Xoá nghèo, hai từ ấy từ lâu vẫn như một nhân tố “máu thịt”, là giấc mơ đau đáu của người nông dân. Đã bao đời nay, nông dân vẫn là thành phần thiệt thòi nhất, “chậm tiến” nhất. Quanh năm quần quần với ruộng đồng mà chẳng phải nhiều người được sung sướng với thành quả lao động của mình. Tuy thực tế đã có nhiều “lão nông” từ xoá được nghèo tiến tới làm giàu. Song qua nhiều năm rồi, cái giấc mơ “xoá nghèo” vẫn cứ đeo đẳng với đa số nông dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, thì đời sống của nông dân càng thêm ảm đạm, khó càng thêm khó. Không chỉ bị giảm thu nhập, họ còn luôn trong tư thếđối mặt với những tác động “bất khả kháng” từ thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, mất giá…
Thực tế, Đảng và Nhà nước đã rất cố gắng, tạo dựng các cơ chế thuận lợi, triển khai những chính sách hỗ trợ với mong muốn làm cho khu vực nông thôn, nông dân có đời sống khấm khá hơn, ổn định hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những chính sách ấy. Nó được xem như một hướng rộng mở, một mô hình nhanh nhất trong bối cảnh hiện nay giúp thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhưng trong nỗ lực ấy, đâu đó vẫn còn vấp phải những “hòn đá” lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xoá bỏ chữ “nghèo” của người nông dân. Điển hình như chuyện (không mới) vừa được báo chí phản ánh. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo được xác định là tiêu chí quan trọng vì chỉ có thoát nghèo thì mới có thể coi bộ mặt nông thôn được thay đổi. Tuy nhiên, khi mục đích cao đẹp ấy trở thành tiêu chí phải phấn đấu thì lại xuất hiện những tư duy, cách nghĩ, cách làm ở nhiều địa phương khiến chúng ta phải băn khoăn. Đó là thực trạng một số hộnghèo đã buộc phải thoát nghèo bị động, “thoát nghèo trên giấy” để địa phương “đạt tiêu chí nông thôn mới”. Nói cách khác đây vẫn là hệ quả của “căn bệnh” mãn tính: Bệnh thành tích.
Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp thực hiện tại 12 tỉnh thành cho thấy, tuy thu nhập của bình quân của nông dân tăng từ 2,5 triệu đồng/năm 2008 lên hơn 12 triệu đồng/năm 2012. Song tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo còn tăng. Trong lúc chúng ta có khá nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho nông dân, nhưng thực tế sốngười được tiếp cận sự hỗ trợ này lại quá ít. Kết quả điều tra nói trên cũng đưa ra con số hơn 50% số hộ được điều tra phải vay nợ, mà chủ yếu là vay tư nhân, còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng hơn 13%. Khó càng thêm khó, nên tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm, kiếm kế sinh nhai đang ngày càng tăng kéo theo biết bao hệ luỵ.
Có lẽ, để cho bức tranh nông nghiệp nông thôn tươi sáng hơn đúng như mong muốn, trước nhất phải bắt đầu từ chính việc “xoá nghèo” trong tư duy để hành động thật hơn, mang lại kết quả thực chất hơn. Trong một cuộc hội thảo được tổ chức hồi tháng trước tại Hà Nội về vấn đề này, một cán bộ Hội Nông dân một huyện của Hà Nội nêu quan điểm rằng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao để chính sách đến được với nông dân… Quả thật, nếu người làm chính sách hay thực thi chính sách không gần với nông dân, lắng nghe ý kiến của dân, không vì nông dân thì giấc mơ xoá bỏ chữ “nghèo” sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực; các mô hình, chính sách sẽ chỉ thành công trong báo cáo của một ai đó…
Nữ Quỳnh
Xoá nghèo… tư duy
No comments:
Post a Comment