Sau 3 tháng đầu triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Hà Nội đã rà soát thống kê được 209 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, đã giải tỏa dứt điểm 97 tụ điểm; thống kê 7.000 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định, ngừng cung cấp dịch vụ đối với 315 thuê bao vi phạm; xử lý trên 91.000 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ hơn 2.800 phương tiện…
Đó là những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ, khu vực thành thị liên tục mở rộng hơn ra vùng ngoại ô, cộng với xu hướng di cư vào Thủ đô đang gia tăng, cũng đòi hỏi giai đoạn chuyển đổi trong nếp sống người dân. Trong đó sự thích nghi về văn hoá, ứng xử cũng sẽ có những thay đổi. Nhưng sự thay đổi ấy có tích cực hay không còn là vấn đề thời gian, và quan trọng hơn là phương pháp điều tiết, cùng với tư duy quản lý của chính quyền nhằm định hướng cho người dân. Việc Hà Nội triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị” cho thấy mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đặt ra là khá rõ ràng nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, ngành và của từng người dân, tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Thực tế thời gian qua sau khi có sự quyết liệt của thành phố thì diện mạo phố phường đã khá hơn, nhưng nhìn về tổng thể thì ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa có sự đột phá cơ bản. Cách thức chấp hành pháp luật của người dân còn mang hơi hướm đối phó. Một bộ phận dân cư đô thị vẫn giữ lối sống, cách ứng xử tuỳ hứng, nặng về lợi ích cá nhân. Mặt khác, do hạ tầng đô thị còn chưa theo kịp, thậm chí là tụt hậu so với tốc độ đô thị hoá khiến cho người dân khi tham gia vào các hoạt động công cộng như giao thông, kinh doanh, văn hoá… thường phải tự “ứng xử linh hoạt” theo điều kiện thực tế. Và chính cái sự “linh hoạt” ấy (như đi xe trên vỉa hè khi bị tắc đường) lại dẫn đến những hậu quả xấu, vi phạm pháp luật, khiến cho việc xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật trong cư dân đô thị càng ngày càng khó khăn hơn.
Theo ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì “chỉ cần 5-10% người dân không chấp hành luật lệ giao thông, đổ rác không đúng nơi quy định, xây dựng không đúng phép thì mục tiêu đặt ra trong “Năm trật tự và văn minh đô thị” khó thực hiện được”.
Quả sẽ thật khó nếu như người dân hình thành thói quen sống theo “lệ” hơn là theo “luật”. Vì thế, muốn thay đổi ý thức người dân thì chính thái độ và giải pháp ứng xử của những “đầu tầu”, tức là các nhà hoạch định và thực thi chính sách phải công minh và nghiêm túc. Chính quyền cần phải tránh cách hành xử “cảm tính” dễ tạo cho người dân ý thức chấp hành cũng theo kiểu “cảm tính”. Hẳn những người sống ở các đô thị lớn đều đã quen với hình ảnh những cán bộ phường cùng với lực lượng dân phòng “quản lý trật tự đô thị” bằng cách giành giật từng gánh hàng, nhặt từng cái ghế, cái biển hiệu của người vi phạm mà quăng tất lên xe tải. Cái cách thức tưởng như rất quyết liệt ấy thực chất lại rất “phản cảm”, tạo thêm cơ hội cho thái độ đối phó, nhờn nhã của người vi phạm. Vì thế mà chỉ cần chiếc xe của chính quyền đi khỏi là vi phạm sẽ trở lại như nó vốn có.
Nói vậy để thấy, có chính sách đúng, nhưng cũng cần cách thực thi đúng. Phải có chiến lược lâu dài và bền bỉ, tránh lối thực thi kiểu “đánh trống bỏ dùi”, ban đầu thì “trống giong cờ mở” nhưng sau lại nhanh chóng bỏ bê, thiếu đôn đốc giám sát. Thói quen, lối sống của người dân không phải là thứ bất biến, nhưng để thay đổi nó cũng cần phải có thời gian đủ dài, phù hợp với sự nhu cầu phát triển. Và đặc biệt muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân thì trước hết phải từ các nhà quản lý, lãnh đạo.
Nữ Quỳnh
"Văn minh" từ tư duy quản lý
No comments:
Post a Comment