Người dân mong được no đủ hơn trong đời sống vật chất, còn công dân cần thụ hưởng nhiều sự thật hơn (dĩ nhiên sự thật ở đây đã được thẩm định, chắt lọc, có ích cho dân, cho nước, không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc) hơn trong đời sống tinh thần. Đó là điều mà xã hội nào cũng phải quyết tâm hành động, nỗ lực hướng tới để đạt được hai mục đích đó.
Ai có trách nhiệm cung cấp sự thật cho dân chúng? Đó là những người cầm bút, là nhà báo. Các “nhà cung cấp” hiểu rất rõ một điều, đói khát sự thật là sự đói khát kinh khủng nhất. Cho nên, trách nhiệm cầm bút không chỉ đơn giản là viết cho xong một dòng tin, một bài báo, mà những thông tin đó có chính xác, có chứa đựng sự thật ở bên trong.
Có không ít bài báo đã không chứa đựng sự thật, do nhà báo không kiểm chứng thông tin, sai sót về nghề nghiệp. Nhưng điều đáng sợ hơn, vì động cơ cá nhân, vì làm bồi bút cho ai đó, người viết hướng ngòi bút về phía dối trá. Cung cấp thông tin dối trá cho bạn đọc cũng giống như cung cấp thực phẩm có chất độc ra thị trường. Một bên gây hại sức khỏe cho con người, một bên đầu độc đời sống tinh thần và nhận thức của con người.
Tuy nhiên, thời đại ngày nay khó có chỗ cho sự đầu độc đó tồn tại. Bạn đọc có rất nhiều kênh để kiểm chứng thông tin từ báo chí. Không dễ gì qua mắt được bạn đọc bằng những trò dối trá hay áp đặt.
Báo chí cổ điển cũng lấy sự thật làm tiêu chí số 1, báo chí hiện đại càng phải đặt sự thật lên làm tiêu chuẩn số 1. Đôi khi, trong hoàn cảnh nào đó, chính con người thời hiện đại càng đói khát sự thật hơn. Cho nên, người cầm bút có trách nhiệm và lương tri phải tìm sự thật để cung cấp cho cộng đồng, xã hội. Nếu như chưa nói được sự thật thì thái độ hèn nhất cũng chỉ nên là im lặng. A dua theo sự dối trá là phản bội bạn đọc yêu quý của mình. Phản bội bạn đọc là phản bội nhân dân.
Thanh Phong (Báo Lao Động)
Ngòi bút hướng về phía sự thật
No comments:
Post a Comment