Friday, November 22, 2013

”Nợ” văn bản: Vẫn chưa hết lo!

Có thể thấy tình trạng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành không được ban hành kịp thời đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý điều hành và món nợ “thâm căn cố đế” này liên tục là vấn đề nóng tại các kỳ họp Quốc hội những năm qua. Đại biểu “truy” quyết liệt vì tình trạng “nợ xấu” này gây khó khăn cho công tác điều hành, quản lý xã hội, kìm hãm sự phát triển và là nút thắt trong việc vận hành thể chế. 


Giở “sổ nợ” những năm trước cho thấy, từ năm 2006 Chính phủ còn tồn 526 văn bản; năm 2007 là 481 văn bản, đến năm 2012 còn 163 văn bản, và đến cuối năm 2012, con số được công bố chỉ còn 19 văn bản. Để có kết quả này, Chính phủ đã phải quyết liệt đốc thúc các bộ, ngành. Vậy nhưng, bước sang năm 2013, “dư nợ” lại tăng đột biến với con số báo cáo là 107. Vì vậy con số được “giật” về 19 văn bản (mục tiêu của Chính phủ sẽ xóa nốt trong thời gian từ nay đến cuối năm) chưa hẳn đã khả thi.


Việc trả được “món nợ” văn bản là chuyện không đơn giản. Thủ tướng Chính phủ cho biết đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án luật trình Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề là khi ép về số lượng và tiến độ, liệu chất lượng có bảo đảm? Gần đây, có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành nhưng không sát thực, khó triển khai, thậm chí nhiều văn bản đã phải thu hồi. Điều đó cho thấy thực trạng ban hành văn bản còn nhiều điều phải bàn.


Thực tế, muốn giải quyết triệt để loại “nợ” này, đồng thời nâng cao chất lượng văn bản QPPL, đòi hỏi có sự đổi mới quy trình xây dựng pháp luật từ khâu soạn thảo, thông qua, giải thích, hướng dẫn đến thi hành. Nên chăng, Quốc hội cần thành lập một ủy ban chuyên soạn thảo các dự án luật, tức là sẽ không giao cho các cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án luật như hiện nay. Bộ, ngành chuyên môn chỉ giữ vai trò tham mưu, góp ý hoàn thiện văn bản. Điều này cũng khắc phục được tính cục bộ, xây dựng chế tài có lợi cho ngành mình mà không vì lợi ích chung. Mọi văn bản hướng dẫn cần phải (bắt buộc) được ban hành trước khi luật, pháp lệnh có hiệu lực. Bên cạnh đó, cần thiết hoàn thiện cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan chủ trì, soạn thảo xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.


Chỉ khi gom về một mối trong việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật, nâng cao vai trò lập pháp của Quốc hội, tách bạch giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp thì mới có thể hy vọng có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, giải quyết tận gốc “nợ xấu”, đồng thời nâng cao chất lượng văn bản QPPL.


Nữ Quỳnh


”Nợ” văn bản: Vẫn chưa hết lo!

No comments: