Vài ngày trước, trong phiên tòa xét xử vụ án Dương Chí Dũng tham ô tài sản Nhà nước, vị đại diện Viện KSND đã thốt lên rằng “nếu như doanh nghiệp nhà nước nào cũng vô trách nhiệm như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ còn thiệt hại đến mức độ nào?” để nói về việc người đứng đầu Vinalines hiện nay không có mặt tại tòa với tư cách là đại diện bị hại.
Dù hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước đã bị thất thoát, nhưng thái độ của lãnh đạo Vinalines đã khiến công luận đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhiều nhà quản lý. Chính cách hành xử thiếu trách nhiệm như thế đang là lỗ thủng để tiền của Nhà nước bị rò rỉ, thất thoát. Chỉ bằng vài thủ thuật, Dương Chí Dũng cùng bộ sậu đã “hô biến” hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Sở dĩ Dương Chí Dũng có thể làm liều, tự tung tự tác để bỏ túi riêng nhiều tỷ đồng cũng một phần do sự thờ ơ của các cơ quan quản lý, giám sát.
Sự vô cảm trong quản lý gây thiệt hại cho Nhà nước, có thể là về kinh tế, cũng có thể là về uy tín, thương hiệu quốc gia. Mới đây, dư luận thật sự ngỡ ngàng, với quy trình kiểm soát thuộc loại gắt gao, nghiêm ngặt nhất như an ninh hàng không, thế nhưng đã có tới hàng tạ heroin dễ dàng lọt qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra nước ngoài. Lời giải thích cho sự việc này sau đó chưa thuyết phục được dư luận khi cơ quan quản lý cho rằng đã “làm đúng quy trình”. “Đúng” mà vẫn có “sai”, nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn còn tranh cãi. Với cách hành xử theo kiểu “hòa cả làng” như vậy, liệu sẽ không có những vụ việc tương tự xảy ra?
Tuần này, dư luận lại thêm một lần bức xúc về một vụ việc vừa được phát giác tại cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước). Đã có hàng trăm mét khối gỗ trị giá cả trăm tỷ đồng bị thu giữ do nghi ngờ là hàng lậu, sử dụng hóa đơn, tờ khai quay vòng khi vận chuyển. Số gỗ ấy theo ước tính nếu qua kiểm tra hải quan cũng phải mất vài ngày mới xong, thế nhưng lại không có bất cứ thông tin sổ sách nào được ghi lại, thậm chí khi được hỏi thì Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ở đây trả lời “không biết”. Họ không biết vì muốn trốn tránh trách nhiệm hay không biết vì vô trách nhiệm? Vì sao được tin tưởng bổ nhiệm là lãnh đạo nhưng những cán bộ này lại không biết điều gì đang xảy ra dù đó là trách nhiệm của mình?
Qua các vụ việc nổi cộm nêu trên càng thấy rõ những lỗ hổng trong bộ máy quản lý. Những lỗ hổng này không phải đến bây giờ mới lộ ra mà thực tế nó đã được đề cập từ rất lâu rồi. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để bịt, hoặc chí ít là hạn chế những lỗ hổng như thế. Thực tế vấn đề trách nhiệm người đứng đầu đã được luật hóa nhưng có lẽ cái đang thiếu chính là việc thực thi. Cơ chế “chịu trách nhiệm tập thể” dường như đang được các nhà quản lý lợi dụng, người nọ đùn đẩy trách nhiệm cho người kia. Thiếu cụ thể về trách nhiệm nên hoạt động kiểm tra, giám sát bị lơi lỏng, nhiều người có thể tự tung tự tác, đục nước béo cò.
Sự vô cảm trong thực thi công vụ đang là lỗ hổng lớn về trách nhiệm, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí còn đất sống, gây tổn hại uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý. Chúng ta đang đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, do vậy việc bịt lại lỗ hổng trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ quản lý là hết sức cấp thiết.
Chống hổng trách nhiệm
No comments:
Post a Comment