Thursday, December 12, 2013

Để giảm nghèo bền vững

Những ngày đầu năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đời sống của những người nghèo bị tác động nhiều chiều thì việc ra đời Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ gi ảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện khó khăn khiến người dân tự tin hơn.


Triển khai chủ trương này, Chính phủ có đề xuất mỗi tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo để đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí và nhận lao động vào làm việc. Đây là những biện pháp mới trong chủ trương lớn về giảm nghèo và xóa nghèo của Chính phủ. Tin mới đây cho biết, đã có gần 30 đơn vị được phân công tham gia chủ trương lớn này.


Có thể nói, xóa đói giảm nghèo luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Việc lấy người dân là chủ thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tức là người dân phải tham gia ngay từ đầu, với vai trò chính. Kết quả của việc xóa đói giảm nghèo có thành công hay không trước hết phụ thuộc vào sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, tích cực. Song trong một thời gian dài vừa qua, phương thức xóa đói giảm nghèo có phần nặng về tính hành chính, chủ yếu được coi là trách nhiệm của Chính phủ, triển khai qua các bô, điều hành cân đối nguồn vốn từ ngân sách. Các doanh nghiệp chỉ tham gia với tư cách “khách mời”, được giao nhiệm vụ thực hiện phần đầu tư xây dựng cơ bản và những khoản hỗ trợ vùng dự án. Hoặc trong từng kỳ cuộc cụ thể, doanh nghiệp được huy động thông qua các chương trình xã hội để tài trợ trực tiếp cho đối tượng nghèo cụ thể. Đáng chú ý là số doanh nghiệp tham gia một cách vô tư vào sự nghiệp lớn này còn chưa nhiều và không phải không có doanh nghiệp mang ít nhiều lợi ích về quảng bá khi tham gia.
Những năm trước, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo, song hiệu quả chưa như mong muốn, tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra bởi sự thiếu mạch lạc trong tư duy cho “chiếc cần câu hay con cá”. Không ít nơi phấn đấu thoát nghèo theo phong trào hoặc coi tiền vốn cho xóa đói, giảm nghèo như tiền “trợ cấp”, “nhân đạo”… Hệ lụy của tư duy này là người dân sử dụng tiền được hỗ trợ không đúng mục đích, có đồng nào xào đồng nấy, một số ít doanh nghiệp thì coi đó như việc làm từ thiện, dư dả thì tham gia, lép hầu bao thì từ chối. Vì thế, nhiều khoản tiền dành cho xóa đói giảm nghèo có nơi cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. Liệu có phải đây là một trong những nguyên cớ dẫn đến hiệu quả việc xóa đói giảm nghèo chưa cao, trong khi các khoản quyên góp tài trợ ngày một nhiều.


Các thương nhân, doanh nghiệp khó có đủ lòng tin và sự kiên trì khi thấy đồng tiền do mình bỏ ra không trực tiếp góp phần làm giảm bớt đi số hộ dân nghèo trong cộng đồng quanh mình. Xã hội ta không hiếm những cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thật lòng và tâm huyết với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước và Chính phủ, song để những sự hảo tâm và đùm bọc ấy vững tin những đóng góp của mình – dẫu nhỏ nhoi – mang lại hiệu quả thiết thực, thì hơn lúc nào hết, cần thay đổi tư duy của chính những người dân được nhận phần hỗ trợ kia, hay chính xác hơn – thay đổi cách sử dụng những đồng vốn họ có được từ tổ chức từ thiện. Chỉ khi người dân biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có kế hoạch và theo hướng dẫn mới có thể xóa được đói, giảm được nghèo. Và cũng hơn lúc nào hết, cùng với những đồng tiền hỗ trợ, cần có những dự án chặt chẽ, mang tính khả thi bao gồm cả tuyên truyền, hướng nghiệp, kiểm tra, đánh giá tới tận các hộ nghèo, để những đồng vốn thực sự trở thành cái “cần câu” hữu ích.


Nữ Quỳnh



Để giảm nghèo bền vững

No comments: