Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách nước ngoài đã nói đùa với nhau rằng “nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Đó hẳn là một “ấn tượng” chẳng đẹp đẽ gì, nhưng đáng nói vì nó như chạm vào sự “tự ái” của những người có tự trọng. Cái thứ “mạo hiểm” vốn được ưa thích của du khách nước ngoài kia hoá ra lại là một nỗi khiếp hãi nhất của họ khi đến một đất nước vốn được chính họ đánh giá là “bình yên”.
An toàn giao thông tại Việt Nam hiện nay chỉ có thể miêu tả như một bức tranh u tối. Những năm gần đây, tuy tổng số nạn nhân thiệt mạng vì TNGT có giảm đi, nhưng dù có giảm thì ai có thể “tự hào” được khi con số ấy vẫn lên tới hàng chục nghìn người mỗi năm. Mỗi ngày vẫn có hàng chục người đột ngột ra đi mà không thể trăn trối với người thân. Trên mặt báo, chẳng ngày nào không có đến vài cái tin tai nạn. Rồi dăm bữa, nửa tháng lại nghe hung tin tai nạn thảm khốc, hàng chục người chết, hàng chục người sống dở. Đau ở chỗ, chết như thế, hãi hùng như thế, nhưng sao người ta cứ nghe qua rồi như cơn gió thoảng, mọi chuyện lại vào dĩ vãng. Chẳng mấy ai đoái hoài, chẳng mấy ai trăn trở. Chỉ một vụ án mạng thì báo chí rầm rộ, bao người dân hiếu kỳ tò mò tìm hiểu. Nhưng buồn thay những nỗi đau từ các vụ TNGT gần như chẳng lay động mấy người. Có chăng chỉ là chút rùng mình với người “yếu bóng vía”, hay cái chặc lưỡi với nhiều người bàng quan. Phải chăng do con số người bỏ mạng vì TNGT nhiều quá, tới mức trở thành chuyện bình như một cái lẽ để chết vậy?
TNGT nhiều, do ý thức giao thông của người dân còn yếu mới chỉ là một lẽ. Còn một lẽ khác nữa. Hồi tháng 6, trong chương trình ”Dân hỏi, bộ trưởng trả lời” trên VTV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói: “Lâu nay, khi tai nạn giao thông xảy ra thì thường nghĩ ngay là do ý thức của người điều khiển phương tiện; nhưng nguyên nhân sâu xa là do công tác quản lý nhà nước còn có hạn chế”. Hẳn là vậy. Khi có TNGT, cách đổ lỗi nhanh nhất là “gí” cho lái xe, vì thế mà nhiều người đã quên đi những hạn chế trong công tác quản lý như việc cấp phép kinh doanh vận tải, việc đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe, việc đăng kiểm đảm bảo an toàn kỹ thuật phương, việc xử lý vi phạm của người thực thi công vụ chưa nghiêm… Cách đây chưa lâu, khi dư luận ồn ào chuyện quản lý doanh nghiệp vận tải một cách lỏng lẻo ở Hải phòng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu ý kiến “có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức giám đốc sở”. Thế nhưng, phản ứng trước thái độ này của cấp trên, vị giám đốc sở kia chỉ thủng thẳng: “Bác Thăng nói như vậy cho vui thôi, chứ chắc không có ý gì”. Nghe mà thấy buồn. Khi mà từ gốc rễ của của vấn đề còn chưa thông, thì thử hỏi làm sao tai nạn có thể giảm?
Tối nay, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), người ta sẽ tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu cho các linh hồn xấu số, và ngày mai (17-11) là ngày mà cả thế giới đã chọn (ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11) để tổ chức tưởng niệm cho những người đã chết vì TNGT. Một ngày có lẽ không ai muốn có. Và cũng tin chắc rằng chẳng ai muốn cái kết cục như thế với riêng mình hay với những người thân. Song, bi kịch ở chỗ hầu như mọi người đều hình dung được, hiểu được hậu quả của TNGT, nhưng có biết bao người lại chẳng ý thức chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả TNGT. Để rồi, hàng ngày họ vẫn cứ lao ra đường mà chẳng biết các “hung thần”, “tử thần” có gọi tên mình hay không…
TNGT là nỗi đau của mỗi gia đình nạn nhân, là thảm hoạ của toàn xã hội, vì vậy, trước khi một người tham gia giao thông hãy lắng lại một chút thấy được hậu quả… từ đó chấp hành luật giao thông, để giảm thiểu rủi ro. Hãy nghĩ và hành động vì những người đang sống!
Nữ Quỳnh
Chẳng lẽ không thấy đau?
No comments:
Post a Comment