Friday, September 27, 2013

Sốc với chương trình truyền hình thực tế sex "tại trận"

Truyền hình Anh sắp tới sẽ khởi động chương trình mới với tên gọi “Sex box” (Hộp sex).


 Ở chương trình truyền hình thực tế này, người ta sẽ mời vài cặp làm tình ngay tại studio, trong một chiếc hộp trang bị đặc biệt. Dự kiến, với buổi quay đầu tiên của chương trình, ba cặp đôi dị tính và một cặp đồng tính sẽ tham gia – theo Belfast Telegraph.



Những người sản xuất chương trình "Sex box" chọn 3 cặp đôi tham gia show đầu tiên.

Những người sản xuất chương trình “Sex box” chọn 3 cặp đôi tham gia show đầu tiên.



Các tác giả của chương trình nói rằng họ muốn chia sẻ với khán giả “về sex thứ thiệt chứ không phải theo lối nó được mô tả trong tạp chí, phim ảnh và Internet”. Để làm được như vậy, các cặp đôi được mời tham gia chương trình sẽ làm tình trong chiếc hộp dành riêng có các vách tối màu và cách âm tốt.

Sau đó, các đôi tình nhân hoặc vợ chồng này sẽ thảo luận về kinh nghiệm sex của họ cùng với các chuyên gia tâm lý học và tình dục học.


Mỗi phần của chương trình truyền hình thực tế về sex sẽ kéo dài một giờ. “Hộp sex” bắt đầu vào ngày 7.10.


Tuy nhiên, Sex Box không phải là chương trình duy nhất dành cho người lớn do kênh Channel 4 phát sóng trong mùa trình diễn mới. Chờ đón khán giả còn có chương trình nói về ảnh hưởng của nội dung khiêu dâm với nhận thức của người vị thành niên và chương trình mà trong đó những người mê phim “đen” tiếp xúc với các diễn viên yêu thích vẫn thấy trong băng đĩa sex.


 


Theo Lao động/RUVR, IBN



Sốc với chương trình truyền hình thực tế sex "tại trận"

Wednesday, September 25, 2013

1% - Có đáng tin?

Trên dưới 1% cán bộ, công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ là con số được Bộ trưởng Bộ Nội vụ công bố tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9 và nó lập tức không chỉ làm “nóng” phiên thảo luận mà còn gây xôn xao dư luận. Theo giải trình của “tư lệnh” ngành nội vụ, đây là kết quả báo cáo từ các địa phương. Vậy thì chắc chắn nó phải là con số thật, có giấy trắng mực đen hẳn hoi, nhưng vì sao dư luận lại bất ngờ? 


Mới đây, trong cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy của chúng ta có 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào”. Giờ đây, nếu con số 1% kia là thực, quả thật rất đáng mừng. 


Theo báo cáo, cả nước hiện có 2,8 triệu công chức và nếu 99% số ấy hoàn thành nhiệm vụ thì công cuộc cải cách công vụ, công chức đã gần đến đích. Song, thực tế liệu có được như vậy? Liệu có bao nhiêu phần trăm công chức đã cống hiến hết mình, bao nhiêu phần trăm đáp ứng được vị trí công việc? Xin dẫn ra đây một con số, đó cũng là con số 30% gây “sốc” được công bố cuối tháng 6 vừa qua. Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, có đến 30% công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp trong một kỳ thi mới tổ chức đã không đạt điểm để xét (trong số này có 9/22 công chức của Bộ Nội vụ).


Con số này chắc chắn cũng thật 100% vì Bộ Nội vụ khẳng định đây là kỳ thi được tổ chức khách quan, công bằng, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng công chức dự thi từ trước tới nay. 


Những con số ấy dù đúng hay sai đều ẩn chứa trong nó sự thật. Đó là sự thật về chất lượng cán bộ, công chức hiện nay. Có lẽ ai cũng biết chẳng ở đâu, cơ quan nào mà cán bộ cứ răm rắp đến đúng giờ cắm đầu vào làm việc cho đến lúc tan tầm. Thay vào đó, nhiều người sáng thì dềnh dàng đến công sở rồi mới tranh thủ đi ăn điểm tâm, xong lại tụ hội cà phê mới quay về làm việc. Ngồi chưa nóng chỗ thì đã nhấp nhổm ăn trưa, nhậu nhẹt, trở về cơ quan lúc đã đến giờ làm việc nhưng vẫn cố tranh thủ làm giấc ngủ cho lại sức. Gần cuối giờ chiều là lại thấp thỏm chuyện chơi thể thao, đón con… Cách làm việc như vậy thì hỏi làm sao hiệu quả.


Tuy không phải là tất cả và chúng ta cũng khó có cách nào để có con số chính thức xác nhận bao nhiêu phần trăm công chức làm việc hiệu quả, nhưng phải nghiêm túc thừa nhận rằng chất lượng và thái độ làm việc của một bộ phận công chức hiện nay là “có vấn đề”. Tại một cuộc hội thảo tháng 1-2013, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung phát biểu rằng, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng chỉ ở mức 50-50. Những con số ấy khiến chúng ta phải suy ngẫm về hiệu quả thực sự của cán bộ, công chức hiện nay.


Cuối năm 2012, Chính Ban phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 70% các cơ quan hành chính xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; quy định và thực hiện chính sách thu hút, tiến cử, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ…


Chúng ta có quyền mong đợi và hy vọng rồi đây sẽ có những con số thật không gây sốc trong dư luận!


Nữ Quỳnh


1% - Có đáng tin?

Saturday, September 21, 2013

VOV tuyển dụng viên chức năm 2013

VOV tuyển dụng các vị trí: Phóng viên, Biên tập viên, Kế toán, Biên tập viên các thứ tiếng, Kỹ sư…


VOV-giao-thong2


1.    Điều kiện đăng ký dự tuyển


1.1.Tiêu chuẩn chung


a.   Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;


b.   Tuổi từ đủ 18 tuổi và không quá 35 tuổi;


c.   Có đơn đăng ký dự tuyển;


d.   Có lý lịch rõ ràng;


e.   Tốt nghiệp đại học trở lên và có các văn bằng, chứng chỉ phù hợp theo vị trí việc làm dự tuyển: chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên của một (01) trong năm (05) thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc; chứng chỉ Tin học văn phòng;


f.    Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;


g.   Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật;


h.   Không mất năng lực hành vi dân sự hoặc không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;


i.     Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; không đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.


1.2.Tiêu chuẩn riêng


a.      Phóng viên, Biên tập viên, Tốt nghiệp đại học (một số lĩnh vực làm báo mang tính đặc thù ưu tiên tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí, Khoa học XH&NV, Luật và Văn học nghệ thuật); có kinh nghiệm làm việc và làm báo, có kỹ năng làm báo điện tử, ưu tiên NAM. (Riêng Văn học Nghệ thuật phải có các tác phẩm đăng tải trên các báo hoặc tạp chí về Văn học nghệ thuật và photo gửi kèm hồ sơ).


b.     Kế toán, Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, tài chính, ngân hàng; biết sử dụng các phần mềm kế toán.


c.      Biên tập viên các thứ tiếng, Tốt nghiệp đại học, ưu tiên các Trường, Khoa ngoại ngữ (trong nước và nước ngoài) gồm các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc; (Riêng đối với tiếng Nhật, Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc chỉ tuyển Nam).


d.     Kỹ sư, Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tin học hoặc Phân tích thiết kế hệ thống. Giỏi tiếng Anh, Kỹ năng lập trình và Thiết kế hệ thống.


2.   Phương thức tuyển dụng, Thi tuyển.


3.   Nội dung và hình thức thi tuyển


3.1. Thi viết


a.      Thi kiến thức chung.


b.      Thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.


c.      Thi ngoại ngữ.


3.2. Thi vấn đáp


3.3.Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ.


a.    Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ (1trong 5 ngoại ngữ nói trên);


b.   Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam (1 trong 5 ngoại ngữ nói trên).


4. Kinh phí, Thời gian và địa điểm thi tuyển


4.1. Kinh phí đăng ký dự tuyển


Người đăng ký dự tuyển vào các vị trí việc làm tại Đài Tiếng nói Việt Nam phải nộp lệ phí dự tuyển theo quy định tại Thông tư liên tịch số 163/2010/TTLT-BTC-BNV ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính-Bộ Nội vụ.  Mức phí dự thi là: 260.000 đồng/người (Hai trăm sáu mươi ngàn đồng)/ngườiNgoài khoản lệ phí nêu trên, người dự tuyển không phải nộp thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.


4.2 Thời gian và địa điểm: Dự kiến  tháng 11/2013 tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam.


5. Hồ sơ dự tuyển


5.1 Hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm


a.      Đơn đăng ký dự tuyển. (Tải về tại đây: don_du_tuyen_vien_chuc[1].doc )


b.      Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 6 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.


c.      Bản sao bằng đại học và kết quả học tập theo yêu cầu vị trí dự tuyển; bản sao chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt; khi nộp hồ sơ, yêu cầu mang bản chính văn bằng, chứng chỉ để kiểm tra, đối chiếu.


d.      Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện trở lên cấp trong thời gian 6 tháng.


e.      Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.


f.       02 ảnh chân dung cỡ 4cm x 6cm (mới nhất).


5.2. Hồ sơ đựng trong phong bì cỡ 22 x 32cm, mặt ngoài ghi “Hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức vào Đài Tiếng nói Việt Nam” và liệt kê đầy đủ các loại giấy tờ có trong hồ sơ.


6. Thông báo tuyển dụng và Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ


6.1.Thời gian,  Nộp hồ sơ vào các ngày Thứ 2, Thứ 4 và Thứ 6 (trong giờ hành chính) bắt đầu từ 15/9/2013 đến hết 15/10/2013.


6. 2.Địa điểm, Tầng 7 Ban Tổ chức cán bộ, Đài TNVN, số 58 Quán Sứ, Hà Nội.


6.3.Thông báo tuyển dụng, Đăng tải thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam./.


VOV



VOV tuyển dụng viên chức năm 2013

Friday, September 20, 2013

”Điểm mặt, chỉ tên” lãng phí

“Tôi đi một số tỉnh, thấy có trụ sở rộng mênh mông như công viên. Vậy chuẩn mực đối với đất cho trụ sở thế nào? Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan” – Đó là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tại phiên họp của UBTV Quốc hội chiều 19-9. Thông tin này đã được nhiều tờ báo đăng tải và gây tác động khá mạnh trong dư luận.

Có thể nói, việc xây trụ sở cơ quan khang trang là cần thiết, vì dù sao đó cũng là bộ mặt của chính quyền địa phương. Vấn đề ở đây là việc đầu tư thái quá ở một số địa phương đang gây ra những phản cảm, làm thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách. Thậm chí thất thoát còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.


Lâu nay, dư luận cũng “điểm mặt, chỉ tên” khá nhiều những biểu hiện của tệ lãng phí. Tuy nhiên, việc này vẫn chỉ như “đá ném ao bèo”, bởi dường như điều mà dư luận luôn mong muốn là thái độ ứng xử quyết liệt của các cấp quản lý thì lại chưa tới nơi tới chốn. Ngay cả đại biểu Ksor Phước, người đại diện cho cử tri, có tiếng nói trực tiếp tại Quốc hội, khi đưa ra những thông tin trên vẫn phải nói rằng: “Tôi không tiện nêu đích danh”.


Phải chăng chính sự “ngại ngần” ấy đang tồn tại ở hầu hết các cấp quản lý đã trở thành môi trường tốt để lãng phí tồn tại? Chúng ta có Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, và thực tiễn áp dụng luật cũng đã có những kết quả nhất định. Trong nửa đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiết kiệm được hơn 16.000 tỷ đồng. Thế nhưng, xem ra con số tiết kiệm được vẫn còn quá thấp so với những sự hoang phí “ai cũng có thể thấy” từ nhiều dự án nhưng lại chưa có thống kê cụ thể. Lãng phí có ở nhiều nơi, nhưng chúng ta vẫn chưa thể “điểm mặt, chỉ tên” từng dự án, từng công trình, hay từng khoản chi phí bất hợp lý. Nhiều năm qua, hầu như năm nào Quốc hội cũng bàn đến vấn nạn này, nhưng thực trạng vẫn chưa được cải thiện.


Đã đến lúc cần phải có những chính sách cụ thể, có tổ chức giám sát nghiêm ngặt, để từ đó chỉ ra được địa chỉ lãng phí, chỉ rõ ngành nào, cấp nào, địa phương nào có lãng phí, thất thoát bao nhiêu (?); chỉ rõ từng loại lãng phí, từng hành vi gây lãng phí. Chẳng hạn với việc xây dựng trụ sở, cần phải có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức đầu tư; nên xem xét việc tập trung các cơ quan công quyền vào một khối. Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương vẫn tràn lan tình trạng mỗi cơ quan một trụ sở, ngân sách đầu tư xây dựng nhiều hơn, chi phí vận hành nhiều hơn, trong khi ở đó có những hội trường, những hạng mục mỗi năm chỉ sử dụng một vài lần. Xây dựng các khu hành chính tập trung, sử dụng chung một số hạng mục, vừa thuận tiện cho dân lại có thể tiết kiệm được những khoản tiền đáng kể.


Ngoài ra, việc chỉ ra được đích danh và công khai thông tin về lãng phí, gắn trách nhiệm với người đứng đầu để xảy ra lãng phí chắc chắn sẽ làm cho công tác xử lý nhanh và hiệu quả hơn, có tính răn đe hơn. Tránh tình trạng người tiết kiệm thì không được khen, người vi phạm cũng chẳng rõ trách nhiệm và không bị xử lý.


Nữ Quỳnh


”Điểm mặt, chỉ tên” lãng phí

Friday, September 13, 2013

Chữ "đẹp" bị nốc ao!

Sự kiện anh chàng đẹp trai người Ả rập đến Việt Nam đã gây một “cơn sốt” trong giới trẻ. Các trang báo mạng trong mấy ngày qua tràn ngập thông tin về việc này. 

Trước đó, từ khi mẩu tin về anh chàng “bị trục xuất vì quá đẹp trai” xuất hiện trên các mạng xã hội đã khiến cho rất nhiều bạn trẻ xốn xang, rồi thông tin anh này sẽ sang Việt Nam càng khiến cho nhiều “fan” nữ phát sốt, nóng lòng chờ đợi. Thế nhưng, sau những háo hức đợi chờ thì nhiều bạn trẻ và cả những nhà báo đã từng tung hê sự kiện này, cuối cùng lại phải chưng hửng, thất vọng khi sự thật không được “đẹp” như tưởng tượng. “Trai đẹp” kia thực chất cũng không đến mức làm siêu lòng mọi cô gái và quan trọng hơn là ý nghĩa cuộc viếng thăm của “trai đẹp” cũng không được như dư luận mong đợi.

Phải thừa nhận là doanh nghiệp tổ chức sự kiện đã biết cách tận dụng tốt nhất sự tò mò của giới trẻ. Một anh chàng không có gì đặc biệt, nhưng đã được nhà tổ chức “bơm” lên bằng những thông tin mập mờ làm cho không ít người hiếu kỳ phát cuồng. Nhà tổ chức cũng khéo léo nâng tầm sự kiện bằng việc gắn nó với những mục đích rất “đẹp” là “kết nối ước mơ”, là hoạt động từ thiện… Nhưng kết quả thì sao? Kết nối đâu chưa thấy, mà ngay trong hoạt động đầu tiên là chương trình bán đấu giá làm từ thiện cũng đã không đạt mục đích. Có cảm giác như cuộc đấu giá chỉ được tổ chức cho có, với vài món đồ mà dường như chẳng ai muốn mua. 


Hẳn mọi người còn nhớ cách đây chưa lâu sự kiện chàng trai không chân tay người Australia Nick Vujicic được mời đến Việt Nam cũng gây sốt trong giới trẻ. Nhưng sự kiện đó đã đạt được những ý nghĩa khác. Đó là một chàng Nick đặc biệt, một con người đầy nghị lực đã vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể để tự tin trong cuộc sống. Nick đến Việt Nam và đã truyền cho giới trẻ Việt Nam những cảm hứng về nghị lực sống, về sự vươn lên và cả sự biết cảm thông chia sẻ. 


Điều ấy hoàn toàn khác với một sự kiện mà đối với xã hội là vô bổ, còn về ý nghĩa thì bằng không, nếu không muốn nói là nhảm nhí. Trong lúc, thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam đang cần được tiếp thêm những nhiệt huyết, bồi đắp những lý tưởng sống tốt đẹp, sống trách nhiệm, có ích cho cộng đồng, cho xã hội và đất nước, thì những cổ súy cho lối sống hời hợt, sự cuồng nhiệt thái quá với những giá trị hư ảo thật khó chấp nhận.


Xem ra, với một loạt những sự kiện giới trẻ phát cuồng vì thần tượng, vì những người mẫu này, ca sĩ kia hay một loạt những cuộc rùm beng trong dư luận đã có một sự tiếp tay đáng kể của báo chí, mà có người đã gọi đó là sự thất bại của truyền thông. Việc truyền thông thiếu chọn lọc đã vô tình nuôi dưỡng những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn trong giới trẻ. Thật buồn mỗi khi dư luận xuất hiện một đoạn clip riêng tư nhạy cảm, những cảnh đánh lộn trong học đường hay một vụ việc scandal lại được giới trẻ hào hứng đón nhận, tạo ra những cơn sốt nọ, phong trào kia, trong khi những thông tin về các gương mặt học sinh giỏi vượt khó, những sinh viên sẵn sàng tạm gác lại việc học hành để lên đường nhập ngũ, những con người sẵn sàng lao vào hiểm nguy để giành giật mạng sống cho người khác thì hầu như chỉ chiếm một góc nhỏ trên các báo…


Mỗi con người trong đời sống vẫn luôn hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Chúng ta trân trọng cái đẹp, nhưng đó phải là cái đẹp hài hòa cả hình thức và trí tuệ, nhân văn. Yêu cái đẹp là biết nâng niu giá trị của cái đẹp, chứ không phải là cuồng si nhất thời, thái quá. Mong sao, các nhà tổ chức, các cơ quan truyền thông hãy thận trọng cân nhắc trước mỗi sự kiện. Đừng hạ thấp giá trị của chữ “đẹp”, giá trị của chân – thiện – mỹ!


 

Nữ Quỳnh


Chữ "đẹp" bị nốc ao!

Monday, September 9, 2013

Một phóng viên bị bắt vì nghi án tống tiền

Ngày 9/9, đại tá Đào Hồng Lập – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ CA Nghệ An cho biết, vừa tạm giữ một phóng viên của Báo Kinh tế Nông thôn để điều tra, làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản một chủ đầu tư dự án trên địa bàn.


minh hoạ

minh hoạ


Hiện cơ quan công an chưa cho biết về thông tin người bị bắt. Tuy nhiên từ một nguồn thông tin, PV bị bắt có tên là Thành, công tác tại Báo Kinh tế Nông thôn, thường trú tại Nghệ An. 


Được biết, PV Thành có đòi chủ đầu tư một dự án đưa cho anh 50 triệu đồng, nếu không sẽ phản ánh thông tin “tiêu cực” liên quan đến dự án. 


Bước đầu, chủ đầu tư đã đưa trước cho Thành 20 triệu đồng. Sau đó cơ quan công an đã bắt Thành vào trưa nay.


Theo Hiền Nhi (Công an TP.HCM)



Một phóng viên bị bắt vì nghi án tống tiền

Friday, September 6, 2013

Toan tính và bi kịch của bất động sản

Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đà lao dốc không phanh khiến cho nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao và kết cục tất yếu đã đến khi nhiều chủ đầu tư đang tháo chạy khỏi các dự án dù đã bỏ vào đó hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. 


Cuộc “rút chạy” khỏi các dự án bất động sản đang diễn ra theo nhiều cách, phổ biến và ào ạt nhất hiện nay là rao bán, chuyển nhượng dự án như toà nhà CT5 Việt Hưng, VP6 Linh Đàm, dự án Sky Park Residence ở Hà Nội hay dự án chung cư Bàu Sen, dự án nhà của Savimex ở quận 7 của TP Hồ Chí Minh… hoặc xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tại TP Hồ Chí Minh đã có 24 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Còn tại Hà Nội cũng có 21 dự án chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội. 


Nhưng muốn bán hay chuyển đổi cũng đâu phải chuyện dễ dàng, bởi quy luật thị trường vừa cởi mở những cũng đầy khắc nghiệt với các chủ đầu tư do xuất phát điểm của họ không theo đúng quy luật này. Vài năm trước, đầu tư vào bất động sản được cho là “ngon ăn”, một vốn bốn chục lời, dễ kiếm tiền đến mức mà cả những công chức nhà nước cũng ào ạt nhảy vào “lướt sóng” hòng kiếm chác. Và đương nhiên các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội vàng này. Hàng chục, hàng trăm dự án được vẽ lên. Nhưng thật không may là chỉ trong một thời gian ngắn, bất động sản đột ngột đảo chiều, rớt giá, ế ẩm đến thảm hại khiến cho không biết bao nhiêu người lao đao, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực dẫn đến không ít dự án phải dở dang hoặc tự gạch tên khỏi danh mục đã được duyệt, nhiều dự án không có tiền nên “án binh bất động” khiến cơ quan quản lý phải thu hồi. 


Cái kiểu làm theo phong trào, có chút “chộp giật”, “ăn xổi” đã biến những chủ đầu tư “cơ hội” cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn từng xảy ra với người nông dân là “trồng-chặt”. Bản chất là một dạng làm kinh tế theo phong trào, khi lời cao thì đua nhau giảnh giật chẳng theo tổ chức, quy hoạch nào cả, đến lúc vượt cầu thì lại hùa nhau tháo chạy. 


Hơn thế, không thể không nghi ngờ về “mục tiêu” của các doanh nghiệp khi xin chuyển đổi dự án ngay sau khi có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vì nó như một cái “cọc” có thể cứu doanh nghiệp khỏi dòng nước xoáy. Nhưng đó là sự  “cực chẳng đã”, vì những ưu đãi từ gói hỗ trợ chứ chắc chắn bình thường thì chủ đầu tư cẳng hà cớ gì mà hứng thú với các dự án công ích. Bằng chứng là vào thời kỳ hưng thịnh của bất động sản, có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy doanh nghiệp nào đầu tư vào nhà ở xã hội. 


Nông dân trồng và chặt cây, doanh nghiệp nháo nhào chuyển nhượng dự án bất động sản về cơ bản do cách làm ăn không dựa trên những điều kiện khách quan về lợi nhuận, rủi ro cũng như nhu cầu thực sự của thị trường, khi người ta cứ thấy lời thì nhảy vào, thấy thua thì rút ra để mặc xã hội phải giải quyết những hậu quả không nhỏ. 


Tình trạng này lỗi chính vẫn là doanh nghiệp, nhưng cũng không thể không có trách nhiệm của quản lý, quy hoạch. Bất động sản một thời phát triển nóng, nhưng thiếu hẳn một sự tổ chức, quản lý bài bản. Mạnh ai nấy làm. Thậm chí không mạnh cũng có thể làm dự án nên mới dẫn đến việc mới gặp chút khó khăn là thiếu vốn, là mất khả năng triển khai dự án. Và dĩ nhiên chẳng ở đâu, chẳng lĩnh vực nào mà cứ để mặc mạnh ai nấy làm mà bền vững được. Sự ăn xổi của một số người tất yếu dẫn đến sự thiệt thòi của số đông, và tác động tiêu cực không thể đong đếm với nền kinh tế. Bài học này nếu không được đúc rút, chúng ta sẽ còn phải chứng kiến thêm những bi kịch trên thị trường bất động sản, một khi mà doanh nghiệp vẫn đang toan tính lợi ích cho riêng mình!


Nữ Quỳnh



Toan tính và bi kịch của bất động sản

Báo điện tử Chính phủ có Tổng biên tập mới

Phó TGĐ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó Tổng biên tập báo điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo được bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo thay ông Phạm Việt Dũng từ ngày 1/9.


Tại buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm cho ông Vi Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng nêu rõ: Đây là một bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong việc triển khai thực hiện toàn diện quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng trong giai đoạn mới.


TGĐ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Phạm Việt Dũng (phải) chúc mừng ông Vi Quang Đạo. Ảnh: VGP

TGĐ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Phạm Việt Dũng (phải) chúc mừng ông Vi Quang Đạo. Ảnh: VGP


Ông Phạm Việt Dũng, TGĐ Cổng thông tin điện tử Chính phủ trước đó kiêm nhiệm Tổng biên tập báo điện tử Chính phủ.


Báo điện tử Chính phủ là cơ quan thông tin, truyền thông đa phương tiện, tiếng nói của Chính phủ, diễn đàn của các cơ quan hành chính nhà nước và nhân dân trên Internet, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức quản lý và vận hành.


Báo cung cấp thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thông tin, tuyên tuyền và thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng  và cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thông tin về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu thông tin truyền thông của nhân dân.


Theo VGP



Báo điện tử Chính phủ có Tổng biên tập mới

Thursday, September 5, 2013

Những hạt sạn sống “dai”

Có không ít “hạt sạn” tuy đã được chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhặt bỏ từ lâu, nhưng xem ra nó vẫn chưa chịu giã từ mặt báo, mà cứ sống đàng hoàng trên nhiều trang viết. Mấy “hạt sạn” sắp kể dưới đây có lẽ là những chứng cứ tiêu biểu.


 ocdao


1. “Hạt sạn” đầu tiên cần kể là cụm “ốc đảo”.


Như mọi người đều biết, “ốc đảo” là những “Khoảng đất có nước uống và cây cối nằm giữa sa mạc”. Ấy thế nhưng không ít cây bút vẫn thích dùng cụm này để chỉ các vùng đất bị nước lũ vây quanh bốn phía sau những ngày mưa bão: Trận bão mới rồi đã biến lắm ngôi làng quanh đây thành các ốc đảo; Hãy khẩn cấp gửi lương thực cứu trợ cho đồng bào bị cô lập tại các ốc đảo trong tỉnh.

Chỉ cần thay “ốc đảo” (vì nước ta không hề có sa mạc!) bằng “hòn đảo” thì mấy câu trên sẽ lập tức ổn ngay.


2. Một “hạt sạn” nữa cũng khá nổi cộm, nhưng vẫn ngang nhiên sống sót trong suốt bao năm trường trên chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV3. Cái tên này ta hiện chưa rõ là do ai đặt. Chỉ biết là chủ nhật nào nó cũng đàng hoàng hiện lên trên màn ảnh nhỏ, và làm cho bao người thấy khá chướng tai gai mắt. Nhất là những ai hay đi đây đi đó và/hoặc có thì giờ lên mạng dò hỏi “cụ” Google.


Thật thế, chỉ cần có được một trong hai cơ may vừa nêu, chắc chắn ai cũng biết ngay rằng trên hành tinh chúng ta chẳng hề có một ngọn núi nào là ngọn Olympia cả. Bởi lẽ Olympia là một vùng đất rộng và bằng phẳng vẫn được người Hy Lạp thời cổ cứ bốn năm một lần, dùng làm nơi tổ chức các cuộc tranh tài giữa các vận động viên điền kinh tên tuổi. Thế thì cái đỉnh mà ban tổ chức cuộc thi vẫn muốn các cô cậu học sinh chúng ta phải “leo” hằng tuần là đỉnh nào vậy? Xin thưa: Đó là ngọn Olympe (hay Olympus, nếu gọi theo tiếng Anh), một ngọn núi thiêng mà người Hy Lạp thời xưa vốn tin là nơi trị vì của thượng thần Zeus cùng chư thần trong các huyền thoại xứ họ.


“Hạt sạn” này đã từng được học giả An Chi nhặt ra lần đầu ngay từ những năm 90 thế kỷ trước. Tiếp theo, nó cũng được nhiều cây bút khác (trong số đó có cả chúng tôi) lên tiếng đòi chỉnh sửa. Cách nay gần 13 – 14 năm. Tiếc thay, lời kêu gọi ấy cho tới giờ hình như vẫn bị ban tổ chức chương trình bỏ ngoài tai. Vì thế, “hạt sạn” ấy vẫn còn đất sống. Cứ cái đà này, đúng như nhiều người dự đoán, chắc còn phải vài thập niên nữa hoạ may nó mới chịu chia tay với chúng ta để đi vào cõi thượng giới! Sau khi các quan chức ở VTV3 ngộ ra lẽ thật.


3. Đã là băng thì bao giờ cũng nổi. Do khối lượng riêng của nó nhỏ hơn của nước chút đỉnh. Có điều sự chênh lệch về khối lượng riêng ấy hơn kém nhau chả đáng là bao. Do thế nên phần nổi trên mặt nước của mọi tảng băng chỉ chiếm có một phần; còn chín phần còn lại thì bị chìm ở bên dưới. Đó là cơ sở thực của thành ngữ “phần nổi của tảng băng”. Và thành ngữ này, vì thế, hay được dùng để chỉ những phần hết sức nhỏ bé/ít ỏi bị phơi bày của các sự vật/hiện tượng cụ thể trong cuộc sống thường ngày (chẳng hạn: Hà Nội, theo báo cáo, có 21 điểm ngập sâu. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, chứ thực tế nó còn cao hơn thế  nhiều).


Tuy nhiên, chắc do bị chữ “nổi” ám ảnh, nên hiện vẫn thấy không ít cây bút ưa thêm vào cuối thành ngữ chữ “chìm” (phần nổi của tảng băng chìm). Chắc là để cho “cân xứng”. Và việc đó đã khiến cho câu trở nên phi thực tế (do không thể xuất hiện trong đời thực!).


4. “Hạt sạn” thứ tư cũng sống dai chả kém là câu tục ngữ nhại “Cái khó ló cái khôn”.


Về câu này, hồi còn sống, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã từng nhắc chúng ta hãy sớm đọc lời ai điếu cho nó. Để tránh mắc hai cái lỗi to đùng về cách dùng từ và cách đặt câu.


Thật vậy, chỉ cần đọc lướt qua câu trên, ta có thể dễ dàng tìm thấy ở đó hai điểm bất ổn lớn: Thứ nhất, câu tục ngữ nhại đã đánh tráo sự khác biệt về nghĩa giữa hai chữ “khó”. Do trong tiếng Việt, từ này vốn có hai đồng âm là khó 1 (= Phải gắng sức nhiều/phải chịu nhiều vất vả mới làm được) và khó 2 (= Eo hẹp về tiền bạc/của cải).


Thứ hai, như nhà khảo cứu danh tiếng An Chi từng chỉ rõ trên “Kiến thức ngày nay” cách đây hàng chục năm, chữ “khôn” không thể làm bổ ngữ cho động từ “ló” được. Do từ này đòi hỏi bổ ngữ phải là những từ chỉ bộ phận của chủ thể “khó” đứng phía trước (chẳng hạn, Mặt trời chưa ló dạng [khi dạng là một bộ phận của mặt trời] / Cậu bé đã tóm ngay khi chú dế cụ vừa ló râu ra [khi râu là một bộ phận của chú dế] / Nó mới ló mặt tới thì đã bị chị ta mắng xối xả [khi mặt là một bộ phận của nhân vật được chỉ ra bằng đại từ “nó”], v.v…).


Nói cách khác, nếu nội dung của câu tục ngữ gốc (Cái khó bó cái khôn) là: “Cái nghèo thường bó buộc cái khôn, không cho nó bộc lộ hết mọi mặt mạnh vốn có” thì nội dung của câu tục ngữ nhại (Cái khó ló cái khôn) lại là: “Sự khó khăn tạo cho cái khôn cơ may xuất đầu lộ diện” (do “khôn” không phải là một bộ phận của “khó khăn” nên câu trở nên khó nghe).


 

Nguyễn Đức Dương (Báo Lao Động)


Những hạt sạn sống “dai”