Lâu nay, trong khi nhiều người than vãn khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì vẫn có những đối tượng vay tiền thật đơn giản. Vay dễ cũng bởi nhiều lẽ, từ việc có “quan hệ” tốt, đến chuyện xyz nào đó. Nhưng có khi ngân hàng cũng ở vào cảnh “cực chẳng đã” phải bơm vốn cứu doanh nghiệp, xem đó như là tự cứu mình. Cái sảy nảy cái ung. Khi khoản vay “khủng” doanh nghiệp còn chưa trả được thì ngân hàng lại phải “dễ dãi” cho vay thêm để tránh chuyện “trạng chết chúa cũng băng hà”.
Dân gian vẫn có câu “thả gà ra đuổi”, nói về việc tự làm khó mình. Tình cảnh cùng lúc nhiều ngân hàng đến chầu chực một món tài sản thế chấp chính là hệ lụy từ sự dễ dãi trong quy trình thẩm định cho vay vốn. Thực tế đã có chuyện “con nợ” sau vài ngày vắng nhà trở về bỗng dưng thấy tài sản của mình mất tích nên báo công an, khi ấy mới té ngửa là ngân hàng đến lập biên bản thu hồi. Rồi cũng đã xảy ra chuyện ngân hàng nọ ở Hải Phòng khi siết nợ mới ngỡ ngàng biết tài sản thế chấp của “con nợ” chính là một khu đất xây lăng mộ.
Quả thật, nếu ngân hàng chặt chẽ trong thẩm định, xét duyệt hồ sơ thì chuyện cũng chẳng đến mức bi hài như vậy. Thế nhưng trong cuộc chạy đua tìm khách hàng như thời gian vừa qua thì việc nhiều hồ sơ vay dễ dàng được chấp nhận là điều dễ hiểu. Và cái cảnh nhiều ngân hàng phải cử người mắc võng, dựng lều chầu chực vừa để đòi nợ, cũng là canh chừng các ngân hàng khác hớt mất những tài sản thế chấp còn sót lại, đã trở nên phổ biến. Trong sự việc vừa xảy ra ở Bình Dương nói trên, có tới 7 ngân hàng lớn không hiểu sao đã cùng chấp nhận một món tài sản thế chấp là những lô cà phê, để rồi kết cục là khi tổng số nợ của doanh nghiệp lên tới 600 tỷ đồng, trong khi tài sản có thể thanh lý chỉ đáng giá cỡ 100 tỷ đồng…
Một ví dụ rất dễ thấy khác chính là việc phát hành thẻ tín dụng hiện nay của các ngân hàng. Chắc chắn, có rất nhiều cán bộ, viên chức ở các thành phố lớn đã không dưới một lần bỗng dưng nhận được cuộc gọi của nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng dư nợ, và nhiều người trong số ấy đã có hơn một chiếc thẻ như vậy. Tiêu thì phải trả, ấy là cái lẽ thường tình. Nhưng tiền ứng cho khách hàng tiêu rồi ngân hàng phải mướt mải thu nợ cũng đang là chuyện đáng cảnh báo. Ẩn họa nợ xấu từ thẻ tín dụng chắc chắn không hề nhỏ khi mà số thẻ dư nợ đã phát hành chỉ riêng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới vài chục triệu thẻ. Mỗi thẻ có thể được tiêu trước (ngân hàng tạm ứng) đến vài ba chục triệu đồng mỗi tháng, thì tổng số tiền nợ cũng là con số đáng giật mình.
Trong hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động của ngân hàng nói riêng, rủi ro là điều có thể xảy ra và có thể chấp nhận. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu của ngân hàng ngày càng nhiều là điều không bình thường. Khả năng mất vốn không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích riêng của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Rõ ràng, chuyện nhiều ngân hàng phải mắc võng canh “con nợ” đang là điều đáng phải cảnh báo…!
Sự ”dễ dãi” đáng cảnh báo!
No comments:
Post a Comment