Đỗ Bích Thúy được độc giả ấn tượng với nhiều tác phẩm văn chương, nhất là về Tây Bắc. Sau nhiều năm làm báo chị đầu quân cho tờ tạp chí đi sâu về văn học. Với chị quãng thời gian làm báo mang lại cho chị vốn sống, sự rung cảm quý giá mà không dễ có nghề nào có thể giúp viết văn tốt hơn thế. Và giờ chị với vai trò phó TBT Tạp chí Văn nghệ quân đội đã cùng góp sức kiến tạo, tuyển chọn và giới thiệu bộ mặt văn chương qua các truyện ngắn, diễn đàn, các gương mặt nhà văn…
Sáng tác và biên tập luôn có một khoảng cách không nhỏ
+ Khi vào Tạp chí Văn nghệ quân đội chị đã là nhà văn được chú ý trong làng văn. Theo nhìn nhận thông thường thì thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Bản thân chị nhìn nhận điều này như thế nào?
- Tất nhiên là vừa thuận lợi, vừa khó khăn. Thuận lợi ở chỗ tôi đã có nhiều năm làm báo nên có thể thích nghi ngay với quy trình làm báo ở một tòa soạn. Khó khăn ở chỗ đây lại là một tòa soạn đặc thù, với các nhà văn làm báo, với một tờ tạp chí mà chiếm đến 70-80% là các sáng tác văn học. Công việc mà tôi phải học từ đầu mà không trường đại học nào dạy là công việc của một người làm biên tập văn xuôi (truyện ngắn và bút kí). Điều đầu tiên mà tôi rút ra được khi đó, là giữa công việc sáng tác và biên tập luôn có một khoảng cách không nhỏ. Khi sáng tác anh có thể trung thành với một lối viết, một lối tư duy sáng tạo, nhưng khi biên tập, anh phải có khả năng chấp nhận, tiếp nhận, xử lý trước mọi khuynh hướng sáng tác, mọi giọng điệu, bất kể nó có hợp với “gu” của anh hay không. Những điều này, chúng tôi đều chỉ có thể học theo kiểu truyền nghề của các nhà văn đi trước, rồi vừa làm vừa tự rút ra kinh nghiệm mà thôi.
+ Công việc quản lý của chị ở tờ báo chiếm một phần thời gian viết lách của chị, nghĩa là chị đang phải chia sẻ thời gian viết?
Điều ấy thì đúng quá rồi. Thời gian luôn bị băm vụn ra, thế nên tôi buộc phải thích nghi, buộc phải biết cách thực hiện công việc sáng tác ở mọi lúc, mọi nơi có thể, không như xưa nữa: Nghĩa là phải có một chỗ ngồi như thế như thế, phải có một không gian như thế như thế, phải có một sự yên tĩnh như thế như thế … mới có thể viết được.
Cái tôi của mình thường phải đứng sau tác phẩm
+ Chuyên sâu vào công việc báo chí có khiến cho chị sáng tác khác đi?
- Phải nói một cách công bằng rằng những năm làm báo chí thuần túy đã giúp tôi tích lũy một lượng tư liệu vốn sống khổng lồ, chẳng sách vở nào thay thế được. Tôi nghĩ rằng, sau khi làm nhà báo rồi mới làm nhà văn là một thuận lợi lớn đối với bất cứ ai. Vì không có nghề nào lại mang lại cho người viết nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tư liệu, nhiều đề tài nhiều như nghề báo. Tôi bị một cái dở là khi đã làm báo rồi, về một tờ báo văn chương, mà hễ thấy đề tài nào hay lại muốn triển khai ngay trên báo mình, đấy là tư duy
của một người làm báo thuần túy. Nên thường phải nhắc mình kiềm chế. Cũng vì vậy, nhiều khi thấy rất tiếc vì phải bỏ qua đề tài này, đề tài kia. Những năm gần đây, chúng tôi ra thêm được một tờ báo điện tử. Với một số bạn phóng viên được đào tạo chuyên ngành tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, chúng tôi đã có thể nhảy vào nhiều đề tài, lĩnh vực mà trước đây tạp chí in không có cơ hội chạm tới. Đấy là mảng công việc hết sức thú vị bên cạnh việc làm một nhà văn – người biên tập văn học.
+ Với những bài viết của chị, chị lựa chọn đề tài cũng như cách viết để đề cao cá tính của tác giả hay tập trung làm nổi bật sự kiện văn học đang được dư luận quan tâm?
- Cái tôi của mình thường phải đứng sau tác phẩm, dù chỉ là một mẩu tin, tôi luôn quan niệm như vậy. Đương nhiên người làm báo có quyền thể hiện chính kiến, nhưng phải được lập luận trên những cơ sở thực tiễn mà mình có được. Không có chứng lý thì lập luận chẳng có giá trị gì.
Tôi thích tìm thấy nhất là một tác phẩm hay của một tác giả mới
+ Chị thích tìm thấy gì ở những truyện ngắn mà tạp chí nhận được?
- Nói thế thì cũng khó. Đối với văn chương, có những tác phẩm nội dung chẳng có gì nhưng lại níu người ta lại vì giọng điệu, vì câu chữ khéo léo cuốn hút, có những tác phẩm câu chữ rất giản dị, thậm chí đơn giản (như ngôn ngữ vỉa hè chẳng hạn), nhưng lại thu hút từ đầu đến cuối nhờ ăm ắp tình tiết, sự kiện, nút thắt… Cái mà tôi thích tìm thấy nhất là một tác phẩm hay, của một tác giả mới, tác giả trẻ.
+ Vậy có khi nào chị thái quá trong nhận xét khen, chê để rồi phải viết lại để có nhìn nhận chuẩn xác hơn không?
- Hầu như chưa bao giờ. Tôi là người cẩn trọng mà.
+ Một người cẩn trọng theo chị tự đánh giá là thế nào trong góc nhìn về văn chương?
- Tôi là người khó tính. Khó tính cả trong lối sống lẫn lối làm việc.
+ Các mục Diễn đàn văn nghệ, Phê bình văn nghệ, Trao đổi của Tạp chí Văn nghệ quân đội … theo chị đã đủ chính kiến về đời sống văn chương hay chưa?
- Chưa đâu, chúng tôi muốn làm được nhiều hơn, kĩ hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn nhưng mới chỉ đi được đoạn đầu thôi, cái quan trọng nhất là nhân lực. Các cộng tác viên có nghề, có tên tuổi ngày càng viết ít đi, các bạn trẻ thì chưa đủ kinh nghiệm, nhận thức, lý luận…
+ Chặng đường 10 năm có thể chưa dài song chị có thể phác thảo chân dung của chị 10 năm trở lại đây qua tác phẩm văn chương và báo chí?
- Viết với số lượng vừa phải, chất lượng vừa phải, ham hố với các dự định và năng lực triển khai hạn chế. (cười)
Hằng Nga (Công luận)
"Làm báo giúp tôi tích lũy một lượng tư liệu vốn sống khổng lồ"
No comments:
Post a Comment