Monday, March 25, 2013

Nhà báo trước hết phải là công dân có đạo đức tốt

Tính trung thực trong khai thác và xử lý thông tin; Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của Tổng biên tập, của Ban biên tập, của phóng viên và Biên tập viên trong khai thác và xử lý thông tin; Vấn nạn sao chép thông tin hiện nay”… là một trong những vấn đề “nóng” đã được đưa ra bàn luận, “mổ xẻ” tại cuộc hội thảo “Đạo đức nhà báo và xử lý nguồn tin” do Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức ngày 22/3/2013.


Tới dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ- Hội Nhà báo Việt Nam…


Phát biểu định hướng hội thảo, đồng chí Hà Minh Huệ đã nêu rõ tính thời sự của chủ đề hội thảo- đây là một vấn đề đang được xã hội quan tâm, vừa có ý nghĩa thời sự trong đời sống xã hội, vừa mang ý nghĩa lâu dài, cơ bản trong hoạt động báo chí. Đồng chí cũng mong muốn và đề nghị các đại biểu cùng đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, các biểu hiện vi phạm, nhất là trong môi trường hoạt động báo chí ở địa phương Hải Phòng; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, đề xuất đưa ra những kiến nghị, sáng kiến tìm giải pháp cải thiện tình hình hoạt động báo chí nói chung, góp phần nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Hải Phòng. 


Cụ thể, trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng- Bùi Thanh Long đã nêu ra ví dụ từ sự kiện Cống Rộc ở huyện Tiên Lãng (đầu năm 2012) cho đến nay vẫn còn là bài học nóng hổi không chỉ đối với các cơ quan lãnh đạo và quản lý hoạt động báo chí, mà còn là đề tài cần được trao đổi thấu đáo đối với những người làm báo về đạo đức và xử lý nguồn tin nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân… Vì vậy, HNB Hải Phòng mong muốn thông qua cuộc hội thảo này, những người làm báo trên địa bàn Hải Phòng cùng nhau bàn thấu đáo những vấn đề như: Tính trung thực trong khai thác và xử lý thông tin; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin và hành lang pháp lý cần có để giúp nhà báo hoạt động đúng pháp luật, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp… 


Theo đánh giá của các đại biểu, về cơ bản, các cơ quan báo chí của Hải Phòng đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là những thông tin chủ đạo góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, của thành phố. Tuy nhiên, những hạn chế, thiếu sót, việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng cũng đã làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của báo giới thành phố. Tại hội thảo, với 5 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, thấu đáo, các đại biểu đã cùng nhau mổ xẻ, phân tích chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết, yếu kém thuộc về kỹ năng tác nghiệp, phạm trù đạo đức trong khai thác và xử lý nguồn tin của các cơ quan báo chí trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian qua. 


Bài tham luận của Nhà báo Vũ Đức Tâm- Báo An ninh Hải Phòng đã chỉ những sai phạm thường gặp trong tác nghiệp báo chí là thiếu tính trung thực trong khai thác và xử lý thông tin. Đồng thời, nhà báo Vũ Đức Tâm đã đưa ra một cách nhận biết mới về tình trạng tiêu cực trong nghề báo hiện nay nằm ở chỗ là không đưa những thông tin nào đó (đáng lẽ phải đưa) lên mặt báo mới là nặng nề nghiêm trọng hơn những thông tin đã đưa. 


Đưa ra một ví dụ cũ đã từng “nổi tiếng” trong làng báo thành phố Cảng những năm 80 của thế kỷ trước về câu chuyện “chữa” khuyết tật cho “ông Thủ cống câm” như một điển hình cho kiểu làm báo quan liêu dẫn đến sai lệch thông tin, gây phảm cảm, nhà báo Ngọc Ánh- Báo Hải Phòng nêu quan điểm- Nhà báo cần sự trung thực… Và cũng có trường hợp, cái đúng- sai nằm trong ranh giới rất mong manh, những vụ việc mà chúng ta thường gọi là “nhạy cảm”, vậy thì dù đứng trên góc độ nào, nhà báo và các cơ quan báo chí phải hoạt động đúng Luật Báo chí nói riêng và pháp luật nói chung… 


Đặc biệt, bài tham luận của nhà báo Nguyễn Văn Toàn- Phó Tổng Biên tập báo Hải Quân Việt Nam đề cập rất rõ và cụ thể đến một vấn đề đang “nóng” của báo chí đó là “vấn nạn sao chép thông tin hiện nay”. Nhà báo đã đặt ra những câu hỏi: “Việc ăn cắp bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay đang diễn ra ở mức độ nào?”, “Tại sao người ta biết sai mà vẫn cứ làm?” và “ở Việt Nam tình trạng này có khắc phục được không?” Câu trả lời là: Có. Theo nhà báo Nguyễn Văn Toàn, hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng này nếu chúng ta nêu cao trách nhiệm ở từng khâu, từng công đoạn và trước hết phần việc quan trọng thuộc về vai trò gác cổng của Ban Biên tập…Nhưng về cơ bản, lâu dài vẫn phải đề cao đạo đức của người làm báo, bởi bên cạnh việc bảo vệ Luật bản quyền và tôn trọng quyền tác giả thì việc kêu gọi lương tâm con người, cái tôi công dân là việc làm cực kỳ quan trọng. Nhà báo trước hết phải là công dân có đạo đức tốt… 


Đồng thời, theo nhà báo Duy Tuấn (Báo Xây dựng, thường trú tại Hải Phòng) và nhà báo Phạm Nguyên (Chi hội Đài PT-TH Hải Phòng), thì bên cạnh những phẩm chất hết sức quan trọng trên để tránh được những sai phạm thì nhà báo phải có “nghề”; có nhãn quan chính trị, tư duy chính trị và có phẩm chất nghề nghiệp…


Phát biểu chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Bá Dung- Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề cập đến nhiều nội dung xung quanh về chủ đề hội thảo này, trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nhà báo và nguồn tin; mối quan hệ giữa pháp luật và trách nhiệm xã hội của báo chí. Trên nền tảng chung của đạo đức nhà báo đó là sự trung thực. Mà muốn làm được điều đó thì nhà báo phải có một vốn tri thức phong phú, những kiến thức về chuyên ngành, y văn; không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin; văn hóa ứng xử nghề nghiệp của nhà báo và cần tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm báo (áp dụng với từng cơ quan báo chí) làm căn cứ, hàng lang để nhà báo hoạt động nghề nghiệp được tốt hơn, làm tròn trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân của nhà báo. 


Hầu hết các đại biểu đều nhất trí một quan điểm khi đi tìm giải pháp để khắc phục những vi phạm của báo chí hiện nay, đó là đã tìm ra “bệnh” nhưng quan trọng là cách “điều trị” và liệu chúng ta có ý chí và dũng khí để uống thuốc đó không, uống có đủ liều không…? Có lẽ đó vẫn là những câu hỏi cần một sự vào cuộc mạnh mẽ và rốt ráo hơn nữa của báo giới nói chung.


 


Ngọc Lành (Công luận)



Nhà báo trước hết phải là công dân có đạo đức tốt

No comments: