Vài ngày trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, trong các cuộc được tiếp xúc với đại biểu, rất nhiều cử tri ở TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng về dự án sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây mới sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Hầu hết cử tri đề nghị hủy ngay dự án sân golf và dừng xây dựng sân bay Long Thành cho đến khi có nhu cầu.
Trên thực tế thì việc có cái nhìn xa về quy hoạch hạ tầng cũng là điều cần thiết. Đối với sân bay Long Thành cũng vậy, có thể hầu hết cử tri đều không có điều kiện hoặc không có đủ thông tin tài liệu về các ý tưởng, đồ án của các nhà hoạch định chính sách nên chưa có những đánh giá trúng nhất. Tuy nhiên, việc tuyệt đại đa số cử tri đều không ủng hộ một dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược, hẳn cũng có những lý lẽ riêng mà các nhà quản lý nên xem xét, tiếp thu. Một trong những luận điểm của cử tri đưa ra là sự “cần thiết hay chưa” của sân bay này trong khi mức đầu tư vào nó quá lớn? Một công trình dự kiến phải đầu tư hàng chục tỉ đô la, song đến thời điểm này các thông tin về dự án, cũng như hiệu quả đầu tư vẫn chưa được rõ ràng, chưa thuyết phục được người dân. Bỏ ra hàng chục tỉ đô la lấy từ tiền đóng thuế của dân để đầu tư vào một công trình mà các tính toán về hiệu quả chưa được làm rõ thì hẳn là dân chưa “thông” cũng thật dễ hiểu. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới nói chung đang nhiều khó khăn, chưa nhìn thấy lối thoát như hiện nay. Thêm nữa là tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả gây lãng phí phổ biến thời gian qua càng khiến cho người dân thêm thận trọng. Mà hẳn đây là sự thận trọng không thừa. Trong khi đó, những thắc mắc liên quan đến dự án mà cử tri nêu ra như: Vì sao phải xây sân bay mới khi mà cả nước đang có tới hơn 50 sân bay, nhiều sân bay trong số ấy chưa khai thác hết công suất; vì sao phải có sân bay Long Thành trong khi đã có Tân Sơn Nhất… thì chưa được trả lời tới nơi tới chốn.
Tương tự như vậy, Rất nhiều cử tri bức xúc khi 157ha đất ở sân bay Tân Sơn Nhất bị cho thuê làm sân golf trong khi Bộ Giao thông vận tải lại kêu thiếu đất để mở rộng sân bay này. Chưa kể đến các vấn đề về môi trường, các hệ luỵ với hạ tầng đô thị, thì việc xây dựng một sân chơi gofl trong khu vực sân bay vốn là đất quốc phòng thì vấn đề an ninh, an toàn sẽ được đặt ra như thế nào đến lúc này vẫn chưa được các nhà hoạch định nêu rõ.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT khẳng định sân bay Long Thành là lựa chọn hiệu quả nhất để hỗ trợ, thay thế sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải. Có thể những luận giải của bộ là đúng, không chỉ với hàng không mà ở mọi lĩnh vực cũng đều cần thiết phải có những quy hoạch mang tầm nhìn xa. Chúng ta đã từng có những ví dụ đáng để học hỏi từ nhiều năm trước, đó là dự án cầu Thăng Long cho Hà Nội và dự án đường dây 500kv bắc nam. Thời điểm các công trình này được triển khai cũng đã có không ít những ý kiến phản đối. Nhưng đến bây giờ thì chắc mọi người đã thấy rõ được hiệu quả của nó. Chính vì thế, việc xây dựng sân bay Long Thành có thể là yêu cầu bức thiết, vì nhu cầu thực sự. Vậy nhưng, như đã nói ở trên, trước khi triển khai một dự án lớn, có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh mà đa số ý kiến cử tri, dư luận chưa đồng thuận thì các nhà hoạch định cũng nên nhìn nhận lại sao cho thấu đáo. Cũng như vài năm trước, khi Chính phủ lập dự án làm mới đường sắt bắc nam, đã có những phản biện khá mạnh từ cử tri, và kết quả là dự án được thống nhất chưa triển khai, để chờ đến một thời điểm phù hợp. Giờ đây với sân bay Long Thành cũng vậy. Bình tĩnh lắng nghe ý kiến của cử tri và cùng bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định là điều nên làm. Đạt được một sự đồng thuận trong dân cũng chính là một phần thành công, hiệu quả của dự án.
Tuấn Kiệt
Hãy lắng nghe ý kiến cử tri!
No comments:
Post a Comment