Friday, January 3, 2014

Viết lời giới thiệu cho TV

Người dẫn chương trình của BBC, Sian Williams hướng dẫn cách soạn lời dẫn tin, dẫn chuyện tốt khi làm chương trình truyền hình.


 Dòng tin đầu


Việc đầu tiên mà bạn phải làm khi được giao việc là phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt về câu chuyện.


Điều đó có nghĩa là bạn phải đọc và nghiên cứu nhiều bản tin từ các thông tấn xã khác nhau: Reuters, Associated Press, the Press Association.


Hãy đọc qua, chắt lọc càng nhiều chi tiết càng tốt, đánh dấu những thông tin mà bạn nghĩ là quan trọng, rồi sau đó hãy tìm ra dòng tin đầu.


loidanDòng tin đầu là phần cốt lõi của một câu chuyện nào đó – mẩu tin mà bạn muốn chuyển đến khán thính giả; phần bạn cho là quan trọng nhất.


Lấy ví dụ đơn giản: ‘Hôm nay, nhà văn Sir John Mortimer đã qua đời.’


Nếu vậy thì chúng ta cần phải biết tuổi đời của ông ta, vì sao ông chết, và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là gì. Lời dẫn tin này chỉ cần chi tiết chính.


Kể chuyện


Bạn đưa câu chuyện đến với khán thính giả.


Nếu muốn họ chú ý đến những gì bạn nói thì hãy đưa dòng tin hay nhất lên trên để thu hút họ.


Bạn không nên bắt đầu với những câu như: ’nhà nước cho biết’, hoặc ‘kết quả điều tra cho thấy’ bởi vì nghe những câu này chẳng có gì thú vị cả.


Trái lại, bạn có thể bắt đầu lời văn của mình với một câu trích từ chuyện nào đó, hoặc dùng một hình ảnh nào đó.


Bạn có thể viết lời dẫn theo kiểu ‘mồi’, nghĩa là đặt câu hỏi ở đoạn đầu, và trả lời ở đoạn giữa. Đừng đưa hết thông tin ra ngay từ đầu. Hãy cố làm mẩu tin thú vị hơn, sao cho người ta thật sự muốn nghe điều bạn nói.


Một câu chuyện về giáo dục chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu nó bằng những từ sau: ‘điều tra viên cấp cao ở Scotland đã phát hiện rằng’, nhưng viết như vậy thì hết sức dài dòng.


Thay vào đó, tôi đã bắt đầu như thế này: ‘bản báo cáo chỉ ra những yếu kém trong khả năng tập đọc và làm toán của học sinh ở Scotland”. Rồi sau đó bạn có thể dẫn vào tin phóng viên đã đưa.


Đặt tựa đề


Hãy nhớ rằng tựa đề và dòng tin đầu phải ăn khớp với nhau, không bị trùng lắp.


Chẳng hạn, cái hay của câu chuyện về vụ máy bay rơi xuống dòng sông Hudson gần New York nằm ở câu trích dẫn: ‘Phi công cho máy bay đáp xuống sông Hudson đã được tuyên dương như một anh hùng’.


Khi bạn viết tới dòng tin đầu tiên, bạn cần phải nói điều gì khác đi, bởi vì dòng này sẽ xuất hiện ngay sau tít chính.


Lời dẫn tin, theo lời của một trong những người sống sót: “Động cơ máy bay hỏng và mọi người bắt đầu cầu nguyện.”


Đó là câu chuyện của một hành khách về khoảnh khắc kinh hoàng khi cả hai động cơ của chiếc máy bay thuộc hãng US Airways ngưng hoạt động trên bầu trời New York.


Hãy đọc văn mình viết


Khi bạn viết xong thì hãy đọc lớn lên.


Hãy đọc những gì người dẫn chương trình sẽ đọc, vì đôi khi chữ viết trên máy vi tính hoặc in ra trên giấy có thể nghe không hay khi được đọc to lên.


Do đó, bạn hãy nhớ đọc to những gì mình đã viết để không bị vấp. Bởi nếu bạn là người soạn tin mà còn đọc vấp thì người dẫn chương trình sẽ khó tránh khỏi khả năng đó. 


Viết lời dẫn lôi cuốn, mời chào


Đừng kể hết chuyện trong lời dẫn của bạn. Vì như thế phóng viên chẳng còn gì để nói nữa.


Bạn nên xem lời dẫn giống như một lời mời để giúp khán giả biết thêm một chút, để họ còn muốn nghe và xem tiếp.


Khi viết lời dẫn, nhớ kiểm tra với phóng viên để biết họ đang viết gì, để tránh bị đụng nhau và tránh bị trùng lặp.


Kiểm tra thông tin dữ kiện


Luôn kiểm tra hai ba lần thông tin dữ kiện. Đừng bao giờ quá chắc chắn về chúng. Hãy kiểm tra với phóng viên, hãy đối chiếu dữ liệu với nguồn tin thông tấn và kiểm đi kiểm lại trong ngày.


Tin tức sự kiện có thể thay đổi rất nhanh và bạn cần phải đón đầu, để khi phát tin đi thì đó là thông tin mới nhất.


Lời dẫn tin và lời thoại


Người dẫn chương trình thích đọc lời dẫn tin và lời thoại gãy gọn, lôi cuốn.


Đừng nhồi nhét quá nhiều cụm từ. Đừng trích dẫn quá nhiều, chỉ một hai câu thì hay.


Nếu được, bạn hãy nghĩ đến giọng của người dẫn chương trình và phong cách của họ để mà viết cho phù hợp.


Dĩ nhiên là bạn phải kiểm tra lại với người dẫn chương trình xem họ có thích những gì bạn viết cho họ đọc không.


Tinh thần đồng đội và trách nhiệm đối với lời thoại


Làm chương trình là nỗ lực của cả tập thể. Viết lời thoại cũng thế.


Một số người dẫn chương trình thích tự viết lời thoại cho mình rồi đưa cho biên tập viên kiểm lại. Một số biên tập viên thích đưa ra chi tiết trước.


Dù ai quyết định bắt đầu lời thoại thế nào thì trách nhiệm cuối cùng là ở người biên tập. Nghĩa là bạn phải đảm bảo chắc chắn sao cho người dẫn chương trình, biên tập viên, và có thể cả đạo diễn đã đọc qua lời thoại đó.


Vì trách nhiệm cuối cùng nằm ở người biên tập nên bạn phải liên tục kiểm tra để đảm bảo thông tin khi lên hình vẫn chính xác.


Nguồn: BBC Vietnamese



Viết lời giới thiệu cho TV

No comments: