Đây là những con số đáng suy nghĩ. Thực tế, dường như việc thu phí, lệ phí đang bị lạm dụng, diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống. Cần tiền là người ta lập kế hoạch thu phí. Và gần đây dư luận cũng đã bàn luận nhiều về tình trạng “phí chồng phí”. Có những loại phí còn thống kê được, nhưng cũng có những loại phí không tên, cá biệt song người dân vẫn phải đóng định kỳ, hoặc có những loại phí mà mới chỉ nghe qua đã thấy không hợp lý. Ví như việc quy định phí ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long trong khi mua tour du lịch thì hiển nhiên hành khách phải có quyền được “ngủ, nghỉ”. Thế nhưng đến Hạ Long thì du khách sẽ phải đóng thêm cho một đêm ngủ nghỉ là 200.000 đồng. Hay như mới đây, những nhà quản lý ngành điện đã đưa vào dự thảo Luật Điện lực một loại phí “lạ” là phí điều tiết hoạt động điện lực. Dự thảo này ngay lập tức đã bị Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường phản đối vì cho rằng, điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước, phải được ngân sách nhà nước bảo đảm, không thể thu thêm phí mới.
Hai năm trước, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã thống kê trên cả nước có tổng cộng 340 loại phí, lệ phí, nên đã có kiến nghị phải nghiên cứu bãi bỏ một số loại phí, lệ phí không phù hợp. Vậy nhưng đến nay, danh sách các loại phí không giảm mà đang có chiều hướng tăng mạnh. Việc phải đóng nhiều loại phí sẽ khiến tăng chi phí sản xuất đối với doanh nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh. Lạm dụng thu phí cũng sẽ làm tăng các chi phí xã hội, gây tâm lý không tốt trong nhân dân. Điển hình như nông dân vốn rất khó khăn về nâng cao thu nhập nhưng phải gánh tới 131 loại phí thì quả là bất thường. Thực tế đã có những phản ánh bức xúc về việc một số địa phương thu các khoản phí xây dựng nông thôn mới như phí làm đường, phí xây dựng nhà văn hóa, phí đồng ruộng… lên đến cả triệu đồng, vượt quá xa so với túi tiền còm cõi của nông dân.
Đóng phí là trách nhiệm của người dân với Nhà nước khi họ sử dụng dịch vụ, sản phẩm do Nhà nước đầu tư. Nhưng, thu phí tùy tiện sẽ dẫn đến những tiêu cực, trục lợi. Và quan trọng hơn là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tùy tiện đặt ra các khoản phí, lệ phí sẽ tạo gánh nặng lên người dân. Chính vì thế Nhà nước cần có một chính sách phí, thuế khoan sức dân thay vì thu ở mức cao hoặc áp dụng nhiều khoản thu. Nhà nước cũng nên rà soát, xem lại mức chi tiêu, cách sử dụng các khoản phí, lệ phí thu từ dân, nếu thấy bất hợp lý thì bỏ, hoặc giảm bớt thu. Phải lấy mục tiêu khoan sức dân làm đầu mới là kế sách lâu bền.
Giảm phí để khoan sức dân
No comments:
Post a Comment