Friday, February 15, 2013

Báo Xuân xưa

Tờ báo xuân đã thành cái món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi độ Tết đến với nhiều người, như thưởng trà hay ăn miếng mứt, hóng khí xuân đang dịp nô nức. Nét văn hóa ngày Tết Việt Nam này cũng đã được gần trăm năm tuổi, từ thưở báo chí vẫn còn là thứ hàng xa xỉ.

Giai phẩm Xuân năm 1951

Giai phẩm Xuân năm 1951

Tờ báo xuân đầu tiên còn chưa thể xác minh

Trong lịch sử, tờ báo đầu tiên của nước ta là tờ Gia Định, phát hành lần đầu ngày 15-4-1865 ở Sài Gòn. Nhưng cho đến khi ngưng xuất bản năm 1910, chưa một lần báo Gia Định có số Tết bởi… nghỉ Tết từ 25 Tết đến mồng 7 như các công sở thời phong kiến khác.

Theo Sơn Nam (Báo xuân năm Mậu Thân 1908 – Văn Nghệ TP.HCM ra ngày 17-1-1986), “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30-1-1908” có thể là số báo xuân đầu tiên của báo chí Việt.

“Số Tết” này của Lục Tỉnh Tân Văn cũng không có gì khác so với những số thường ở trình bày, nội dung chỉ đặc biệt có thêm một bài dài “khuyên ăn Tết” lành mạnh, bớt ăn chơi, bớt hủ tục noi gương xứ Âu và bài Kinh hạ tân niên:

Sắc núi sông như cựu
Tượng trời đất duy tân
Chúc lục châu quan sĩ quân dân
Năm ngoái bởi mưa nhiều ướt át
Thường những người động tác vô công
Chắc năm nay thuận võ điều phong
Như non của chất, đầy đồng lúa vun
Ước giàu dân đặng thung dung
Non sông tấn bộ sánh cùng cõi Âu
No say chung cả một bầu
Lợi quyền bình đẳng đọc câu ấy hoài
Danh vinh, phận quí lâu dài
Tân Văn nhựt báo kính bài mừng chung
Cung hỉ cung hỉ, phát tài phát tài…
Ba ngày xuân xin kiếu, xin nghỉ một kỳ nhựt trình.
Bổn quán đốn thủ”.

Gần đây, tờ Nam Phong “số 1918 in tại Đông Kinh ấn quán 14-16 Rue du Coton-Hanoi” được phát hiện. Nhiều người nhận định đây có thể là tờ báo xuân xưa nhất của làng báo nước ta “còn nguyên vẹn”.

Số báo không đánh thứ tự, bìa màu cam nhạt, in hình hai ông Hành khiển phán quan. Ông áo đen được in sáng với tay cầm nhánh đào trụi bông đeo chữ Đinh Tỵ chuyền ấn cho ông áo vàng in mờ tay cầm nhánh đào đầy bông đeo chữ Mậu Ngọ.

Bài phông của số Tết Nam Phong là “Kính chúc hoàng thượng và quan toàn quyền” của Nam Phong có nhiều đoạn tung hô “rất chói tai”, điển hình như “Hoàng thượng cùng với quan toàn quyền đồng tâm hiệp lực ta mưu những việc ích quốc lợi dân, nước ta dân ta thực có thể trông mong sắp đến ngày tái tạo”… 

Số Tết của tờ Nam Phong không có ghi giá, và mục đích in ra cũng được thể hiện trong bài “Số Tết của báo Nam Phong” của Phạm Quỳnh: “Bản cáo muốn cho khúc đàn riêng của mình… bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường… sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu từ đầu năm đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu văn thơ ca ngợi: “sách vàng những người An Nam giúp việc chiến tranh bên mẫu quốc”, có công với nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Giá báo bằng một giạ lúa

Lục Tỉnh Tân Văn chỉ ra số Tết 1908 cho tới khi đóng cửa năm 1934 . Có thể đây là số báo “kỷ niệm” năm đầu làm báo chứ chưa hẳn là làm báo xuân như ngày nay.

Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan có nhận định: “Phụ Nữ Tân Văn mở đầu về khuôn mẫu của tờ báo xuân với kỹ thuật trình bày tiên tiến. Nếu bạn có đọc qua Phụ Nữ Tân Văn xuân 1930 bạn sẽ thấy rõ” (Phụ Nữ Tân Văn phân son tô điểm hơn hà – NXB Văn Hóa Sài Gòn và Công ty sách Thời Đại, 2010).

Thế nhưng người ta chỉ còn tìm thấy bìa báo xuân 1930 của tờ Phụ Nữ Tân Văn, và tàn thư xuân 1932 và 1933. Trong bài “Những bước đường phụ nữ trải qua năm 1932” tại số xuân Phụ Nữ Tân Văn 1933 có viết “Phụ nữ từ khi xuất thế, thấm thoát đã trải qua bốn lần xuân rồi, mà số báo đặc biệt thường niên đến kỳ nầy nữa mới có là ba số…” Bài thơ của Lan Anh tặng tòa soạn cũng trong số này mở đầu với 2 câu “Vui với đồng báo bốn độ xuân. “Số xuân” này nữa mới ba lần”. Vậy có lẽ số xuân đầu của Phụ Nữ Tân Văn ra đời năm 1930, sau đó đình bản năm 1931 rồi 2 năm sau đó mới tiếp tục phát hành.

Hiện vẫn tìm thấy số xuân đầu của Phụ Nữ Tân Văn 1930 nên hình thức và nội dung vẫn là điều bí ẩn. Số xuân năm 1932 có khổ lớn hơn giấy A4 ngày nay một chút, bìa và ruột in bằng giấy thường như nhau, giấy mỏng ngà vàng. Măngsét vẽ tay màu đỏ và đóng khung nội dung “Số mùa xuân 1932, xuất bản ngày 4 feriver 1932”. Bài thơ Chúc xuân của tòa soạn in đậm bằng chữ màu xám và in thêm, bên cạnh một thiếu nữ đầu bới tóc đứng cạnh cây liễu. Giá bán của tờ báo không được đề rõ nên chỉ được phỏng đoán rơi vào từ 15 – 25 xu như các tờ bác khác thời đó. Vào thời ấy một giạ lúa có giá là 30 xu (ba cắc). Một tờ báo tốn từ nửa giạ đến một giạ lúa nên chẳng phải ai cũng mua được.

Những tờ báo xuân tiếp theo

Sau Phụ Nữ Tân Văn, tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu ở Hà Nội cũng ra “Tập văn mùa xuân” năm 1932, dày 30 trang, in tại nhà in Tân Dân, số 93 Hàng Bông, Hà Nội, có giá bán 20 xu.

Đông Tây do Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn thành lập sau khi học nghề báo ở Pháp về, ra đời khoảng năm 1931 và được coi là “có nhiều cải cách về văn chương và hình thức tờ báo”.

Tinh thần chính của Đông Tây được thể hiện rõ trong bài “Tuổi xuân ta mừng xuân – Đông Tây” :”… Thanh niên là tuổi mà hết thảy chúng ta đều muốn mãi, vì là cái tuổi nó mới luôn. Mới tư tưởng, mới nghề nghiệp: ở buổi đời mới, không mới thể, hỏi mới sao được quyền lợi của xã hội, cá nhân.

Trải qua mấy xuân rồi, xuân nay cũng như xuân trước, Đông Tây hằng lo đổi mới. Tự nhận là cơ quan bạn trẻ, Đông Tây vẫn giữ được cái thái độ ngang nhiên, tự chủ, ôn hòa mà không lún, mạnh bạo nhưng chẳng cuồng”.

Với ý muốn đổi mới làng báo Việt thời ấy và đi theo con đường “nói thẳng nói thật” của Đông Pháp, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn… vốn rất được độc giả cả nước ưa chuộng nên Đông Tây lao vào phê phán bất công, trái tai gai mắt của xã hội. Thế nên tờ báo “chết” sau đó không lâu những như tờ Thân Chung năm 1930 và tờ Phụ Nữ Tân Văn năm 1935.

Sau này, phong trào làm báo xuân nổi lên như một phần không thể thiếu trong báo chí nước ta, như tờ Phong Hóa (Hà Nội 1934, 1935, 1936), Loa (Hà Nội 1935), Chơi Xuân (Hà Nội 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn 1936), Quà Tết (Sài Gòn 1937), Sách Xuân (Sa Đéc 1937), Khoa học Phổ Thông (Sài Gòn 1938)…

Rồi hằng năm, người đọc thì chờ còn người làm báo bận rộn từ khi mùa xuân đang còn ở xa.

“Hắn làm nhặng xị lên từ tháng một. Gặp ai gọi là “viết được” hắn cũng vỗ vai thân mật: Này cho xin một bài vào “số Tết” nhé! Rồi hắn chạy đông, chạy tây, chạy nam, chạy bắc, chạy đi khắm cả mọi nơi, mọi chỗ để: “Ống lấy giùm cho cả một trang, chả bao nhiêu…”. Ấy là “cái sự” lấy quảng cáo vào “số Tết”. Bạn tôi bảo: Ấy là cái dịch ra “số Tết”. Báo hàng tuần đã vậy rồi, đến báo hàng ngày cũng nhộn lên, nào thi, nào cử, rồi cũng ra một tập báo có đủ các món và đủ các màu sặc sỡ, mà người ta gọi là mỹ thuật và văn chương. Thế mà bán đắt như tôm tươi đấy,

Vì thế, mấy anh khác “hoảng” cũng sô nhau ra số Tết, tuy suốt năm chẳng anh nào cầm cán bút viết một câu văn. Và tuy suốt năm chẳng biết trong nước và ngoài nước đã xảy ra sự gì, họ cũng… “kết toán niên để” vấn đề quốc tế”./.

(Tuổi trẻ)


Báo Xuân xưa

No comments: