưa ráo mực thì Bộ lại phải cho phép nhiều ngành được tuyển sinh trở lại. Mà cả lý do cấm lẫn cho phép đều được dư luận cho là chưa thoả đáng.


Cái sự “tiền hậu bất nhất” ấy có lẽ tìm được lời giải đầu tiên chính là sự thiếu trách nhiệm ở cấp có thẩm quyền ban hành, thẩm định văn bản, chính sách. Sau đó là trình độ năng lực và sự quan liêu. Thực tế có không ít trường hợp cơ quan xây dựng chính sách khẳng định đã lấy ý kiến người dân, ý kiến đối tượng có liên quan trước khi ban hành văn bản. Nhưng sự thực thì cách lấy ý kiến chỉ là đăng dự thảo văn bản trên website của bộ, ngành mình. Và dĩ nhiên là dự thảo đó chẳng thể đến được với người cần lấy ý kiến. Thế nên mới có những quy định “trái khoáy” như: Quan tài không được làm ô kính; rượu truyền thống phải dán tem, hay thịt lợn chỉ được bán trong vòng tám tiếng; hỗ trợ sinh con một bề… Những quy định ít nhiều mang hơi hướm cảm tính của cá nhân người soạn thảo đã gây sốc dư luận ngay khi được công bố, vừa không áp dụng được vào cuộc sống, vừa làm cho người dân bức xúc vì đó chính là sự “hành dân”, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp…


Dân gian có câu “sai thì sửa”. Nhưng xem ra ở lĩnh vực văn bản pháp quy thì chỉ cần “sai một li” là “đi ngàn dặm” bởi đó là chính sách, là pháp luật. Cơ hội sửa chữa sai sót là rất ít. Mà thông thường là chỉ có cách thu hồi văn bản khi nó đã ít nhiều để lại những hệ luỵ không tốt trong xã hội. Mới tuần trước, một đơn vị cấp cục đã phải có lời xin lỗi chính thức sau khi ban hành một văn bản có tới ba lỗi chính tả “không thể chấp nhận được”. Dù sao thì đó cũng là một thái độ cầu thị mà nhiều đơn vị có thẩm quyền ban hành văn bản cao hơn cần “học tập”. Chỉ khi người ta biết nhận trách nhiệm, dù chỉ là lời xin lỗi, nhưng đó mới hy vọng không còn những văn bản “vô cảm, bên lề cuộc sống”… Nhưng sẽ khó hạn chế nếu chỉ đòi hỏi trách nhiệm chung chung của các bộ, ngành mà quên đi trách nhiệm cá nhân người có thẩm quyền ban hành.


Con số 10.130 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp theo quy định được báo cáo năm ngoái chắc đã khiến nhiều người giật mình. Với người dân, họ luôn muốn được thực thi đúng luật pháp, mà chẳng bao giờ muốn mình như con kiến không may leo phải cành cụt…


Nữ Quỳnh



Đừng biến dân thành… con kiến

Tỷ phú sở hữu 200 tạp chí, 460 website qua đời

Patrick McGovern – nhà tiên phong trong lĩnh vực truyền thông thế giới đã qua đời tại một bệnh viện ở Palo Alto (Mỹ) ở tuổi 76.



McGovern là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG). Hãng sở hữu 200 tạp chí, 460 website và tổ chức hơn 700 sự kiện tại 79 quốc gia trên thế giới. Tạp chí đình đám nhất của họ là PCWorld với gần 40 triệu người đọc trên thế giới. Tháng 7 năm ngoái, tạp chí này đã tuyên bố bỏ bản giấy, chuyển hẳn sang bản điện tử tại Mỹ.




Patrick McGovern là người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông thế giới. Ảnh: Boston Patrick McGovern là người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông thế giới. Ảnh: Boston


“IDG đã mất đi một người có tầm nhìn đích thực, và cộng đồng IT trên thế giới mất đi một công dân kiệt xuất”, Chủ tịch IDG – Walter Boyd cho biết.


McGovern được đánh giá là một trong những tỷ phú tự thân thành công nhất thế giới. Theo Forbes, ông hiện có 5,7 tỷ USD tài sản và là người giàu thứ 244 thế giới.


Tỷ phú sinh ra tại New York trong gia đình một kỹ sư xây dựng. Ông cảm thấy hứng thú với máy tính từ năm 16 tuổi, khi đọc xong cuốn sách “Giant Brains; or, Machines That Think”. Sau đó, nhờ chiếc máy tính tự chế để chơi cờ caro, ông được nhận học bổng vào Học viên Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông kiếm tiền trả học phí bằng công việc biên tập cho Computers and Automation – tạp chí máy tính đầu tiên của Mỹ.


Năm 1965, McGovern thành lập IDG với 5.000 USD có được từ việc bán xe. Sau đó, ông thuyết phục các công ty như Xerox, Burroughs và Univac tài trợ hàng chục nghìn USD và thuê học sinh trung học khảo sát tình hình sử dụng máy tính trên toàn quốc.


Năm 1980, ông là một trong những người đầu tiên thành lập liên doanh tại Trung Quốc. 12 năm sau, ông ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ – IDG Technology Ventures. Forbes từng nhận xét “Pat McGovern còn có nhiều người đọc tại Trung Quốc hơn tờ People’s Daily của nước này”.


Chỉ trong hơn một thập kỷ, ông đã tạo ra một đế chế truyền thông với doanh thu 3,55 tỷ USD, xếp thứ 128 trong danh sách các công ty tư nhân lớn nhất Mỹ của Forbes năm ngoái. McGovern hiện nắm 84% cổ phần IDG. năm 2000, hai vợ chồng ông còn đóng góp 350 triệu USD để lập viện nghiên cứu về y tế tại MIT.


Theo Hà Thu (Vnexpress)




Tỷ phú sở hữu 200 tạp chí, 460 website qua đời

Thursday, March 20, 2014

Báo chí không được tự sản xuất chương trình truyền hình đăng lên website

Việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình rồi đưa lên chính trang thông tin điện tử của mình là hành vi vi phạm pháp luật, không đúng với quy định hiện hành, Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Sáng 19/3/2014, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với đoàn công tác của thành phố Hồ Chí Minh về công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử.


Buổi làm việc của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn với đoàn công tác thành phố Hồ Chí Minh Buổi làm việc của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn với đoàn công tác thành phố Hồ Chí Minh


Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và các đơn vị trực thuộc Bộ đã trao đổi và giải đáp với đoàn công tác về các nội dung liên quan đến phạm vi và đối tượng được phép thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng đối với doanh nghiệp FDI; thủ tục cấp phép chuyên trang, chuyên mục truyền hình trên trang thông tin điện tử; hướng dẫn về quản lý nội dung các chương trình phát thanh truyền hình và Đề án quản lý thông tin trên internet của thành phố.


Giải đáp những thắc mắc của đoàn công tác về thủ tục cấp phép chuyên trang, chuyên mục truyền hình trên trang thông tin điện tử, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, “việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình rồi đưa lên chính trang thông tin điện tử của mình là hành vi vi phạm, không đúng quy định hiện hành”. 


Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng các trang thông điện tử đăng video clip thì được nhưng việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình và ra chuyên mục truyền hình trên trang thông tin điện của mình như một số báo là chưa phù hợp.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao ý kiến của các đơn vị của Bộ. Các đơn vị đã giải thích rất kỹ những kiến nghị của thành phố. Đối với Đề án Quản lý thông tin trên internet của thành phố, Thứ trưởng đề nghị lấy Đề án này làm Đề án thí điểm…

Nguồn: MIC.GOV.VN




Báo chí không được tự sản xuất chương trình truyền hình đăng lên website

Quyết định xử lý sai phạm 4 cơ quan báo chí

Tại cuộc Giao ban Báo chí thường kỳ ngày 18/3/2014, Cục Báo chí Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã công bố kết quả xử lý sai phạm của một số tờ báo trong thời gian qua.



 

Cụ thể, Thanh tra Bộ TT-TT ra quyết định số 79/ QĐ-XPHC ngày 27/01/2014 của Thanh tra Bộ TT- TT xử phạt Báo điện tử Đời sống và pháp luật mức phạt 7,5 triệu đồng do báo tự ý sửa chữa, thay đổi tên, nội dung một số bài viết của báo Năng lượng mới trên trang TTĐT của báo và trích dẫn khi chưa có sự đồng ý của báo Năng lượng mới.


PLXH

 

Quyết định số 156/QĐ-XPHC ngày 13/3/2014 của Thanh tra Bộ TT-TT xử phạt Báo điện tử Dân Việt với mức phạt 4 triệu đồng do đã đăng nhiều tin, bài có nội dung chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích; một số tin, bài sử dụng câu từ phản cảm.

 

Quyết định số 124/QĐ- XPHC ngày 05/3/2014 của Thanh tra Bộ TT-TT xử phạt Báo điện tử Người đưa tin với mức phạt 36 triệu đồng do có hành vi: đăng tin, bài có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam và đăng tải tin, bài có nội dung mê tín, dị đoan.

 

Quyết định số 98/QĐ-XPVPHC ngày 20/2/2014 của Thanh tra Bộ TT-TT xử phạt Báo điện tử pháp luật và Xã hội với mức phạt 40 triệu đồng do thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết “10 nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử” đăng ngày 11/1/2014.

Nguồn: Cục Báo Chí Bộ TT-TT/Nhà báo và Công luận



Quyết định xử lý sai phạm 4 cơ quan báo chí

Friday, March 14, 2014

Đã ”phát” thì phải ”động”!


“Báo động” có lẽ là từ người ta vẫn dùng nhiều nhất mỗi khi nhắc đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Những năm gần đây, con số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng vẫn đều đều tăng, số người chết cũng vì thế mà tăng theo. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong năm 2013 toàn quốc xảy ra 6.695 vụ TNLĐ khiến 606 người tử vong và 6.361 người bị thương, thiệt hại về vật chất lên tới hơn 70 tỷ đồng. 


Ngày mai (16-3) sẽ là ngày đầu tiên của Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 16. Sẽ lại có những lễ phát động rầm rộ ở cả trung ương và nhiều tỉnh, thành phố. Việc tổ chức tuần lễ hành động là cần thiết nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt công tác ATLĐ. Nhưng thực tế, dù đã qua 15 lần tổ chức sự kiện này, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. TNLĐ vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Các vụ cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra. Đáng nói là có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả khá nặng nề cho xã hội.


Thực ra, những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thì hầu như ai cũng biết rõ, nhưng cái lý do mà người ta dễ vin vào nhất chính là ý thức, một thứ vô hình và rất mơ hồ. Một khi đã cột được vào ba chữ “ý thức kém” thì cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ được giảm bớt. Thế mới ra chuyện, ai phát động cứ phát động, còn hành động ra sao, ngăn chặn thế nào lại là việc khác. Vậy nên, dù năm 2013 xảy ra tới 6.695 vụ TNLĐ, nhưng các trường hợp được điều tra báo cáo chỉ khiêm tốn là 175 vụ. Điều này cho thấy rõ nhất thái độ ứng xử trong xã hội nói chung về vấn đề này. Một tình trạng cũng cực kỳ đáng… báo động! Thế nhưng khi ngay cả trong tiềm thức người ta còn thờ ơ thì làm sao dám hy vọng sự quan tâm, chăm lo hay đầu tư cho công tác bảo hộ, an toàn cho người lao động. Và khi cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức thì các cấp quản lý cũng có đủ lý do để buông lỏng kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm.


Mới ngày 12-3 vừa rồi, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã công bố Việt Nam gia nhập Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của ILO theo quyết định được Chủ tịch nước ký ngày 23-1-2014. Công ước 187 đưa ra một cách tiếp cận hệ thống, yêu cầu an toàn vệ sinh lao động được đưa vào nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự quốc gia. Vì thế nó được coi là có vai trò thúc đẩy những nỗ lực quốc gia trong việc cải thiện điều kiện lao động, cơ sở để sớm ra đời của Luật An toàn vệ sinh lao động.


Nhưng dù gì thì đây cũng mới chỉ là văn bản pháp lý có tính chất định khung, còn thực tế đòi hỏi phải có hành động đúng mức trong cộng đồng. Điều này phải được cụ thể hóa bằng các quy định ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như các cấp quản lý. Quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn, và đặc biệt là cần những chế tài nghiêm khắc hơn nữa, để sau mỗi buổi phát động, mỗi tiếng còi “báo động” sẽ là những “hành động” thực sự chứ không phải là sự thờ ơ, “bất động”…



Tuấn Kiệt


Đã ”phát” thì phải ”động”!

Chính phủ ban hành Nghị định mới về chế độ nhuận bút


Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014.

Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.


Nghị định nêu rõ, mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế – xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.


bao-chi-viet-nam-toan-canhTác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.


Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện trên loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.


Tác phẩm lưu hành nội bộ, không kinh doanh hưởng chế độ nhuận bút thấp hơn tác phẩm thuộc thể loại tương ứng có kinh doanh. Mức nhuận bút do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng tác phẩm thoả thuận.


Cũng theo Nghị định, đối với tác phẩm đồng tác giả, tỷ lệ phân chia nhuận bút do các tác giả thoả thuận. Tác phẩm báo chí đăng tải lại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thoả thuận chia sẻ thông tin theo quy định về bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thoả thuận quyết định.


Trích lập quỹ nhuận bút


Cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trong phạm vi nguồn đã được quy định. Quỹ nhuận bút dùng để trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được sử dụng; trả thù lao, lợi ích vật chất; tổ chức các hoạt động khuyến khích sáng tạo, không sử dụng vào mục đích khác.


Nghị định nêu rõ, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.


Tác giả làm việc theo chế độ hợp đồng với cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút.


Người thuộc cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí ngoài định mức được giao, hưởng 100% thù lao.


Hệ số tối đa nhuận bút tác phẩm báo in, báo điện tử từ 10-50


Nghị định nêu rõ, đối tượng được hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử gồm: 1- Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng; 2- Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; 3- Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.


Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử được quy định hệ số tối đa là 10 đối với tin, trả lời bạn đọc, tranh, ảnh. Đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu thì hệ số tối đa là 30. Riêng thể loại trực tuyến, Media thì hệ số tối đa là 50.


Đối với tác phẩm báo nói, báo hình thì hệ số tối đa cho thể loại tin, trả lời bạn đọc là 10; đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục là 30 và tọa đàm, giao lưu là 50.


Trong đó, giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở.


 


Theo Thu Nga Báo Điện tử Chính phủ


Chính phủ ban hành Nghị định mới về chế độ nhuận bút

Tuesday, March 11, 2014

TTXVN tuyển dụng viên chức

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức tuyển dụng 55 chỉ tiêu vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc.

Tiêu chuẩn chung đối với tất cả các chức danh: là công dân Việt Nam, tuổi đời không quá 35 tuổi, đủ sức khỏe, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự…và không thuộc các trường hợp cấm đăng ký dự tuyển theo quy định.


Chỉ tiêu và tiêu chuẩn cụ thể các chức danh:


ttxvn* 33 Biên tập viên tiếng Anh.


- Tốt nghiệp Đại học trở lên, chuyên ngành tiếng Anh hoặc có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng Anh ở Việt Nam hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL (paper test) từ 550 trở lên.


- Chứng chỉ tin học văn phòng.


* 06 Biên tập viên tiếng Trung Quốc.


- Tốt nghiệp Đại học trở lên, chuyên ngành tiếng Trung Quốc hoặc có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng Trung Quốc ở Việt Nam.


- Chứng chỉ tin học văn phòng.


* 06 Chuyên viên Marketing.


- Tốt nghiệp Đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành: Marketing, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Quan hệ công chúng.


- Tiếng Anh trình độ B trở lên. Chứng chỉ tin học văn phòng.


* 03 Kỹ sư (Công nghệ thông tin).


- Tốt nghiệp Đại học trở lên, chuyên ngành Công nghệ thông tin.


- Tiếng Anh trình độ B trở lên.


* 01 Kỹ sư (Điện) làm việc tại TP.Đà Nẵng.


- Tốt nghiệp Đại học trở lên, chuyên ngành Điện.


- Tiếng Anh trình độ B trở lên. Chứng chỉ tin học văn phòng.


* 04 Kỹ thuật viên (Điện), trong đó 02 chỉ tiêu làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.


- Tốt nghiệp Trung cấp trở lên, chuyên ngành Điện.


- Tiếng Anh trình độ A trở lên. Chứng chỉ tin học văn phòng.


* 02 Kỹ thuật viên (Công nghệ thông tin), trong đó 01 chỉ tiêu làm việc tại TP.Đà Nẵng.


- Tốt nghiệp Trung cấp trở lên, chuyên ngành Công nghệ thông tin.


- Tiếng Anh trình độ A trở lên.


Hồ sơ dự tuyển:


- Đơn xin dự tuyển (theo mẫu) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ, ghi rõ chức danh đăng ký dự thi.


- Bản sơ yếu lý lịch tự thuật (dán ảnh 4 x 6 cm) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;


- Bản sao giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của từng chức danh dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;


- Giấy chứng nhận sức khoẻ tại cơ sở y tế cấp quận, huyện trở lên trong 6 tháng tính đến thời điểm nhận hồ sơ và các giấy tờ xác nhận ưu tiên (nếu có);


- 02 phong bì dán tem (ghi rõ địa chỉ liên lạc) và 02 ảnh 4 x 6 cm, hồ sơ đựng trong phong bì cỡ 25 x 32 cm.


Thời gian nhận hồ sơ:


- Người dự tuyển trực tiếp nộp hồ sơ tại trụ sở Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, số 5, Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội từ ngày 25/3/2014 đến 26/3/2014 trong giờ hành chính.


- Đối với trường hợp ở xa có thể gửi hồ sơ dự tuyển theo đường bưu điện (tính theo dấu bưu điện);


- Lệ phí dự tuyển 260.000đồng/thí sinh.


Hồi 09 giờ 00, ngày 04/4/2014 Hội đồng tuyển dụng Thông báo danh sách các thí sinh đủ điều kiện dự thi và tổ chức gặp mặt các thí sinh tại trụ sở Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, số 5, Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội để phổ biến hình thức và nội dung thi tuyển; thời gian và địa điểm thi.


Chi tiết liên hệ: Ban Tổ chức cán bộ – TTXVN, ĐT: 04.39330541, hoặc xem trên Báo Thể thao và Văn hóa, Báo Tin tức, Báo điện tử VietnamPlus và Truyền hình thông tấn của TTXVN.


HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG



TTXVN tuyển dụng viên chức

Monday, March 10, 2014

Tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1 và tháng 2 năm 2014 của Bộ diễn ra sáng nay 10/3/2014 tại Hà Nội.

 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn thông báo, kết luận mới đây của Chính phủ cho biết, “trong khi chuẩn bị báo cáo Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 trình Bộ Chính trị ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng việc cấp phép thành lập các cơ quan báo chí… Đồng thời rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích”.  

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận tại Hội nghị (Ảnh: Hải Nam) Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận tại Hội nghị (Ảnh: Hải Nam)





Đánh giá về Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết, nếu quy hoạch được thông qua thì đây sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí, nhằm mục đích hướng tới số lượng báo chí hợp lý, chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội.

Cũng liên quan đến công tác báo chí, Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới báo chí cần tập trung tuyên truyền hiệu quả đường lối của Đảng, Nhà nước, giải pháp điều hành phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ; tập trung tuyên truyền thực thi Hiến pháp; các cơ quan báo chí kể cả báo chí Ngành cần vào cuộc tuyên truyền đấu tranh với các đối tượng sai trái thù địch.

 



Theo Doãn Mạnh (mic.gov.vn)




Tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí

Truyền hình cáp hướng đến giá trị thật

Tháng 4/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, còn gọi là truyền hình cáp (THC) trên phạm vi toàn quốc.


Theo đó, Viettel cam kết sẽ cung cấp dịch vụ sau 12 tháng được cấp phép, nếu không sẽ chịu nộp phạt 30 tỉ đồng. Vào những ngày này, tờ rơi của Viettel đã rải khắp nơi mời gọi khách hàng tham gia mua 7 gói cước với giá hấp dẫn cho cả 3 nhóm đối tượng: nông thôn, thành thị và dịch vụ giá trị gia tăng.


Truyền hình Việt Nam ngày đang đa dạng và hiện đại (minh họa) Truyền hình Việt Nam ngày đang đa dạng và hiện đại (minh họa)


Chia lại “miếng bánh” thị phần


Thị trường THC nhiều năm qua là mảnh đất màu mỡ với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%- 25%/năm nhưng chủ yếu do 2 “đại gia” Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TP HCM (HTV) chi phối thông qua các doanh nghiệp (DN) thành viên. VTV có VTVCab (Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam), SCTV (liên doanh của VTV và Saigontourist); còn HTV có HTVC (Trung tâm Truyền hình cáp).


Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2013, VTV chiếm tới 70% thị phần THC cả nước, HTVC chiếm 15% và 15% còn lại chia đều cho gần 30 DN khác. Trong những năm qua, VTV luôn được coi như “một mình một chợ”, từ việc mua những kênh truyền hình độc quyền, thỏa sức tăng giá cước, rồi gây sức ép cho người tiêu dùng.


Do đó, sự có mặt của “tân binh” Viettel thời điểm này được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ làm cho cục diện thị trường THC thay đổi, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Giá cước cao ngất ngưởng mà bấy lâu nay họ phải bấm bụng mua nay cũng sẽ phải hạ xuống ở mức có thể chấp nhận được.


Tuy vậy, đến nay các DN kinh doanh THC vẫn đang “nín thở” theo dõi từng bước đi của “lính mới” Viettel. Lợi thế của Viettel mà rất nhiều DN phải e ngại đó là vốn, hạ tầng và công nghệ. Họ chỉ cần tận dụng mạng lưới hiện có là đủ để triển khai cung cấp các dịch vụ. Lãnh đạo của tập đoàn này khẳng định giá cước THC của Viettel sẽ dựa trên cơ sở lấy nhiều bù ít và hấp dẫn hơn các nhà cung cấp khác.


Ngay sau khi đưa ra những tuyên bố hùng hồn, Viettel đã đồng loạt triển khai cung cấp các dịch vụ THC, internet cáp quang tại 15 tỉnh, thành với mức giá thấp hơn mặt bằng chung.


Cụ thể, giá thuê bao THC Viettel cho các hộ ở vùng nông thôn chỉ từ 30.000-40.000 đồng/tháng. Các gói cước FTTH TV sử dụng đồng thời đường truyền internet cáp quang (băng thông trong nước 10Mbps, giá rẻ như cáp đồng) và dịch vụ truyền hình NextTV cũng chỉ có 330.000 đồng/tháng trọn gói.


Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, người đã đưa điện thoại di động, internet trở thành dịch vụ bình dân, tiết lộ bước đi tiếp theo của Viettel trong lĩnh vực THC là chiến lược phổ cập dịch vụ đến khách hàng ở những nơi vùng sâu vùng xa. Vì thế, chính sách giá sẽ đáp ứng với những lớp khách hàng có thu nhập thấp, trung bình. Mục tiêu của Viettel là cáp quang cách mỗi hộ gia đình chỉ 100 m, đoạn tiếp theo sẽ là cáp đồng trục, lưu lượng đạt tới 100 Mbps.


Tiếp tục chạy đua


Để tăng sức cạnh tranh với Viettel và cũng để giữ lại lượng thuê bao cũ, ngay lập tức, SCTV tung ra chương trình giảm giá đến 30% khi hòa mạng và thuê bao THC ở khu vực TP HCM. Không những thế, SCTV còn cho phép mỗi thuê bao dùng đến 3 tivi chính và 1 tivi phụ.


Đây được xem là động thái đầu tiên của SCTV nhằm đối phó với những gói cước dành cho khách hàng thành thị mà Viettel vừa đưa ra và cũng là lần hạ giá “khủng” đầu tiên kể từ khi nhà mạng này có mặt trên thị trường.


Cùng với SCTV thì VTVCab và HTVC cũng đang xây dựng giá cước mới nhằm chạy đua giành thị phần, hệt như thị trường viễn thông cách đây vài năm khi Viettel lần đầu tiên nhảy vào cạnh tranh với hai “ông lớn” MobiFone và Vinaphone.


Theo một chuyên gia Cục Quản lý cạnh tranh, việc Viettel tham gia thị trường THC sẽ thúc đẩy các DN trong lĩnh vực này phải hạ giá cước, tăng chất lượng để giành lại thị phần. Sau Viettel, cuối năm nay các “đại gia” viễn thông khác như FPT, VNPT cũng sẽ tham gia lĩnh vực THC.


Thị trường viễn thông và THC hiện nay ngày càng gần nhau về công nghệ với những lợi thế về điện toán đám mây, IPV6, internet… Do đó, nếu không cho các hãng viễn thông công nghệ khai thác dịch vụ THC sẽ lãng phí rất lớn tài nguyên.


Cuộc chiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt, “tấm bản đồ” THC sớm muộn sẽ được vẽ lại. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng. Chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh cũng hy vọng một lần nữa, thị trường THC sẽ tiếp tục được “sắp xếp” lại theo hướng có lợi cho người sử dụng.


Phá thế độc quyền


Theo số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam mới có khoảng 4 triệu thuê bao THC, trong đó VTV nắm đa số. Sau 10 năm ra đời và phát triển, thị trường THC bộc lộ rõ thế độc quyền với chất lượng phục vụ yếu trong khi giá cả tăng liên tục. Trong 3 năm trở lại đây, THC đã tăng giá đến 3 lần. Mức tăng hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là cần thiết với người tiêu dùng.


Nếu không tạo sự cạnh tranh trên thị trường thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Sự tham gia của các DN viễn thông vào thị trường THC mà Viettel là đơn vị tiên phong sẽ vẽ lại bản đồ THC trong cả nước, hướng đến giá trị thật của dịch vụ và tỉ lệ thuận với số tiền người tiêu dùng bỏ ra mua./.


Theo NLĐO



Truyền hình cáp hướng đến giá trị thật

Saturday, March 8, 2014

Mua danh ba vạn…

Hai ngày qua, một đoạn clip với hình ảnh những cảnh sát giao thông (CSGT) tại ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) thản nhiên “soi” ví, thản nhiên cầm tiền “dấm dúi” của người vi phạm đã gây xôn xao trong dư luận.


Nói đúng ra thì hình ảnh này cũng chẳng có gì mới mẻ vì câu chuyện “mãi lộ” vốn đã gây bức xúc từ khá lâu. Dư luận báo chí đã nói rất nhiều. Cũng đã có những cán bộ, chiến sỹ CSGT bị xử lý… Điều đáng nói hơn ở chỗ, dù với hình ảnh “hai năm rõ mười” nhưng trả lời báo chí, Thượng tá Trần Thanh Trà – Phó Trưởng phòng PC67, Công an TP Hồ Chí Minh – dường như lại không muốn thừa nhận sự thật. Trái lại còn đề nghị: Báo chí khi viết về CSGT nên tránh cách viết gây hiểu lầm, định kiến trong nhân dân… Và dĩ nhiên là chính các “đương sự” trong clip cũng chỉ thừa nhận một số vi phạm mang tính nghiệp vụ như không chào người vi phạm, không đeo bảng tên đúng quy định, không lập biên bản người vi phạm… Còn chuyện “soi” ví, cầm tiền thì hẳn nhiên họ chối biến.


Dân gian vẫn có câu thành ngữ ”Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Con người ta có khi phấn đấu cả đời vì một mục tiêu, lẽ sống, nhưng chỉ sơ sểnh một chút thôi là tất cả sẽ tan như bong bóng. Trong thực tế cuộc sống thì chẳng phải ai cũng dám nói mạnh không bao giờ mắc sai lầm. Cái chính là cách người ta nhận thức về sai lầm như thế nào. Người phương Tây có một câu thành ngữ rất hay là “Thú nhận sai lầm là điều gần với sự trong sạch nhất”. Những thành tích của ngành công an nói chung, của lực lượng CSGT nói riêng đều được nhân dân ghi nhận. Đã có biết bao hành động của CSGT được người dân ghi lại và tán dương, từ những hành động rất đời thường như giúp đỡ người già qua đường, giúp tìm người thân cho một đứa trẻ lạc, đến chuyện to tát hơn như xả thân bắt cướp, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Những tấm gương ấy rất nhiều. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi cũng lại được nghe không ít những chuyện tiêu cực chẳng đáng giá “ba đồng”.


Theo báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2012, kết quả nghiên “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức, thì CSGT nằm trong tốp 4 lĩnh vực có nhiều “tham nhũng vặt”. Tham nhũng vặt ở đây ám chỉ tình trạng nhận mãi lộ của người giao thông. Cũng may, chỉ một năm sau đó trong “tốp 4 đáng buồn này” đã không còn tên CSGT. Nhưng tất nhiên không phải vì thế mà tiêu cực trong ngành đã hết. Nói gì thì nói, việc chống tiêu cực chắc chẳng riêng với lực lượng CSGT mà với bất cứ ngành nào cũng có và cũng là cuộc chiến gian nan. Vấn đề của ngành công an bây giờ là làm sao để giáo dục cán bộ chiến sỹ chấp hành đúng pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm khắc các sai phạm để giảm thiểu tiêu cực, chứ không phải là việc tìm cách để “đối phó” với báo chí, với dư luận. Nói một cách công bằng thì báo chí cũng đang thực hiện đúng chức năng của mình là phả ánh trung thực các hiện tượng, sự việc trong xã hội. Người dân cũng vậy, họ cũng luôn đủ lý trí và công tâm ghi nhận, cổ vũ những gì CSGT đã làm được. Vậy nên việc giữ hình ảnh đẹp của người CSGT trong mắt người dân chính là từ hành động của các anh chứ không phải là sự gò ép bắt người dân hay dư luận phải nhìn về các anh như thế nào…!


Nữ Quỳnh


 



Mua danh ba vạn…

Tuesday, March 4, 2014

Sự "trùng hợp kỳ lạ" của hai báo SGTT và TGTT

Sáng 3.3, hai tờ báo là Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) bộ mới và Thế Giới Tiếp thị (TGTT) đều xuất bản số đầu tiên giới thiệu với bạn đọc. Đáng chú ý, hai tờ báo đều khẳng định tờ báo của mình có bề dày lịch sử 19 năm phát triển.


SGTT (bộ mới) nay trực thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ở mục tòa soạn với bài “Câu chuyện một tờ báo”, viết: Cách đây 19 năm, SGTT ra đời số đầu tiên như một tạp chí thuộc Trung tâm thông tin triển lãm (Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM), sau đó trực thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM. Đến ngày 26.2, tờ báo này bị thu hồi giấy phép.


Bìa 1 báo SGTT và TGTT phát hành ngày 3.3 - Ảnh: Trung Hiếu Bìa 1 báo SGTT và TGTT phát hành ngày 3.3 – Ảnh: Trung Hiếu


Do đó nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn được giao nhiệm vụ tiếp tục xuất bản tờ báo này với bộ mới. Tờ báo vẫn giữ nguyên manchette, khổ báo và tần suất phát hành 3 kỳ vào thứ hai - tư – sáu như trước đây.


“Chúng tôi tin rằng tờ báo không những tồn tại mà còn có sức sống mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Và câu chuyện về một tờ báo vẫn tiếp diễn”, bài viết nhấn mạnh.


Còn báo TGTT viết: “Đội ngũ những người làm báo TGTT hôm nay cũng như 19 năm qua luôn thiết tha với nghề và luôn gắn bó thủy chung cùng các doanh nhân và người tiêu dùng Việt. Vì vậy thật vui khi được tiếp nối nhịp cầu truyền thông này cùng bạn đọc”.


“Chúng tôi hứa nỗ lực bền bỉ, không ngừng đồng hành cùng bạn đọc trong những ngày tháng tới”, ban biên tập TGTT khẳng định.


TGTT số 1 có giá bán 5.800 đồng. Tờ báo có hơn 30 trang, trong đó có 9 trang quảng cáo. Về hình thức và nội dung, chỉ trừ manchette có sự khác biệt về tên gọi, còn chuyên mục hầu như giữ nguyên như SGTT bộ cũ. Ngay cả chữ “Tiếp thị” cũng giống hệt tờ SGTT cũ.


SGTT bộ mới có 26 trang, trong đó có 7 trang quảng cáo, bán với giá 4.800 đồng. “Với thời gian eo hẹp, với nguồn lực có hạn, những số báo đầu tiên có thể không làm hài lòng bạn đọc. Nhưng chúng tôi tin rằng, điều đó sẽ được cải thiện theo thời gian”, ban biên tập SGTT bộ mới, viết.


Theo Đình Quân (Thanh niên)



Sự "trùng hợp kỳ lạ" của hai báo SGTT và TGTT

Monday, March 3, 2014

Báo Sài Gòn Tiếp thị ra bộ mới

Báo “Sài Gòn Tiếp thị” (bộ cũ, cơ quan chủ quản là Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM – UBND TP HCM) đã bị thu hồi giấy phép xuất bản ngày 26/2/2014 và chính thức đình bản.


Sài Gòn Tiếp thị ra số cuối cùng chia tay bạn đọc vào ngày 28/2/2014. Theo đó, cái tên “Sài Gòn Tiếp thị” (SGTT) sẽ trở thành một ấn bản của “Thời báo Kinh tế Sài Gòn” (thuộc Sở Công thương TP HCM)


Chỉ sau 3 ngày, ngày 3/3/2014, “Sài Gòn Tiếp thị” (bộ mới) đã được xuất bản bởi nhóm “Thời báo Kinh tế Sài Gòn” theo giấy phép mới của Bộ Thông tin – Truyền thông.


TGTTBáo ra 1 tuần 3 kỳ như SGTT bộ cũ. Số báo đầu tiên của bộ mới này được đánh số 1. Có thể nhận thấy măng séc báo vẫn giữ nguyên, chỉ thay tên cơ quan chủ quản.


Và cũng có thể thấy một số tác giả quen thuộc ở SGTT bộ cũ vẫn xuất hiện ở SGTT bộ mới, như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Việt Linh, Kim Dung…


Cùng ngày, trên thị trường báo chí đã xuất hiện một ấn phẩm mới, đó là “Thế giới Tiếp thị”, măng séc của báo ghi là “Phụ trương báo Nông thôn ngày nay”. Trên trang web báo điện tử “Một thế giới” (motthegioi.vn, thuộc Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam), giới thiệu tờ báo mới này với thông tin phát hành 1 tuần 1 số. “Thế giới Tiếp thị” có nội dung và chuyên mục gần giống với SGTT bộ cũ, măng séc báo cũng gần giống SGTT bộ cũ.


Cũng trong ngày 3/3/2014, báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị (có địa chỉ sgtt.vn) của báo SGTT (bộ cũ) đã “đóng cửa”, không còn truy cập được. Lần theo địa chỉ tên miền trên tờ “Thế giới Tiếp thị” số 1, tại các địa chỉ thegioitiepthi.com.vn và tgtt.vn; người đọc thấy được phiên bản điện tử này của “Thế giới tiếp thị” chính là phiên bản cũ báo điện tử SGTT được chỉnh sửa cho phù hợp, thay măng séc tương tự, giao diện hầu như không thay đổi, vẫn giữ nguyên cả cơ sở dữ liệu cũ; thậm chí thông tin ở các trang nội dung, hiển thị trên tab của trình duyệt vẫn ghi “Sài Gòn Tiếp thị Online”. Tên miền của “Thế giới Tiếp thị” cũng trượt qua, tại địa chỉ “bắc cầu”: tgtt.motthegioi.vn


Đáng chú ý, trong thư toà soạn của cả hai tờ “Sài Gòn Tiếp thị” (bộ mới) và “Thế giới Tiếp thị”, cả hai tờ báo đều nhận có bề dày thâm niên 19 năm (tuổi của SGTT bộ cũ: 1995-2014)


Theo nhận định của một số người trong làng báo, Thế giới Tiếp thị là tờ báo mới được dựng lên bởi những người làm SGTT bộ cũ, vẫn tâm huyết với tờ báo và định hướng của SGTT.


Theo thông tin từ nguyên quyền Tổng biên tập SGTT (bộ cũ) Nguyễn Xuân Minh, thì đội ngũ làm báo SGTT chỉ có một số rất ít được tiếp nhận sang đơn vị mới là “Thời báo Kinh tế Sài Gòn”. Như vậy, đây có thể là một lối thoát cho nhiều lao động ở SGTT cũ.


Trong số báo cuối cùng chia tay bạn đọc ngày 28/2 của SGTT bộ cũ, tại chuyên mục “Lối sống”, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn – một cây bút quen thuộc của SGTT (bộ cũ) có chia sẻ: “…Không sống được như cũ thì… hoá sinh! Với vô vàn khả thể để lựa chọn. Nhân số báo từ biệt, thân chúc SGTT “hoá sinh”, đẹp như cánh bướm!…”  Và thực tế, SGTT đang hoá sinh, ở hai nơi, một bên giữ phần “xác”, một bên giữ phần “hồn”


Với độc giả quen thuộc cũ của SGTT, cũng có thể là một sự lựa chọn, cân nhắc người bạn đồng hành tiếp theo; và cũng sẽ được chứng kiến một sự cạnh tranh thú vị giữa hai tờ báo mới mà cũ, cũ mà mới trong sự hoá sinh này./.


Theo Hà Thành/VOV



Báo Sài Gòn Tiếp thị ra bộ mới

Saturday, March 1, 2014

Thưởng 1 triệu đô Hongkong để bắt kẻ đâm nhà báo

Những sát thủ đi xe máy đã thực hiện vụ tấn công tàn bạo bằng dao nhằm vào một biên tập viên của tờ Minh Báo và là một trong những nhà báo nhiều ảnh hưởng nhất đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), hiện vẫn chưa bị bắt giữ.


Vụ việc khiến ông Kevin Lau Chun-to bị trọng thương và vẫn đang điều trị trong viện với tình trạng nguy kịch, đồng thời gây phẫn nộ trên toàn đặc khu. 


Ông Lau (49 tuổi) bị phục kích ngay khi vừa bước ra khỏi xe hơi gần một nhà hàng mà ông thường tới ăn sáng, không lâu sau thời điểm 10h30 sáng ngày 26/2.


Vụ tấn công với động cơ chưa được làm rõ, đã được cảnh sát mô tả là một phi vụ ám sát kinh điển kiểu hội Tam hoàng. Mục tiêu của các phi vụ như thế này khiến nạn nhân bị tật nguyền, thay vì giết chết, để phát đi tín hiệu cảnh cáo. 
  


Nhà báo Kevin Lau Chun-to. (Nguồn: independent) Nhà báo Kevin Lau Chun-to. (Nguồn: independent)


Các nhân chứng nói rằng phi vụ chỉ diễn ra trong vòng mấy giây, khi kẻ ngồi sau xe nhảy ra và lao tới chém liên tiếp vào người Lau. Sau vụ tấn công, ông vẫn kịp gọi cho cảnh sát bằng điện thoại di động, trước khi bất tỉnh. 


Đêm 27/2, cảnh sát đã công bố một đoạn video thu từ camera giám sát cho thấy hình ảnh về hai nghi phạm trước vụ tấn công. Chiếc xe do chúng điều khiển đã được tìm thấy ở phố Sai Wan Ho trong đêm 26/2. 


Lau mới bị loại khỏi ghế Tổng biên tập Minh Báo do lục đục nội bộ và vụ việc làm dấy lên quan ngại về tự do báo chí. 


Đêm 26/2, ông Lau vẫn đang trong “tình trạng nguy kịch ” tại bệnh viện Pamela Youde Nethersole Eastern ở Chai Wan, sau khi được phẫu thuật để xử lý vết chém dài tới 16cm nằm ở lưng. Vết thương quá sâu tới mức nó làm lộ ra phần xương sườn và các nội tạng quan trọng. Ông còn bị một vết chém nữa ở lưng và hai vết khác ở cả hai chân. 
  
Các bác sỹ cho biết, hai vết chém ở chân có thể đe dọa khả năng đi lại bình thường của ông. Vụ tấn công kiểu giang hồ này, chỉ cách 100m so với trụ sở cơ quan cảnh sát biển ở Sai Wan Ho, đã khiến các lãnh đạo cao cấp phải treo thưởng 1 triệu HKD cho ai cung cấp thông tin giá trị giúp bắt được thủ phạm. Lau và gia đình ông đã được cảnh sát bảo vệ. 


Nhiều phỏng đoán về vụ tấn công đã hình thành, cho rằng nó có liên quan tới hoạt động báo chí của Lau, gồm các bài báo gần đây đăng trên Minh Báo, viết về các quan hệ kinh tế có vấn đề của một số quan chức cao cấp tới từ đại lục. 


Vụ tấn công đã khiến dư luận Hong Kong và quốc tế lên án mạnh mẽ. Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh, người đã viếng thăm Lau trong bệnh viện, mô tả vụ tấn công là tàn bạo. Ông nói thêm: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động tàn bạo này. Hong Kong là một xã hội tuân thủ luật pháp và chúng tôi sẽ không dung thứ bạo lực.”


Trong động thái bất thường, trưởng Lãnh sự quán Mỹ Clifford Hart đã ra thông báo nói rằng: “Chúng tôi hoan nghênh sự lên án của chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong trước vụ tấn công tàn bạo này và cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra thông suốt để đưa kẻ phạm tội ra trước công lý.”


Hai nguồn tin cảnh sát giấu tên nói với tờ South China Morning Post rằng vụ tấn công Lau là đòn cảnh cáo. “Nếu chúng muốn giết ông ấy, chúng đã có thể làm được việc đó,” một người nói. Người khác nói thêm: “Đây là một phi vụ ám sát kinh điển kiểu hội Tam hoàng. Chúng chém vào lưng và chân để cảnh cáo ông ấy.”


Sau khi rời khỏi ghế Tổng biên tập Minh Báo, ông Lau hiện là giám đốc quản lý của MediaNet Resources, một chi nhánh thuộc tờ báo trên. Hiệp hội các nhà báo Hong Kong nói rằng vụ tấn công là “hành vi gây hấn nghiêm trọng chống lại báo chí Hong Kong cùng sự tự do ngôn luận” của đặc khu./.


LINH VŨ (VIETNAM+) 



Thưởng 1 triệu đô Hongkong để bắt kẻ đâm nhà báo