Thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam – 2013 đã thừa nhận tung tin tân hoa hậu mua giải 1,5 tỉ đồng và quan hệ với con trai Phó ban tổ chức giải. Thế là nghi ngờ được sáng tỏ, nhưng cũng từ câu chuyện này cần nhìn lại trách nhiệm thông tin.
Báo chí biến lời đồn thành tin để câu khách, sau đó đưa tin đã có người thừa nhận tung tin. Báo chí coi như mình chỉ là người đưa tin và vô can trong chuyện này. Tuy nhiên, chuyện này không thể vô can. Người làm báo có trách nhiệm thẩm định nguồn tin, thông tin, ít nhất trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là một cô sinh viên lấy đâu ra 1,5 tỉ đồng để mua danh hiệu? Liệu có phải tin đồn này là do thói ghen ăn tức ở của những người cùng dự thi mà ra. Nếu có đơn tố cáo, có người chứng, có chứng cứ thì lại là chuyện khác.
Những gì đã xảy ra cho thấy, mới chỉ “nghi án” thôi, thế mà nạn nhân là có thiệt. Trước hết là tân hoa hậu xứ Thanh phải chịu tiếng mang lời, phải chống chọi với dư luận, phải đấu tranh với bản thân để vượt qua về sự tổn thương tinh thần trong lúc này. Cuộc sống đáng ghét ở chỗ là lòng tốt thường ít hơn cái xấu. Nghe tin một hoa hậu mua danh hiệu người ta sung sướng hơn, tò mò hơn, thích thú hơn là nghe tin một hoa hậu đoạt danh hiệu bằng tài năng. Cho dù những thông tin mua danh hiệu không thuyết phục, nhưng đáng tiếc là người ta cố thuyết phục nhau và tự thuyết phục mình tin vào điều ấy, chỉ với mục đích thoả mãn cái tâm lý thích nhìn người khác thất bại và đau khổ.
Một nạn nhân khác là cậu bé 15 tuổi – con trai của bà phó trưởng ban tổ chức. Cậu bé bị một cú sốc khủng khiếp khi báo chí đưa tin về ”nghi án giường chiếu” của cậu với tân hoa hậu. Cậu có thể giải thích với gia đình, người thân, bạn bè, thậm chí không cần giải thích thì họ cũng hiểu, nhưng với bản lĩnh của cậu bé 15 tuổi, làm sao không hoảng sợ khi bị một trận cuồng phong dư luận phủ xuống đầu. Cho dù cậu đã được giải oan, nhưng sự độc ác của lời đồn sẽ là nỗi ám ảnh trong tâm hồn của cậu.
Đã từng có nhiều tin đồn làm sụp đổ một con người, một gia đình hoặc phá sản một doanh nghiệp. Mới năm trước, chỉ vì một tin đồn người phụ nữ chủ tiệm thuốc tây có quan hệ luyến ái với một học sinh ở Quảng Ngãi, gia đình người phụ nữ này chịu đựng không nổi vì dư luận tại địa phương, vì tiếng xì xào của người qua lại. Gia đình, con cái, dòng họ đều bị hành hạ theo, cuối cùng, cơ quan điều tra xác minh là tin bịa đặt. Dù chuyện đã minh bạch, nhưng cái án mà dư luận đổ xuống đầu người phụ nữ này còn hơn cả án tử.
Lời đồn, hoang tin là bình thường trong xã hội, nhưng cái chết người là khi tin đồn đó có sự trợ giúp của báo chí.
Tin đồn và sự trợ giúp của báo chí
No comments:
Post a Comment