Friday, March 21, 2014

Đừng biến dân thành… con kiến

Trong đời thường, một đứa trẻ cũng biết con kiến chỉ bé tí xíu, còn với người lớn thì nhắc đến “phận cái kiến” tức là nhỏ bé lắm, mong manh và dễ bị tác động. Những con kiến nhỏ thường chỉ cặm cụi với công việc của mình, đi trên con đường của mình. Bất giác có gặp một chướng ngại thì chúng tránh qua, nhưng rồi cũng sẽ trở lại đúng hàng lối của mình, đúng quy luật của loài kiến…


Xin mượn hình ảnh loài kiến để nói về sự phiền phức mà người dân, xã hội đang gặp phải khi phải thực thi một số quy định, chính sách thời gian qua, với mật độ ngày càng dày hơn. Không thấy phiền phức sao được khi mà cả cộng đồng xã hội vốn đang trong guồng hoạt động tốt bỗng dưng bị “ném đá” bằng một văn bản (quy định) “trên trời”. Gọi là “trên trời” bởi đó là những văn bản, quy định “trái khoáy”, “vô cảm”, “bên lề cuộc sống”… Tháng trước, sau khi báo chí phản ảnh tình trạng lộn xộn dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu “tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non…”. Vậy nhưng đúng một tháng sau, ngày 18/3 vừa qua bộ này lại cho ra đời một văn bản với nội dung ngược lại: “Các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện…”. Cũng chính Bộ GD-ĐT trước đó đã thu hút dư luận bằng quyết định “chấn động” dừng tuyển sinh của 207 ngành đào tạo ĐH, CĐ, nhưng rồi trước sự phản ứng của dư luận, khi quyết định tươi rói kia còn chưa ráo mực thì Bộ lại phải cho phép nhiều ngành được tuyển sinh trở lại. Mà cả lý do cấm lẫn cho phép đều được dư luận cho là chưa thoả đáng.


Cái sự “tiền hậu bất nhất” ấy có lẽ tìm được lời giải đầu tiên chính là sự thiếu trách nhiệm ở cấp có thẩm quyền ban hành, thẩm định văn bản, chính sách. Sau đó là trình độ năng lực và sự quan liêu. Thực tế có không ít trường hợp cơ quan xây dựng chính sách khẳng định đã lấy ý kiến người dân, ý kiến đối tượng có liên quan trước khi ban hành văn bản. Nhưng sự thực thì cách lấy ý kiến chỉ là đăng dự thảo văn bản trên website của bộ, ngành mình. Và dĩ nhiên là dự thảo đó chẳng thể đến được với người cần lấy ý kiến. Thế nên mới có những quy định “trái khoáy” như: Quan tài không được làm ô kính; rượu truyền thống phải dán tem, hay thịt lợn chỉ được bán trong vòng tám tiếng; hỗ trợ sinh con một bề… Những quy định ít nhiều mang hơi hướm cảm tính của cá nhân người soạn thảo đã gây sốc dư luận ngay khi được công bố, vừa không áp dụng được vào cuộc sống, vừa làm cho người dân bức xúc vì đó chính là sự “hành dân”, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp…


Dân gian có câu “sai thì sửa”. Nhưng xem ra ở lĩnh vực văn bản pháp quy thì chỉ cần “sai một li” là “đi ngàn dặm” bởi đó là chính sách, là pháp luật. Cơ hội sửa chữa sai sót là rất ít. Mà thông thường là chỉ có cách thu hồi văn bản khi nó đã ít nhiều để lại những hệ luỵ không tốt trong xã hội. Mới tuần trước, một đơn vị cấp cục đã phải có lời xin lỗi chính thức sau khi ban hành một văn bản có tới ba lỗi chính tả “không thể chấp nhận được”. Dù sao thì đó cũng là một thái độ cầu thị mà nhiều đơn vị có thẩm quyền ban hành văn bản cao hơn cần “học tập”. Chỉ khi người ta biết nhận trách nhiệm, dù chỉ là lời xin lỗi, nhưng đó mới hy vọng không còn những văn bản “vô cảm, bên lề cuộc sống”… Nhưng sẽ khó hạn chế nếu chỉ đòi hỏi trách nhiệm chung chung của các bộ, ngành mà quên đi trách nhiệm cá nhân người có thẩm quyền ban hành.


Con số 10.130 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp theo quy định được báo cáo năm ngoái chắc đã khiến nhiều người giật mình. Với người dân, họ luôn muốn được thực thi đúng luật pháp, mà chẳng bao giờ muốn mình như con kiến không may leo phải cành cụt…


Nữ Quỳnh



Đừng biến dân thành… con kiến

No comments: