Wednesday, July 30, 2014

Thêm một bé tử vong vì tiêu chảy cấp tại TP HCM

Một bé gái 29 tháng tuổi ở huyện Bình Chánh vừa qua đời vì tiêu chảy cấp, nâng số người chết do bệnh này lên 2 chỉ trong vòng 10 ngày.


Sáng 31/7, bác sĩ Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh cho biết, bệnh nhi có triệu chứng đau bụng, ói sốt và tiêu chảy từ ngày 24/7. Người nhà đưa bé đến bệnh viện khám, tình hình chưa đủ để nhập viện nên được cho về nhà theo dõi.


Một ngày sau, bé tiếp tục sốt và không dứt tiêu chảy nên phụ huynh đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, được chẩn đoán viêm ruột, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Ngoài ra, bé bị bệnh nền tim bẩm sinh và tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh. Được cấp cứu tích cực nhưng bé yếu dần. Thấy con không thể qua khỏi, người nhà xin cho cháu về. Bé tử vong vào ngày 27/7.


Trẻ mang bệnh lý bẩm sinh dễ gặp nguy hiểm khi mắc những bệnh tưởng đơn giản khác, trong đó có tiêu chảy. Ảnh minh họa: Thiên Chương


“Xét nghiệm cho thấy bé dương tính với vi khuẩn gây tiêu chảy E.Coli, loại vi khuẩn này hầu như có trong đường ruột của mỗi người. Vấn đề là bé đã có sẵn hai bệnh nền khiến sức đề kháng kém hơn những trẻ khác”, bác sĩ Hòa nói.


Cũng theo bác sĩ Hòa, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh đã đến gia đình điều tra dịch tễ và ghi nhận em ruột của bệnh nhi cũng bị mắc tiêu chảy cùng thời điểm nhưng khỏi bệnh sau khi uống thuốc.


“Môi trường sống quanh gia đình hoàn toàn vệ sinh. Nhà dùng nước giếng đào sâu 60 mét, nước được đun chín trước khi uống, thức ăn cũng được nấu chín kỹ nên khó có thể nói bé mắc bệnh do sinh hoạt kém vệ sinh”, ông Hòa nói.


Trước đó, cũng tại Bình Chánh, bé trai 10 tháng tuổi ở xã Lê Minh Xuân tử vong vì sốt, đau bụng và tiêu chảy liên tục. Ở ca này, điều tra dịch tễ cho thấy môi trường tại khu vực gia đình sinh sống kém vệ sinh bởi ao tù nước đọng và nhiều nhà vệ sinh được dựng luôn trên sông.


Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM chỉ đạo các quận huyện nhắc nhở người dân phải thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay, bảo đảm ăn chín uống sôi để phòng bệnh.


Nguồn tin: Thiên Chương (Vnexpress)




Thêm một bé tử vong vì tiêu chảy cấp tại TP HCM

Những thai phụ tuổi 15

Sau ít phút líu ríu trước khoa Kế hoạch hóa gia đình, thiếu nữ 15 tuổi bật khóc bên người mẹ ngồi chết lặng. Bác sĩ vừa cho biết nữ sinh đang mang thai 22 tuần tuổi.



Buổi sáng một ngày cuối tháng 7, không gian yên lặng trước phòng tư vấn khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM bị phá tan bởi tiếng thút thít của cô gái trẻ và những lời trách mắng từ người mẹ. Gương mặt xanh xao, nữ sinh lớp 10 thừa nhận vì quá sợ nên đã dùng dây thun quấn sát bụng để giấu mẹ từ cuối năm học. Đến nay do bụng quá to, không còn cách nào khác, cô đành phải thừa nhận.


Ngồi chờ con làm thủ tục để chuyển sang làm thủ thuật nạo hút, bà mẹ trẻ tên Hoa nhà ở quận Tân Bình sụt sịt tâm sự với các bác sĩ. Chị bảo rằng cả nhà không ai ngờ cô con gái duy nhất lại quá khờ khạo quan hệ với người bạn cùng lớp.


sad_girl


“Thấy hai đứa qua lại học hành chung với nhau, cứ tưởng chúng thân nhau nhưng nào ngờ lại ra cớ sự. Nếu tôi không vô tình phát hiện nó nôn ói trong nhà vệ sinh và tra hỏi thì không biết sự việc sẽ như thế nào. Giờ xót xa lắm nhưng phải phá bỏ để nó còn chuẩn bị cho ngày tựu trường”, người mẹ nức nở nói.


Ngay sau khi hai mẹ con chị Hoa vừa rời bước, thai phụ khác cũng là thiếu nữ 15 tuổi ôm bầu ở tháng thứ tư. Cha của đứa bé lại chính là cậu anh họ lớn hơn 2 tuổi, Việt kiều Mỹ.


Luôn cúi thấp đầu như để tránh ánh nhìn soi mói của mọi người, cô bé thừa nhận chỉ trót dại một lần nhưng không ngờ lại đến nông nỗi này. “Tụi con chỉ gần nhau một lần, sau đó con thấy trong người khó chịu mà cứ tưởng bị ốm. Gần đến tháng thứ ba khi bụng bắt đầu to lên con mới biết mình đã có em bé. Thấy không thể giấu được con đành nói thiệt với mẹ. Anh họ con đã về Mỹ”, cô bé nói.


Thống kê vừa công bố của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc cho thấy, Việt Nam hiện là một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và cũng có tỷ lệ sinh con ở tuổi 15-19 cao, ở mức 46/1.000 trường hợp. TP HCM được cho là có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, đặc biệt là tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng sau mỗi năm.


Thạc sĩ – bác sĩ Ngô Thị Yên, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ cho biết đây trung bình mỗi tháng có đến hàng trăm trường hợp vị thành niên đến khoa để được tư vấn bỏ thai. Còn tổng kết đầy đủ trong năm 2013, bệnh viện này tiếp nhận hơn 1.600 ca nạo phá thai có độ tuổi từ 15 đến 19, trong đó có 800 trường hợp dưới 18 tuổi, cá biệt có bé mang thai ở tuổi 12.


“Phải chứng kiến cảnh mẹ con đưa nhau đến khám rồi ôm nhau khóc hoặc phụ huynh vì quá giận mà mắng nhiếc con, chúng tôi thấy đau lòng vì các bé nhỏ quá. Hầu hết những ca nạo phá thai đều đang đi học. Khoảng 80% trường hợp khi đến bệnh viện thì thai đã trên 16 tuần, thậm chí có mang đến 22 tuần nhưng vẫn giấu cha mẹ. Không ít em đến viện mà bụng vẫn còn hằn cả dấu nịt bụng do che giấu”, bác sĩ Yên nói.


Sự quan tâm của gia đình và việc giáo dục giới tính là điều cần thiết để trẻ vị thành niên tự cân chỉnh hành vi của mình trước khi để xảy ra điều đáng tiếc. Ảnh minh họa: Thiên Chương


Từ những ca đến khám, ở góc độ xã hội, bác sĩ nhận thấy ngoài việc bố mẹ kém quan tâm dẫn đến con cái có quan hệ khác giới, thậm chí có thai nhiều tháng mà không biết, thì phần lớn là do các em quá chủ quan dẫn đến quan hệ tình dục khá dễ dãi. Nhiều thiếu nữ trót mang thai cho biết mình không phải là trường hợp duy nhất trong nhóm bạn có bạn trai và lẫn lén lút quan hệ tình dục.


“Mấy đứa bạn con cũng vậy, nhiều đứa còn có bồ từ lớp 8 lớp 9, đi chơi với lớp rồi rủ nhau đi xem phim hay hẹn hò riêng là chuyện thường. Lúc đó con cũng sợ lắm nhưng nghĩ quan hệ trong mấy ngày mới có kinh nguyệt xong thì không sao, nên liều”, một trong những bệnh nhân tâm sự. Số khác lại cho rằng nếu trót có thai thì uống thuốc vào là xong.


“Đây rõ ràng là quan niệm sai lầm và thiếu hiểu biết. Các em không biết rằng cảm xúc mạnh và việc thất thường của thai kỳ vẫn có thể làm thay đổi thời gian rụng trứng. Thêm nữa, việc tránh thai bằng thuốc hoặc phá thai bằng phương pháp nội khoa nhiều lần vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau”, bác sĩ Yên nói.


Không chỉ ở Bệnh viện Từ Dũ, tình hình nạo phá thai vị thành niên vẫn diễn ra tại các bệnh viện ở TP HCM và nhiều nhất là các bệnh viện có khoa sản. Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trong năm 2013, chỉ tính theo các số liệu từ cơ sở y tế công lập, đã có khoảng hơn 2.800 trường hợp nạo phá thai từ 15 đến 19 tuổi.


Nhận xét về thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho rằng không thể ngăn cản hoàn toàn tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, bởi xu thế xã hội ngày càng phát triển. Vấn đề ở công tác tuyên truyền giáo dục mang tính dự phòng.


“Cần phải nâng cao trình độ giáo dục giới tính để các em tự trang bị và quyết định hành vi của mình nhằm tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Đây là chuyện dài hơi. Hiện chúng ta đã nhắc đến giáo dục giới tính nhưng vẫn chưa mạnh mà một trong những rào cản lớn nhất của người Á Đông là không dám nói thẳng chuyện được cho là khó nói”, ông Thông nói.


Cũng theo vị giám đốc, vai trò của người lớn trong gia đình là hết sức quan trọng. “Cần tránh thái độ lên án, nên thông cảm chia sẻ để các em có thể tâm sự khi gặp chuyện nhạy cảm, nhất là lúc các bé không biết phải hỏi ai”, bác sĩ Thông khuyên.


Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, với những trường hợp thai quá to (trên 9 tuần tuổi) không thể truất bỏ nội khoa (dùng thuốc) nên phải chuyển cấp cứu để nạo hút bằng dụng cụ. Tuy nhiên cách làm này luôn dễ có biến chứng, nhất là khi cơ thể của thai phụ còn quá non trẻ. Ngoài biến chứng trong lúc thủ thuật, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến chức năng sinh sản; ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí rối loạn cách suy nghĩ về cuộc sống. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp tương lai của các thiếu nữ có thể bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi sau khi trót mang thai.


“Cháu còn đang phải đến trường, tương lai của nó còn ở phía trước. Dù đã được giải thích khả năng tai biến trong nạo hút có thể xảy ra do nó còn quá trẻ nhưng tôi  không còn cách nào khác”, mẹ của thai phụ 15 tuổi nói.


Nguồn tin: Thiên Chương (Vnexpress)





Những thai phụ tuổi 15

Không thể không ngỡ ngàng với "thần đồng" piano

Không thể không ngỡ ngàng với “thần đồng” piano




Không thể không ngỡ ngàng với "thần đồng" piano

Em bé đã được sinh ra như thế nào ?

Rất hay, bổ ích, phù hợp với kiến thức giáo dục.




Em bé đã được sinh ra như thế nào ?

Người đàn ông hạnh phúc

Cách đây khá lâu, có một gia đình thường thường bậc trung sống trong một ngôi nhà nhỏ tại Ohio. Buổi tối nọ, khi họ đang chuẩn bị ăn tối thì có tiếng gõ cửa. Người cha ra mở cửa.


Bên ngoài là một ông lão quần áo rách và mất cúc lung tung. Ông lão đang cầm cái giỏ đầy rau. Ông lão hỏi gia đình có muốn mua một ít rau không. Họ liền đồng ý bởi muốn ông lão nhanh chóng rời khỏi nhà họ. Nhưng cùng với thời gian, gia đình nọ và ông lão trở thành bè bạn. Hằng tuần, ông lão mang rau đến cho gia đình. Dần dần họ nhận ra rằng ông lão bị đục thủy tinh thể và gần như đã mù. Nhưng vì ông lão quá thân thiện nên họ đón tiếp ông rất niềm nở và luôn mong chờ những lần ông đến.


man


Một ngày, khi đến đưa rau, ông lão khoe với gia đình:


- Hôm qua là một ngày tuyệt vời đối với tôi. Tôi đã nhận được một giỏ quần áo ngay trước cửa nhà. Có lẽ ai đó đã để lại đó cho tôi.


Gia đình nọ biết rằng ông lão cần quần áo nên nói:


- Thật tuyệt vời làm sao! Mừng cho ông.


Ông lão cười vui vẻ và nói:


- Nhưng điều tuyệt vời nhất là tôi đã tìm được một gia đình thực sự cần quần áo. Và tôi đã đem đến cho họ.


Ông lão rất nghèo, ông sống cuộc sống thiếu thốn và cơ cực. Nhưng ông vẫn sẵn sàng chia sẻ thứ tài sản ít ỏi mà mình có được cho người kém may mắn hơn. Đó là điều thật đáng quý và nó mang lại cho ông niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.


Theo Phạm Huệ Linh/HNM (KTT Bộ Tư lệnh Công binh)/ Dịch từ “The Man who had the plenty”



Người đàn ông hạnh phúc

Tuesday, July 29, 2014

Ông bố 9x cùng vợ 'vượt cạn'

1h sáng, mưa xối xả, Tú run rẩy đưa con gái vừa chào đời đã tím tái ra xe cấp cứu, trong đầu vẫn vang tiếng máy báo nhịp tim vợ đang sốc phản vệ trên bàn đẻ…


Đến giờ ông bố trẻ Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại giây phút kinh hoàng nhất trong đời mình, đêm 15/7 vợ đẻ. Tú kể, tối đó anh đưa vợ vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sinh. Bác sĩ khám và xác định Ngọc đã mở cổ tử cung 3 phân, sức khỏe tốt nên chỉ định đẻ thường. 22h đêm Tú bảo người nhà về nghỉ vì bác sĩ chẩn đoán khoảng 3h sáng Ngọc mới sinh.


Những hình ảnh chân thực về ca sinh nở do một ông bố tự tay chụp lại. Những hình ảnh chân thực về ca sinh nở do một ông bố tự tay chụp lại.


23h30 đêm, Ngọc được tiêm mũi gây tê màng cứng (theo kỹ thuật đẻ không đau). Tú chờ bên ngoài phòng đẻ, bỗng thấy các y tá bác sĩ hốt hoảng chạy từ trong ra rồi người từ các khoa khác rầm rập đổ về khuân theo máy móc, dụng cụ y tế. Nhân viên y tế thông báo với Tú là vợ bị sốc phản vệ với thuốc gây tê màng cứng và đã lập tức suy tim, trụy thai, tim ngừng đập, các y bác sĩ phải mang thiết bị y tế từ phòng mổ xuống để mổ cấp cứu tại bàn đẻ. Ngọc hôn mê sâu và có thể tử vong tại chỗ.


Anh Tú lặng người, chờ đợi… 23h59, bác sĩ thông báo đã cứu được em bé nặng 3,2 kg nhưng con bị suy hô hấp nặng do đẻ ngạt, phải đặt ống nội khí quản ngay. “Giây phút ấy tôi hầu như không nghĩ được gì hết, cả người run lên, tay chân bủn rủn. Bao ngày tháng chuẩn bị, mong ngóng giây phút con chào đời, chưa bao giờ nghĩ có chuyện kinh hoàng như vậy lại có thể xảy đến”, ông bố trẻ chia sẻ sau giây phút khủng khiếp này vài tiếng đồng hồ.


Ông bố sinh năm 1991 cố gắng giữ bình tĩnh và quyết định xin cho con sang Viện Nhi trung ương. “Lúc đó là 1h sáng. Trời mưa tầm tã. Vợ vẫn trong tình trạng thập tử nhất sinh, con thì tím tái, liên tục phải hỗ trợ bóp bóng oxy. Trong lòng tôi ngổn ngang, sợ hãi đến cùng cực”, Tú nhớ lại.


Sang Viện Nhi trung ương, bé Cìu Bông được các bác sĩ áp dụng liệu pháp làm mát não để ngăn chặn phần nào tổn thương não do ngạt. Tú lập tức quay về Bệnh viện phụ sản và biết tin vợ đã bước đầu thoát nguy hiểm nhưng vẫn phải điều trị tích cực tại phòng hồi sức cấp cứu.


“Không biết phải diễn tả sao nữa về những cảm giác trải qua trong vòng mấy tiếng đồng hồ ấy, tất cả ngấm sâu vào não và cứ liên tục quay lộn tùng phèo trong đầu, tiếng hò hét, tiếng người chạy rầm rập ở hành lang, tiếng máy móc kêu lẫn lộn hết tít ngắn rồi đến tít dài. Cứ khi nào máy tít dài tim em nó nghẹt lại, cứ đứng ở cửa phòng khóc đến tê dại cả người, khủng khiếp và nặng nề”, ông bố trẻ chia sẻ trên một diễn đàn.


Suốt mấy ngày sau đó, Tú chạy đi chạy lại như con thoi giữa hai viện sản – nhi để theo dõi, chăm nom cho vợ và con. Ngoài lúc được vào thăm vợ thì anh vạ vật đợi tin con, ngày 8 lần đưa sữa vào cho bé. Ông bố trẻ kể, mỗi ngày ở khu con nằm điều trị đều có 1-2 bạn phải xin về vì không thể cứu chữa được, khiến anh luôn sợ hãi, ám ảnh.


“Đêm con chuyển đến, có bạn cũng chuyển lên từ Nghệ An, sau 2 tiếng cấp cứu thì mất. Bố bạn ấy không khóc, chỉ ôm chặt con trong chăn đưa về. Có bé nằm điều trị một tháng 17 ngày cũng không qua khỏi. Bà nội lần giở trong túi chỉ còn vài nghìn đồng, phải giao hẹn taxi đưa về đến nhà sẽ vay tiền trả… Những cảnh đời ấy đập vào mắt làm mình càng xót xa, lo sợ nhưng nó cũng khiến mình thấy gia đình mình còn may mắn khi con vẫn còn cơ hội và xung quanh có biết bao người thân, bạn bè sẵn sàng trợ giúp”.


Anh cho biết, trong những ngày vợ con nằm viện, bạn bè, gia đình đã luôn động viên, giúp đỡ anh cả về vật chất và tinh thần. Cô em họ mới sinh sẵn sàng cho bé Cìu sữa, nhiều người bạn ngỏ ý cho mượn tiền rồi giới thiệu người thân, bạn bè đang làm trong bệnh viện để trợ giúp, thậm chí mang đồ ăn đến cho vợ anh, nhắn tin khích lệ tinh thần… Tất cả đều là nguồn động lực để ông bố trẻ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đời mình.




be-xiu-bong-8859-1406619073.jpg

Bé Cìu Bông thời điểm sau khi được cai máy thở. Ảnh: Facebook của bố Tú.


Hiện tại, vợ anh, chị Ngọc đã bình phục sức khỏe. Những ngày vợ mới tỉnh lại, Tú và cả gia đình không ai dám cho biết về tình hình của bé.


“Ngay khi vừa tỉnh dậy, Ngọc hỏi ‘con em đâu’, Tú ngồi cạnh cố kìm nước mắt bảo vợ ‘Em còn yếu nên con đang được bác sĩ chăm sóc’. Ngọc hỏi tiếp ‘Con khỏe không, con ăn được gì chưa, con có khóc không…’ làm cả nhà ai cũng muốn khóc nhưng phải cố kìm lại, sợ biết tình trạng con ngàn cân treo sợi tóc sẽ khiến nó sốc, ảnh hưởng tới sức khỏe”, chị gái Ngọc kể lại.


Mãi tới khi Ngọc xuất viện, được về nhà, Tú mới dám kể hết cho vợ nghe về tình trạng của con. Ngọc cũng rất sốc nhưng được chồng động viên nên lấy lại sức mạnh để tiếp tục chăm bé. Người mẹ trẻ cho biết chị không hề nhớ chút gì về những việc đã qua, kể cả chuyện tỉnh dậy và hỏi về con. Những ngày nằm trong khoa hồi sức cấp cứu, cứ đêm đến Ngọc chỉ nghĩ đến con, tủi thân trào nước mắt khi nghe tiếng những đứa trẻ khác khóc gần đó.


Xuất viện hôm trước, hôm sau Ngọc vào viện nhi nằm ghép với con để chăm bé. “Đêm đầu tiên đoàn tụ đó, hai vợ chồng vừa hạnh phúc vừa lo lắng, lóng ngóng. Con sau 10 ngày không khóc, bỗng cả đêm đó khóc vang như muốn làm nũng bù những ngày xa bố mẹ. Trộm vía giờ cháu đã có phản xạ ăn, giật mình, khóc… tốt. Bố mẹ cháu chỉ mong con mau khỏi viêm phổi để về nhà thôi”, người mẹ trẻ nở nụ cười hạnh phúc.




tungoc-5188-1406619073.jpg

Anh Tú và Bích Ngọc trên một cung đường phượt thủa yêu đương. Ảnh: Facebook bố Tú.


Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, những trẻ bị ngạt khi sinh như bé Nguyễn Linh Anh (Cìu Bông) thường có tiên lượng xấu. Cháu nhập viện trong tình trạng rất nặng, phải liên tục hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng. Sau khi nhập viện Nhi, bé được sử dụng phương pháp làm mát não trong 72 giờ, sau đó làm ấm trở lại và thở máy hoàn toàn kết hợp với hỗ trợ dinh dưỡng, thuốc men. Bé được cai máy thở 6 ngày sau, hiện tỉnh táo, phản xạ khá, không có cơn co giật, tình trạng tương đối ổn định. Bé đang điều trị viêm phổi và có diễn biến tích cực, có thể xuất viện vào vài ngày tới.


Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bé có tổn thương nhu mô não do thiếu oxy lúc sinh. Theo bác sĩ, những trẻ bị ngạt khi sinh dễ để lại di chứng trên não với tổn thương mức độ nặng nhẹ khác nhau như bại não, ảnh hưởng tinh thần, vận động, khả năng học hành… Bé cần được theo dõi sát sao suốt quá trình phát triển để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có thể tìm cách khắc phục.


“Nuôi một đứa con bình thường đã vất vả, chưa nói tới trẻ có tổn thương não. Tôi cũng xác định rồi, chắc chắn sẽ phải cùng con chiến đấu lâu dài. Dẫu sao, sự sống của cháu đã là một điều kỳ diệu. Còn từ nay, dù phải làm gấp đôi, gấp ba, bố mẹ cháu cũng sẽ cố gắng để dành cho con những điều tốt nhất. Con còn đỏ hỏn đã kiên cường như siêu nhân vậy, có cớ gì bố mẹ lại gục ngã được”, ông bố trẻ có nụ cười hiền Nguyễn Anh Tú bộc bạch.


Theo Vương Linh (Vnexpress)




Ông bố 9x cùng vợ 'vượt cạn'

Khi ước mơ đủ lớn...


Tôi thường nhìn con gái từ cửa sổ trong căn phòng bếp. Ngôi trường của con nằm ở bên kia đường và tôi đứng ở bếp, vừa rửa bát vừa nhìn lũ trẻ chơi trong giờ giải lao. Một biển học sinh và con bé nổi bật giữa chúng.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên mình xem con gái chơi bóng rổ, ngạc nhiên khi thấy bé chạy vòng tròn quanh những đứa trẻ khác, cố gắng lừa bóng qua các bạn để ném vào rổ. Cô bé luyện tập rất bền bỉ, đôi khi tới khi trời tối. Một ngày, tôi hỏi con tại sao luyện tập nhiều thế, cô bé nhìn thẳng vào mắt mẹ và trả lời không chút do dự: “Con muốn vào trường đại học. Bố đã không thể học đại học. Cách duy nhất để con vào đại học là phải có học bổng. Con thích bóng rổ. Con quyết định sẽ chơi thật giỏi để giành học bổng”.


neu-uoc-mo-du-lon-copyMột ngày của năm học cuối cấp, tôi nhìn thấy con gái ngồi trên bãi cỏ, tay ôm đầu. Tôi nhẹ nhàng hỏi cô bé có chuyện gì. “Ồ, không có gì cả, con chỉ quá thấp thôi”. Huấn luyện viên nói rằng với chiều cao khiêm tốn, con gái tôi có thể không bao giờ được chơi ở những đội hàng đầu. Tôi hỏi con gái đã nói với bố về chuyện đó chưa, con tôi nói rằng bố bảo vị huấn luyện viên kia đã nhầm, họ không hiểu được sức mạnh của ước mơ. Nếu con thực sự muốn vào đại học thì không gì có thể cản được điều đó, trừ một điều, đó là thái độ sống của mình. Nếu ước mơ đủ lớn thì đừng bao giờ lùi bước trước khó khăn trong đời thực. Và, sau đó, con gái tôi vẫn nỗ lực luyện tập hết sức mình.

Năm sau đó, khi cùng với đội của mình tham dự giải vô địch Bắc California, con tôi được nhà tuyển dụng trao cho suất học bổng toàn phần trong đội bóng rổ nữ. Cô bé nhận, biết đã được vào trường đại học mà mình mơ ước.


Một đêm, khi con tôi học năm cuối đại học, chồng tôi gọi điện. “Bố ốm, con thân yêu. Bố bị ung thư. Không, con đừng rời trường. Mọi thứ sẽ ổn. Bố yêu con!”.


Cô bé đã về nhà, an ủi tôi và chăm sóc cha. Một đêm muộn, trong những giờ phút cuối cùng, chồng tôi cầm tay con gái và nói: “Rachel, hãy tiếp tục ước mơ. Đừng để ước mơ của con chết cùng bố. Hứa với bố đi!”. Và trong giờ phút quý giá cuối cùng ở bên bố, cô bé trả lời: “Con hứa, thưa bố”.


Những năm sau đó thật khó khăn với cô bé. Con gái tôi bị giằng xé giữa gia đình và ước mơ. Tôi phải nuôi bốn đứa trẻ, mọi thứ trở nên rất khó khăn. Để hỗ trợ mẹ, con bé vừa đi học, vừa làm phục vụ cho một quán cà phê vào buổi tối. Mỗi lần cô bé chuẩn bị đầu hàng, cô lại nhớ đến lời cha mình. “Rachel, hãy tiếp tục ước mơ… “, và tất nhiên, cô bé làm theo lời bố dặn.


Con gái tôi đã giữ lời hứa, tốt nghiệp đại học. Mất 6 năm, tức là chậm hơn 2 năm so với bạn cùng trang lứa nhưng cô bé đã thành công. Cháu là tấm gương, là niềm an ủi lớn giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống.




Phạm Đức Thịnh (114 Cầu Trì)-  Dịch từ “If the dream is big enough, the facts don’t count”

Nguồn: HNM


Khi ước mơ đủ lớn...

Monday, July 28, 2014

Vụ trẻ tự kỷ bị bạo hành: Nhiều giáo viên không có bằng cấp

Là trung tâm nuôi và dạy trẻ chuyên biệt, song phần lớn giáo viên ở Anh Vương không có bằng cấp và nghiệp vụ về nuôi dạy trẻ tự kỷ. 


Ngày 23/7, Phòng Giáo dục quận Tân Bình, TP HCM, đã kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý trung tâm Anh Vương (phường 15, quận Tân Bình) về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Những trẻ tự kỷ bị nhân viên ở đây bạo hành đã được kiểm tra sức khỏe để làm cơ sở xử lý các hành vi sai phạm cá nhân liên quan.


Trong số trẻ được nuôi dạy tại trung tâm Anh Vương có một em là con của chủ cơ sở, 12 em ở TP HCM và 14 trẻ còn lại đến từ các tỉnh Bình Thuận, Sóc Trăng, Long An… Hiện toàn bộ các em đã được cơ quan chức năng giao lại cho gia đình.


Ông nội của bé Kỳ Nam - một trong những bé bị bạo hành đến nhận hồ sơ và đồ dùng để chuyển cháu qua trung tâm khác. Ảnh: Nguyễn Loan. Ông nội của bé Kỳ Nam – một trong những bé bị bạo hành đến nhận hồ sơ và đồ dùng để chuyển cháu qua trung tâm khác. Ảnh: Nguyễn Loan.


Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Tân Bình cho biết, trung tâm Anh Vương có 10 người tham gia giảng dạy và chăm sóc trẻ nhưng chỉ 3 người có bằng tốt nghiệp chuyên về giáo dục đặc biệt. Số còn lại đều không có bằng cấp, hoặc là làm trái ngành nghề đã học. Trong khi đó, với trẻ chuyên biệt, để nuôi dạy, ngoài việc có bằng cấp giáo viên phải có giáo trình và nghiệp vụ riêng.


“Sau vụ việc này chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Giáo dục ban hành quy chế hỗ trợ giám sát kiểm tra giữa Sở – Phòng và các cơ quan chức năng để có thể quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động nuôi dạy trẻ ngoài trường công lập”, ông Huy nói và cho biết quận Tân Bình đã chỉ đạo kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập khác trên địa bàn.


Trung tâm Anh Vương được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép hoạt động từ tháng 10/2009, do ông Chu Văn Việt làm chủ với chức năng nuôi dạy trẻ chuyên biệt. Quá trình hoạt động từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2011, trường đã vi phạm nhiều quy tắc như không có hiệu trưởng điều hành quản lý chuyên môn; không đảm bảo đủ giáo viên và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn.


Chủ trường tự ngưng hoạt động tại địa điểm được cấp phép và chuyển đến địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; không đăng lao động cũng như chưa ký kết hợp đồng với người lao động; bảo mẫu nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ…


Sau nhiều lần kiểm tra, Quận đã đình chỉ và tước giấy phép hoạt động của Anh Vương. Chủ cơ sở này đã liên hệ với Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM để xin giấy phép hoạt động với chức năng là nuôi dưỡng người già. Tuy nhiên, trên thực tế Anh Vương tiếp tục nhận giữ và dạy trẻ tự kỷ.


Là một trong những bé bị bạo hành, Phạm Kỳ Nam đã được ông nội chuyển sang trung tâm khác học. Sáng nay, ông nội Nam tới Anh Vương nhận hồ sơ và các vật dụng cá nhân của cháu. Ông cho biết, bố mẹ Nam chia tay từ khi cậu bé còn nhỏ. Nhận cháu về nuôi một thời gian, ông phát hiện dấu hiệu bất thường nên đưa Nam đến Bệnh viện Nhi đồng khám. Bác sĩ cho biết Nam bị tự kỷ tăng động khiến ông rất buồn và càng thương cháu hơn. Sau một thời gian dài tìm kiếm, ông quyết định đưa cháu vào gửi tại trung tâm Anh Vương từ 3 năm nay với mức học phí 8 triệu đồng/tháng.


“Chúng tôi chỉ mong tìm cho cháu một chỗ học để cải thiện tình hình, không ngờ nó lại bị giáo viên ở đây đánh đập”, ông nội Nam chua xót nói.


Việc bạo hành trẻ của Trung tâm Anh Vương bị phát giác khi nhiều giáo viên, bảo mẫu dùng khúc gỗ, tay, móc sắt… đánh học sinh. Một người khác cho học sinh ăn nhưng em này chống cự nên dùng hai tay kẹp chặt để đồng nghiệp liên tục đút thức ăn. Nhiều sợi bún lọt lên mũi khiến em bị sặc.


Cũng tại phòng học này nhưng ở thời điểm khác, một giáo viên vừa giơ muỗng cơm lên vừa dùng tay tát, đè cổ đứa bé xuống để ép ăn. Thậm chí, có giáo viên vừa cười vừa dùng tay bóp bộ phận sinh dục của một bé khác mặc cho em này kêu khóc.


Công an quận Tân Bình đang điều tra dấu hiệu tội Hành hạ người khác của các bảo mẫu đánh đập các cháu bé.


Theo Nguyễn Loan (Vnexpress)




Vụ trẻ tự kỷ bị bạo hành: Nhiều giáo viên không có bằng cấp

Công bố ba phương án đề xuất cho kỳ thi quốc gia 2015


Sáng nay (29-7), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học tới. Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia để trưng cầu ý kiến.

Kì thi quốc gia sẽ tổ chức như thế nào? Liệu có thể thực hiện ngay vào năm 2015 hay không là nội dung thu hút sự quan tâm nhiều nhất.




Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố ba phương án đề xuất cho kỳ thi Quốc gia 2015 - Ảnh: Nguyễn Khánh Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố ba phương án đề xuất cho kỳ thi Quốc gia 2015 – Ảnh: Nguyễn Khánh




Với tính chất quan trọng của nội dung hội nghị nên Bộ GD-ĐT triệu tập đại diện của các sở GD-ĐT trên cả nước họp tập trung tại Hà Nội, không họp trực tuyến như mọi năm. Tới dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện nhiều bộ, ban ngành.

Phương án tổ chức kì thi quốc gia sẽ được thảo luận nhằm hướng tới sự thống nhất về quan điểm, thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý trong ngành GD-ĐT, là điểm đột phá trong lộ trình thực hiện nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bước đầu nhằm thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá ở bậc phổ thông.


Điểm chung của các phương án do Bộ GD-ĐT công bố là kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện ngay vào năm 2015. Kỳ thi này sẽ nhằm hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ và các trường nghề.


Với kỳ thi quốc gia này, việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.


Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi) sẽ khép lại.


Việc tuyển sinh sẽ giao chủ động cho các trường ĐH-CĐ. Hoặc các trường sẽ căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, hoặc sẽ vừa căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa tổ chức thêm các hình thức kiểm tra, xét tuyển khác. Tuy nhiên, không bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia mà có thể có đề án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng theo yêu cầu và đặc thù đào tạo.


Điểm đổi mới quan trọng của cả ba phương án trên là môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc nằm trong số các môn thi tốt thiểu để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ.


Tuy nhiên theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trước mắt, những học sinh, nhà trường chưa đủ điều kiện về dạy học ngoại ngữ thì không bắt buộc phải thi môn nọoại ngữ và cũng không phải thi môn thay thế môn nọoại ngữ như đã quy định ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.


Với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cho hai mục đích, Bộ GD-ĐT dự kiến các trường ĐH-CĐ sẽ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương triển khai các khâu coi thi, chấm thi. Mỗi tỉnh, thành có thể có một số cụm thi tập trung. Các điểm thi là trường THPT và trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập cụm thi quốc gia.


Ba phương án được Bộ GD-ĐT công bố chỉ có những điểm khác biệt ở quy định hình thức thi.


Phương án 1, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ vẫn thi theo môn học truyền thống với 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại. Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến các năm sau năm 2015 sẽ có thể bổ sung thêm các môn thi như giáo dục công dân, công nghệ, tin học và môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc.


Đề thi theo phương án 1 đảm bảo yêu cầu hầu hết thí sinh đáp ứng được các nội dung mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để tốt nghiệp THPT. Còn học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên mới đáp ứng được yêu cầu các nội dung ở mức độ vận dụng cao để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.


Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).


Phương án 2, sẽ tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các bài thi gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn lịch sử, địa lý).


Các năm sau năm 2015, nếu chọn phương án “thi theo bài” này, Bộ GD-ĐT cũng sẽ bổ sung kiến thức của các môn giáo dục công dân, công nghệ, tin học vào các bài thi và chuyển dần từ việc ra câu hỏi độc lập của mỗi môn thi bằng câu hỏi có tính tích hợp kiến thức liên môn. Với phương án này, thí sinh sẽ phải bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp THPT gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài tự chọn trong số bài thi tự nhiên hoặc xã hội


Phương án 3 sẽ có 4 bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT gồm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ, ngoại ngữ. Các bài thi sẽ gồm bài thi toán-tin ( gồm môn toán và môn tin), bài thi khoa học xã hội ( gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ) và bài thi ngoại ngữ.


Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án 3 gọn nhẹ hơn (thi trong 4 buổi, với 2 ngày). Nhưng có khó khăn cơ bản là giáo viên và học sinh chưa kịp chuẩn bị đón nhận cách thức thi nên có thể gây lo lắng. Nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì cần phải nỗ lực rất lớn để chuẩn bị ở tất cả các khâu, trong đó quan trọng nhất là khâu ra đề, chấm thi. Việc ra đề thi tổng hợp nhiều môn học, lại sử dụng cho mục đích công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nên khó khăn hơn. Khâu chấm thi cũng phức tạp hơn khi phải có nhiều giáo viên các môn học khác nhau cùng chấm các bài thi tổng hợp liên môn.




Theo VĨNH HÀ – NGỌC HÀ (Tuổi trẻ)


Công bố ba phương án đề xuất cho kỳ thi quốc gia 2015

Bài học làm bố mẹ tốt: Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé

Bố/mẹ đơn thân phải lo tài chính, vừa làm bố vừa làm mẹ, trong đầu luôn suy nghĩ liệu mình đã bù đắp đủ cho con hay chưa. 


Các ông bố, bà mẹ đơn thân thường không biết phải nói gì khi con hỏi về bố/mẹ mình. Họ không dám nói vì sợ nói dối sau này con lớn hiểu chuyện lại trách móc nên tốt nhất là nói dần sự thật theo độ tuổi của bé.


Hãy nói rõ cho các cô giáo của con biết bạn muốn các cô nói gì về gia đình mình khi bé hay các bạn của bé hỏi, vì trong chương trình học có những bài học về gia đình. Các thầy, cô giáo cũng cần có thái độ đúng với những em bé trong các gia đình bố, mẹ đơn thân, không thương hại, cũng không chiều chuộng vì nghĩ làm như thế để bù đắp cho bé. Những em bé đó càng phải tự lập để sau này không thấy thương hại chính mình hay đổ lỗi cho người khác vì hoàn cảnh của mình khi so sánh với các bạn, và để bé luôn có thể tự đứng trên đôi chân của mình.


Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé và bố mẹ là người chịu trách nhiệm về thế giới quan của con. (Ảnh: Đan Toàn) Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé và bố mẹ là người chịu trách nhiệm về thế giới quan của con. (Ảnh: Đan Toàn)


Các ông bố, bà mẹ đơn thân phải được tôn trọng, vì trong khi hai bố mẹ chăm một đứa con đã mệt, vất vả, tốn kém thì họ làm gấp đôi số lượng công việc hàng ngày. Họ lo tài chính, vừa làm bố vừa làm mẹ, trong đầu luôn suy nghĩ liệu mình đã bù đắp đủ cho con hay chưa.


Người lớn hãy nói cho trẻ biết, trên thế giới có rất nhiều mẫu gia đình: Gia đình có hai mẹ, gia đình có hai bố, gia đình có bố và mẹ, gia đình chỉ có bố, gia đình chỉ có mẹ. Mẫu gia đình nào không quan trọng, điều quan trọng là gia đình đó có thực sự hạnh phúc hay không. Người lớn cần tôn trọng lựa chọn của người khác để làm gương cho trẻ, vì nếu người lớn không làm được đương nhiên trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng đó và phán xét những người không giống mình.


Ở lớp học mầm non, có em bé nói về gia đình mình rất tự hào. Có em bé khóc khi kể về gia đình không hạnh phúc, có những bạn không thể tập trung khi đến lớp, ngáp suốt ngày vì mệt mỏi chuyện gia đình, đánh bạn để giải tỏa căng thẳng… Thế nên điều quan trọng không phải gia đình đó có đủ cả bố và mẹ hay không mà điều quan trọng là trẻ có hạnh phúc và yêu quý gia đình mình, có muốn về nhà sau giờ học không. Bố mẹ có làm đúng vai trò bố và mẹ với con không? Gia đình là tổ ấm hay tổ lạnh?


Có gia đình nhiều người lớn xung quanh quá, ông, bà, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác… ai cũng đòi làm “sếp” của trẻ. Trẻ vừa làm sai một cái gì đó thì ngay lập tức ba bốn giọng nói cất lên sửa sai, nhắc nhở, rèn lại bé cho đúng thì còn tệ hại hơn là ở những gia đình đơn thân nhưng bố, mẹ có kiến thức, biết nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần.


Trách nhiệm thôi chưa đủ. Trẻ cần được yêu thương để cảm thấy an toàn. Yêu thương chỉ có thể được cảm thấy khi cả hai bố mẹ hạnh phúc với nhau. Bạn vui thì mới làm người khác vui được, chứ đang buồn làm sao giả vờ vui trước mặt con, chưa kể nhiều người cáu bạn đời của mình rồi lôi con ra làm nơi trút giận.


Thường thì mọi người có con mới nghĩ đến việc làm thế nào để trở thành ông bố bà mẹ tốt. Có những yếu tố quyết định bạn có là ông bố bà mẹ tốt hay không được hình thành từ rất lâu trước khi bạn lập gia đình. Bạn chỉ có thể trở thành bố mẹ tốt khi bạn thực sự tốt với chính bản thân, hạnh phúc với mình và không phụ thuộc vào người khác để có thể hạnh phúc, hay bắt người khác chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình. Nếu bản thân bạn không làm cho mình hạnh phúc làm sao bạn biết tạo ra được một gia đình hạnh phúc?


Bạn chỉ có thể là ông bố và bà mẹ tốt khi lấy người bạn thực sự yêu, vì chỉ những ông bố bà mẹ yêu thương nhau mới có thể nuôi dưỡng được những em bé vui vẻ trong gia đình mình. Bạn chỉ có thể là ông bố bà mẹ tốt khi bạn có kiến thức, vì nếu không có kiến thức làm sao nuôi con một cách khoa học cho đỡ vất vả. Con có phát triển tốt, vui vẻ, khỏe mạnh, thông minh… hay không là do bố mẹ có tạo ra môi trường kích thích sự phát triển cho bé hay không. Thế nên chính bạn phải tích lũy vốn kiến thức cần thiết để sau này bé hỏi “Cái gì đây?” hay “Tại sao lại thế?” bạn có thể trả lời tất cả những câu hỏi đó. Có kiến thức bạn mới có thể mang kiến thức đến cho con.


Với những bạn trẻ chưa có gia đình, hãy hành động có trách nhiệm với mình, với người yêu của mình, với gia đình mình và xã hội. Nếu bạn chưa sẵn sàng về kinh tế, kiến thức, tâm lý để làm bố, mẹ hãy đừng bao giờ đặt mình vào vị trí đó. Sinh ra một em bé rất đơn giản, nhưng nuôi dưỡng một em bé vui vẻ, nên người là một sứ mệnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy có trách nhiệm với những đứa con bạn muốn có trong tương lai ngay từ khi bạn nghĩ sau này bạn muốn có con vì chính bạn là người thầy đầu tiên của con, là “đồ dùng học tập” của con, là hiện thân các bài học kỹ năng sống đầu tiên của con.


Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé và bố mẹ là người chịu trách nhiệm về thế giới quan của con.


Lê Mai Hương -Giáo viên Montessori


Nguồn: Vnexpress




Bài học làm bố mẹ tốt: Gia đình là thế giới thu nhỏ đầu tiên của bé

Hé lộ phương pháp điều trị cho trẻ tự kỷ

Âm ngữ trị liệu là phương pháp trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ và đang đạt được hiệu quả nhất định trong quá trình điều trị cho trẻ tự kỷ. Phương pháp này cho phép bệnh nhân ổn định về tâm lý và phát triển bình thường về tư duy.


Trong lúc đưa người nhà đến khám bệnh tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, tôi tình cờ gặp cháu Nguyễn Thế Anh, 5 tuổi (Ba Đình – Hà Nội) đang cố sức thoát ra khỏi vòng tay của mẹ để chạy loanh quanh khắp bệnh viện và luôn nhổ nước bọt vào người khác. Những biểu hiện lạ đó được chị Thanh (mẹ cháu Thế Anh) lý giải: “Thế Anh bị mắc chứng bệnh tự kỷ khá nặng, thường biểu hiện qua những hành động không thể kiểm soát như liên tục cởi quần áo quăng lung tung, chạy vào toa lét vục nước trong bồn cầu, nhổ nước bọt tung tóe và hay xé giấy. Gia đình thực sự đã phải “bó tay” trước thảm cảnh này và đang hy vọng các y, bác sĩ chữa trị”.



Âm ngữ trị liệu đang là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân là trẻ tự kỷ. Âm ngữ trị liệu đang là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân là trẻ tự kỷ. (ảnh: Hoàng Hà/Ngoisao.net)


Được biết, chị Thanh đã đưa cháu đến học tại một trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ nhưng hiệu quả không mấy khả quan. Cứ ở lớp thì Thế Anh tỏ ra khá nghe lời cô giáo nhưng về đến nhà thì tất cả lại đâu vào đấy. Hy vọng vào cánh cửa bệnh viện, chị Thanh đã tìm đến lớp điều trị Âm ngữ trị liệu, Bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung ương để chữa bệnh cho con và không ngờ rằng chỉ sau 3 ngày thực hiện điều trị theo lộ trình, Thế Anh đã có những tiến bộ rõ rệt về nhận thức và hành vi. “Sau khi cho cháu điều trị bằng Âm ngữ điều trị, đến nay cháu đã không còn những hành động cởi quần áo vô thức, nhổ nước bọt lung tung nữa mà còn có thể nhận biết được hành động để ra hiệu cho người thân làm theo ý cháu cần”. Chị Thanh cho hay.



Theo bác sĩ Hoàng Oanh, Khoa Âm ngữ trị liệu (Bệnh viện RHM Trung ương) cho biết: “Tự kỷ không phải là một căn bệnh nên không có thuốc chữa trị và rối loạn về ngôn ngữ là hiện tượng điển hình hay gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Hiện tại, để điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ phải dựa trên nhiều yếu tố và Âm ngữ trị liệu là phương pháp tối ưu nhất để có thể điều trị tốt chứng bệnh này”.


Lộ trình điều trị theo phương pháp Âm ngữ trị liệu khá phức tạp, mỗi trẻ sẽ phải trải qua một lộ trình khác nhau bởi với trẻ tự kỷ thì biểu hiện và mức độ bệnh hoàn toàn khác. Như trường hợp của cháu Thế Anh, bác sĩ Hoàng Oanh đã phải cất công soạn thảo một phác đồ bằng hình ảnh dựa trên sở thích của bé để thu hút bé tập trung chú ý.


Lý giải nguyên nhân trẻ tự kỷ hay có những hành động bất thường, bác sĩ Hoàng Oanh cho biết: “Do các trẻ liên tục có nhu cầu tìm kiếm cảm xúc nên mới có hành động khó kiểm soát như đã thấy. Vậy nên chỉ khi được hướng đến một hành động khác thuộc về sở thích mà bé đặc biệt quan tâm và được đáp ứng thì mới mong không còn bị rơi vào trạng thái buồn chán, bực bội …


Từ đó, những hành vi không kiểm soát được hành động sẽ không còn nữa. Và quả nhiên, biện pháp đã có tác dụng rõ rệt đếnThế Anh khi cháu tự biết nhặt ra hình chiếc dép và bật lên được thành tiếng để tỏ ý muốn đi ra ngoài hay bé nhặt hình chiếc bánh đưa cho mẹ để diễn đạt ý muốn ăn bánh…Những tiến bộ rõ rệt của cháu Thế Anh là một thành công của phương pháp Âm ngữ trị liệu mà khó có biện pháp điều trị nào đạt được kết quả khả quan nhanh đến thế”.


Hy vọng chữa trị cho trẻ tự kỷ


Thực tế, Âm ngữ trị liệu cũng đã được sử dụng trong điều trị cho trẻ tự kỷ ở nước ta từ lâu nhưng liệu pháp này lại không được đề cao và quan tâm đúng mực. Kéo theo lộ trình điều trị cho trẻ bị tự kỷ cũng bị đơn giản hóa và không hiệu quả. Chỉ khi, tổ chức Y tế của Úc làTrinh Foundition phối hợp với trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, trực tiếp đào tạo khoá học Âm ngữ trị liệu cho các y, bác sĩ của Việt Nam thì thuật ngữ Âm ngữ trị liệu mới được nhắc đến nhiều hơn. Hiện nay, cả nước đã có hai khóa bác sĩ được cử đi học chuyên về ngành Âm ngữ trị liệu nhưng sự thật thì phương pháp này vẫn chưa được biết đến nhiều trong khi bệnh tự kỷ ở trẻ thì ngày một gia tăng.


Cái được của phương pháp âm ngữ trị liệu là “đánh” trực diện vào vấn đề cốt yếu nhất khi trẻ tự kỷ thường bị rối loạn ngôn ngữ hay giao tiếp kém nhưng khả năng nhận biết về hình ảnh lại khá tốt. Âm ngữ trị liệu tận dụng tối đa những triệu chứng này để đưa đến những phác đồ điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp này lại không hề dễ dàng. Thực tế, Âm ngữ trị liệu can thiệp vào lộ trình điều trị ngôn ngữ cho trẻ. Tưởng tượng như khi ai muốn nói một điều gì đó mà lại bị nhét đầy rẻ vào miệng, buộc tay chân không làm được gì… thì sẽ thấy nó đúng như người bị tự kỷ. Vì thế chúng ta nên dạy cho bé các kỹ năng giao tiếp, tất nhiên không nhất thiết là bằng lời mà là những thứ tiền ngôn ngữ và bắt đầu từ ngôn ngữ không lời thì người bệnh như được cởi trói. Tất nhiên, để điều trị có hiệu quả thì nó là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì của cả bác sĩ và gia đình.


Tại lớp Âm ngữ trị liệu của Bệnh viện RHM Trung ương, một buổi bác sĩ Hoàng Oanh chỉ điều trị được cho một trẻ với một giáo trình điều trị riêng. “Rối loạn phổ tự kỷ ở mỗi trẻ là khác nhau, không tìm thấy một dấu hiệu chung nên sẽ rất lâu để liệu giá triệu chứng đó thuộc dạng nào. Thành thử, mỗi bác sĩ Âm ngữ trị liệu đều phải quan sát hành động cũng như biểu hiện của trẻ từng tý một để hiểu được điều mà các trẻ muốn biểu đạt”.


Cái hay của phương pháp Âm ngữ trị liệu nằm ở chỗ người quan trọng thực hiện lộ trình này cho các trẻ lại không ở các chuyên gia mà nhân tố quyết định lại chính gia đình các cháu. Nghĩa là, sau khi được điều trị theo quy trình tại các lớp luyện âm ngữ thì việc thực hành có hiệu quả hay không chủ yếu là từ gia đình tác động đến trẻ. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là trong khi chứng tự kỷ đang dần tăng lên như một căn bệnh của thời đại thì việc trang bị kiến thức về tự kỷ trong mỗi gia đình ở nước ta lại không hề có. Mặc dù, Âm ngữ trị liệu bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhưng tác dụng của phương pháp này cũng chưa được đánh giá đúng mực.


Theo bác sĩ Hoàng Oanh: “Tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng nhiều nhưng nhiều bậc phụ huynh lại né tránh. Thực sự, tự kỷ vẫn đang là một nỗi ác mộng đối với mỗi gia đình. Cũng chính từ việc không hiểu rõ về tự kỷ nên việc điều trị cũng gặp bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình với các bác sĩ, các chuyên gia”.


“Với trường hợp trẻ 8 tuổi mà không biết cách đi vệ sinh nên trẻ cứ đứng giữa nhà đái tự do hay đọc chữ cái vanh vách mà không hiểu gì… Nhưng khi tìm đến phương pháp Âm ngữ trị liệu, bác sĩ muốn khắc phục tình trạng đó trước thì phụ huynh của trẻ lại không đồng ý mà chỉ yêu cầu khắc phục về mặt tiếp thu kiến thức. Nhất quyết không nghe theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phụ huynh làm mình làm mẩy đưa con về và kết quả là bệnh ngày càng nặng, khi quay lại thì đã quá muộn”. Bác sĩ Hoàng Oanh dẫn chứng.


Vậy mới nói, phương pháp từ các y bác sĩ là một chuyện nhưng đã đến lúc cộng đồng cần phải nhìn nhận đúng đắn về chứng tự kỷ rằng, tự kỷ không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai nên để điều trị đạt hiệu quả cao thì điều đầu tiên là chính các bậc phụ huynh cần tin tưởng, kiên trì, quan sát kỹ và luyện tập với con từng ngày.

Tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Cha mẹ sẽ chẳng bao giờ dạy con mình ăn uống lành mạnh được nếu chính bạn không có thói quen đó.


Là cha mẹ, bạn cần khuyến khích con mình ăn những thực phẩm lành mạnh. Điều đó không chỉ giúp chúng có một sức khỏe tốt, mà còn có thái độ đúng đắn đối với thức ăn. Sau này khi làm cha mẹ, chúng cũng sẽ dạy cho con thói quen ăn uống lành mạnh như vậy.


Tuy nhiên, nhiều phụ huynh than rằng rất khó tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh. Hãy thử áp dụng những “mẹo” sau đây, bạn có thể dễ dàng giúp trẻ ăn uống có ích cho sức khỏe, thậm chí chúng không hề hay biết điều đó.


Bạn cần khuyến khích con mình ăn những thực phẩm lành mạnh. Bạn cần khuyến khích con mình ăn những thực phẩm lành mạnh.


1. Đừng thuyết giảng


Đa phần chúng ta đều ghét nghe mẹ thuyết giảng về những đứa trẻ chết đói trên thế giới và khoai tây chiên thì khủng khiếp thế nào. Trong lúc cố giải thích cho con về những nguy hại của thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói, bạn đừng cố ra vẻ như đang thuyết giảng. Điều đó hoàn toàn vô ích, bạn chỉ đang tạo cho trẻ cảm giác căng thẳng mỗi khi đến bữa ăn.


2. Làm gương cho con


Một trong những cách quan trọng nhất để giúp trẻ có thói quen ăn lành mạnh là cho trẻ thấy những tấm gương có thói quen ăn tốt. Bạn sẽ chẳng bao giờ khuyến khích con mình ăn uống lành mạnh nếu chính bạn không ăn thức ăn lành mạnh.


Hãy ăn chung với trẻ và cho chúng thấy rằng bạn thích thú khi ăn những thực phẩm lành mạnh, điều đó khuyến khích trẻ bắt chước và tạo thành thói quen. Nếu bạn không có thói quen ăn sáng thì đừng hỏi tại sao con bạn không muốn ăn vào buổi sáng. Nếu bạn ăn thực phẩm đóng gói như khoai tây chiên, kẹo, bánh quy, thì con trẻ cũng nghĩ rằng chúng có thể làm như thế.


3. Nấu ăn cùng nhau


Hãy cho bé có cơ hội cùng bạn chuẩn bị và chế biến thức ăn, chúng sẽ hiểu được cách làm nên những món ăn lành mạnh như thế nào. Đây là một cách tuyệt vời để bé thích thú với những món ăn ngon và bổ dưỡng. Nếu bé chưa thể làm được nhiều, bạn có thể yêu cầu thiên thần nhỏ phụ mình sắp xếp đồ ăn trên đĩa. Hãy để chúng tự do cho thêm những món ăn yêu thích vào món salad hoặc vài loại trái cây vào salad trái cây. Chắc chắn khi đó, trẻ sẽ thích thú với “tác phẩm” của mình.


4. Cho trẻ làm quen với những món ăn mới khi chúng đói


Rất khó để cho trẻ ăn những món mới. Một ngày nọ, khi bạn tập cho con ăn món salad bó xôi ngon tuyệt cùng cà rốt và dưa chuột, trẻ có thể quay ngoắt đi và thể hiện cảm giác khó chịu trên mặt. Vậy làm sao để trẻ thích ăn những món ăn mới lạ và ngon bổ này? Hãy đợi đến khi trẻ đói, và dọn những món ăn này lên, chắc chắn chúng sẽ ăn nó một cách ngon lành.


Cũng có thể tập cho trẻ ăn những món salad khác bằng cách nấu ăn cùng trẻ. Chắc chắn khi đó chúng sẽ thích nếm thử nhiều loại trái cây và rau. Nếu chúng không thích những món ăn mới, hãy thử lại vào những ngày khác hoặc thử trộn nhiều loại rau khác vào món ăn mà chúng thích, như món nước sốt mì ống chẳng hạn.


5. Cho trẻ dùng những món ăn nhẹ lành mạnh


Đa phần món ăn nhẹ bán sẵn trên thị trường chứa nhiều đường và muối không tốt cho trẻ. Tuy nhiên, bạn có thể cho trẻ ăn vài loại ăn nhẹ lành mạnh như phômai lát hay một vài loại trái cây có sẵn có lợi cho sức khỏe.


6. Cắt giảm đường


Trẻ con rất hảo ngọt nhưng ăn quá nhiều thực phẩm hay đồ uống nhiều đường có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe như béo phì, sâu răng. Bạn không thể ở bên con mình 24 giờ mỗi ngày, khi chúng ở trường có thể tiếp cận với những đồ ăn có đường, kể cả khi bạn đã chuẩn bị cho chúng những món ăn nhẹ lành mạnh.


Hãy chia sẻ cho con bạn biết về mối nguy hại của sâu răng hay béo phì với những tấm gương cụ thể khi thấy chúng ăn quá nhiều đồ ngọt. Quan trọng là bạn không tận tay đưa cho chúng những loại đồ ăn nhiều đường.


7. Tập cho trẻ có thói quen vận động thể dục


Nếu bạn đang cố hướng trẻ vào một lối sống lành mạnh, hãy tập thói quen luyện tập thể dục cho trẻ. Cha mẹ làm gương cho trẻ là chìa khóa để thành công về mục tiêu này. Tóm lại cả nhà hãy bắt đầu ăn thực phẩm lành mạnh và luyện tập thể dục thường xuyên cùng nhau.


Ngày nay, trẻ em là đối tượng dẫn đầu nhóm có lối sống ít vận động bởi chúng thường xuyên ngồi lì xem TV và chơi game. Hãy khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi và hoạt động ngoài trời bất kể khi nào có thể để các em tận hưởng một lối sống năng động mỗi ngày.


Theo Thi Trân (Vnexpress)




Tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Truyền hình thực tế cho trẻ em: Con dao hai lưỡi

Qua sóng truyền hình thực tế, nhiều thí sinh nhí có cơ hội bộc lộ tài năng. Nhưng sân chơi này cũng có thể là con dao hai lưỡi khi các em bị cuốn vào vòng xoáy showbiz.


Gần đây, một loạt phiên bản gameshow dành cho thiếu nhi ra đời trên sóng truyền hình trong nước. Đi tiên phong là The Voice Kids – Giọng hát Việt nhí, cuộc thi đã trải qua mùa đầu tiên và đang ở mùa giải thứ hai. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á mua bản quyền chương trình này từ phiên bản gốc của Hà Lan. Sau đó các cuộc thi khác xuất hiện như:Bước nhảy Hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh (phiên bản So you think you can dance dành cho thí sinh nhí). Ngoài ra, cuộc thi hát Đồ Rê Mí đã trải qua nhiều mùa giải. Chương trình Vietnam’s Got Talent cũng mở rộng cửa cho trẻ em.


Một tiết mục trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí. (ảnh sưu tầm internet) Một tiết mục trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí. (ảnh sưu tầm internet)


Sự xuất hiện của các trò chơi truyền hình có nhân vật chính là trẻ em đã thổi luồng gió mới vào các show thực tế vốn đang đứng trước nguy cơ bị bão hòa về độ hút khán giả. Điều này thể hiện sự nhanh nhạy về mặt thương mại của các nhà sản xuất. Bà Lưu Nga, nhà tài trợ chính đồng thời là người mang cuộc thi Kids Dancing của Singapore về Việt Nam với tên gọi Bước nhảy Hoàn vũ nhí, tin rằng những cuộc thi như thế này sẽ thu hút nhiều đối tượng khán giả. Không chỉ chính các em nhỏ trở thành người xem tiềm năng của nhà đài, mà các bậc phụ huynh cũng bị hấp dẫn bởi nội dung chương trình phù hợp với độ tuổi con, cháu họ.




phuong-my-chi-to-2407-1406595373.jpg
Ngọc Duy, Phương Mỹ Chi, Quang Anh – ba thí sinh thành công tại cuộc thi The Voice Kids 2013.

Các chương trình truyền hình thực tế của người lớn, nhất là ở lĩnh vực giải trí như khiêu vũ, âm nhạc… thường bị mang tiếng là sắp đặt quá nhiều. Trong cuộc thi, từ giám khảo, huấn luyện viên đến thí sinh thường là các gương mặt quen thuộc của showbiz. Mật độ xuất hiện dày đặc của họ cùng các scandal đi kèm trong quá trình tham gia cuộc thi, tạo cảm giác “có sẵn kịch bản”. Ngược lại, với các chương trình của thiếu nhi, sự mới mẻ, tính cách hồn nhiên, trong sáng của các em là những điểm mạnh mang đến nét hấp dẫn riêng.


Ngoài ra, chính các sân chơi này là chỗ để các bé thể hiện tài năng, năng khiếu, mở ra cánh cửa dẫn các em đến với nhiều cơ hội trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để thầy cô, cha mẹ phát hiện sớm tố chất của con em mình; từ đó, có những định hướng đúng cho việc phát triển thiên hướng ở trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho các em đi theo con đường mình yêu thích.


Trong nhiều trường hợp, các sân chơi này còn là dịp để các em thay đổi hoàn toàn hoàn cảnh hiện tại, có cuộc sống mới chất lượng hơn. Câu chuyện về “chị Bảy” Phương Mỹ Chi của The Voice Kids mùa đầu tiên là minh chứng. Từ một cô học trò nhỏ có khả năng ca hát, ngày ngày đi học và phụ mẹ bán chè, sau cuộc thi truyền hình thực tế, Phương Mỹ Chi vụt sáng như “ngôi sao nhí”, môi trường sống và học tập cũng được thay đổi theo chiều hướng chất lượng cao hơn. Quán quân cuộc thi này là cậu bé Quang Anh cũng được “đổi đời”.




Thí sinh Trần Bảo Ngọc nhảy dancesport
Thí sinh 8 tuổi Trần Bảo Ngọc nhảy dancesport ở vòng Tuyển chọn Bước nhảy Hoàn vũ nhí mùa 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các chương trình thực tế dễ khiến các em rơi vào vòng xoáy của làng giải trí, hoặc bị cuốn vào áp lực, ảo tưởng của người lớn.


Khán giả của Vietnam’s Got Talent mùa 2012 vẫn chưa quên câu chuyện mẹ của thí sinh Quỳnh Anh phản đối ban giám khảo. Bà cho rằng con mình có tài năng hơn nhiều người nhưng lại bị loại. Vụ việc kéo theo nhiều ồn àokhác trong dư luận. Quỳnh Anh cũng bị gắn cho nhiều tên gọi như “nữ thần chém gió”, “quăng bom”, “thảm họa”… Những lời qua tiếng lại và hành xử của người lớn xoay quanh câu chuyện này dần lắng xuống, nhưng người chịu ảnh hưởng nhất chính là cô bé 15 tuổi với một ký ức không mấy đẹp trong lần đến với truyền hình thực tế. Sau The Voice Kids, Á quân Phương Mỹ Chi cùng gia đình em nhiều lần dính phải nhiều tai tiếng ngoài ý muốn: bị đồn hét giá cát-xê, chảnh, bỏ bê việc học…


Cuộc thi có thâm niên như Đồ Rê Mí (nay là Đồ Rê Mí Đôi) cũng từng vấp phải nhiều lời phàn nàn về việc các em nhỏ được người lớn chọn cho trang phục, kiểu tóc, trang điểm quá già dặn so với độ tuổi. Sự lèo lái của người lớn để các em vào đúng kịch bản của chương trình khiến cho người xem phản ứng. Năm 2012, ca sĩ Thái Thùy Linh, giám khảo của Đồ Rê Mí cũng phải viết “tâm thư” giãi bày chuyện: “… Thí sinh Sao Mai Điểm hẹn chúng tôi cách đây 8 năm cũng không vất vả bằng thí sinh Đồ Rê Mí bây giờ”.


Chưa kể, để tiết mục gây ấn tượng mạnh cho người xem, các em nhỏ không ngại thể hiện khả năng “trời cho” qua các phần trình diễn không hợp lứa tuổi. The Voice Kids có không ít thí sinh nhỏ tuổi nhưng chọn I will always love you hay các ca khúc người lớn để khoe giọng. Hay trong các cuộc thi nhảy gần đây, các bé cũng chứng tỏ kỹ thuật điêu luyện qua các động tác hình thể, lắc hông gợi cảm.


Khi sân chơi của trẻ nhỏ bị ám ảnh bởi áp lực tỏa sáng và giải thưởng, danh tiếng dành cho người lớn thì các em khó tránh khỏi bị đánh mất tuổi thơ.




Cô bé mồ côi Huyền Trân trong vòng tay yêu thương và tin tưởng của cô Cúc.
Cô bé mồ côi Huyền Trân trong vòng tay yêu thương và tin tưởng của cô Cúc. Huyền Trân là một trong những nhân tố gây xúc động ở The Voice Kids mùa thứ hai.

Nhận ra điều này, Đồ Rê Mí và hầu hết phiên bản truyền hình thực tế nhí về sau này đều cố gắng điều chỉnh để phù hợp với lứa tuổi của các em hơn. Tìm kiếm những tài năng, giúp các em được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được sự vui vẻ, trong sáng và không mang tính tranh giành quyết liệt như phiên bản người lớn là mục đích mà các nhà tổ chức đang hướng đến.


Đa phần phiên bản “nhí” đều diễn ra trong hè để các bé dễ dàng tham gia như một hoạt động ngoại khóa. The Voice Kids mùa thứ hai, để tránh những tổn thương tâm lý có thể xảy ra trong quá trình diễn ra cuộc thi, đãmời bác sĩ tâm lý  tư vấn tinh thần cho các em khi cần thiết.


Ca sĩ Lam Trường, huấn luyện viên của The Voice Kids mùa thứ hai, chia sẻ, điều đầu tiên anh trao đổi với các thí sinh nhỏ tuổi ở đội mình là: “… Các con không được xao nhãng việc học. Khi chú đi hát, chú đã học xong lớp 12 và học hết cao đẳng về âm nhạc và còn học song song lớp quản trị mạng”. Nam ca sĩ cũng cho rằng, ở các cuộc thi như thế này, nhiều khi, chính sự căng thẳng của người lớn mới khiến các em căng thẳng theo; từ đó, tạo ra những hành động, hoặc ứng xử không thích hợp với lứa tuổi các bé.


“Tất nhiên bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình đoạt giải cao khi đi thi. Hiểu điều này, tôi nói chuyện nhiều với các phụ huynh để họ hiểu rõ phải làm thế nào giữ sức cho con, cho các bé cân bằng giữa nghỉ ngơi, học tập. Còn chuyện thi thố phải để mọi thứ diễn ra tự nhiên với tâm lý thoải mái”, Lam Trường nói.


Thất Sơn




Truyền hình thực tế cho trẻ em: Con dao hai lưỡi

"Chặt chém" cười ra nước mắt tại The Voice Kids


Không chỉ dùng lời ngon ngọt để chiêu dụ thí sinh giỏi, các huấn luyện viên cũng không ngần ngại ra chiêu với nhau khi ngồi trên ghế nóng.


Nguồn: Zing News






"Chặt chém" cười ra nước mắt tại The Voice Kids

MC Đan Lê "lại đi đẻ thuê"

Con trai thứ hai của cựu BTV chương trình Dự báo thời tiết chào đời hồi đầu tháng 6/2014 và được đặt tên là Khải Nguyên.


Đan Lê hạ sinh quý tử thứ hai hôm 2/6. Mới đây, cô hạnh phúc chia sẻ những hình ảnh đầu tiên của con trai trên trang cá nhân. Mặc dù mới được gần 2 tháng tuổi, song quý tử nhà Đan Lê khá cứng cáp và lém lỉnh.


Cũng giống cậu anh cả Khải Minh, nhóc tỳ thứ hai được nhiều người nhận xét giống bố Khải Anh như đúc. Một số người còn trêu đùa Đan Lê “lại đi đẻ thuê”


danle4 Đan Lê âu yếm hôn con trai Khải Nguyên.



Kết hôn năm 2011, Khải Anh – Đan Lê nhanh chóng chào đón con trai đầu lòng Khải Minh. Đến nay, cậu nhóc này đã được hơn 3 tuổi và là một trong những nhóc tỳ đáng yêu nhất của làng giải trí Việt. Trải qua nhiều sóng gió để cùng nhau xây dựng tổ ấm, tình cảm của cặp đôi Khải Anh – Đan Lê khiến nhiều người ngưỡng mộ. Dù hiếm khi chia sẻ đời sống riêng trên truyền thông, song cặp đôi thường xuyên dành cho nhau những lời ngọt ngào trên trang cá nhân, cũng như đăng tải hình ảnh hạnh phúc của gia đình.


Nguồn: Zing News



MC Đan Lê "lại đi đẻ thuê"

Saturday, July 26, 2014

"Cậu bé thần đồng" Đỗ Nhật Nam trở thành Tổng biên tập tờ báo Đông Nam Á

Cậu bé Đỗ Nhật Nam đã chính thức trở thành Tổng biên tập của tờ Creative Melange – tờ báo tuổi teen nổi tiếng của Đông Nam Á.


Cái tên Đỗ Nhật Nam vốn không còn xa lạ đối với nhiều người Việt bởi những thành tích cực ấn tượng dù tuổi còn nhỏ. Lần này, cậu bé thần đồng tiếp tục lập thành tích ấn tượng khi trở thành Tổng biên tập của tờ Creative Melange, một tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á.


Đỗ Nhật Nam Đỗ Nhật Nam


Trong ngày 25/7, chị Phan Hồ Điệp, mẹ cậu bé cho hay, Nam đã trúng tuyển vị trí Tổng biên tập tờ Creative Melange, các thủ tục chính thức sẽ được công bố vào tháng 8 tới và tờ báo sẽ phát hành số đầu tiên do cậu bé làm TBT.


“Ban đầu Nam đọc được thông tin thông báo tuyển vị trí này của báo Hoa học trò. Yêu cầu của việc ứng tuyển là viết bài luận và gửi những tấm ảnh mình đã chụp.


Đề luận nêu ra là Viết về những điều làm nên bạn. Ở bài này, Nam đã viết mình như một vị đầu bếp và “nấu” món ăn tạo nên “mình” bao gồm những “nguyên liệu” như: yêu thương, hạnh phúc… Phần phóng sự ảnh, Nam gửi chùm ảnh mình chụp khi bắt gặp những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống như: một em bé đang sửa xe đạp, một bà cụ cười tươi bên gánh hàng rong của mình…”, chị Điệp chia sẻ


Nguồn: Tri thức trẻ



"Cậu bé thần đồng" Đỗ Nhật Nam trở thành Tổng biên tập tờ báo Đông Nam Á

"Chỉ số văn minh" của teen

Nhưng có vẻ như cái “ngày đẹp trời” ấy vẫn còn xa lắm khi chỉ số văn minh của một số teen vẫn còn đang ở tình trạng “cần xóa mù”.


Những cô gái vô tư


Phải xếp hàng thứ tự ở nơi công cộng đã trở thành chuyện “nói, nói nữa, nói mãi” đến mức phải “nói lại từ đầu”. Chưa cần phải “lội” đến những nơi như trong siêu thị, nhà sách chi cho tốn công, chỉ cần nhìn vào cái bãi giữ xe ở các trường THPT là đã đủ rõ ngọn ngành rồi.


Anhr minh hoaj (kenh14) Anhr minh hoaj (kenh14)


N.Nhân (lớp 11, trường N.C.T) thỉnh thoảng lại có dịp “uất hận” kể lại với bạn bè về cái lần mình bị “chà đạp” (đúng nghĩa đen) ngay tại bãi gửi xe của trường. Vừa mới thòng một chân trái xuống đất để trả tiền gửi xe, thì đã có một “nữ ninja” vù xe máy qua mặt, nhân tiện “chà” luôn hai cái bánh xe to càng lên trên cái bàn chân “vốn đã nhỏ, nay lại càng…nhỏ hơn” của Nhân, chỉ vì muốn đỗ xe được một chỗ tốt hơn. Chưa kể, nhìn cái bãi gửi xe xếp ngang, đỗ dọc như thế, giờ cao điểm, bạn nào muốn lấy xe ra cũng phải chịu khó ngồi “hút trà đá” đến cả tiếng là ít.


N.Minh (lớp 12, trường C.V.A) có một thói quen rất “trí thức”. Mỗi sáng Thứ bảy, Chủ nhật được nghỉ học, cô nàng lại “vác” cặp kính cận kéo lũ bạn đến các nhà sách, không quên thủ theo một cây viết, và hai ba tờ giấy trắng. Minh ngồi bệt xuống ngay quầy truyện tranh, say sưa đọc ké, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Hôm nào hứng chí quá thì dùng cây viết vẽ nguệch ngoạc vào quyển sách để… ghi chú. Có hôm, say sưa “nghiên cứu” thế nào mà Minh dựa hẳn vào kệ để sách, mồ hôi mồ kê nhễ nhại ướt cả chồng sách truyện, để rồi sau đó phải lấp liếm bằng cách tráo qua lại giữa các cuốn sách. Chẳng vậy mà gần như tất cả các nhà sách lớn nhỏ Minh đi qua đều để lại đằng sau những “cặp mắt hình viên đạn” của các anh chị nhân viên.


Nhưng có lẽ chưa ai có sở thích xả xì trét lạ kỳ như T.Hương (lớp 10A…, trường N.T.T). Mỗi lần “không thiết tha” với bài vở là mỗi lần các nhân viên trong siêu thị, nơi T.Hương đến lại một phen có dịp hùng hục làm việc. Chẳng là, Hương vô tư chất hàng đống bánh, kẹo, mì gói, đồ chơi, cho đến rượu, nước ngọt, nồi niêu xoong chảo…vào cái xe đẩy hàng kềnh càng dạo khắp một vòng siêu thị. Cho đến khi không thể chất nữa thì mới quay ngang, liếc dọc để tìm “bãi đáp” cho chiếc xe đẩy, rồi chuồn nhanh ra khỏi cửa. Báo hại các anh chị nhân viên vào cuối ngày phải đẩy xe lại từng gian hàng để xếp đồ lại vào chỗ cũ. Hương cần phải học nhiều lắm, mới có thể tăng chỉ số văn minh cá nhân lên tầm cao mới.


Những anh chàng phá phách


Nói là teen bận “trăm công nghìn việc” thì cũng thật đấy, nhưng đôi khi cũng rảnh đến… ngạc nhiên, vì vẫn còn khối thời gian để đi “góp vui” thiên hạ. Thấy thích thích: Phá. Thấy chướng tai gai mắt quá: Phá. Thấy mọi người phá mình cũng tham gia cho có tụ.


Đêm giao thừa năm rồi, Thế Khang (16 tuổi, Q.4) đã làm cho bà chị của mình suýt xỉu khi thấy cu cậu vác về một nhánh “lộc” to bằng bắp chân, dài tới 6-7m. Mấy bác nghệ nhân chăm sóc cây cảnh mà nhìn cái kiểu “hái” lộc kỳ quái này của Khang, chắc chỉ còn nước xỉu, tỉnh lại, xong rồi lại xỉu tiếp. Không chỉ Khang, mà rất nhiều bạn khác đã có kiểu hái lộc như thế, còn gì là thành phố?


Gần đây nhất là đợt chỉnh sửa dung nhan với “qui mô lớn” trên các poster của ca sĩ (dán khắp các cột điện). Kẻ không râu thì thành có râu, làn da láng mịn và sạch mụn thì đầy nhóc nốt ruồi, mái tóc óng mượt như vừa được duỗi thì biến thành một cái ổ mà… quạ cũng phải chê. Nhân vật chính của trong các tấm ảnh mà thấy “chân dung mùa hạ” của mình như thế thì chỉ có nước muốn… bỏ nghề.


Cách đây hai năm, những người sống gần sân vận động tỉnh T.G đã được một dịp xem “Gala cười” miễn phí khi trước sân vận động là một tấm băng rôn to đùng ghi “Giải vô địch quần vợt cấp tỉnh”, bị một “nhân” ưa phá phách nào đó đã lấy đi mất chữ T trong từ “quần vợt”. Rồi tấm biển “cấm (xe) ba gác máy” đã được “lịch sự” gỡ mất chữ Y… (!!!)


Dù sao, những kiểu “thiếu văn minh” còn chấp nhận phần nào ở một vài lí do củ chuối, nhưng “bây giờ người mắc bệnh “tiểu đường” ngày càng nhiều”(?!), đấy là kết luận của N.Hân (L.H.P) nói về hội chứng khoái “tường đè” của các bạn nam. Lời biện hộ “không tìm thấy toilet công cộng” chỉ là cái cớ khi mà lý do thật sự của các nhân này vẫn là “như vậy cho… tiện”.


Bạn sẽ nghĩ gì khi những hình ảnh xấu xí ấy cứ vô tư lọt vào mắt các khách du lịch ngoại quốc khi đến thăm Việt Nam? Đã có vô số các biện pháp đưa ra, từ nhu tới cương, thậm chí là xử phạt hành chính, nhưng mọi chuyện vẫn “nguyễn y vân”.


Từ tự trọng đến văn minh


Chúng ta cứ hay than phiền rằng, dân teen không được thoải mái khi đi shopping. Nhất là khi các mặt hàng luôn được để trong tủ kính hoặc có người canh giữ 24/24.


Chúng ta cũng cứ than phiền rằng tại sao đã lắp cái máy thu tiền cước tự động rồi mà vẫn phải bố trí hàng loạt người đứng canh như thế…Họ còn than phiền rằng các DS (Department Store) của mình không được như ở bên… Singapore, nơi mà hàng hoá được trưng bày rất nhiều và khách có thể cầm lên xem rất thoải mái. Nhưng thử nghĩ xem, nếu hàng hoá được bày la liệt và khách vào xem được thoải mái cầm, sờ mó ngắm nghía như thế, thì liệu món hàng đó có còn nguyên vẹn khi đến tay người thứ hai không?


Văn minh không chỉ là bấm tin nhắn nhanh hơn tốc độ nói, không chỉ là tay thì xách máy laptop, tai thì lủng lẳng cái Ipod đắt tiền. Văn minh còn thể hiện từ trong ý thức, hành động, lời nói của những bạn trẻ được xem là luôn update thông tin với vận tốc ánh sáng. Việt Nam liệu có thể văn minh hiện đại được chăng khi bên cạnh các hệ thống tàu điện ngầm, những trạm điện thoại xinh xắn dành cho tiền xu sẽ lại còn đầy ra đấy những buồng điện thoại công cộng như một bãi chiến trường, những nhà chờ xe buýt với vô số các loại rác không tên và có tên?


Bạn cư xử văn minh, đó là khi bạn cư xử tự trọng và phù hợp!


Nguồn: Huỳnh Mỹ ( Mực Tím)



"Chỉ số văn minh" của teen