Giải do nhà báo Joseph Pulitzer sáng lập nên lấy tên của ông, rất có giá trị về cả tinh thần lẫn vật chất được trao vào tháng 4 hàng năm tại Mỹ. Giải Pulitzer báo chí lần thứ 96 năm 2012 được trao cho hàng loạt bài phóng sự điều tra và ảnh em bé Afghanistan trong chiến tranh rất đặc tả. Trong số những giải từ trước tới nay, có 2 giải ảnh báo chí liên quan tới Việt Nam. Tác giả đoạt giải Pulitzer thường là những người thực sự có tài năng.
● Ảnh em bé Afghanistan đoạt giải năm 2012:
Tác giả của bức ảnh đoạt giải thưởng Ảnh tin tức nóng là Massoud Hossaini -một phóng viên ảnh của hãng thông tấn Pháp AFP. Hossaini đã ghi lại khoảnh khắc bé gái Tarana Akbari đang khóc thét đau đớn khi chứng kiến cảnh tàn khốc sau một vụ đánh bom tự sát (vụ đánh bom đẫm máu nhất ở Kabul năm 2011) tại đền thờ Abul Fazel, thủ đô Kabul ngày 6.12.2011 (ảnh). Ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công diễn ra vào đúng dịp lễ Ashura của người Hồi giáo Shit’te có hàng ngàn tín đồ đến hành lễ.
Nhà báo Hossaini, 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Iran, đã sang Afghanistan từ năm 2006 chụp ảnh và đưa tin về cuộc chiến thảm khốc với phe Taliban ở đấy. Tấm ảnh độc đáo này đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và website trên thế giới. Anh chia sẻ rằng mình rất vinh dự khi được nhận giải thưởng danh giá này và trở thành tiếng nói của dân tộc Afghanistan nhưng không muốn nhìn lại bức ảnh do chính tay mình chụp nữa vì “nó khủng khiếp quá”. Trả lời phỏng vấn của giới báo chí sau khi nhận giải, anh nói rằng anh không dám xem bức ảnh này nữa vì nó khiến trái tim anh đập nhanh hơn và gợi lại những cảm xúc của ngày hôm đó, anh biết bất kỳ ai xem bức ảnh này cũng sẽ nhớ về tác giả nhưng anh hy vọng họ sẽ không quên nỗi đau mà người dân Afghanistan đã phải chịu đựng vì chiến tranh tàn khốc.
Kể lại chuyện tác nghiệp, Hossaini cho biết, khi chứng kiến vụ nổ bất ngờ và nhìn thấy dưới chân la liệt xác người, anh đã rơi vào trạng thái cực sốc đến mức không biết phải phản ứng ra làm sao. Anh kể lại rằng khi anh vừa nhìn vào máy ảnh, thì bỗng nhiên có một tiếng nổ lớn, phải mất một lúc anh không biết phải làm gì, chỉ cảm thấy sức ép của vụ nổ gây đau trong cơ thể, thế là anh sụp xuống nền đất, lúc hoàn hồn trở lại, anh nhìn thấy mọi người chạy từ trong đám khói, anh ngồi xuống và nhìn thấy bàn tay mình chảy máu nhưng không thấy đau, khi làn khói tan đi, anh chợt nhận ra mình đang đứng ở chính giữa một vòng tròn người chết, họ nằm chồng chất lên nhau, anh đứng ngay đúng chỗ kẻ tấn công tự sát đã đứng, rồi bắt đầu chụp.
Cô bé Akbari, 11 tuổi, đến bây giờ em vẫn còn gặp những cơn ác mộng về ngày hôm đó và không còn dám mặc chiếc váy xanh đã ướt đẫm máu sau vụ đánh bom nữa. Giám đốc điều hành AFP Emmanuel Hoog, ca ngợi Hossaini: “Ủy ban Giải thưởng Pulitzer đã vinh danh một trong những nhà báo dũng cảm nhất và xuất sắc của chúng ta – Massoud Hossaini. Ngày nay, trong lĩnh vực tin tức, từ ngữ không đi kèm với hình ảnh là nghèo nàn, còn hình ảnh mà thiếu từ ngữ thì chưa đủ. Hai bộ phận này bổ sung cho nhau và hình ảnh – dù là ảnh động hay tĩnh, chính là điều thiết yếu của báo chí thế kỷ 21″.
● Giải báo chí Pulitzer năm 2012:
Báo chí đoạt 14 giải, được Trường Đại học Columbia công bố ngày 16.4.2012 và đăng tải trên trang mạng của giải, tập trung vào các vấn đề toàn cầu từ loạt bài về các thương binh Mỹ đến phóng sự điều tra về việc cảnh sát New York cài gián điệp vào cộng đồng Hồi giáo địa phương. Tờ The New York Times giành hai giải phóng sự điều tra về cách lách thuế của các tập đoàn lớn và phóng sự quốc tế về nạn đói ở châu Phi. Các tờ báo uy tín, có lượng độc giả đông đảo như Los Angles Times, Wall Street Journal, USA Today và Washington Post không đoạt được giải nào.
2 phóng viên Michael J. Berens và Ken Armstrong của tờ Seattle Times được tôn vinh ở hạng mục phóng sự điều tra với loạt bài chấn động về việc chính quyền sử dụng thuốc giảm đau giá rẻ methadone cho các bệnh nhân được trợ cấp y tế. Tờ báo cho biết methadone, giá rẻ hơn 1 USD so với các loại thông thường, giúp tiết kiệm hàng triệu USD nhưng gây ra cái chết cho 2.173 người từ năm 2003 đến 2011, trong đó phần lớn là người nghèo. HãngAP giành một trong 2 giải phóng sự điều tra với loạt bài tố cáo cảnh sát New York, với sự hỗ trợ của CIA, đã giăng một mạng lưới nghe lén và theo dõi mà không cần bằng chứng, nhằm thu thập thông tin từ cộng đồng Hồi giáo để ngăn chặn các nguy cơ khủng bố kể từ sau vụ 11.9.2001.
Tờ Philadelphia Inquirer giành giải phục vụ cộng đồng cho loạt bài phanh phui nạn bạo lực học đường, góp phần “thúc đẩy cải tổ về an toàn cho học sinh và giáo viên” ở địa phương. Nữ phóng viên trẻ Sara Ganim, 24 tuổi, của tờPatriot-News (bang Pennsylvania) với giải thưởng về bài viết có tính địa phương. Hội đồng chấm giải Pulitzer cho biết “giải thưởng trao cho Ganim và các đồng nghiệp vì sự can đảm và lão luyện trong việc tiết lộ vụ bê bối lạm dụng tình dục chấn động liên quan đến một cựu trợ lý huấn luyện viên bóng đá Jerry Sandusky”.
Về tin có các giải như sau: Giải tin nóng: Báo Tuscaloosa News với bài tường thuật sinh động và kịp thời lốc xoáy chết người ở bang Alabama. Giải Ảnh khắc họa nhân vật thuộc về báo Denver Post với hình ảnh một cựu chiến binh ở Colorado chiến đấu với chứng stress nặng do chấn thương sau hai lần triển khai quân ở Iraq trong 4 năm. Các giải còn lại gồm: Eli Sanders (tuần báo Stranger) đoạt giải về thể loại chuyên đề với bài viết về một phụ nữ 38 tuổi đã đưa kẻ giết chồng cô vào tù; báo Chicago Tribune đoạt giải Bình luận với bài của Mary Schmich; báoBoston Globe đoạt giải Phê bình với bài của Wesley Morris.
Giải Pulitzer năm nay cũng cho thấy sự phát triển mạnh của báo điện tử so với các tờ báo giấy truyền thống. Phóng viên David Wood của tờ Huffington Post (mới được thành lập năm 2005), đánh bại 2 ứng viên của AP vàWall Street Journal ở hạng mục phóng sự quốc gia, với bài viết về những khó khăn tâm lý và tình cảm của các thương binh trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan. Nhà báo Matt Wuerker của tờ Politico giành giải ở hạng mục biếm họa nhờ những bức tranh vui nhộn, đặc biệt là bức châm biếm mô tả sự chia rẽ sâu sắc của hai đảngDân chủ và Cộng hòa dẫn đến sự bế tắc trên chính trường Mỹ năm 2011…
Năm nay, giải cũng lần lượt được vinh danh ở nhiều hạng mục khác như giải tin tức quốc tế, tin tức quốc gia, tranh biếm họa, giải thưởng vì công chúng, tin nóng…
Sự ra đời của giải Pulitzer
Joseph Pulitzer (ảnh) sinh ngày 10.4.1847 tại Mako, Hungary, bố là một người Do Thái và mẹ người Đức. Cả gia đình chuyển đến Mỹ năm1864, sống tại New York, vì thế nên ông là công dân Mỹ gốc Hungary. Đến năm 1868, Pulitzer trở thành phóng viên chuyên nghiệp và là chủ bút báo New York World. Trước đây, Pulitzer vốn đã đề nghị giải này trong di chúc của mình được viết vào năm 1904 nhằm vinh danh những nhà văn nhà báo có tài năng (tương tự như giải Nobel).
Khi đó ông có đề ra 13 giải: 4 cho báo chí, 4 văn học, 4 sân khấu và một cho giáo dục. Nhạy cảm với sự thay đổi, Pulitzer có lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Bắt đầu từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng Trường Đại học Columbia. Người hay nhóm người đoạt giải sẽ được thưởng một Huy chương (ảnh) kèm theo một phong bì khoảng 10.000 USD. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc. Pulitzer là giải thưởng uy tín của Mỹ. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.
TƯỜNG QUYÊN (nguồn: Người làm báo)
Giải thưởng báo chí quốc tế Pulitzer 2012
No comments:
Post a Comment