Saturday, March 8, 2014

Mua danh ba vạn…

Hai ngày qua, một đoạn clip với hình ảnh những cảnh sát giao thông (CSGT) tại ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) thản nhiên “soi” ví, thản nhiên cầm tiền “dấm dúi” của người vi phạm đã gây xôn xao trong dư luận.


Nói đúng ra thì hình ảnh này cũng chẳng có gì mới mẻ vì câu chuyện “mãi lộ” vốn đã gây bức xúc từ khá lâu. Dư luận báo chí đã nói rất nhiều. Cũng đã có những cán bộ, chiến sỹ CSGT bị xử lý… Điều đáng nói hơn ở chỗ, dù với hình ảnh “hai năm rõ mười” nhưng trả lời báo chí, Thượng tá Trần Thanh Trà – Phó Trưởng phòng PC67, Công an TP Hồ Chí Minh – dường như lại không muốn thừa nhận sự thật. Trái lại còn đề nghị: Báo chí khi viết về CSGT nên tránh cách viết gây hiểu lầm, định kiến trong nhân dân… Và dĩ nhiên là chính các “đương sự” trong clip cũng chỉ thừa nhận một số vi phạm mang tính nghiệp vụ như không chào người vi phạm, không đeo bảng tên đúng quy định, không lập biên bản người vi phạm… Còn chuyện “soi” ví, cầm tiền thì hẳn nhiên họ chối biến.


Dân gian vẫn có câu thành ngữ ”Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Con người ta có khi phấn đấu cả đời vì một mục tiêu, lẽ sống, nhưng chỉ sơ sểnh một chút thôi là tất cả sẽ tan như bong bóng. Trong thực tế cuộc sống thì chẳng phải ai cũng dám nói mạnh không bao giờ mắc sai lầm. Cái chính là cách người ta nhận thức về sai lầm như thế nào. Người phương Tây có một câu thành ngữ rất hay là “Thú nhận sai lầm là điều gần với sự trong sạch nhất”. Những thành tích của ngành công an nói chung, của lực lượng CSGT nói riêng đều được nhân dân ghi nhận. Đã có biết bao hành động của CSGT được người dân ghi lại và tán dương, từ những hành động rất đời thường như giúp đỡ người già qua đường, giúp tìm người thân cho một đứa trẻ lạc, đến chuyện to tát hơn như xả thân bắt cướp, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Những tấm gương ấy rất nhiều. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi cũng lại được nghe không ít những chuyện tiêu cực chẳng đáng giá “ba đồng”.


Theo báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2012, kết quả nghiên “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức, thì CSGT nằm trong tốp 4 lĩnh vực có nhiều “tham nhũng vặt”. Tham nhũng vặt ở đây ám chỉ tình trạng nhận mãi lộ của người giao thông. Cũng may, chỉ một năm sau đó trong “tốp 4 đáng buồn này” đã không còn tên CSGT. Nhưng tất nhiên không phải vì thế mà tiêu cực trong ngành đã hết. Nói gì thì nói, việc chống tiêu cực chắc chẳng riêng với lực lượng CSGT mà với bất cứ ngành nào cũng có và cũng là cuộc chiến gian nan. Vấn đề của ngành công an bây giờ là làm sao để giáo dục cán bộ chiến sỹ chấp hành đúng pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm khắc các sai phạm để giảm thiểu tiêu cực, chứ không phải là việc tìm cách để “đối phó” với báo chí, với dư luận. Nói một cách công bằng thì báo chí cũng đang thực hiện đúng chức năng của mình là phả ánh trung thực các hiện tượng, sự việc trong xã hội. Người dân cũng vậy, họ cũng luôn đủ lý trí và công tâm ghi nhận, cổ vũ những gì CSGT đã làm được. Vậy nên việc giữ hình ảnh đẹp của người CSGT trong mắt người dân chính là từ hành động của các anh chứ không phải là sự gò ép bắt người dân hay dư luận phải nhìn về các anh như thế nào…!


Nữ Quỳnh


 



Mua danh ba vạn…

No comments: