Rải tiền lẻ bừa bãi tại chùa chiền đã trở thành một thói quen xấu, nhức nhối trong đời sống. Năm nay, từ trước Tết Nguyên đán (tháng 12/2013), ngành ngân hàng đã phải ra “lệnh cấm” các hoạt động đổi tiền lẻ trong dịp tết, ngân hàng cũng không in thêm tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch bất chính nhằm hạn chế tình trạng sử dụng tiền lẻ sai mục đích.
Thế nhưng, kết quả thực tế là “lệnh” có mặc lệnh, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra sôi động. Thậm chí lệnh cấm còn là cơ hội để những đầu nậu kiếm ăn, ra sức chặt chém phí đổi tiền với lý do khan “hàng”. Những ngày này, tại các chùa chiền tiền lẻ vẫn tràn ngập. Và người ta lại “đổ” tại “ý thức người dân kém”, rằng là thói quen trong dân muốn xoá bỏ phải cần thời gian, và còn nhiều lý giải khác nữa…
Nhưng nếu không phải vì ý thức người dân thì do đâu mà cái việc vô cùng phản cảm ấy vẫn tồn tại?
Sự thật là hành vi “vô ý thức” ấy của người dân cũng bắt nguồn từ những hành vi “có ý thức” của một số người, họ chính là những người giữ vai trò tổ chức ở các nhà chùa, các lễ hội… Cách đây chừng hai chục năm có lẽ chẳng mấy ai làm cái việc vừa “xa xỉ” vừa thiếu văn hoá là rải tiền lẻ ở chùa. Và cái khái niệm “tiền chùa” chỉ xuất hiện khi các hoạt động văn hoá tâm linh bùng nổ và được “xã hội hoá”, tiền rải vô tội vạ. Bắt đầu từ chiếc hòm công đức được trưng ra ở khắp nơi. Dần dà việc công đức đã biến tướng thành việc làm phản cảm. Có lẽ hầu hết những người hay đi lễ chùa chắc đều hiểu câu nói “Phật tại tâm” (Phật ở trong tâm) – Một triết lý mang ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa. Phật chính ở cái tâm, ở lòng lương thiện của mỗi người chứ không phải sự phô trương, huênh hoang hình thức. Người đi lễ chùa cũng thường có tâm lý đặt lòng tin nơi cửa Phật, chính vì thế muốn thay đổi thói quen (chưa thuộc diện thâm căn cố đế) này phải bắt đầu từ chính những người quản lý đình, chùa, những nhà tổ chức lễ hội. Để thay đổi một hành vi có yếu tố tâm linh, thiết nghĩ không nên dùng mệnh lệnh hành chính cứng nhắc áp với người dân. Thay vào đó nên bắt đầu từ chính nhà chùa. Các chùa phải dám bỏ qua những lợi ích vật chất để “nói không” với hòm quyên tiền. Chính các trụ trì, các sư, sãi phải là người “làm công tác tư tưởng” cho phật tử và người dân. Còn khi mà tấm ấn Đền Trần mang đậm chất tâm linh mà người ta đem bán thì đừng mong bảo dân không mang tiền vào đền.
Bên cạnh vai trò của nhà chùa thì trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức lễ hội phải được định hình chính xác, quyết liệt. Hiện nay, chính những lợi ích vật chất đã tạo cho không gian tại các điểm văn hoá tâm linh bị xô bồ. Ở nơi mà đặt chân tới thì cái gì ta cũng phải dùng đến đồng tiền, thậm chí nhiều tiền, ở nơi mà sự thanh tịnh bị phá vỡ bởi những hoạt động kinh tế chộp giật, bon chen thì sẽ thật khó loại bỏ được những đồng tiền lẻ.
Với cơ quan quản lý văn hoá cũng vậy. Phải xác định trách nhiệm, quy chế hoạt động một cách rõ ràng. Chúng ta phát ra một “lệnh cấm” đổi tiền lẻ, nhưng lại chẳng có cơ chế nào để xử lý sự việc, chưa có quy định về mức xử phạt cụ thể việc kinh doanh tiền lẻ kiếm lời, chưa có cơ chế nào để ngăn tiền lẻ vào chùa. Và khi luật thiếu chữ “uy lực”, chỉ là sự “giễu võ giương oai” thì văn bản mất hiệu lực là điều dễ hiểu. Việc tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá tâm linh cũng cần sao cho đúng với truyền thống, tránh phô trương để người dân đến chùa chiền với ý nguyện trong sáng, đẹp đẽ chứ không phải là vì tâm lý a dua thấy người làm thì mình cũng làm mà chẳng có chút khái niệm gì về triết lý nhà Phật…
Nữ Quỳnh
Tiền chùa: Lệnh cấm, ý thức và hiệu lực
No comments:
Post a Comment